July 3rd 2020 – Hiệu đính Jul 3rd 2022
“We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness.”
Những dòng chữ này đã được đánh giá là thuộc số những câu văn nổi tiếng nhất trong Anh ngữ. Những ngôn từ này chính là đoạn thứ hai trong bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ, có tổng cộng khoảng hơn 1,300 từ.
Nói đến tuyên ngôn độc lập, người Việt chúng ta thường liên tưởng tới tuyên ngôn của một lãnh tụ cách mạng, một đảng phái chính trị chống lại bạo quyền, vứt bỏ ách thống trị. Nhưng trong trường hợp của nước Mỹ, hoàn toàn không như thế.
Năm 1969, khi thảo cuốn The Creation of the American Republic 1776-1787, Gordon S. Wood đã thẳng thắn viết ngay ở trang đầu tiên của chương đầu tiên rằng:
“The Americans were not an oppressed people; they had no crushing imperial shackles to throw off.” (Người dân ở thuộc địa Mỹ không phải là giống dân bị đàn áp; họ cũng chẳng có những xích xiềng của hoàng gia Anh phải phá bỏ.)
Xem lại cơ cấu chính quyền tại 13 thuộc địa của Anh thời trước khi độc lập chúng ta (có thể) phải hoàn toàn đồng ý với nhận xét có vẻ hết sức kỳ lạ vừa nêu. Cho tới những ngày chuẩn bị diễn ra Cách Mạng 1776, Anh quốc có tất cả 13 thuộc địa tại Bắc Mỹ, trong đó 08 thuộc địa thuộc sở hữu Hoàng Gia, còn lại 05 thuộc sở hữu tư nhân. Nhưng dù là thuộc Hoàng Gia hay tư nhân, các thuộc địa đều có một cấu trúc chính trị tự quản riêng. Cấu trúc này thường gồm hai nhánh gọi là: Council và Assembly. Trong đó Council giữ chức năng kép, một cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp tương tự như nhánh House of Lords – thượng viện của nghị viện Anh Quốc. Assembly là cơ quan lập pháp tương tự như House of Commons – hạ viện Anh Quốc.
Ðiều đặc biệt, Assembly bao gồm các thành viên do chính dân tại thuộc địa bầu ra thường kỳ. Còn người đứng đầu Council, tức Governor, do Hoàng Gia hoặc chủ thuộc địa tư nhân bổ nhiệm; sau đó Governor sẽ tự bổ nhiệm các thành viên của Council. Tuy nhiên có những ngoại lệ rất phóng khoáng: Các thành viên của Council ở Massachusetts (thuộc địa Hoàng Gia) lại do Assembly – tức các đại diện của dân, bầu ra. Ở Connecticut (thuộc địa tư nhân) thì tất cả các thẩm quyền cao nhất – Governor, trợ lý, đại diện lập pháp đều do cử tri lựa chọn qua lá phiếu. Ở Rhode-Island (thuộc địa tư nhân) dân chúng cũng có quyền bầu ra Governor. Trong khi đó chính quyền thuộc địa ở Pennsylvania (tư nhân) và Delaware (tư nhân) chỉ có một cơ quan duy nhất do dân chúng bầu ra.
Cũng cần thêm một ngoặc đơn: Quyền bầu cử khi đó chỉ dành cho đàn ông da trắng hội đủ một số điều kiện nhất định về tài sản; nhưng những điều kiện này là thực sự bình đẳng và tự do cho tất cả, tuyệt đối không phải là những điều kiện công bố lấy lệ.
Các thẩm quyền của Assembly (cơ quan đại diện của dân) – có được ngay từ đầu hoặc đạt được qua thời gian, nói chung khá rộng. Cơ quan này có thể ra các luật liên quan tới toàn thuộc địa hoặc chỉ liên đới tới địa phương. Assembly cũng có thể đưa ra các sắc thuế để trợ giúp cho chính quyền thuộc địa. Nó có thể phân bổ ngân sách cho các mục tiêu công, kể cả lương bổng của Governor và các chức vụ khác. Nói một cách rộng rãi thì cơ quan lập pháp chỉ bị hạn chế bởi nguyên tắc là không được làm gì ngược với luật Anh quốc hoặc trái với các điều khoản trong hiến chương dành cho thuộc địa. Ngoài điều đó ra, Assembly được gần như tự do ra luật về mọi vấn đề liên quan tới cuộc sống, tự do, tài sản… dù vẫn có thể bị phủ quyết bởi Governor hoặc Hoàng Gia. Nhưng sự phủ quyết, xét về mặt học thuật chính trị không chỉ giữ chức năng đối trọng cần thiết trong quyền lực mà nếu xảy ra sẽ luôn dẫn đến những cuộc tranh luận, đấu tranh công khai giằng co giữa hai bên. Ðôi khi phần thắng lại thuộc về phía dân chúng, như vụ xung đột giữa Governor William Cosby với giới báo chí tại thuộc địa New York của Hoàng Gia vào thập niên 1730.
Nếu so với những gì đang diễn ra ở Việt Nam hay Trung Quốc ngày nay, chúng ta sẽ thấy Tuyên Ngôn Ðộc Lập và Cách Mạng Mỹ còn kỳ lạ hơn nữa.
Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của nước Mỹ cũng thường được gắn với tên tuổi một cá nhân là Thomas Jefferson. Ðiều này hoàn toàn xứng đáng, nhưng sự thực bản văn chính thức như chúng ta được biết ngày hôm nay là kết quả của một tập thể trải qua những thủ tục không đơn giản.
Tiểu Ban Tuyên Ngôn Độc Lập. Từ trái-phải: Jefferson, Adams, Franklin, Livingston, Sherman. Nguồn: Library of Congress, Washington D.C.
Sau những căng thẳng không suy giảm giữa 13 thuộc địa và Hoàng Gia Anh, đặc biệt sau trận giao tranh quyết liệt tại Lexington và Concord, các Assembly lại bầu ra một số đại biểu cho thuộc địa của mình để tham gia vào Continental Congress II (Nghị Hội Lục Ðịa – đây là thực thể chính trị có tính chất như chính quyền chung cho 13 thuộc địa, đã được triệu tập lần I vào tháng Chín 1774) cùng bàn bạc chính sự để tìm ra giải pháp chung. Cuộc triệu tập lần này cũng diễn ra tại Philadelphia, bắt đầu vào ngày 10 tháng Năm 1775, và kéo dài nhiều năm. Ngày 07 tháng Sáu 1776, Richard Henry Lee, đại diện của Virginia, đã trình một nghị quyết nổi tiếng (Lee Resolution) cho Nghị Hội về ý tưởng xác quyết độc lập cho cả 13 thuộc địa. Trong khi bàn thảo về Lee Resolution, Nghị Hội Lục Ðịa đã lập ra ba tiểu ban, trong đó có một tiểu ban đặc trách soạn lời cho văn bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập.
Tiểu ban tuyên ngôn này gồm: Thomas Jefferson (Virginia), John Adams (Massachusetts), Benjamin Franklin (Pennsylvania), Roger Sherman (Connecticut) và Robert R. Livingston (New York). Ban đầu Thomas Jefferson là người đề xuất John Adams sẽ chấp bút cho cả nhóm; nhưng cuối cùng Thomas Jefferson lại được chính John Adams và những người còn lại giao trọng trách khởi thảo Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Khi thảo xong, Jefferson đã thỉnh ý Adams và Franklin trước khi đưa ra cho tiểu ban phê duyệt. Sau đó tiểu ban đã đệ trình lên Nghị Hội Lục Ðịa vào ngày 28 tháng Sáu 1776. Ngày 02 tháng Bảy 1776 Nghị Hội Lục Ðịa chuẩn thuận Lee Resolution, tức 13 thuộc địa đồng ý độc lập.
Chỉ sau khi Lee Resolution được thông qua, Nghị Hội Lục Ðịa mới bắt tay vào việc xem xét dự thảo Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Sau ba ngày bàn thảo và cho sửa chữa (gồm cả cắt bỏ) bản dự thảo, Nghị Hội Lục Ðịa thông qua bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập vào ngày 04 tháng Bảy 1776 và ra lệnh cho xuất bản ngay tức khắc để bố cáo tới khắp các đoàn quân và dân chúng trên toàn lục địa của 13 Tiểu Bang thuộc The United States of America – Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một quốc gia độc lập vừa chính thức ra đời.
Như vậy, tiến trình ra đời bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của nước Mỹ đã theo một tinh thần rất dân chủ sáng suốt, tuân theo đúng trình tự (due process) của nền tảng căn bản tinh thần thượng tôn pháp luật (rule of law).
Bản văn này đã được Britannica đánh giá có tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi nước Mỹ, gây cảm hứng cho nhiều phong trào tiến bộ trên thế giới như các cuộc cách mạng tại Nam Mỹ, thậm chí cả Cách Mạng Pháp. Nhưng Britannica không hề nhắc tới Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hồ Chí Minh, một tuyên ngôn đã thể hiện rõ sự sao chép nhiều ngôn từ và cấu trúc của bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ. Có lẽ Britannica hiểu rằng không thể để độc giả nhầm lẫn giữa những tư tưởng tự do thực sự với một kẻ láu cá lợi dụng Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ hòng thiết lập một chế độ đảng trị chống lại con người.
PHS
(17/06/2020)
Không có nhận xét nào