Header Ads

  • Breaking News

    Dorothy Li * - G-7 nhắm vào Trung Quốc vì các hành vi thương mại không công bằng, vấn đề nhân quyền, và liên kết với Nga

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1241584730-1200x784-1.jpg

    (Từ trái qua phải) Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngồi vào ghế của họ để tham dự cuộc họp của năm nhà lãnh đạo G-7 tại lâu đài Elmau, miền nam nước Đức, hôm 28/06/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images) 

    Hôm 28/06, Nhóm Bảy quốc gia (G-7) đã chỉ trích nhà nước Trung Quốc về các chính sách thương mại không công bằng và vi phạm nhân quyền. Các nhà lãnh đạo G-7 cũng thúc giục Bắc Kinh từ bỏ “các tuyên bố chủ quyền hàng hải bành trướng” ở Biển Đông và thúc ép Moscow ngừng xâm lược Ukraine. 

    Vào cuối hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày ở Bavaria Alps, các nhà lãnh đạo của các quốc gia dân chủ giàu có nhất thế giới đã đưa ra một thông cáo chung có tính chỉ trích cao nêu ra một loạt thách thức do chế độ cộng sản ở Trung Quốc đặt ra. Văn kiện này tập trung vào các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh, một khiếu nại lần đầu tiên xuất hiện trong văn kiện năm ngoái. 

    Năm 2021, các nhà lãnh đạo G-7 lần đầu tiên thảo luận về sự cần thiết của một lập trường thống nhất trong việc ngăn chặn “các chính sách và hành vi phi thị trường” của Bắc Kinh. 

    Tuyên bố chung nói trên là “chưa từng có trong bối cảnh của G-7, khi thừa nhận những tác hại do các chỉ thị công nghiệp không minh bạch, bóp méo thị trường của Trung Quốc gây ra,” một quan chức cao cấp ẩn danh của Hoa Kỳ cho biết tại cuộc họp báo hôm 28/06. 

    Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc đã lưu ý rằng các nước ngoài nhóm cũng sẽ được tham vấn về các phương pháp tiếp cận tập thể nhằm chống lại các chính sách và hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh. G-7 gồm có Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp, và Nhật Bản. 

    Các nhà lãnh đạo sẽ “xây dựng hiểu biết chung về các biện pháp can thiệp không minh bạch và bóp méo thị trường của Trung Quốc cũng như các hình thức chỉ thị kinh tế và công nghiệp khác,” tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết. 

    “Sau đó, chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để phát triển hành động phối hợp nhằm bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và người lao động của chúng tôi, thúc đẩy sự đa dạng hóa và khả năng chống chịu với sự ép buộc kinh tế, và giảm sự phụ thuộc chiến lược.” 

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1241547108-1200x799-1.jpg

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham dự buổi chụp ảnh nhóm G-7 vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G-7 tại lâu đài Elmau gần Garmisch-Partenkirchen, Đức, hôm 26/06/2022. (Ảnh: Stefan Rousseau/Pool/Getty Images) 

    Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, hôm 26/06, các nhà lãnh đạo G-7 đã công bố một kế hoạch cơ sở hạ tầng, trong đó họ cam kết huy động 600 tỷ USD trong cả khu vực công và tư trong năm năm tới để tài trợ cho các dự án từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đến chăm sóc sức khỏe cho các nước kém phát triển hơn. 

    Sáng kiến ​​này sẽ chống lại Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI, còn gọi là “Nhất đới, Nhất lộ”), một kế hoạch trị giá hàng tỷ dollar đã bị chỉ trích là một hình thức ngoại giao “bẫy nợ” gây khó khăn cho các quốc gia nghèo và đang phát triển với mức nợ thiếu bền vững trong khi củng cố ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh ở các quốc gia đó. 

    Lạm dụng nhân quyền

    Thông cáo cho biết các nhà lãnh đạo G-7 “lo ngại sâu sắc” — một thuật ngữ không được sử dụng trong hội nghị thượng đỉnh năm ngoái — về các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là lao động cưỡng bức ở Tân Cương và Tây Tạng. 

    Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong các trại giam giữ ở vùng viễn tây Tân Cương, nơi những người bị giam giữ đã bị cưỡng bức triệt sản, tra tấn, truyền bá chính trị, và cưỡng bức lao động. 

    G-7 sẽ “đẩy nhanh tiến độ giải quyết tình trạng lao động cưỡng bức, với mục tiêu loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả lao động cưỡng bức do nhà nước bảo trợ, chẳng hạn như ở Tân Cương,” theo một tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc. 

    Hoa Thịnh Đốn nhấn mạnh những nỗ lực của chính phủ Tổng thống Biden nhằm chống lại những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ bằng cách cấm nhập cảng các mặt hàng do lao động cưỡng bức sản xuất ở Tân Cương. Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ đã có hiệu lực từ ngày 21/06. 

    “Các nước G7 cam kết thực hiện nhiều các biện pháp hơn nữa để tăng cường hợp tác, bao gồm thông qua việc thúc đẩy sự minh bạch và tư vấn rủi ro kinh doanh, cũng như các biện pháp khác để giải quyết tình trạng lao động cưỡng bức trên toàn cầu,” tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết. 

    Nhóm cũng kêu gọi Bắc Kinh “tôn trọng các cam kết của mình” bằng cách khôi phục các quyền, sự tự do, và tự chủ của Hồng Kông. 

    Gây hấn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

    Thông cáo chỉ trích các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Bắc Kinh ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Hoa Nam (Biển Đông) và những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bách. 

    “Chúng tôi nhấn mạnh rằng không có cơ sở pháp lý nào cho các tuyên bố chủ quyền hàng hải bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.” 

    Văn kiện nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan” trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng rằng Bắc Kinh có thể sử dụng chiến tranh Nga-Ukraine như một cơ hội để chiếm Đài Loan. ĐCSTQ coi hòn đảo dân chủ tự quản này là lãnh thổ của riêng mình, và sẽ sử dụng vũ lực để chiếm lại nếu cần thiết. 

    Thông cáo nhắc nhở Bắc Kinh tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc và “tránh các biện pháp đe dọa, cưỡng bách, uy hiếp hoặc sử dụng vũ lực.” 

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1238176160-1200x792-1.jpg

    Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” trong cuộc gặp ở Bắc Kinh hôm 04/02/2022. (Ảnh: Alexei Druzhinin/Sputnik/AFP qua Getty Images) 

    Quan hệ Trung-Nga

    Các nhà lãnh đạo G-7 cũng kêu gọi Trung Quốc thúc ép Nga “rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi Ukraine.” 

    Các quan chức phương Tây đã lo ngại về liên minh đang phát triển giữa Bắc Kinh và Moscow kể từ khi hai nhà nước này lần đầu tiên tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vào ngày 04/02. 

    Thông cáo được đưa ra vài giờ trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid. NATO dự kiến ​​sẽ bàn về mối đe dọa ngày càng tăng của nhà nước Trung Quốc, gọi nước này là một “thách thức có hệ thống” trong báo cáo chiến lược mới của mình. 

    * Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.

    Bản tin có sự đóng góp của Reuters
    Việt Phương biên dịch

    https://www.epochtimesviet.com


    Không có nhận xét nào