Header Ads

  • Breaking News

    Điểm nóng Đài Loan



    Cho đến nay vẫn chưa ai có thể xác định dứt khoát về phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc, nhưng đa số chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh sẽ có phản ứng ở mức độ chưa từng thấy nhưng sẽ không đến mức châm ngòi xung đột quân sự.

    1. Chuyển động quân sự

    Tàu Sơn Đông của Trung Quốc đã quay trở lại Tam Á trong ngày 25.7 chỉ sau vài ngày huấn luyện ở phía đông đảo Hải Nam.

    Sau khi băng qua eo biển Đài Loan ngày 19.7, tàu này xuất hiện gần Tam Á ngày 21.7. Tuy nhiên, ngày 23.7 hình ảnh vệ tinh cho thấy nó đang tiến hành huấn luyện ở phía đông Hải Nam. Đến ngày 25.7, tàu này đã quay trở lại Tam Á.

    Sáng 25.7, tàu tuần dương USS Antietam rời khỏi quân cảng Changi ở Singapore, hướng ra Biển Đông. Đây là tàu thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan. Vì thế, tàu Ronald Reagan dự kiến cũng sẽ rời Changi quay trở lại Biển Đông trong cùng ngày.

    Kyodo News tiết lộ Không quân Mỹ tiến hành vừa tiến hành cuộc biểu dương lực lượng hiếm thấy ở Hoa Đông với mục đích răn đe Trung Quốc vào hạ tuần tháng 6. Cụ thể, các chiến đấu cơ Mỹ đã bay qua đường phân định EEZ với Trung Quốc mà Nhật Bản tự ấn định ở Hoa Đông. Ngoài ra, chiến đấu cơ Mỹ cũng bay đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản.

    Đài Loan tiến hành cuộc tập trận Hán Quang (Han Kuang) thường niên từ ngày 25 đến 29.7. Đồng thời, cuộc diễn tập phòng không Vạn An cũng diễn ra từ ngày 25 đến 28.7.

    Trong một phần cuộc tập trận Hán Quang, Tổng thống Thái Anh Văn sẽ thị sát cuộc tập trận bắn đạn thật của không quân và hải quân ở vùng biển ngoài khơi huyện Nghi Lan ở phía đông từ trên một tàu chiến.

    Ngày 25.7, một máy bay không người lái TB-001 của Trung Quốc bay từ Hoa Đông qua eo biển Miyako và lượn lờ sát bờ biển phía đông của Đài Loan, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

    Nhiều khả năng máy bay này trinh sát cuộc tập trận Hán Quang của Đài Loan. TB-001 là máy bay không người lái có trang bị vũ khí, thế nên sự xuất hiện của nó ở khu vực phía đông Đài Loan, nơi bà Thái chuẩn bị lên tàu chiến trong ngày 26.7, có thể là một tín hiệu cảnh báo đối với Đài Loan.

    Trong chuyến công du Indonesia, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho biết quân đội Trung Quốc trở nên hung hăng và nguy hiểm hơn đáng kể trong 5 năm qua, thể hiện qua các vụ chặn máy bay và tàu bè của Mỹ và các đối tác khác ở khu vực, theo AP.

    Trung Quốc thông báo triển khai các đơn vị tìm kiếm cứu hộ đến các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa, bao gồm Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn.

    Đáng chú ý là Phi đội cứu hộ Nam Hải số 2 thuộc Bộ Giao thông cũng được triển khai đến các thực thể này. Phi đội này nhiều khả năng được trang bị các loại máy bay trực thăng.

    Việc mở rộng và đề cao vai trò của các thực thể này trong việc đóng góp vào “mục đích hòa bình” là một phần của nỗ lực của Trung Quốc nhằm bình thường hóa việc chiếm đóng phi pháp và quân sự hóa các thực thể ở quần đảo Trường Sa.

    2. Điểm nóng Đài Loan

    Kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tiếp tục là chủ đề nóng bỏng trong các cuộc bàn luận về quan hệ Mỹ - Trung những ngày qua.

    Cuối tuần qua, tờ Financial Times tiết lộ Trung Quốc đã leo thang cảnh báo Mỹ trong các cuộc trao đối riêng tư về chuyến thăm.

    Sáu người am tường các cảnh báo của Trung Quốc cho biết chúng mạnh mẽ hơn đáng kể so với những lời đe dọa mà Bắc Kinh đã đưa ra trong quá khứ khi họ không hài lòng với các hành động hoặc chính sách của Mỹ đối với Đài Loan.

    Trung Quốc đã công khai đe dọa "các biện pháp mạnh mẽ" nếu bà Pelosi tiếp tục chuyến thăm dự kiến vào tháng 8. Nhưng một nguồn tin cho biết Trung Quốc đã bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ hơn" so với trước trong các cuộc trao đổi riêng tư với Mỹ. Một số người khác thông thạo tình hình cho biết các cảnh báo riêng tư thậm chí còn đi xa hơn khi gợi ý về một phản ứng quân sự tiềm tàng.

    Trả lời về thông tin của tờ Financial Times trong cuộc họp báo ngày 25.7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngầm xác nhận các lời cảnh báo khi tuyên bố: “Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ cho bất kỳ trường hợp nào có thể xảy ra”.

    Về phía Mỹ, theo tờ The Washington Post, các quan chức cấp cao của Mỹ bao gồm Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley, Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương John Aquilino, Điều phối viên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Kurt Campbell cùng nhiều người khác đã trao đổi với bà Pelosi hoặc nhân viên của bà về những nguy cơ và các bước chuẩn bị cần thiết nếu bà nhất quyết thăm Đài Loan.

    Quân đội Mỹ đang vạch ra các phương án để bảo vệ phái đoàn của bà Pelosi, người sẽ bay trên một máy bay quân sự, theo quy trình thông thường đối với các phái đoàn quốc hội đến thăm Đài Loan. Các biện pháp đang được xem xét bao gồm triển khai các hàng không mẫu hạm hoặc gửi máy bay chiến đấu để yểm trợ trên không.

    Khác với sự dè dặt của Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài , các chính khách đảng Cộng hòa đã lên tiếng thúc giục bà Pelosi tiến hành chuyến thăm. Đồng thời, không ít nhà quan sát lo ngại chính quyền Mỹ sẽ bị xem là nhượng bộ trước Trung Quốc nếu chuyến thăm bị hủy bỏ.

    Cho đến nay vẫn chưa ai có thể xác định dứt khoát về phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc, nhưng đa số chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh sẽ có phản ứng ở mức độ chưa từng thấy nhưng sẽ không đến mức châm ngòi xung đột quân sự.

    Theo AP dẫn lời các quan chức Mỹ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ leo thang các hành động khiêu khích ở các khu vực khác, chẳng hạn như Biển Đông.

    Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Mỹ không tin Trung Quốc sẽ hành động chống lại chính bà Pelosi hoặc cố gắng phá hoại hoặc can thiệp vào chuyến thăm, nhưng họ nói chính quyền không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể leo thang khiêu khích bằng các chuyến bay quân sự trong hoặc gần không phận Đài Loan và các cuộc tuần tra hải quân ở eo biển Đài Loan nếu chuyến thăm diễn ra.

    Các quan chức cũng cho biết chính quyền không loại trừ việc Trung Quốc cũng có thể đẩy mạnh các hành động bên ngoài khu vực gần Đài Loan như một sự phô trương sức mạnh, theo đó họ có thể mở rộng các hoạt động quân sự ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

    Đọc thêm:

    Các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại hơn về hành động tiềm tàng của Trung Quốc đối với Đài Loan – The News York Times

    Có một chi tiết đáng chú ý trong bài viết này là một số quan chức lo ngại các lãnh đạo Trung Quốc có thể hành động với Đài Loan trong một năm rưỡi tới – có lẽ bằng cách phong tỏa một phần hoặc toàn bộ eo biển Đài Loan.

    Phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có thể là “chưa từng có tiền lệ” nhưng khó xảy ra xung đột quân sự, theo các chuyên gia – CNN

    Đài Loan lo ngại tác dụng phụ từ chuyến thăm của bà Nancy Pelosi sẽ đe dọa cam kết an ninh của Mỹ - Financial Times

    Hãy để bà Pelosi đến Đài Loan – John Bolton

    Không có nhận xét nào