Header Ads

  • Breaking News

    Biển Đông: Giải mã ý đồ của Trung Quốc sau các tuyên bố gần đây

    Biển Đông: Giải mã ý đồ của Trung Quốc sau các tuyên bố gần đây

    Hình minh hoạ: Hải quân Đài Loan đứng trên tàu chiến Lafayette của Pháp trong cuộc tập trận chung ở eo biển Đài Loan hôm 22/1/2003 /Reuters 

    Mới đây, báo chí Trung Quốc cho biết, ngày 13/6, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký “Đề cương hành động quân sự phi chiến tranh của quân đội” (gọi tắt là “Đề cương”) (1). Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với Eo biển Đài Loan, đồng thời phủ nhận eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế (2). Hàm ý và ảnh hưởng của hai động thái chính trị này đối với tình hình Eo biển Đài Loan là điều đáng được Đài Loan và các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương quan tâm, với các lý do sau:

    Thứ nhất, đối tượng áp dụng của hành động quân sự phi chiến tranh chắc chắn bao gồm Đài Loan trong đó, nhưng không chỉ nhằm vào Đài Loan mà thôi.

    Một số nhà bình luận chính trị nhận định Giải phóng quân Trung Quốc (PLA ) có thể phong tỏa eo biển Đài Loan bằng cách bất ngờ phát động cái gọi là hoạt động quân sự phi chiến tranh nhằm làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cho Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Hiện vẫn chưa rõ lý do chính xác vì sao Tập Cận Bình lại ký văn kiện như vậy vào thời điểm này (hiện chưa công bố toàn văn). Tuy nhiên, câu hỏi này hoàn toàn không mới, vì vậy hầu như không có yếu tố bất ngờ ở đây. Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc đã nêu rõ trong nhiều thập kỷ qua rằng Đề cương nên được sử dụng để ngăn chặn các động thái đòi độc lập của Đài Loan.

    Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đã thất bại trong nỗ lực giữ cho vấn đề Đài Loan ở mức độ kiềm chế. Những nỗ lực đó đã được thể hiện tại cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến kéo dài ba giờ giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/11/2021. Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẵn sàng thực hiện “các biện pháp quyết định” nếu Đài Loan có bất kỳ động thái nào hướng tới nền độc lập vượt qua ranh giới đỏ của Bắc Kinh.

    Về phần mình, Biden cho biết Mỹ phản đối mạnh mẽ “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Ông nhấn mạnh Mỹ “vẫn cam kết với chính sách ‘một Trung Quốc’”, được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba thông cáo chung và sáu đảm bảo, và rằng Mỹ kiên quyết phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”. 

    Ngoài ra, các chuyên gia cho biết ý tưởng giống như nội dung của Đề cương không phải là mới ở Trung Quốc. Cụ thể là một chuyên gia nghiên cứu Điền Việt Anh (Tian Yueying) của PLA đã viết trong một bài báo năm 2002 rằng Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Trần Thủy Biển thuộc Đảng Dân Tiến đã thúc đẩy Đài Loan độc lập bằng cách từ chối chấp nhận chính sách Một Trung Quốc được nêu trong Đồng thuận năm 1992 (3). Chuyên gia trên cho rằng nếu xu hướng đó tiếp tục, thì đó sẽ là một lựa chọn tốt cho Bắc Kinh nếu sử dụng các hoạt động quân sự phi chiến tranh chống lại Đài Loan. Tuy nhiên, ông không nói rõ PLA sẽ triển khai các hoạt động nào.

    2012-08-08T120000Z_35358782_GM2E888170E01_RTRMADP_3_TAIWAN.JPG

    Hình minh hoạ: những nhà hoạt động ở Đài Loan phản đối cuộc gặp giữa hai bờ eo biển Đài Loan ở Đài Bắc hôm 8/8/2012. Reuters 

    Trong một bài báo năm 2009, nhà nghiên cứu Hà Lỗi (He Lei) thuộc Học viện Khoa học Quân sự, cho biết ý tưởng như Đề cương thường được triển khai sau khi xảy ra thiên tai và tai nạn giao thông. Ông nói thêm, chúng cũng có thể bao gồm các hoạt động chống khủng bố, chẳng hạn như trấn áp bạo loạn ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng hồi tháng 3/2009 và ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương, hồi tháng 7/2009. Theo chuyên gia trên, PLA thường phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương trong các hoạt động trong nước và hợp tác với quân đội các quốc gia khác trong các hoạt động ở nước ngoài. Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Nga và Indonesia cũng đã đưa ra phác thảo kế hoạch của họ, do đó sẽ rất tốt nếu Trung Quốc đưa ra phác thảo của riêng mình để cung cấp cơ sở pháp lý cho các hoạt động quân sự ngoài chiến tranh trong nước hoặc ở nước ngoài (4)

    Thứ hai, ý nghĩa của “Đề cương” được hiểu là Trung Quốc sẽ thể chế hóa hơn nữa các quy tắc của hành động quân sự phi chiến tranh, trong đó “Đảng, Nhà nước, hải quân, hải cảnh, dân quân” của Trung Quốc phối hợp triển khai “ứng phó và xử lý những sự kiện khẩn cấp” bên trong như cứu trợ thảm họa và duy trì ổn định, cũng như thực hiện các hành động quân sự và đối ngoại như bảo vệ chủ quyền, cứu trợ nhân đạo, hộ tống tàu thuyền, sơ tán kiều bào và chống khủng bố, giữ gìn hòa bình… Thời gian tới, các hành động phối hợp giữa hải quân, hải cảnh và dân quân của Trung Quốc sẽ lấy “Đề cương” làm căn cứ pháp lý, thiết lập tính hợp pháp và chính danh cho các hoạt động ở Eo biển Đài Loan, thậm chí là Biển Đông, Biển Hoa Đông, hoặc các vùng biển khác.   

    Có thể nói, “Đề cương” và “Thuyết Nội hải Eo biển Đài Loan” là một khâu của chiến lược tổng thể đối với Đài Loan trong tư duy mới của Tập Cận Bình, vừa sử dụng chiến tranh pháp lý, vừa ám chỉ nguy cơ xung đột “vùng xám” tại Eo biển Đài Loan ngày càng cao hơn và cụ thể hơn trong tương lai. 

    Có thể dự đoán rằng với phương châm hướng đến vùng biển khơi của hải quân PLA, Trung Quốc sẽ từng bước thông qua lực lượng hải cảnh và các đơn vị chấp pháp trên biển khác để bình thường hóa hoạt động chấp pháp, thực hiện yêu sách “nội hải hóa Eo biển Đài Loan”.

    Trung Quốc đã nỗ lực cho các hoạt động này từ trước đó rất lâu. Sau sự kiện bãi cạn Scarborough và quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) năm 2012, Trung Quốc đã thực hiện một số bước đi như sau: Một là sự hợp nhất các đơn vị thực thi pháp luật trên biển, thành lập lực lượng hải cảnh Trung Quốc năm 2013; Hai là chính thức điều chỉnh chiến lược hải quân “phòng ngự biển gần” thành “phòng ngự biển gần, bảo vệ biển xa” vào năm 2015, khiến phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc mở rộng đến Tây Thái Bình Dương; Ba là đưa dân binh vào hệ thống động viên quốc phòng của Quân ủy Trung ương năm 2016; Bốn là xác định Quân ủy Trung ương trực tiếp lãnh đạo lực lượng vũ cảnh, đồng thời nhập hải cảnh vào vũ cảnh năm 2018; Năm là chiến lược hải quân được điều chỉnh thành “phòng ngự biển gần, phòng vệ biển xa” năm 2019, nhấn mạnh hoạt động bình thường của hải quân PLA ở các vùng biển xa; Sáu là “Luật hải cảnh” của Trung Quốc đã thể hiện rõ "chức năng thực thi pháp luật” của lực lượng hải cảnh ở “vùng biển thuộc quyền tài phán” hồi đầu năm 2021 - cái gọi là “vùng biển thuộc quyền tài phán” hiển nhiên bao gồm Eo biển Đài Loan dựa theo nhận thức chủ quyền của Trung Quốc.  

    Qua trình tự điều chỉnh hải quân, hải cảnh và dân quân của Trung Quốc nói trên, có thể thấy rằng trong 10 năm qua, sự phân công giữa hải quân và hải cảnh đã dần được thể chế, chiến lược biển của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương trong thời gian tới sẽ là: Hải quân thúc đẩy từ chuỗi đảo thứ nhất sang chuỗi đảo thứ hai, hải cảnh phụ trách thực thi pháp luật biển gần hoặc các hành động khác đảm chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, cách tiếp cận này sẽ tiết kiệm chi phí nhất, bởi các lý do sau đây: 

    Thứ nhất, nó đưa ra định nghĩa cụ thể hơn đối với các hình thức xung đột trong khu vực tranh chấp chủ quyền, nắm bắt tốt hơn cường độ để kiểm soát rủi ro. Mặc dù hải cảnh Trung Quốc thuộc sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, và mặc dù quan điểm của quốc tế đối với thân phận hải cảnh thuộc “quân” hoặc “cảnh” không thống nhất, nhưng so với PLA, lực lượng hải cảnh ít có khả năng gia tăng cường độ xung đột khi thực hiện nhiệm vụ với danh nghĩa “chấp pháp bảo vệ quyền lợi”.  

    Thứ hai, hải cảnh thuộc vũ cảnh thực thi pháp luật ở các vùng biển, tương đương với việc tuyên bố khu vực thực thi pháp luật thuộc phạm vi tài phán hành chính của Trung Quốc. Trước đây, cho dù ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông, Trung Quốc đều tích cực thông qua hoạt động tuần tra của các đơn vị thực thi pháp luật trên biển, chủ trương các vùng biển này thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. 

    Trong thời gian tới, Bắc Kinh có thể lấy “Đề cương” làm căn cứ pháp lý, quy xung đột ở Eo biển Đài Loan thành tranh chấp trong nước để tăng cường hợp lý hóa và chính danh hóa hành động quân sự đối với Đài Loan. Tóm lại, có thể dự đoán rằng trong tương lai, hành động của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan và khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ có nhiều “xung đột vùng xám” hơn và ở các mức độ khác nhau, chẳng hạn như dân quân biển và tàu cá của Trung Quốc sẽ bao vây các đảo xa như Đá Ba Đầu hoặc phong tỏa cảng của Đài Loan, tàu hải cảnh thực thi pháp luật vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan, tàu hải cảnh áp sát tàu chiến của Đài Loan… 

    Các quốc gia trong tranh chấp Biển Đông, trong đó có Việt Nam cần nắm bắt việc này để hoạch định các chiến lược đối phó với Trung Quốc trong tương lai.

    https://www.rfa.org/vietnamese


    Không có nhận xét nào