Ukraine muốn có thêm những vũ khí giúp “thay đổi cuộc chơi” (“game-changer”) nhưng Washington vẫn chần chừ…
“Chúng tôi cần thêm những loại vũ khí dữ dằn có thể thay đổi cuộc chơi” (ảnh: Scott Peterson/Getty Images)
Sự xuất hiện của hệ thống hỏa tiễn chính xác HIMARS (viết tắt của High Mobility Artillery Rocket Systems-Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao) mà Mỹ viện trợ cho Ukraine từ Tháng Sáu được xem là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi”. Bohdan Dmytruk, Tiểu đoàn trưởng thuộc Lữ đoàn Cơ giới 93 của Ukraine, nói: “Kể từ khi HIMARS bắt đầu tấn công kho đạn của kẻ thù tại Izyum ở Đông Nam Kharkiv (thành phố lớn thứ hai Ukraine), số cuộc pháo kích của Nga đã giảm hơn 10 lần so với trước đây”.
Nhờ HIMARS, thương vong của phía Ukraine giảm đáng kể. Dmytruk và binh lính Ukraine trong khu vực tin rằng Nga không thể bắn phá liên tục như trước vì phải “ém” lại số đạn pháo ít ỏi còn lại chưa bị HIMARS phá hủy. Nhưng điều quan trọng nhất là họ sợ việc bắn pháo sẽ giúp “chỉ điểm” chính xác và nhanh cho HIMARS phản công tiêu diệt nhờ hệ thống định vị và dẫn đường cực kỳ chính xác. Quân đội Nga gần như không thể biết HIMARS ở đâu. Trong vòng hai phút, nó có thể bắn xong và lái đi nơi khác với tốc độ lên tới 60 dặm/giờ.
HIMARS đang giúp quân đội Ukraine giành được lợi thế đáng kể trên chiến trường (ảnh: Dondi Tawatao/Getty Images)
Ngày 22 Tháng Bảy, chính quyền Biden thông báo sẽ gửi thêm bốn giàn HIMARS tới Ukraine, nâng tổng số lên 16. Anh và Đức cũng gửi hoặc cam kết gửi ba hệ thống tầm xa tương tự. Trong khi đó, quân đội Ukraine nói rằng họ cần nhiều hơn và cần gửi “ngay lập tức”. Giới chức chính phủ và quân đội Ukraine đã nhiều lần nói rằng họ cần hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn HIMARS. Ngày 19 Tháng Bảy, tại cuộc họp video của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington D.C, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nêu: “Để có một cuộc phản công hiệu quả và thay đổi cuộc chiến một cách thực chất, chúng tôi cần ít nhất 100 HIMARS”.
Việc cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine đã tăng qui mô với sự tham gia của hơn 50 quốc gia mà Hoa Kỳ dẫn đầu về cả số tiền viện trợ lẫn vũ khí (với tổng trị giá lên đến $8.2 tỷ kể từ lúc bắt đầu cuộc chiến và còn hàng tỷ đôla sắp chi). Các nước phương Tây khác cũng cung cấp hàng tỷ thiết bị quân sự hạng nhẹ và hạng nặng.
The Washington Post cho biết, việc viện trợ trong thực tế không đơn giản. Danh sách những việc cần làm ngay rất phức tạp. Xe tăng Na Uy cần những thùng chứa đạn mới để phù hợp với đạn quyên góp từ một nơi khác. Những chiếc xe tăng cũ kỹ của Tây Ban Nha sản xuất tại Đức phải được tân trang lại sau nhiều năm cất giữ. Đạn và phụ tùng thay thế cho các khẩu pháo thời Liên Xô của Ukraine đang được trưng tập từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Rồi phải lên kế hoạch về những tuyến đường tiếp vận và xem xét liên tục những yêu cầu mới của Ukraine.
Hầu hết sự chú ý tập trung vào các mặt hàng có giá trị lớn mà chỉ Hoa Kỳ và một số đồng minh NATO có sẵn và có thể cung cấp. Từ vũ khí chống tăng, phòng không đến pháo và bây giờ là “ngôi sao” HIMARS, mỗi cuộc leo thang cung cấp vũ khí mới đều đòi hỏi các chính phủ phải xem xét những gì nằm trong khả năng. Đối với một số nhà quan sát và nhiều người Ukraine, những gì đang diễn ra tại trung tâm điều phối (đặt ở Đức) không phải lúc nào cũng đáp ứng được mức độ khẩn cấp của tình hình, đặc biệt là khi Nga tuyên bố có kế hoạch sáp nhập các lãnh thổ đã tạm chiếm…
Một số người đặt ra mục tiêu chính là nên ưu tiên giúp Ukraine tăng sức mạnh phòng thủ để không bị o ép trong các cuộc đàm phán ngừng bắn và ngăn Nga chiếm thêm lãnh thổ. Nếu Hoa Kỳ và đồng minh không cung cấp nhiều thiết bị tốt hơn và nhanh hơn, việc phòng thủ và phản công của Ukraine sẽ ngày càng khó khăn” – phát biểu của Alina Polyakova, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (Center for European Policy Analysis). Trong khi đó, các quan chức quân sự và chính quyền Mỹ nói rằng một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ là không kích động Nga phát động cuộc đối đầu trực tiếp với NATO.
“Hàng nóng” của Mỹ được đưa đến Ukraine liên tục (ảnh: Sean Gallup/Getty Images)
Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, trong phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 20 Tháng Bảy với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đã nhấn mạnh đến “cấp độ hỏa lực, với các loại vũ khí khác nhau và bắn đến nhiều khoảng cách”. Austin cũng nhắc lại: “Những vũ khí tinh vi không phải cứ lấy ra khỏi thùng là có thể sử dụng được. Cho đến nay, 200 người Ukraine đã được đào tạo bên ngoài đất nước về cách sử dụng và bảo trì HIMARS. Chỉ cung cấp vũ khí thôi thì chưa đủ mà cần có phụ tùng thay thế và các công cụ đi kèm để sửa chữa”.
HIMARS đã được sử dụng để phá hủy các sở chỉ huy, kho đạn dược và các trung tâm hậu cần khác của Nga. HIMARS hoạt động hiệu quả đến mức Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phải ra lệnh cho các chỉ huy ưu tiên xác định mục tiêu của chúng để tiêu diệt. Moscow đang trông chờ vào máy bay không người lái (có thể được mua từ Iran) để tìm diệt HIMARS. Nga nói rằng họ đã bắn trúng ít nhất bốn giàn HIMARS nhưng Kyrylo Budanov, Giám đốc tình báo quân đội Ukraine, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi không mất một HIMARS nào”.
Đáng sợ hơn, HIMARS cũng có thể bắn loại đạn gọi là Hệ thống Hỏa tiễn Chiến thuật Quân đội (Army Tactical Missile System-ATACMS), với tầm bắn gần 186 dặm (gần 300 km). Tại cuộc họp báo nói trên, Austin và Milley không trả lời câu hỏi về việc liệu Ngũ Giác Đài có cung cấp ATACMS cho Ukraine hay không. Phía Mỹ muốn xem cách người Ukraine sử dụng vũ khí đang có như thế nào, trước khi quyết định gửi các loại vũ khí tiên tiến hơn.
Theo Chris Dougherty, một thành viên quốc phòng cấp cao tại Trung tâm An ninh Mới, Hoa Kỳ hiện dự trữ khoảng 1,000 đến 3,000 ATACMS. Chúng là những hỏa tiễn lâu đời nhất trong kho của quân đội Hoa Kỳ và được kiểm tra định kỳ để đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu. Hỏa tiễn thay thế có thể bắn xa hơn vẫn chưa được sản xuất. Bộ Quốc phòng cho biết đến năm 2020, Hoa Kỳ còn khoảng 410 giàn HIMARS, nhưng Ngũ Giác Đài từ chối đưa ra con số hiện nay.
Không có nhận xét nào