cho đến các nhà kinh doanh lúa mì và khí neon quan trọng trên toàn cầu - và bây giờ là sự tàn phá của Nga
Lúa mì Ukraine rất quan trọng đối với chuỗi lương thực toàn cầu. Nhưng chiến đấu gần đất nông nghiệp như ở xung quanh Mykolayiv có thể ngăn cản việc gieo trồng hạt giống. Ảnh: Mykola Sosiukin/EyeEm qua Getty Images
Nền kinh tế Ukraine tiếp tục hoạt động bất chấp quân đội Nga đang tàn phá đất nước.
Nhiều nhà máy và doanh nghiệp vẫn hoạt động. Các ngành công nghiệp khác như công nghệ thông tin hầu như không bị chệch nhịp, với việc công nhân tiếp tục làm việc từ các khu vực nằm ngoài vùng có chiến sự trực tiếp.
Nhưng Ukraine phần lớn đã được chuyển đổi sang nền kinh tế thời chiến. Ví dụ: một nhà sản xuất giày của phụ nữ đang sử dụng da của Ý để chế tạo ủng quân sự, các xe ben của một công ty xây dựng được chuyển đổi thành những bệ phóng phòng không và một nhóm khai thác mỏ và thép đã chế tạo vũ khí chống tăng và hầm trú ẩn bằng bê tông. Và nhiều nhân viên công nghệ thông tin đã tham gia đội quân tin tặc của Ukraine nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng khỏi các cuộc tấn công mạng hoặc tiến hành cuộc tấn công chống lại Nga.
Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế là rất nghiêm trọng. Trong những ngày đầu của cuộc chiến, ngân hàng trung ương của Ukraine ước tính tổng sản lượng đã giảm một nửa. Chính phủ ước tính Nga đã phá hủy hơn 500 tỷ USD tài sản kinh tế. Thiệt hại đáng kể đối với các sân bay, cảng biển và cầu đã làm tê liệt cơ sở hạ tầng của đất nước và khả năng giao thương với các nước khác.
Ngoài tầm quan trọng của Ukraine trong việc cung cấp thực phẩm, cung cấp nhiên liệu và nuôi dưỡng công dân của mình, Ukraine còn là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu với hoạt động xuất khẩu lúa mì, ngô và khí neon. Là một người gốc Ukraine và là giáo sư kinh tế, tôi muốn cung cấp thông tin sơ lược về nền kinh tế Ukraine, nền kinh tế Ukraine đã thay đổi như thế nào kể từ khi là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô và hậu quả của cuộc chiến tranh của Nga.
Nền kinh tế chỉ huy của Ukraine sụp đổ
Ukraine kế thừa “nền kinh tế chỉ huy” khi trở thành một quốc gia độc lập sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Trong nền kinh tế chỉ huy, tất cả các quyết định liên quan đến sản xuất, đầu tư, giá cả và thu nhập đều do một chính phủ tập trung quyết định.
Hơn nữa, phần lớn nền kinh tế chỉ huy này gắn liền với nỗi ám ảnh Xô Viết có ngành công nghiệp nặng và một tổ hợp công nghiệp quân sự khổng lồ. Nói cách khác, nền kinh tế Ukraine rất giỏi trong việc khai thác quặng và chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhưng kém hơn trong việc sản xuất các loại hàng tiêu dùng quan trọng đối với một nền kinh tế hiện đại.
Và do đó, nền kinh tế sụp đổ ngay sau khi độc lập. Tổng sản phẩm quốc nội giảm hơn 60% vào đầu những năm 1990, và lạm phát tăng vọt lên hơn 10.000%. Đối với những người dân Ukraine bình thường, sự sụp đổ này đồng nghĩa với sự nghèo đói và khó khăn lớn: Khoảng 50% hộ gia đình sống với mức dưới 5,50 USD mỗi ngày và kì vọng sống giảm 5 năm.
Điều này dẫn đến việc tư nhân hóa hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước có quy mô nhỏ như một cửa hàng tạp hóa cho đến quy mô lớn như các nhà máy thép khổng lồ - giống như ở Nga. Điều này cũng tạo ra tầng lớp được gọi là giới tài phiệt, bao gồm giới lãnh đạo Cộng sản trước đây và những người khác có liên hệ trong chính phủ, những người có quyền kiểm soát các nhà máy lớn và các tài sản sản xuất quan trọng khác với chi phí thấp hoặc miễn phí. Một số ước tính cho rằng hơn 50% GDP được kiểm soát bởi các nhà tài phiệt.
Mặc dù các nhà tài phiệt lúc ban đầu đã giúp các doanh nghiệp lớn nhất của Ukraine khôi phục năng lực sản xuất, khởi động nền kinh tế, nhưng họ nhanh chóng bắt đầu sử dụng các mối quan hệ của mình để kìm hãm sự cạnh tranh. Tham nhũng tràn lan và nền kinh tế phải vật lộn để tăng trưởng hoặc đa dạng hóa ngoài việc sản xuất hàng hóa và thiết bị cơ bản như thép, quặng sắt và thiết bị khai thác mỏ. Ví dụ, trong năm 2006, kim loại cơ bản chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là các sản phẩm khoáng sản ở mức 10% và hóa chất là 8,8%.
Và Nga đã là đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine, mua 56% tất cả các mặt hàng xuất khẩu của nước này. Vương quốc Anh đứng thứ hai rất xa với chỉ 3,4%.
Các nguồn nhập khẩu của Ukraine chỉ đa dạng hơn một chút. Hàng hóa từ Nga chiếm 16% hàng hóa nhập khẩu của Ukraine, chỉ đứng sau thị phần 23% của Hoa Kỳ.
Các cuộc biểu tình của các nhà hoạt động ủng hộ Liên minh châu Âu vào năm 2013 đã lật đổ một tổng thống thân Moscow. Nga sáp nhập Crimea ngay sau đó. Ảnh AP/Sergei Grits
Ukraine quay về phương Tây
Nền kinh tế của Ukraine bắt đầu thay đổi hoàn toàn vào khoảng năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và thúc đẩy các cuộc nổi dậy ở miền đông của Ukraine.
Các sự kiện dẫn đến việc sáp nhập phần lớn được truyền cảm hứng bởi mong muốn của một bộ phận người Ukraine là thiết lập các mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn với châu Âu và chấm dứt tham nhũng. Một thỏa thuận được tạo ra vào năm 2013 nhằm để Ukraine hội nhập chặt chẽ hơn vào Liên minh châu Âu đã đột ngột bị hủy bỏ vài ngày trước khi được ký kết, và chính phủ báo hiệu rằng họ có kế hoạch liên kết chặt chẽ hơn với Nga. Các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố diễn ra sau đó, cuối cùng đã khiến tổng thống thân Moscow từ bỏ quyền lực trong cuộc Cách mạng Maidan.
Nga đáp trả bằng cách chiếm Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai ở vùng Donbas.
Kể từ đó, thương mại với Nga đã sụt giảm khi Ukraine tăng cường quan hệ với các nước khác, đặc biệt là các nước ở châu Âu. Chính phủ gần như ngay lập tức nối lại các cuộc đàm phán với EU về hiệp định thương mại và ký kết hiệp định này, giảm bớt hoặc loại bỏ thuế quan đối với hầu hết các hàng hóa và dẫn đến việc EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế do cuộc xung đột ở phía đông dẫn đến khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra khoản cứu trợ trị giá 17,5 tỷ USD để đổi lấy các cải cách kinh tế bao gồm trừng trị tham nhũng, một ngân hàng trung ương độc lập và cải thiện các quy trình dân chủ, mà Ukraine sau đó đã thực hiện được nhiều điều.
Do đó, Ukraine bắt đầu gửi nhiều loại hàng hóa hơn ra thế giới, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp như lúa mì và dầu hướng dương, là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này hơn cả kim loại cơ bản vào năm 2019. Ukraine có một số đất đai màu mỡ nhất thế giới.
Một ngành tăng trưởng quan trọng khác ở Ukraine là công nghệ thông tin, chiếm 26% doanh thu xuất khẩu vào năm 2020. Trên thực tế, dịch vụ công nghệ thông tin là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này sang Hoa Kỳ vào năm 2021.
Các nhà máy, cửa hàng và nhà kho giống như ở Kyiv đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công của Nga. Ảnh AP/Vadim Ghirda
Thành quả kinh tế gặp rủi ro
Việc Ukraine tăng cường hội nhập với nền kinh tế toàn cầu có nghĩa là nhiều hàng hóa của Ukraine đóng vai trò quan trọng ở một số thị trường.
Ukraine được dự kiến sẽ chiếm 12% xuất khẩu lúa mì toàn cầu vào năm 2022. Ai Cập, Tunisia và Algeria, chẳng hạn, phụ thuộc rất nhiều vào Ukraine về lúa mì, và có những lo ngại về nạn đói do Nga phong tỏa các tàu rời Ukraine. Bức tranh sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi xung đột vẫn tiếp diễn và nếu nông dân không thể gieo hạt trong khi chiến tranh đang hoành hành.
Ukraine cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất khí neon, một loại khí trơ là thành phần chủ yếu của tia laser dùng trong sản xuất chip. Ukraine sản xuất 90% khí neon bán dẫn được sử dụng ở Hoa Kỳ.
Yuriy Gorodnichenko
Trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, vẫn chưa biết có bao nhiêu dân thường đã bị giết chết và không biết khi nào sự tàn phá sẽ kết thúc. Nhưng có khả năng một nạn nhân khác của cuộc xâm lược có thể là nền kinh tế Ukraine và những tiến bộ mà nước này đã đạt được khi chuyển đổi từ một nền kinh tế Xô Viết mất cân bằng sang một nền kinh tế hiện đại đa dạng.
Về tác giả
Yuriy Gorodnichenko là Chủ tịch của Quỹ Quantedge, và là Giáo sư Khoa Kinh tế học, Đại học California, Berkeley
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Nguồn: “Ukraine’s economy went from Soviet chaos to oligarch domination to vital global trader of wheat and neon – and now Russian devastation”, The Conversation, ngày 21.03.2022
Không có nhận xét nào