Header Ads

  • Breaking News

    Nga và Trung Quốc ra sức lôi kéo, Việt Nam ngả về ai?



    Thủ tướng VN Phạm Minh Chính bắt tay Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở Hà Nội hôm 6/7/2022 /AFP

    Việt Nam trong vòng xoáy của các cường quốc

    Việt Nam đang nổi lên như một tâm điểm trong các hoạt động ngoại giao của khu vực. Các cường quốc đang ra sức “lôi kéo” Việt Nam. Nhưng Việt Nam sẽ nghiêng về phía ai sẽ là câu hỏi quan trọng.

    Ngày 5-6/7 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã ghé thăm Hà Nội trước khi sang Indonesia dự Hội nghị G20.

    Mặc dù ông Lavrov khẳng định chuyến đi sang Hà Nội của ông lần này là hết sức bình thường, nhưng rõ ràng trong bối cảnh toàn bộ thế giới Phương Tây đang trừng phạt và cấm vận Nga thì chuyến thăm Việt Nam của ông ta lần này có nhiều dụng ý, trong đó có việc lôi kéo Việt Nam trong vấn đề Ukraine.

    Báo chí Nga đã thể hiện rõ quan điểm: “Hiện Mỹ và phương Tây đang ráo riết lôi kéo đồng minh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với việc thành lập khối quân sự AUKUS và khôi phục nhóm “Bộ tứ”. Những tổ chức này tuy về mặt ngắn hạn dùng để kiềm chế Trung Quốc, nhưng rõ ràng về dài hạn cũng ảnh hưởng đến Nga. Trong khi Mỹ và đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc dùng nhiều con bài lôi kéo Việt Nam tham gia. Do đó, Việt Nam cũng cần những đảm bảo an ninh hơn nữa của Nga để có thể giữ vững thế trung lập.” (1)

    Ông Lavrov cũng khen ngợi Hà Nội: “Nga đánh giá cao lập trường của Việt Nam khi từ chối tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga. Điều này thể hiện mong muốn của Việt Nam phát triển hợp tác toàn diện với Liên bang Nga trên phương diện song phương và trên trường quốc tế”. Theo giới phân tích, Nga thể hiện sự tôn trọng quan điểm lập trường của Việt Nam và vẫn mong muốn Việt Nam là “điểm tựa ổn định” của Nga ở khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương (2).

    Đề cao quan hệ với Nga

    Trong khi hội đàm với ông Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, phát triển quan hệ với Liên bang Nga là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

    Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia về quan hệ Việt-Nga nhận định: “Phát biểu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có ý nghĩa lớn, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang chịu áp lực mạnh. Một mặt, đây là sự khẳng định tính chất ưu tiên, mức độ quan trọng của quan hệ Việt-Nga; mặt khác, sự nhấn mạnh này cũng khẳng định mức độ tin cậy chính trị rất cao giữa hai nhà nước, hai dân tộc trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong quan hệ quốc tế, sự tin cậy chính trị chiếm vị trí đặc biệt quan trọng” (3).

    Có lẽ để chứng minh cho ý kiến này, cả Thủ tướng và Tổng bí thư Việt Nam đều có cuộc gặp với ông Lavrov khi ông chỉ là Ngoại trưởng Nga, trong khi đó ông Trọng trước đó đã từ chối không gặp gỡ bà Kamala Harris - Phó Tổng thống Mỹ khi bà sang thăm Việt Nam năm ngoái.

    Phía Nga cho biết, trong cuộc họp báo chung (Mặc dù báo chí Việt Nam không thể hiện nội dung này), ông Lavrov đã cho biết: “Chúng tôi đã xác định những thách thức mà các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đang tạo ra cho nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi hiểu rõ về cách thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và kinh tế và đầu tư của chúng tôi trong những trường hợp này để đảm bảo chúng chống lại tác động của các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp do Hoa Kỳ, EU và các đồng minh của họ áp đặt trong khu vực đó.” (4)

    Chúng ta nên biết, trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã dự kiến ghé thăm Việt Nam vào ngày 9-10/7, sau khi dự Hội nghị G20, thế nhưng chuyến viếng thăm này đã bị hoãn lại vào giờ chót. Chính vì vậy, phát biểu này của ông Lavrov, nhưng trong một cuộc họp báo chung với ông Bùi Thanh Sơn, sẽ như là một khẳng định về “lập trường” của phía Việt Nam, cho dù Việt Nam luôn khẳng định mình giữ lập trường trung lập.

    Luôn hướng về Trung Quốc?

    Ngày 4/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã có cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 7 tại Bagan (Myanmar).

    Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng hai nước diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh phải đối mặt với sức ép gia tăng từ Mỹ. Tuần trước, Trung Quốc đã bị nêu đích danh là một "thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương" trong khái niệm chiến lược của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trước đó, Mỹ đã tuyên bố sẽ làm việc với các đồng minh trong khu vực để chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp và tăng cường khả năng phòng thủ của các nước này nhằm làm đối trọng với Trung Quốc.

    Ông Vương Nghị cho rằng, “hiện nay, cục diện thế giới thay đổi chưa từng có và diễn biến nhanh chóng, khiến thách thức toàn cầu không ngừng xuất hiện. Là những nước xã hội chủ nghĩa láng giềng hữu nghị, những lực lượng quan trọng trong các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, Trung Quốc và Việt Nam có những lợi ích chiến lược chung sâu sắc. Hai bên cần duy trì liên lạc chiến lược, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác chiến lược, nỗ lực xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, cùng chung sức, chung lòng trong chặng đường mới phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện của mỗi nước để đóng góp lớn hơn cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới.” (5)

    Ông Bùi Thanh Sơn khẳng định “Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc, mong muốn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, bền vững, lâu dài, ngày càng tin cậy chính trị và hiệu quả. sự hợp tác.” (6)

    Như vậy đã đủ thấy rằng, chuyến đi thăm năm nước Đông Nam Á (Không bao gồm Việt Nam) nhưng ông Vương Nghị và Bắc Kinh cũng vẫn cảm thấy yên tâm khi Việt Nam vẫn luôn trong vòng “cương toả” của mình.


    Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Lan Thương ở Bagan, Myanmar hôm 5/7/2022. Hình: FB Thông Tin Chính Phủ

    Ai đang mang lại nhiều lợi ích thương mại hơn cho Việt Nam?

    Trong mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và Nga thì chúng ta có thể thấy những tuyên bố của phía Việt Nam nghiêng về bên nào. Nhưng trong thương mại thì bên nào đang mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam?

    Số liệu về xuất nhập khẩu trong quan hệ thương mại Việt – Mỹ năm 2021 cho biết Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ khoảng 111 tỉ USD. Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu trị giá 96,29 tỉ USD, còn nhập khẩu khoảng 15,27 tỉ USD. Như vậy, trong năm 2021 Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường Mỹ số tiền 81,02 tỉ USD. (7)

    Trong khi đó, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thì sao? Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước; còn theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều đạt 230,2 tỷ USD (8). Trong số đó thì Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 54 tỉ USD (9).

    Còn đối với EU thì năm 2021 thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỉ đô la, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỉ đô la, tăng 14,2%; còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỉ đô la, tăng 16,5% so với năm 2020 (10).

    Như vậy, tính cả hai thị trường Mỹ và EU thì VN xuất khẩu khoảng 144 tỉ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (336 tỉ USD) (11), và lớn gấp ba lần kim ngạch Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo Bộ Công Thương, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD, chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga. Trong đó Việt Nam xuất khẩu 4,9 tỉ USD, nhập khoảng 2,2 tỉ USD (12).

    Như vậy là Việt Nam đang thu lợi rất nhiều lợi ích kinh tế từ Mỹ và EU, thế nhưng, các ưu tiên đối ngoại thì Việt Nam lại luôn giành cho Nga và Trung Quốc.

    Không có nhận xét nào