Việt Nam được hội nghị G7 chọn làm đối tác thực hiện chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, nhưng có nắm được cơ hội hay không?
29/6/2022
Khói thải gây ô nhiễm phát ra từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ở Bình Thuận. Ảnh Châu An/báo Tuổi Trẻ.
Việt Nam – cùng với Ấn Độ, Indonesia và Senegal – được hội nghị thượng đỉnh G7 chọn làm những đối tác đầu tiên thực hiện chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Nhưng Việt Nam có nắm được cơ hội quý giá này để phát triển hay không là chuyện khác.
PGII không chỉ xây dựng cầu đường
Hội nghị thượng đỉnh bảy nước dân chủ và công nghiệp lớn (G7) vừa kết thúc ở Đức đã thông qua kế hoạch huy động vốn từ các chính phủ và tư nhân để đầu tư các công trình hạ tầng ở các nước đang phát triển, có tên là Đối tác Đầu tư Hạ Tầng Toàn Cầu (PGII). Chương trình có giá trị $600 tỷ, thực hiện trong năm năm 2022-2027, theo đề nghị của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong số vốn khổng lồ này, Mỹ đóng góp khoảng $200 tỷ, Liên minh châu Âu (EU) góp $300 tỷ, Nhật Bản $65 tỷ và Canada đảm nhiệm phần còn lại.
Mục đích chính của chương trình là xây dựng đường sá, cầu cống, hệ thống điện và viễn thông ở các nước nghèo nhằm giúp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng sự phát triển cơ sở hạ tầng phẩm chất cao là rất quan trọng đối với việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở – mục tiêu mà các nước G7 hướng tới.“Chúng tôi sẽ làm các tuyến đường sắt và sân bay góp phần kết nối khu vực, hoặc phát triển các cảng và bến cảng cho an ninh hàng hải và củng cố an ninh kinh tế, bao gồm cả an ninh mạng”, ông Kishida nói.
Một mục tiêu chính trị của chương trình là cạnh tranh với đại dự án “Con đường Tơ lụa Mới”, hay còn gọi là “Một vành đai, một con đường” (BRI) mà Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền vào trong nhiều năm qua. Các dự án của Trung Quốc cũng tập trung xây dựng đường sá, cầu cống, hải cảng ở các nước nghèo, sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc. Một số dự án hạ tầng như vậy có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các nước này, nhưng phần lớn các dự án vay vốn Trung Quốc càng ngày càng lộ rõ là những chiếc “bẫy nợ”, cột chặt các nước này vào guồng máy chính trị của Trung Quốc. Số phận của Sri Lanka – phải để cho Trung Quốc kiểm soát hải cảng Hannatoba lớn nhất nước trong 99 năm do không trả được nợ – hoặc của Lào, một nước sắp bị vỡ nợ sau khi vay hàng tỷ đô la xây đường sắt cao tốc Côn Minh – Viên Chăn… là những ví dụ.
Bên lề hội nghị G7, một quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ nhận định, nhiều nước vay tiền của Trung Quốc “hiện đã nhận ra rằng họ mắc nợ nhiều hơn, sản lượng kinh tế của họ không tăng đáng kể và những khoản được gọi là đầu tư này đã không giúp được người dân”.
Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 đang diễn ra ở Đức, các nhà lãnh đạo các nước dân chủ cam kết thực hiện chương trình đầu tư hạ tầng toàn cầu trị giá $600 tỷ cho các nước đang phát triển. Ảnh Thomas Lohnes/Getty Images
Trong bối cảnh đó, ông Biden cho rằng, những dự án mà PGII đầu tư trong tương lai phải khác với những gì mà Trung Quốc đã và đang làm. “Những gì chúng tôi sẽ làm về cơ bản là khác biệt vì dựa trên các giá trị chung của chúng tôi: Nó được xây dựng bằng cách sử dụng các thực tiễn tốt nhất toàn cầu: minh bạch, quan hệ đối tác, bảo vệ lao động và môi trường.” Và ông tin rằng, chiến lược PGII sẽ có tác động tốt trong việc chiếm lĩnh trái tim và khối óc của người dân các nước nghèo, giúp khối dân chủ chiến thắng khối chuyên chế Nga – Trung trong cuộc cạnh tranh ý thức hệ.“Chúng ta hãy để các cộng đồng trên toàn thế giới nhận thấy những lợi ích trong quan hệ đối tác với các nền dân chủ! Bởi khi các nước dân chủ chứng minh được rằng chúng ta có thể đem lại tất cả những gì cần cho sự phát triển, tôi tin chắc chúng ta sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh”, ông Biden nói.
Trở ngại từ thể chế chính trị
Loạt dự án đầu tiên của chương trình PGII sẽ tập trung hỗ trợ bốn nước Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam loại bỏ dần các nguồn năng lượng ô nhiễm, hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo được; cụ thể là thay thế các nhà máy phát điện chạy bằng than đá bằng các nhà máy điện gió, điện mặt trời không phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính và không gây ô nhiễm môi trường sống. Hình mẫu cho loại dự án này là Nam Phi, được các nước G7 và EU cam kết hỗ trợ chuyển đổi năng lượng với nguồn vốn đầu tư $8.5 tỷ thỏa thuận tại hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP26 vào năm ngoái.
Theo Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ xếp thứ ba và Indonesia xếp thứ bảy trong danh sách các nước phát ra nhiều khí thải gây ô nhiễm không khí làm trái đất nóng lên nhất dù tỷ lệ khí thải tính theo đầu người của các nước này vẫn thấp hơn các nước công nghiệp phát triển.
Nhưng trở ngại nằm ở thể chế chính trị và trình độ quản trị xã hội: Đa số các nước đang phát triển đều có thể chế chính trị kém minh bạch và tham nhũng tràn lan cho nên việc đưa các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng “minh bạch, toàn diện và bền vững” như yêu cầu của G7 sẽ khó được các chính phủ địa phương ủng hộ và thực hiện, cho dù dự án là thiết thực đối với đất nước họ.
Một ví dụ là ở Việt Nam, các nhà máy nhiệt điện đốt than đá gây ô nhiễm, sử dụng công nghệ lỗi thời của Trung Quốc vẫn được xây khắp các vùng biển, từ Rạch Giá, Bình Thuận đến Hà Tĩnh, Quảng Ninh trong khi các dự án điện mặt trời, điện gió thì sống dở chết dở vì không nối được vào hệ thống lưới điện quốc gia do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý. Trang Wikipedia ghi nhận Việt Nam hiện có tới 68 nhà máy điện đốt than, không kể các dự án đã bị hủy bỏ, sản xuất mỗi năm 118 tỷ kilowatt giờ điện, bằng 46% nguồn cung cấp điện cả nước. Đáng chú ý là trong danh sách các nhà máy điện than có nhiều nhà máy mới được cấp giấy phép xây dựng trong thời gian gần đây, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh đóng cửa nhiều nhà máy điện than ở Trung Quốc và một số nhà đầu tư chuyển các nhà máy lạc hậu đó sang Việt Nam và vài nước Đông Nam Á khác. Theo dữ liệu từ Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), tính đến tháng Chín 2021, Việt Nam là nước nhận đầu tư điện than từ Trung Quốc lớn thứ tư với tổng giá trị $5.6 tỷ.
Vụ chính quyền Việt Nam truy tố và tuyên án hai năm tù bà Ngụy Thị Khanh – một nhà hoạt động môi trường có tiếng thế giới, chống nhiệt điện than, vận động cho năng lượng tái tạo – hôm 17 tháng Sáu vừa qua, đặt ra mối hoài nghi về các cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu. Tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu ở Glasgow, Anh Quốc cuối năm ngoái, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết thực hiện chuyển đổi năng lượng, loại bỏ điện than vào năm 2040 nhưng hành động của chính quyền Hà Nội cho thấy lời cam kết đó không đáng tin cậy. Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc bà Khanh và ba nhà hoạt động môi trường khác bị bắt và xử tù là sự trừng phạt những người chống lại chính sách điện than, ảnh hưởng xấu đến quan hệ chiến lược Việt Nam – Trung Quốc và làm các quan chức cao cấp của chế độ mất đi một nguồn tiền hoa hồng béo bở.
Vấn đề chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam chậm chạp không phải do thiếu vốn đầu tư mà do thể chế chính trị và tham nhũng. Chương trình PGII của các nước G7 chọn Việt Nam để thực hiện dự án về năng lượng sạch là tin tốt nhưng e rằng, thiện chí đó sẽ không trở thành hiện thực do những rào cản khó vượt qua hiện nay.
Không có nhận xét nào