Header Ads

  • Breaking News

    Biển Đông ngày Thứ sáu 15 tháng 7 năm 2022

    Tàu khu trục Hạm đội 7 thực hiện Chiến dịch Tự do Hải hành ở quần đảo Hoàng Sa

    Tàu khảo sát/nghiên cứu Đại Dương Hiệu của Trung Quốc hoạt động phạm vi rộng tại quần đảo Trường Sa

    Nguồn : ĐẠI SỰ KÝ BIỂN ĐÔNG

    15/7/2022

    https://lh4.googleusercontent.com/sz06pwsmTfptRMk-eaYCBBEYYu0bRAiytOC77cq_I9FBGorYiWTvwax29IV5E9TcPtUNVqOpJXo_qZhHuWdoibMLvVWYd-9upQQbVgKcpUe3ca9ZilvcaJ-CGGYHLmU0CsGgpgCpgP-mRCDDtA

    Sơ đồ hoạt động của tàu Đại Dương Hiệu từ ngày 30/6 – 12/7/2022 ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic

    Từ ngày 30/6/2022, tàu Đại Dương Hiệu (Da Yang Hao) của Trung Quốc đã hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa từ khu vực  phía nam cụm Sinh Tồn, cụm Nam Yết đến phía Bắc cụm Phan Vinh và từ phía đông đá Chữ Thập, đá Châu Viên đến phía Nam đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây. Khu vực tác nghiệp của Đại Dương Hiệu có diện tích hiện đã lên tới hơn 20 nghìn km vuông ở trung tâm quần đảo Trường Sa giữa các đảo, bãi, đá hiện do Trung Quốc kiểm soát (đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Gạc Ma, đá Vành Khăn,…) và Việt Nam kiểm soát (đảo Sinh Tồn Đông, đá Len Đao, đảo Phan Vinh, đá Tiên Nữ,..).

    Đại Dương Hiệu là tàu khảo sát, nghiên cứu khoa học mới và hiện đại của Trung Quốc được đóng năm 2019 với trọng tải gần 5 nghìn tấn thuộc sở hữu của Viện Hải dương học số 2, Bộ Tài nguyên Trung Quốc. Tàu được thiết kế như một phòng thí nghiệm nổi với hơn 50 thiết bị khảo sát và giám sát dành riêng cho nghiên cứu địa chất, sinh thái biển đặc biệt là biển sâu.

    Khả năng, Đại Dương Hiệu đang khảo sát địa chất biển tại quần đảo Trường Sa.

    Cùng một chiến thuật ở Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc đang thể hiện quyền kiểm soát và yêu sách chủ quyền tại dải cát không người gần đảo Thị Tứ

    Trong khu vực lãnh hải đảo Thị Tứ trong những năm gần đây đã nổi lên một chuỗi dải cát do những biến đổi về thời tiết. Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016 đã kết luận đây là thực thể địa lý nổi ở triều cao, bởi vậy là đối tượng có thể tuyên bố chủ quyền và được hưởng tối đa 12 hải lý lãnh hải riêng. Mặc dù Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và có cơ sở pháp lý mạnh nhất đối với chủ quyền đảo Thị Tứ, hiện chưa rõ Việt Nam có khẳng định chủ quyền với dải cát không người nhưng đang là địa điểm tranh chấp quyền truy cập giữa Trung Quốc và Philippines nhiều năm nay. Theo truyền thông Philippines, trong nhiều năm, Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện thường xuyên gần các bãi cát để buộc quân đội và ngư dân Philippines tránh xa và do vậy cũng giới hạn hoạt động của người Philippines ngay trên đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng. 

    Trong một sự việc xảy ra gần đây nhất, vào ngày 27/6/2022, một tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5201 đã tuyên bố qua radio như sau trong khi đuổi hai tàu tuần tra Philippines: 

    “Chú ý, nhân viên Philippines. Đây là Hải cảnh Trung Quốc 5201. Hành vi của bạn không chỉ vi phạm chủ quyền, an toàn và các quyền liên quan của Trung Quốc mà còn… quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines. Xin vui lòng rời đi ngay lập tức.”

    Đây có thể coi là một tuyên bố rất rõ ràng rằng Trung Quốc coi dải cát mới nổi này thuộc chủ quyền của mình.

    Philippine Daily Inquirer ngày 08/7/2022: Pag-asa sandbars next WPS flashpoint?

    Tàu khu trục Hạm đội 7 thực hiện Chiến dịch Tự do Hải hành ở quần đảo Hoàng Sa

    Ngày 13/7/2022, USS Benfold (DDG 65) đã thực hiện đi qua vô hại và thách thức đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, trong chiến dịch nhằm mục đích thách thức các yêu sách quá mức quy định bởi luật quốc tế. Cụ thể, đó là yêu cầu của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (3 nước tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa) rằng tàu nước ngoài phải thông báo trước hay phải được phép trước khi đi vào lãnh quan, và yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc bao quanh quần đảo Hoàng Sa không phù hợp với UNCLOS. 

    Tờ Hoàn cầu dẫn lời Đại tá Tian Junli, Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam của Hải quân Trung Quốc, nói rằng họ đã tổ chức lực lượng hải quân và không quân để theo dõi và đuổi tàu Mỹ đi. Một tấm ảnh được đăng tải cho thấy tàu Trung Quốc đang theo dõi tàu Mỹ từ xa. Không có hình ảnh hay thước phim nào cho thấy phía Trung Quốc rượt đuổi tàu Mỹ ra khỏi khu vực.

    Tian cáo buộc các hành động của quân đội Mỹ đã “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế,” Hoa Kỳ là “kẻ tạo ra các rủi ro an ninh ở Biển Đông” và là “kẻ huỷ diệt hoà bình và ổn định trong khu vực.”

    Hải quân Hoa Kỳ sau đó nói rằng tuyên bố của Trung Quốc là “sai sự thật” và nằm trong một chuỗi dài các hành động nhằm “xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Hoa Kỳ và khẳng định các yêu sách hàng hải quá mức và bất hợp pháp của mình với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. ”

    Hoa Kỳ đang bảo vệ quyền không hành, hải hành và hoạt động của mọi quốc gia ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và không điều gì mà Trung Quốc nói “sẽ ngăn cản chúng tôi,” Hải quân Hoa Kỳ nói.

    Hạm đội 7 ngày 13/7/2022: 7th Fleet Destroyer conducts Freedom of Navigation Operation in South China Sea

    Hoàn cầu ngày 13/7/2022: 南部战区新闻发言人就美舰擅闯中国西沙领海发表谈话 

    Reuters ngày 13/7/2022: US destroyer sails near disputed South China Sea islands, China says it ‘drove’ ship away

    https://dskbd.org/2022/07/15


    Không có nhận xét nào