Một lễ tốt nghiệp cử nhân Phật học tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam ở Hà Nội trông chẳng khác gì một “hội nghị” của chính quyền (phattuvietnam.net)
Trong phiên tòa xử vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, chủ tọa hỏi ông Lê Tùng Vân vì sao không đăng ký gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, ông đã thẳng thắn trả lời: “Tôi không đăng ký gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vì tôi thấy Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không xứng đáng”. Một câu trả lời khẳng khái, mang nhiều ý nghĩa sâu xa…
Trớ trêu thay, trước khi bắt giam những người của Tịnh Thất Bồng Lai, nhiều cơ quan báo chí nhà nước đã vu khống ông Lê Tùng Vân những tội danh tày trời đến mức không thể nào tha thứ được: Loạn luân, giả tu để trục lợi, và cả tội lừa đảo. Dư luận báo chí kết hợp với hội chứng ăn theo của mạng xã hội làm cho dư luận nghĩ Tịnh Thất Bồng Lai là một ổ tội phạm nhơ nhớp cần phải trừng phạt thích đáng để loại trừ khỏi xã hội.
Nhưng phiên tòa vừa qua lại chứng minh rằng, Tịnh Thất Bồng Lai đã bị vu oan thậm tệ. Lẽ ra, nếu luật pháp công bằng thì đây phải là một phiên tòa xử tội vu khống, xúc phạm đến Tịnh Thất Bồng Lai để minh oan cho ông Lê Tùng Vân và các đệ tử của ông thì người ta lại lái sang một tội danh khác một cách mù mờ không minh bạch.
Trong phát biểu sau cùng tại phiên tòa, ông Lê Tùng Vân nói: “Tôi không xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cũng không xúc phạm Công an huyện Đức Hòa, ngược lại tôi và một số người ở Thiền Am là nạn nhân bị làm nhục và bị vu khống trong thời gian dài, rất thậm tệ. Ai tố cáo tôi xúc phạm họ thì cần có mặt tại tòa án, đứng lên đối chất, nói rõ, đừng lừa dối tòa án!” Đây là một phiên tòa trơ trẽn. Nó bộc lộ sự bỉ ổi của nền tư pháp Việt Nam cộng sản và nó chứng minh được nhân cách của ông Lê Tùng Vân, một thầy tu chân chính.
Trở lại câu nói của ông Lê Tùng Vân: “Tôi không đăng ký gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vì tôi thấy Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không xứng đáng”.
“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không xứng đáng”, một câu nói đầy cương trực và rất thật. Chúng ta thử nhìn lại, thử tìm lại trên Google xem những năm gần đây có bao nhiêu nhà sư bị khởi tố, bắt giam, bị kỷ luật vì phạm pháp và làm những điều nhuốt nhơ, tai tiếng? Hầu hết họ là những vị sư trụ trì của các chùa trong hệ thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – được hiểu là “giáo hội cộng sản” – thành lập ngày 29 Tháng Mười Hai 1981 theo quyết định số 83/TB của Hội đồng Bộ trưởng, tức chính phủ Việt Nam, và dĩ nhiên, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hoạt động dưới sự quản lý của Ban Tôn giáo Chính phủ cộng sản Việt Nam. Đó là giáo hội quốc doanh, với hệ thống chùa quốc doanh và lực lượng sư quốc doanh.
Cần nhắc lại, thời chiến tranh Việt Nam, Việt cộng ở miền Nam luôn chọn chùa chiền là nơi ẩn nấp, để có thể hoạt động an toàn. Những tay Việt cộng nằm vùng cộm cán, những nhóm khủng bố nửa đêm đi cắt cổ “bọn chính quyền ngụy hung ác” thường núp bóng những thầy tu.
Giết người mà mặc áo cà sa
Miệng thì mô phật, bụng là dao găm.
Sau năm 1975, họ “suy bụng ta ra bụng người”, sợ rằng rồi Phật giáo lại chống đối họ theo cách như Phật giáo từng chống đối chính quyền chế độ cũ. Từ đó, quyết định số 83/BT ra đời, nhằm quản lý và kiểm soát Phật Giáo một cách toàn diện. Nham hiểm hơn, cộng sản nắm trong tay hệ thống học viện của Giáo Hội để từ đó họ đào tạo nhân viên an ninh thành những sư trụ trì ở các chùa.
Nội dung toàn văn Quyết định 83-BT cho phép thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Không phải tự nhiên mà Cửa Phật ngày càng nhan nhản những nhân vật cạo đầu khoác áo nhà tu nhưng chỉ là những kẻ phàm phu tục tử, những tay ăn chơi nổi tiếng lên mạng khoe điện thoại đời mới, khi phát ngôn thì bừa bãi, khi niệm Phật thì uống bia, khi cầu siêu cho đám tang thì ngửa tay đòi tiền… Chiến lược và chính sách phá hoại tôn giáo được “phát huy” đến tối đa. Tất cả đều có kịch bản, được dàn dựng thiết kế kỹ lưỡng từ Ban Tôn giáo Chính phủ, có đạo diễn; và cuối cùng, một số “thầy chùa” đơn giản chỉ là diễn viên được nhắc tuồng từ những “đồng chí” nấp sau cánh gà.
Cũng cần nhắc lại, năm 1981, khi chính quyền cộng sản thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, một số lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được “vận động” gia nhập tổ chức mới thì được yên ổn và được bổ nhiệm chức sắc, những người từ chối gia nhập thì bị trù dập. Một tài liệu từ Thư Viện Hoa Sen cho biết:
“Một số thành viên khác của Giáo hội Thống nhất không chấp nhận tổ chức GHPGVN và bị chính phủ ép giải tán nhưng không qua văn bản chính thức của chính phủ. Ngày 24 tháng 2 năm 1982, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định trục xuất hai Hoà thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ về quản chế tại quê quán Quảng Ngãi và Thái Bình, không qua sự xét xử của toà án. Ngày 7-7 cùng năm, chùa Ấn Quang là trụ sở của GHPGVNTN bị cưỡng chiếm. Toàn bộ tư liệu, hồ sơ của Viện Hoá Đạo bị đốt sạch trong năm ngày mới hết. Mất trụ sở và nhân sự Giáo hội Thống nhất ngưng hoạt động hoàn toàn.
Giáo hội đòi hỏi toàn quyền hoạt động ngoài sự chỉ đạo của chính phủ nhưng không được. Điển hình là tháng 5 năm 1994 khi giáo hội tổ chức cứu trợ đồng bào tỵ nạn bão lụt miền Tây thì chính quyền ra lệnh bắt phái đoàn gồm 60 tăng ni và 300 Phật tử. Trong vụ này Hòa thượng Thích Quảng Độ bị kết án năm năm, Thượng tọa Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban và cư sĩ Nhật Thường bị ba đến năm năm tù.
Mặc dù ngày 2 tháng 4 năm 2003, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp Hoà thượng Thích Huyền Quang, xin Hòa thượng hỉ xả cho chuyện đã qua, vì cán bộ cấp địa phương làm sai. Thế nhưng, Giáo hội tiếp tục bị đàn áp, sách nhiễu thường trực. Mọi hoạt động của 20 Ban Đại diện Giáo hội tại các tỉnh thành đều bị ngăn cấm. Chùa Giác Minh của Hoà thượng Thanh Quang ở Đà Nẵng bị phong toả thường trực, các Đại lễ Phật Đản, Vu Lan hay Tết bị ngăn cấm tổ chức…”
Chùa Liên Trì, Thủ Thiêm, Sài Gòn sau khi bị chính quyền cộng sản đập phá (MXH)
Liệu có thể “hỉ xả cho chuyện đã qua”, “vì cán bộ cấp địa phương làm sai” trong quá khứ? Cho đến giờ, chính sách đàn áp vẫn tiếp tục được thực hiện. Điều này chắc chắn không phải là do “cán bộ cấp địa phương làm sai”! Đơn cử:
Một trong những cơ sở còn lại của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất là chùa Liên Trì ở phường An Khánh, quận 2, Sài Gòn do Hòa thượng Thích Không Tánh làm sư trụ trì. Đây là ngôi chùa nằm trong danh sách được cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm bảo vệ. Tuy nhiên, ngày 8 Tháng Chín 2016, chính quyền cộng sản đã cho lực lượng “thảo khấu” đến đập phá thành đống xà bần với lý do nó nằm trong quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm. Có thể “hỉ xả cho chuyện đã qua” được chăng?
Phải nói là tất cả đều nằm trong vấn đề “quy hoạch tôn giáo”. Ngay sau năm 1975, chính quyền cộng sản đã đàn áp tất cả những gương mặt uy tín trong Phật giáo miền Nam, từ Thích Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, đến Thích Quảng Độ. Cùng lúc, cộng sản đưa “cán bộ tôn giáo” trà trộn vào chùa. Những cơ sở đào tạo Phật học trở thành cơ quan đào tạo những “nhà tu quốc doanh”. Phải nói là chẳng có “cán bộ cấp địa phương” nào “làm sai” điều gì đối với nền Phật giáo nước nhà cả…
Mà là họ “làm đúng” những gì mà chính quyền cộng sản đề ra. Một cách chính xác, đó là “chủ trương lớn” của đảng và nhà nước, với chính sách và chiến lược “Đỏ hóa” hệ thống Phật giáo, với việc cố tình bôi nhọ Phật giáo để Phật giáo mất uy tín nhằm mục đích cuối cùng là Phật tử chán chường và Phật giáo vĩnh viễn không bao giờ có thể trở thành một “tổ chức chính trị” có uy tín có thể huy động và kêu gọi được Phật tử theo cách như Phật giáo từng làm thời VNCH.
Không có nhận xét nào