Các thủy thủ Đài Loan chào cờ Đài Loan trên boong tàu tiếp tế Bàn Thạch (Panshih) sau khi tham gia các cuộc tập trận thường niên, tại căn cứ hải quân Tsoying ở Cao Hùng, vào ngày 31/01/2018. (Ảnh: Mandy Cheng/AFP qua Getty Images)
Tổng thống (TT) Joe Biden đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ nội bộ chính phủ sau khi ông trích dẫn quan điểm của các cố vấn quân sự của mình rằng chuyến thăm như được đưa tin của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan “không phải là một ý hay.” Bất chấp chính quyền cộng sản Trung Quốc đưa ra nhiều lời đe dọa chống lại chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ trước này, các chuyên gia tin rằng có nhiều khả năng bà Pelosi sẽ đi hơn là lùi bước.
Hôm 10/07, The Financial Times đưa tin rằng bà Pelosi sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Đài Loan vào tháng Tám. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ tới hòn đảo tự trị này trong 25 năm qua.
Bản tin kể trên đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói rằng chuyến thăm của bà Pelosi sẽ vi phạm nghiêm trọng “Nguyên tắc Một Trung Quốc” của Bắc Kinh — khác với “Chính sách Một Trung Quốc” của Hoa Kỳ — và “gửi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng cho các lực lượng đòi độc lập Đài Loan.”
Ông Triệu cũng nói rằng một chuyến thăm như vậy sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc” và sẽ “có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến mối bang giao Trung-Mỹ,” đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ “thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ.”
Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập cơ quan ngôn luận của chính quyền cộng sản đại lục “Thời báo Hoàn Cầu,” gợi ý rằng chính quyền Trung Quốc nên điều động chiến đấu cơ đặc biệt để “tháp tùng” bà Pelosi khi bà đến thăm Đài Loan để thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan.
Chính quyền cộng sản ở Trung Quốc đại lục từng tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo dân chủ tự do tự trị này, nơi mà họ chưa bao giờ cai quản. Chính quyền này gần đây đã gia tăng những lời đe dọa “thống nhất” Đài Loan bằng vũ lực quân sự.
Sau những lời đe dọa của chính quyền Trung Quốc, hôm 20/07, khi được các phóng viên hỏi về chuyến thăm Đài Loan có thể được thực hiện của bà Pelosi, TT Biden nói, “Tôi nghĩ là quân đội cho rằng thời điểm này thì chuyến đi đó không phải là một ý hay.”
Phản ứng dữ dội về bình luận của Tổng thống Biden
Hôm 21/07, tại cuộc họp báo hàng tuần, bà Pelosi đã phúc đáp bình luận của ông Biden rằng: “Tôi nghĩ những gì tổng thống đang nói là có thể quân đội lo ngại phi cơ của chúng ta sẽ bị phía Trung Quốc bắn rơi hoặc điều gì đó tương tự. Tôi không biết chính xác. Tôi không thấy điều đó. Tôi cũng không nghe thấy điều đó. Quý vị đang nói với tôi, và tôi đã nghe như chuyện phiếm, nhưng tôi chưa nghe chuyện này từ tổng thống.”
Bà cũng sẽ không thảo luận thêm về kế hoạch của chuyến công du vì lý do an ninh.
Khu trục hạm mang hỏa tiễn dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Kidd và tuần duyên hạm Munro của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ tiến hành các chuyến đi qua Eo biển Đài Loan vào ngày 27/08/2021. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/Phát qua Reuters)
Bà cũng nói, “Điều quan trọng là chúng ta phải thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan. Không ai trong chúng tôi từng nói rằng chúng ta ủng hộ độc lập khi nói đến Đài Loan. Điều đó là do Đài Loan quyết định.”
Về bình luận của ông Biden, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper, người đang thăm Đài Loan, nói với các phóng viên ở Đài Bắc hôm 21/07 rằng, “Tôi không nghĩ chúng ta nên cho phép Trung Quốc ra lệnh cho lịch trình công du của các quan chức Hoa Kỳ.”
Ông nói, “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan, hiểu tình hình ở đây, có cơ hội gặp gỡ với giới lãnh đạo chính trị của Đài Loan, và hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra và mọi thứ được nhìn nhận như thế nào từ ngay tại Đài Bắc, cách [Trung Quốc] ‘đại lục’ chưa đầy 110 dặm, và có thể đưa ra đánh giá của riêng họ.”
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đương thời Mark Esper (bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Jeong Kyeong-doo tổ chức một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài, ở Arlington, Virginia, vào ngày 24/02/2020. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
“Và thực tế đơn giản là chúng tôi lo lắng về những gì Trung Quốc có thể làm hoặc không thể làm nhắm vào chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện là một trường hợp điển hình trong đó chúng tôi cần xem xét lại chính sách của mình,” ông nói.
Bình luận của ông Biden được một số hãng thông tấn Hoa Kỳ đánh giá là thể hiện lập trường yếu nhược đối với chính quyền Trung Quốc.
Hôm 21/07, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã đưa ra một cảnh báo gay gắt: “Nếu phía Hoa Kỳ nhất quyết thực hiện chuyến thăm này, Trung Quốc sẽ hành động mạnh mẽ để kiên quyết đáp trả và thực hiện các biện pháp đối phó. Chúng tôi nói được làm được.”
Bình luận này làm dấy lên lo ngại về khả năng có hành động quân sự từ phía chính quyền này.
Phản ánh của dư luận Hoa Kỳ
Ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), Trưởng Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế của Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, chỉ ra rằng Đài Loan có vai trò quan trọng trong địa chính trị của Á Châu-Thái Bình Dương.
“Mặc dù chính quyền Trung Quốc đang đưa ra những lời đe dọa ngăn cản bà Pelosi đến thăm Đài Loan, nhưng Đảng Dân Chủ đang phải đối mặt với sức ép của cuộc bầu cử giữa kỳ. Chuyến công du của bà nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan, một lập trường vững chãi trong mối bang giao Mỹ-Trung và sự thống trị tổng thể đối với khu vực Tây Thái Bình Dương. Bởi vì dư luận tại Hoa Kỳ vẫn còn bị chi phối bởi chủ nghĩa chống cộng sản. Là một quốc gia dân chủ, rốt cuộc Hoa Kỳ vẫn phải cân nhắc ý kiến của công chúng. Chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan rất hữu ích cho cuộc bầu cử của Đảng Dân Chủ.”
Đại sứ Sam Brownback (bên trái) chủ trì phiên họp về Những thách thức Tự do Tôn giáo ở Trung Quốc, cùng với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và cựu Dân biểu Frank Wolf tại Hội nghị Bộ trưởng nhằm Thúc đẩy Tự do Tôn giáo lần thứ hai ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 16/07/2019. (Ảnh: Lynn Lin/The Epoch Times)
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển ở Đài Loan, cho rằng bà Pelosi là một nữ lãnh đạo có nhận định độc lập của riêng mình, và có lịch sử ủng hộ nền dân chủ chặt chẽ và chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông tin rằng bà ấy rất có thể sẽ đến thăm Đài Loan theo kế hoạch.
“Biến số duy nhất là bởi vì bà ấy và ông Biden thuộc cùng Đảng Dân Chủ, bà ấy có thể phối hợp với ông Biden và sau đó hoãn chuyến thăm của mình. Điều đó là có thể. Tuy nhiên, trong môi trường chung hiện nay, đặc biệt là bầu không khí chống chủ nghĩa độc tài toàn trị, trong cộng đồng quốc tế, cũng như trong bầu cử giữa kỳ ở Hoa Kỳ, không thể tỏ ra yếu nhược [đối với ĐCSTQ] nữa. Nhiều khả năng bà Pelosi sẽ thực hiện chuyến thăm Đài Loan hơn là trì hoãn hoặc hủy bỏ nó,” ông nói.
Ông Tô nói thêm rằng chính phủ Đài Loan hoan nghênh chuyến thăm của bà Pelosi, bởi vì điều này có nghĩa là mối bang giao bền chặt giữa Đài Loan và Hoa Kỳ.
Ông nhấn mạnh, “Chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan là để ủng hộ hệ thống dân chủ của Đài Loan và phản đối chế độ độc tài. Đây là một khái niệm hoàn toàn khác với cái gọi là ‘gửi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng cho các lực lượng đòi độc lập Đài Loan’ của ĐCSTQ.”
The Epoch Times đã liên lạc với Văn phòng của bà Nancy Pelosi và Tòa Bạch Ốc để yêu cầu bình luận nhưng chưa nhận được phúc đáp.
* Ông Alex Wu là một cây bút của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của Chung Nguyên (Zhong Yuan)
Khánh Ngọc biên dịch
https://www.epochtimesviet.com
Không có nhận xét nào