Minh họa: Luật Khoa.
Đối với một người nghiên cứu và quan sát cả về vấn đề tham nhũng lẫn nhân quyền tại Việt Nam, nửa đầu năm 2022 là một chuyến tàu lượn siêu tốc với nhiều cảm xúc.
Về nhân quyền, chỉ trong thời gian trên đã có 16 người bị bắt liên quan đến những vấn đề như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí hay quyền tự do hoạt động hội nhóm. [1] Cái tên mới nhất là ông Nguyễn Lân Thắng – một blogger có tiếng nói trên mạng xã hội tại Việt Nam. [2]
Con số bị bắt đó tương đương với các năm trước, khi mà cả năm 2021 và 2020 đều có 39 người bị bắt vì những vấn đề nhân quyền. Hiện tượng này có thể gọi là “đàn áp một cách ổn định”. Những con số đáng buồn cho thấy không có tiến triển gì trong việc cải thiện tình hình nhân quyền trong nước.
Tuy nhiên, cũng trong cùng khoảng thời gian đó, chỉ tính riêng số lượng Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh (CDC) bị bắt thôi đã là 14 người (và khả năng sẽ còn tăng cao). [3] Tổng số cán bộ, công chức đang bị xem xét trong vụ Việt Á nói riêng là hơn 70 người, với hàng chục người thuộc nhóm cán bộ cao cấp.
Trong mối tương quan đó, liệu có đúng không khi cho rằng hệ thống công an – an ninh Việt Nam được xây dựng mạnh mẽ chỉ để đàn áp chính trị, vi phạm nhân quyền, khi mà một phần lớn nguồn lực được dành cho những hoạt động hết sức có ý nghĩa như chống tham nhũng, còn những cá nhân bị bắt giữ vì tự do ngôn luận “quá khích” thì chỉ có vài trường hợp lẻ tẻ?
Chưa kể, chúng ta đang so sánh toàn bộ các bản án hình sự có liên quan đến những cáo buộc nhân quyền trong nửa đầu năm 2022 với một sự kiện tham nhũng duy nhất của năm là Việt Á. Các bê bối lớn khác như sai phạm đất đai tại Bình Dương, vấn đề quản trị tại thành phố Hồ Chí Minh đều chưa được xem xét.
Năm 2021 có thể cung cấp số liệu tổng quát hơn cho việc so sánh.
Trong năm đó, các vụ bắt bớ có thể liên quan đến vấn đề nhân quyền là 39 vụ. Các trường hợp bắt giữ, xem xét vì có dính líu đến các tội phạm về tham nhũng và các tội phạm chức vụ là 1.011 cá nhân. [4]
Với các con số chênh lệch giữa chống tham nhũng và đàn áp bất đồng, chúng ta nên nhìn nhận hai vấn đề này như thế nào?
Đàn áp bất đồng chính kiến: Việc “thích” làm
Trước tiên, để hiểu được toàn cảnh môi trường và không gian xã hội dân sự tại Việt Nam, hay tại bất kỳ quốc gia nào khác, không thể chỉ nhìn vào những con số liên quan đến việc bắt giữ hoặc xét xử các nhà bất đồng chính kiến.
Các trường hợp bị chính quyền bắt giữ trong năm 2022 (tính đến thời điểm hiện tại) được The 88 Project xếp vào nhóm liên quan đến các vấn đề nhân quyền. Ảnh chụp màn hình trang web của The 88 Project.
Trong tác phẩm “Weapons of the weak: Every-day forms of peasant resistance” (Vũ khí của những người yếu thế: Các biện pháp đấu tranh của giới nông nô), giáo sư James C. Scott nhận định việc đàn áp chính trị (political repression) của các chính phủ có thể bao hàm hàng loạt các biện pháp, kỹ thuật từ nặng đến nhẹ, từ có chọn lọc đến rộng khắp trên toàn bộ cộng đồng. [5]
Ví dụ, Scott nhắc đến khái niệm “áp lực thường trực” (steady pressure), bao gồm các biện pháp như công an “thăm hỏi” thường xuyên (police visit), quấy rối đời sống riêng tư (harassment), bắt giữ, tạm giam không xét xử. Trong các trường hợp tồi tệ hơn, các kỹ thuật đàn áp như mất tích cưỡng bức, bắt cóc, bỏ tù, tra tấn hay thậm chí giết hại cũng có thể được vận dụng.
Tại Việt Nam, dù đúng là tỉ lệ án hình sự dành cho các vấn đề chính trị và nhân quyền không quá cao, hệ thống “áp lực thường trực” mà giới an ninh Việt Nam có thể tạo ra là khổng lồ, đặc biệt khi các nhóm an ninh địa phương vô cùng đông đảo và vô cùng… rảnh.
Các kỹ thuật đàn áp chính trị rất đa dạng và thông dụng: từ không cho phép tạm trú tại địa phương, tạo áp lực cho các chủ trọ để đuổi người thuê vốn là các nhà hoạt động xã hội, đến gây khó khăn cho việc học hành của con cái các nhà hoạt động, sách nhiễu việc làm của thành viên trong gia đình, thường xuyên triệu tập để tra xét và lấy cung, v.v.
Hệ thống giám sát nhân quyền yếu và mỏng tại Việt Nam không thể ghi nhận và báo cáo đầy đủ các phương thức đàn áp này.
Bản thân những người bị gây áp lực cũng sẽ không nhất thiết lên tiếng về vụ việc, lo ngại leo thang căng thẳng với an ninh, ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của mình.
Vì vậy, những con số về án hình sự liên quan đến hoạt động chính trị và nhân quyền sẽ không bao giờ phản ánh đầy đủ không gian dân sự và các hoạt động chính trị tại một quốc gia.
Ngoài ra, trong nghiên cứu “Conditions Affecting the Use of Political Repression” (Các điều kiện ảnh hưởng đến việc sử dụng đàn áp chính trị), tác giả Conway Henderson chỉ ra rằng tùy vào hoàn cảnh, môi trường và điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, xu hướng áp dụng các kỹ thuật đàn áp chính trị cũng sẽ khác nhau. [6]
Nghiên cứu đưa ra một số giả định, ví dụ như khi một chính quyền đang thụ hưởng một nền kinh tế phát triển và tương đối ổn định, các nhà lãnh đạo sẽ có cảm giác an tâm hơn về các bất đồng.
Nói theo cách của người viết, nhờ vào các thành tựu kinh tế nhất định, giới lãnh đạo thường sẽ tạo ra được một lượng “fan” hùng hậu, bảo vệ họ khỏi những chỉ trích liên quan đến các vấn đề khác. Hệ thống kinh tế phát triển cũng có thể giúp các nhà lãnh đạo tự tin rằng khả năng tập hợp quần chúng của các nhóm đối lập là rất thấp. Nhu cầu đàn áp chính trị do đó mà cũng giảm theo.
Một giả định khác liên quan đến chỉ số khác biệt giàu nghèo trong xã hội: Nếu sự khác biệt giàu nghèo còn ở mức độ thấp, dù chính quyền có toàn trị đi chăng nữa, việc áp dụng các biện pháp đàn áp chính trị dày đặc cũng không cần thiết.
Khi nguồn tài nguyên trong xã hội còn được chia sẻ đồng đều một cách tương đối, mâu thuẫn chính trị cao độ khó có khả năng xảy ra. Điều này cũng giúp các nhà lãnh đạo không cần phải quá thường xuyên áp dụng các công cụ đàn áp.
Áp dụng các giả thuyết này vào tình hình Việt Nam, có thể nói giới lãnh đạo chóp bu tại Việt Nam chưa bao giờ chịu áp lực thật sự để phải áp dụng các biện pháp can thiệp đàn áp chính trị.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục sống tốt nhờ vào làn sóng dịch chuyển sản xuất và đầu tư của các quốc gia đồng văn phát triển trước đó như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chỉ mới vừa thật sự đi vào vòng xoáy phát triển kinh tế chưa đến 20 năm (tính từ khi chính thức gia nhập WTO vào năm 2007), tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam vẫn chưa đến mức cực đoan (dù rõ ràng nó đang có xu hướng đó).
Những lý do trên cho thấy chính quyền Việt Nam không có quá nhiều điều phải lo lắng về các cuộc cách mạng, phong trào nổi dậy hay các thách thức chính trị đáng kể.
Về mặt vật chất, lợi ích của việc tham gia vào các phong trào đòi cải cách chính trị, đòi dân chủ thấp hơn nhiều so với việc lướt sóng và tận dụng các lợi ích thương mại, tài chính đang đổ vào nền kinh tế Việt Nam. Trong môi trường đó, tự thân các phong trào chính trị đối lập sẽ không đủ nhân lực, vật lực và động lực để duy trì, cho dù có được nước ngoài tài trợ đi chăng nữa.
Bất chấp các thực tế đó, chính quyền Việt Nam vẫn xây dựng một hệ thống an ninh dày đặc được chi tiền đến tận răng, [7] luôn ở tình trạng “sẵn sàng tham chiến”, thường xuyên bố ráp và bỏ tù các nhà hoạt động dân sự, các nhà báo độc lập – một lực lượng vốn đã rất mỏng. Nó cho thấy đây là việc mà chính quyền “thích” làm – gần đúng với bản chất của các chính quyền toàn trị.
Dù không phải là việc cần làm, chính quyền Việt Nam cũng đã nhanh chóng chiếm “thành tích cao” trong các bảng xếp hạng liên quan đến đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí và không gian xã hội dân sự nói chung. [8]
Con số các nhà báo, blogger bị bắt giữ và xử lý hình sự tại Việt Nam đang thuộc nhóm đứng đầu thế giới.
Trong năm 2021, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về số lượng các nhà báo bị bắt giữ. Ảnh: Al Jazeera.
Chống tham nhũng: Việc “buộc phải” làm
Khác với đàn áp chính trị – một việc “thích” làm – chống tham nhũng là hoạt động mà chính quyền Việt Nam buộc phải làm để duy trì tính chính danh, hay nói đúng hơn là sự tồn tại của chính bản thân họ.
Đây là điều nhiều nhóm quan sát và các nhóm đối lập tại Việt Nam thường đánh giá thấp – một chính quyền toàn trị không nhất thiết lúc nào cũng chỉ biết “vét đầy túi tham”.
Các thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục là một trong những nhóm hưởng lợi nhiều nhất trong môi trường kinh tế – chính trị hiện nay. Tuy nhiên, với cương lĩnh hoàn thiện, mục tiêu, bộ máy cấu trúc và khả năng thử – sai, tập đoàn chính trị này rõ ràng không chỉ là một tổ chức “ký sinh”.
Năng lực của các chính quyền toàn trị trong việc chống tham nhũng để thích nghi đã được cân nhắc dưới góc độ nghiên cứu khoa học trong tham luận có tên “Taking Authoritarian Anti-Corruption Reform Seriously” (2003) của tác giả Christopher Carothers. [9]
Theo đó, ông đưa ra một giả định khá bất ngờ là các chính quyền toàn trị nhưng chuyên nghiệp, như Trung Quốc, lại là những quốc gia thực hiện chống tham nhũng thường xuyên hơn, và thậm chí hiệu quả hơn.
Tác giả nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử chống tham nhũng của các chính quyền như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Ethiopia và Saudi Arabia. Kết luận được đưa ra là, về mặt kỹ thuật, hiển nhiên các chính quyền toàn trị có phương án chống tham nhũng hoàn toàn khác với các biện pháp được khuyến nghị.
Thay vì tăng cường dân chủ cơ sở, tăng cường pháp quyền, tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát chéo, bảo vệ tự do báo chí và các vấn đề dân sự khác, v.v. họ lại thực hiện các cuộc “phong sát” từ trên xuống. Nếu cần, họ diệt luôn các tổ chức dân chủ, tổ chức phản biện, tổ chức chống tham nhũng nào dám nói quá nhiều.
Nói cách khác, chống tham nhũng tại các quốc gia này không bao giờ đi kèm với dân chủ và giải phóng các nguồn lực xã hội dân sự trong nước.
Nó cũng không giúp các tổ chức tư pháp quốc gia hoàn thiện hay trau dồi năng lực chống tham nhũng.
Tuy nhiên, điều này lại được xem là điểm mạnh của các chính quyền toàn trị.
Trong trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, với việc thiết lập một hệ thống quản chế tham nhũng mạnh mẽ (nhưng không nằm trong mô hình chính quyền chính thức), các cuộc kiểm tra, giám sát, xử lý tham nhũng diễn ra thường hơn, nhanh chóng hơn. Nó cũng sâu sát, nhiều thông tin hơn các phóng sự điều tra đầy nguy hiểm và rủi ro của giới báo chí, hay những cuộc điều tra tốn kém, mất nhiều thời gian của phía cơ quan tư pháp.
Như vậy, chỉ có nội bộ đảng chống tham nhũng, còn cơ quan an ninh thì vẫn lo phần đàn áp chính trị của họ.
Một số quan chức cấp cao của chính quyền bị kỷ luật và xử lý hình sự trong chiến dịch chống tham nhũng thời gian qua. Ảnh: Vietnamnet.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, không phải tự dưng mà các chính quyền toàn trị chuyên nghiệp phải làm điều này.
Trước tiên, như các bài viết trước trong chuyên đề Nghiên cứu tham nhũng của Luật Khoa từng đề cập, tự thân các tập đoàn chính trị này cần thanh lọc bản thân để hoàn thiện và hoạt động hiệu quả hơn, giành nhiều cảm tình của quần chúng hơn và từ đó tăng cường tính chính danh của mình. [10]
Mặc khác, nghiên cứu này chỉ ra một điều thú vị rằng các chiến dịch chống tham nhũng của giới chóp bu chính trị quốc gia vẽ ra một bức tranh tuyên truyền tuyệt mỹ.
Nơi đó, các lãnh đạo đứng đầu quốc gia là những nhân vật “không thể suy thoái” (incorruptible). Họ là những người mà chính sách, tư tưởng và đường lối là hoàn toàn đúng đắn. Vấn đề nằm ở địa phương, những nhóm quyền lực cát cứ, những kẻ “chống triều đình”.
Nói cách khác, mọi thứ mà họ làm đều hoàn hảo, chủ trương của họ không bao giờ sai. Vấn đề nằm ở những người thừa hành cấp dưới.
Qua các chiến dịch chống tham nhũng, các lãnh đạo chính trị trong các thể chế toàn trị được “tẩy trắng”: Họ biến vấn đề mà chính thể của họ tạo ra thành nơi ghi điểm cho chính thể đó.
Như vậy, có thể lý giải rằng chống tham nhũng không đơn thuần tăng khả năng sống sót của các chính quyền toàn trị, nó còn là cơ hội “PR” cho các nhà cầm quyền.
***
Các thông tin trên liên quan đến mối tương quan giữa quá trình chống tham nhũng và đàn áp bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Hiển nhiên, người viết không muốn xem nhẹ thành tựu chống tham nhũng của các tập đoàn chính trị chuyên chế như Đảng Cộng sản Việt Nam hay Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cách mà họ tiếp tục duy trì quyền lực tối thượng của mình, nhưng đồng thời xây dựng một môi trường “chấp nhận được”, mời gọi những quốc gia “cấp tiến” đầu tư phát triển và từ đó hỗ trợ sự tồn tại của họ có thể xem là quá điêu luyện.
Tuy nhiên, nguồn lực an ninh của những quốc gia này vẫn không được dùng để chống tham nhũng. Chống tham nhũng tại thời điểm hiện tại không khác gì quá trình phê bình và tự phê bình trong nội bộ đảng.
Nhu cầu vô cùng khác nhau giữa hai vấn đề cũng cho thấy không thể đưa ra các so sánh đơn giản để làm giảm tính nghiêm trọng trong các vấn đề về nhân quyền và đàn áp chính trị ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào