Đỗ Quý Sáng (1943-2002)
Biểu Nhất Lãm Chính Thuyết Dân Tộc Đại Kết
People Actualizationism
TÂM THỨC VÀ VÔ TÂM THỨC VIỆT TÍNH
Khổng Tử khi thấy thế đạo của ngài chưa được tin dùng đã có lần than: “Đạo của ta cùng rồi sao?” để thấy tri thiên mệnh như ngài mà cũng có lúc phải giao động. Một số người khi thấy cái thế hung bạo, bành trướng của Cộng sản đã ngã lòng và cho rằng Cộng sản chỉ có tiến chứ không bao giờ tụt xuống. Lấy tất yếu mà nói thì hễ nhân vi là có sơ lâu, không có vật gì lên đến cực đại mà đứng mãi, không có vật gì có khởi điểm mà không có dứt điểm. Dùng Dịch Lý mà suy xét, không có vật gì không có chuyển biến. Trong lãnh vực nhân vi, niềm tin là căn nguyên của mọi động tác và biến chuyển. Hễ một niềm tin mới được xuất hiện, sự duỗi dài của niềm tin ấy sẽ khiến thành tựu vào sự việc.
Niềm tin ấy cũng không được quá xa vời với thời đại và nhu cầu. Nhân ư vạn vật chi linh: tuy khởi đầu người phải tùy thuộc vào vật ảo sinh tồn, khi phương trưởng, người lại biết dùng trí để chi phối vật và khi phần linh thể được khai mở thì phần vật chất bị chi phối và kiểm soát. Các lý thuyết về phát triển và tiến hóa thường dựa vào sự biến đổi của cơ thể hoặc vật thể. Văn hóa văn minh lại tiến triển theo một lịch trình khác: Khi tâm chuyển thì vật theo đó mà biến chuyển. Con người lúc nhỏ, tùy thuộc vào các nhu yếu cơ bản. Lớn lên, biết dùng trí lực của mình để chế ngự sự tùy thuộc vào cơ thể.
Các đề án dưới đây dựa trên một định đề căn bản: Trên chuyển đẩy vật chuyển trong sứ mệnh dân tộc Việt Nam. Thật vậy, một nước nhược tiểu về lượng nhưng tâm của dân của nước ấy không nhược tiểu cũng có thể chuyển động được một lực lớn hơn. Nguyên tắc “binh quý hồ tinh bất quý hồ đa” cũng là tôn trọng phẩm hơn lượng, tinh thần khắc chế vật chất.
Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng
Từ sự gắng gỏi trường tồn tự chủ, tự tại đó đã nảy sinh cái kiêu hùng tự hào là người Việt. Trong hoạn nạn nguy nan cũng phát hiện ra tình keo sơn gắn bó “hạt gạo chia hai”. Do cái tính ấy, cái tính ấy người Việt ta đã tồn tại được hơn bốn ngàn năm với không thiếu những gương anh hùng liệt nữ:
Biết bao đời Hùng Vương nối tên
Giữ núi sông trọng thanh danh
Xây nước non với tôi trung thành
Cùng khắc tên trên sử xanh
Hiến thân mình để cho quốc gia
Cho vẻ vang thêm nước non nhà.
Do đâu mà có sự hy sinh cao quý hơn cả sinh mệnh cá thể của mình. Đó chẳng phải là vì có một sức động lực rất lớn lao thúc giục được con dân lẫm liệt làm những việc phi thường vì động lực này còn cao cả hơn cả sinh mệnh cá nhân. Đó chính là sự sống còn của cả một dân tộc và gọi là Sử mệnh. Sử mệnh là sự sống của Đại Ngã Thể Việt. Sử mệnh không phải là một cứu cánh tự thân. Sử mệnh ấy có cứu cánh của nó. Năm cứu cánh chủ yếu là Dân tộc bản vị, dân tộc sinh tồn, Dân tộc tự quyết tự chủ, Dân tộc an sinh phú cường, Dân tộc hòa hài.
Cổ nhân thường nói Dân là quan trọng hơn nước, ý nói chính quyền nhẹ hơn sự an nguy của dân tộc. “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” bởi vì không có một thứ lãnh tụ nào được coi là quan trọng hươn một thể chế, không một thể chế nào lại quan trọng hơn dân tộc. “Thiên ý tại dân tâm”, một chính quyền chỉ có thể đứng được nếu trong nước không có những công phẩn, không có những tệ trạng. Vì thế dân tộc là quý, dân tâm là trọng, dân sinh là cần.
Một chủ thuyết chính trị lấy lãnh tụ làm trọng là một chủ thuyết sai lầm tự căn bản. Một chủ thuyết lấy chính quyền làm mô mẫu của uy lực cũng đi đến độc tài. Một chế độ lấy đảng trị làm chính cũng đi đến tàn ác. Một chính quyền lấy cá nhân làm căn bản cũng sẽ đi đến thiên lệch và cuối cùng là sự mạnh được yếu thua.
Mẫu số chung vẫn là lấy dân tộc làm căn bản để giải quyết các vị kỷ quyền lợi. Dân tộc tất nhiên cũng có những xung đột với các dân tộc khác để cùng tương nhượng mà sống trong một Đại Thể Nhân Loại. Dân tộc quan không nhất thiết phải là chủng tộc ưu việt quan. Thật chỉ có bọn điên rồ mới nghĩ rằng chủng tộc mình ưu việt và do đó phải đi dẹp bỏ các dân tộc khác mà độc chiếm vũ trụ.
Văn Hóa Dân Tộc Sử quan đề bạt ra để chiêm nghiệm tất yếu tính của lịch sử mỗi dân tộc: Lực lượng dân tộc chủ lực tất thắng. Sinh mệnh của Sử Việt đòi hỏi lực dân tộc làm chủ lực trong vận động lịch sử của mình. Người yêu nước và yêu dân tộc là người giúp cho hoặc cung hiến cơ hội cho dân tộc được tự chủ, dân sinh an lạc.
Đề án dưới đây tuy hợp các lý thuyết Bản vị Dân tộc, Dân tộc sinh tồn, và Tam dân chủ nghĩa để bạo dạn đưa ra một xuất lộ cho dân tộc và giải quyết các bế tắc tranh chấp. Lý thuyết này dựa trên căn bản tâm linh học tin tưởng rằng tập thể một dân tộc có công năng hiện thực hóa các ước vọng uyên nguyên của mình và những trở lực trên đường đi ấy nhất thiết sẽ bị gạt sang bên, tỷ như nước từ thượng nguồn đổ xuống và chảy ra biển vậy. Lý thuyết này gọi là Dân Tộc Đại Kết, tức là phát hiện được tất cả công năng của Dân tộc mình. Đường đi đến lý thuyết Dân tộc Đại Kết đòi hỏi nơi tự thân một sự trong sáng và mạnh mẽ phá hết mây mù của vị kỷ để nhìn thấy sự sống lớn lao của dân tộc qua ý chí vô biên và tình yêu rộng khắp. Vẫn biết trong luật đấu tranh lấy mâu thuẫn và xung động thù ghét làm quan yếu cho sự thành tựu. Song ở trong một tình thế đặc biệt, một trạng huống éo le, sức mạnh thô bạo sẽ đổ xuống vì muôn thủa tình người vẫn cao thượng và toàn bích giải quyết các xung đột theo định luật hiếu sinh của trời đất trong hai luật tắc Công chính và bù trừ.
Để thực hiện hóa thân của Dân tộc không có một đường đi nào khác. Con đường lớn đúng thì chỉ có một lối, mặc dù có nhiều lối nhỏ để đi đến lối chính đó. Khẳng định rằng đường vào Dân Tộc Đại Kết không có hai để chặt bỏ các mờ tối của vị kỷ và của trục lợi thời cơ và hoạt đầu chính trị chỉ có một lối ấy là lối đi tất thắng.
Dân Tộc Đại Kết thuyết là một chính thuyết đứng trên lập trường Văn Hóa Dân Tộc sử và sử quan Dân Văn này có biện chứng pháp của nó. Nếu mâu thuẫn duy vật, biện chứng Pháp có kiến thức tư tưởng của nó thì công chính bù trừ sinh mệnh Văn Hóa Dân Tộc biện chứng cũng có nền tảng tư tưởng của nó ở đáy tầng đi sâu và đi xa đi vững và đi đúng hơn sự gò ép cưỡng thúc của Duy Vật Biện Chứng.
Riêng một quan điểm Dân Tộc Văn Hóa cũng đã đủ để biện biệt vô sản quốc tế là một hành vi quá độ chỉ do đòi hỏi của thời đại đã qua mà không đáp ứng được các nhu cầu sắp tới của nhân sinh dân tộc.
Đứng trên quan điểm sứ mệnh thì có vấn đề chính thống và ngụy nghịch. Sử mệnh là sự thực hiện hóa của sử hồn tức là nguồn nguyên động lực tiềm ẩn nơi mỗi cá thể trong vô thức mà một phần hóa hiện trong ý thức tính về những hành vi vì dân vì nước. Phong trào phi dân tộc xuất hiện qua sử mệnh như một ác niệm và một ác tác trong tiến trình của sử và đương nhiên sẽ bị gạt bỏ và đào thải. Tùy theo mức độ xảo quyệt của các phong trào phi dân tộc trong thủ thuật đội lốt dân tộc, vô hình chung phong trào phi dân tộc tự nó đã được cấy một chủng tử mâu thuẫn. Sự bung phá vỡ bờ của lực dân tộc là thế tất yếu phải xảy đến, và vỡ ngay từ trong nội bộ của hàng ngũ phi dân tộc. Lý do tất yếu đó là vì mỗi người dân Việt tự tiềm thức đều cưu mang một tánh của sứ mệnh. Cái tánh sử mệnh này là sử hồn, hoặc nói nôm na là hồn thiêng sông núi của đất nước, hễ gặp các điều kiện thuận lợi thì bộc phát ra theo một định luật về Toàn thể tính. Định luật này nói rằng công năng của Tổng thể trùm át và to lớn hơn tổng số công năng của mỗi cá thể.
Công năng của sử hồn nơi tiềm thức mỗi cá thể con dân Việt truy nhỏ nhoi nhưng sức vận dụng của công năng ấy làm chuyển động được toàn bộ công năng của Đại thể, tức là Vầng Đại Ngã của Việt tộc ta. Mỗi một dân tộc dĩ nhiên phải có sự linh hiển của Đại ngã ấy tùy thuộc vào vị thế của sử hồn hội nhập vào mỗi cá thể có nằm ở đúng chính vị hay không. Nên biết rằng, nên ta làm một số công việc, hành động một số đường lối phần lớn là tùy vào vô tâm thức. Cao độ của lòng yêu nước Việt Nam nằm trong phần vô thức tính (vô tâm thức). Một số người biết chuyển một phần của vô ý thức vào ý thức tri thức. Công năng của tri thức và thức thể không đi xa được nếu không có sự uẩn trợ của vô thức. Nói một cách khác, vầng Đại Ngã của Việt tộc ta tỏa ra một cái đức cho mọi cá thể. Cái Đức này gọi là Âm trong giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo và trọn vẹn trong quan niệm Đức hiếu sinh của trời đất nói ở trong tư tưởng của Lão Trang. Cái đức Âm này là cá i u uẩn linh thiêng của hồn Sử Việt. Hồn Sử Việt qua công năng mỗi cá thể mà vận dụng được công năng Tổng thể như Phẩm đột biến từ lượng để từ đó thiết lập được sinh mệnh Sử Việt.
SỬ MỆNH: UYÊN NGUYÊN, HUYỀN SỬ, CHÍNH SỬ, DÃ SỬ
Sử mệnh dân tộc Việt biến hóa từ uyên nguyên sử được vi diệu thành huyền sử. Uyên nguyên sử là sự thực cùng đích của sự hình thành dân tộc và các ước vọng đề uẩn của dân tộc. Qua thời gian, một phần chính sử trở thành huyền sử, chính sử. Chính sử là sự hiện thực hóa và sự trình bầy sử mệnh. Sử mệnh như đã nói, không phải là vật tự thân, sử mệnh có cứu cánh của sử mệnh. Trọn vẹn cứu cánh cùng đích này thì thực hiện được tất cả công năng của sử hồn, sử mệnh. Lúc đó sử mệnh hội nhập được với uyên nguyên sử theo một vòng tròn cổ loa hướng thượng.
Uyên nguyên sử mệnh, Huyền sử, Chính sử, Dã sử, Sử mệnh với năm cứu cánh cũng theo thứ tự:
Bản vị Dân tộc hòa hài, Dân tộc sinh tồn, Dân tộc tự quyết, Dân tộc an sinh
Uyên nguyên sử:
Không có một dân tộc nào trong nhân loại mà không khởi đi từ bộ lạc. Hơn 4 ngàn năm trước đây, không phải do chiến tranh cấu xé theo định luật mạnh được yếu thua, tổ tiên ta đã biết vượt qua lối sống bộ lạc để đi vào Đại hòa của nước. Vì không do chiến tranh mà chỉ do lời hay lẽ phải của công chính và đùm bọc, quốc hiệu được gọi là Văn Lang. Bản hiến pháp đầu tiên quy kết trên dưới 100 bộ tộc vào với nhau trong một liên minh lớn gọi là một bọc. Từ đó mọi người kết nghĩa huynh đệ với nhau, coi nhau như ruột thịt cùng chung huyết thống: Đồng bào. Vì là đồng bào nên cứ lớn tuổi coi là anh, nhỏ tuổi xưng là em, đối với trên thì kính, đối với dưới thì nhường, cùng nhau chia ngọt xẻ bùi bồi đắp cho một sự sống còn của đại thể dân tộc, trao đổi nhau các khám phá, các văn minh văn hiến của mỗi bộ tộc. Từ đấy bộ tộc nào có các phát kiến gì có công đức cho muôn dân thì được chọn ra làm trưởng nước và truyền bá cái văn hiến của mình. Mười tám bộ tộc kế truyền cái dân tộc uyên nguyên này tuy gọi là 18 đời vua Hùng Vương mà thật ra không phải là lối cha truyền con nối. 18 đời vua Hùng Vương kế vị nhau theo lối truyền hiền. Các phong tục kỷ cương của dân gian từ đấy được thiết lập: tục trầu cau cưới gả, tục cúng và làm bánh chưng bánh dầy, tục xăm mình để tránh giao long, tục nhuộm răng đen để tránh hư răng .v.v… Thuở xa xưa Văn Lang có lẽ chưa phát minh ra chữ hoặc mãi sau nữa mới phát minh ra nhưng kịp lúc Hán tộc phát triển lấn át mà tiêu hủy hết cái văn tự nhưng ngôn ngữ thì vẫn giữ được kỳ cùng vì chỉ khi nào giết hết người mới bịt được miệng.
Như thế các Hùng Vương kế thừa nhau vì tài năng và đức độ phục vụ dân sinh, và chuyện một bọc trăm trứng là một lối nói truyền khẩu để đời đời nhớ lại các tinh lý của bản Hiến pháp đầu tiên quy kết các bộ lạc vào một mối.
Huyền sử:
Tương truyền huyền thoại một bọc trăm trứng này trờ thành huyền sử con Rồng cháu Tiên. Tiên và Rồng là biểu tượng do sự kết hợp của tài trí và nhân đức. Chúng ta thấy từ biểu tượng Tiên Rồng này, tổ tiên ta từ khi còn “ăn lông ở lỗ” đã có một lòng nhân hậu , một khả năng suy nghĩ trác việt thấy được nguyên lý của vạn hữu là tương sinh tương khắc. Tương khắc không phải là tương diệt. Cái nguyên lý vạn vật “cõng âm bảo dương” là cái định luật đã thấy từ cổ đại đi đúng, đi xa và đi trên đi sâu hơn định luật mâu thuẫn của biện chứng pháp duy vật vốn chỉ nhìn được phần hiện tượng và đi trật trong sự nhận định ẩn tượng. Hiện tượng mâu thuẫn không phải là ẩn tượng hủy diệt. Mâu thuẫn là tương khắc để đẩy các lực đi về chính vị của nó. Do đấy mâu thuẫn sai khác là lý tắc của vận hành lập thành cơ năng, điều động và hiện thực hóa. Huyền sử do đấy là một cao độ của truyền thông, ký thác các biểu tượng vào trong tiềm thức và vô tâm thức con dân. Phân tích huyền sử không phải là làm công tác giải huyền. Giải huyền làm mất cái diệu dung của huyền và làm giảm cái công năng của chính sử. Huyền sử vì vậy đóng một vai trò rất then chốt trong việc phát huy công năng của sử hồn và sử mệnh. Hiểu huyền sử phải hiểu trong nguyên lý vô ngôn, với tất cả sự tâm thành: hễ hiểu được ý thì quên lời đi. Tức là qua biểu tượng mà đạt tới được ẩn tượng. Vụ hiện tượng để quên ẩn tượng là sai lệch, vụ biểu tượng để quên ẩn tượng cũng là sự nông cạn của duy danh luận.
Huyền sử có tác dụng linh thiêng hóa một số các hiện tượng và giải thích một số hiện tượng có liên lạc mật thiết đến đời sống của dân gian. Từ cách giải thích này có thể nhìn thấy được lề lối suy nghĩ và cách đặt chủ điểm của cổ nhân: lấy hiện tượng làm biểu kiến và dùng biểu tượng để diễn tả ẩn tượng, nuôi dưỡng ẩn tượng và phát hiện công vô tâm thức của con dân một chất keo gắn bó họ qua thời gian và không gian. Có nhiều huyền thoại được tương truyền dưới đời vua Hùng Vương. Huyền thoại khác với thần thoại vì huyền thoại vẫn còn cái mấu chốt gắn liền với thực tại qua các hiện tượng. Các huyền thoại này có liên hệ đến đời sống thực tại của dân gian. Để nói sự mâu thuẫn và xung đột đem lại đổ vỡ, chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh trành giành và đấu phép với nhau được đem ra làm đề tài và lại nối liền với lụt lội trong dân gian khiến câu chuyện trở thành dễ nhớ. Chuyện thằng Cuội nói láo phải ngồi trên cây đa thì cũng dính liền với sự quan sát cái bóng trên mặt trăng. Chuyện nhớ người thương không giai cấp giữa Ngưu Lang và Chức Nữ trở thành mưa ngâu. Chuyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử cũng nói đến tình yêu không giai cấp. Chuyện tự lập của Mai An Tiêm và quả dưa đỏ cũng nói lên triết lý không phân biệt giai cấp và tự lập là một đức tính quan trọng nhưng biết ơn biết nghĩa cũng là điều cần có trong tương giao. Một điều thích thú ở các huyền thoại Việt Nam là sự vạch rõ tầm mức tác hại của chia rẽ, mâu thuẫn hủy diệt, của phân biệt giai cấp đi đến hủy diệt. Triết lý hỗ tương hòa hài, công chính và bù trừ, linh động chừng mực là những gia tài vô giá của sinh mệnh dân tộc Việt.
Huyền sử được truyền tụng qua ca dao tục ngữ, cổ tích để tiếp nối cái triết lý và túi khôn của dân tộc. Lúc nuôi con thơ ấu các bà mẹ Việt thường ôm ấp và ru con ngủ, hát cho con nghe. Ca dao tục ngữ trở thành một thứ kinh điển được chuyển vào vô tâm thức của đứa bé các giá trị cơ bản của sinh mệnh Việt Nam. Các lời ru con ngủ là những phương tiện giáo huấn vô song, tuyệt đỉnh cao độ và đi theo lối trực diện. Lối nói vần điệu lại hàm chứa triết lý đã khiến đứa trẻ Việt đến tuổi cắp sách đến trường thì đã hấp thụ được cái siêu thể tính của Việt linh. Cái mầm linh thức ấy hễ có cơ hội thì phát động vững mạnh và khuyến cho người nào cũng mang cái công năng trở thành anh hùng dân tộc.
Con người là Phật sẽ thành vì có phật tính. Người Việt là anh hùng sẽ thành vì mọi người Việt đều có linh Việt tính. Ca dao, cổ tích, dã sử, huyền sử, chính sử là những phương tiện truyền thông, là những kinh điển của Quốc đạo Việt mệnh. Đây là một lối truyền pháp nhãn tạng từ lúc đứa trẻ còn là con đỏ. Mỗi một câu ca dao là một câu kinh câu kệ, tâm huyền tâm. Cho nên có thể tự tin mà nói rằng: Ca dao còn, tiếng Việt còn, tiếng Việt còn, Việt linh còn, Việt linh còn thì bản vị Việt tộc còn, bản vị Việt tộc còn thì dân ta còn, dân ta còn thì nước ta còn, nước ta còn thì sử mệnh Việt Nam sẽ được hiện thực hóa.
Thế nên sự truyền thụ trực nhận quốc đạo Dân Tộc là lối đi vào xây dựng vô tâm thức, lối ấy vững bền hơn đền đài thành quách, lối ấy đi vào lãnh vực minh linh sâu thẳm. Không có thứ nhồi sọ của Cộng sản nào có thể lu mờ được công năng kỳ diệu của ca dao qua lời mẹ ru con. Vì thế trong quan niệm Văn Hóa Dân Tộc sử quan, văn hóa là yếu tố chủ và chính, là thứ lực có công năng siêu việt để làm rung chuyển tận hang ổ của tư tưởng duy vật đấu tranh giai cấp. Trong quan niệm này, nữ giới và các bà mẹ Việt quả đã và sẽ đóng vai trò nuôi dưỡng và xây đắp sử mệnh Việt.
Dã sử:
Có những công nghiệp ơi hùng và có những gương hy sinh khắp trên nẻo đường của dân vực đất nước mà chính sử không thể ghi chép hết được. Nếu chính sử là bộ xương căn bản dựng cho sinh mệnh cả nước đứng lên thì Dã sử là các thớ thịt và mạch máu vi ti huyết quản đi khắp châu thân. Dã sử ghi nhận công khó của các anh hùng vô danh, anh hùng địa phương, là niềm tự hào của bao nhiêu cộng đồng, thôn xã và gia đình. Sử của mỗi gia tộc (gia phả) thường được kể vào dã sử vì chưa được nhiều người trong nước biết đến nhưng đã được truyền tụng ở địa phương. Vì sự thiếu vắng văn tự nên dã sử được ghi qua các lời tương truyền trong dân gian nhân một cây đa cây đề, cái miếu cá am. Có thể nói dã sử là sử của mỗi địa phương nữa vậy. Sống ở làng, sang ở nước. Nếu nước có chính sử, địa phương mỗi nơi cũng có sử sống ở nơi đó và vì thế dân chúng ở mỗi vùng được hun đúc khác nhau, tuy cùng là người Việt với huyền sử, chính sử chung. Sự vinh nhục của mỗi địa phương đã làm cho mỗi vùng có những địa linh nhân kiệt khác nhau nhờ gương của dã sử.
Phần lớn công đầu được ghi vào chính sử, nhưng nhiều công nhỏ của các cá nhân với những gương hy sinh vô bờ bến, chính dã sử đã làm cho công lý được bảo đảm, đó là: mọi người dù sang hèn, ở nước hay ở làng nếu có công nghiệp với quốc dân thì đều được nhìn nhận. Dã sử có khi được truyền qua miệng thế gian. Bia miệng là những việc đã được truyền đi có khi lợi hại hơn cả bia đá nữa:
Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ
Chính sử:
Cho đến khi có văn tự, một dân tộc không thể nào có chính sử. Dân Việt chịu sự đô hộ của Hán tộc nên đã dùng chữ Hán và từ đó có chính sử. Khi người Hán tiếp xúc với ta thì họ đã chép các việc liên quan đến ta. Mãi đến đời nhà Lê mới có chức sử quan để ghi chép chuyện chính xác của vài trăm năm trước. Sau ngày Trung Quốc quy hồi siêu thể văn hóa sử quan của dân tộc họ, áp dụng một cách công chính lai lịch của các dân tộc khác theo quan niệm bản vị, thì các kho tàng sách vở ghi chép về các việc liên quan đến Việt tộc cũng sẽ được truy cứu phong phú thêm. Chính sử như một thứ chân kinh dạy các gương can đảm, các bài học chiến thuật chiến lược tồn chủng bảo quốc. Người dân yêu nước không thể không biết đến chính sử để đồng nhất hóa mình với dòng sống của Đại thể Việt mệnh.
Bản vị - thuyết này được ông Lý Đông A lập ra. Mỗi dân tộc là một phần trong nhân loại bản thể. Đóa hoa nhân loại chỉ trọn vẹn màu sắc khi nào mỗi dân tộc bảo tồn được bản thể của họ. Nhiệm vụ thiêng liêng của Dân tộc lớn là bảo toàn cho các dân tộc nhỏ để tạo thành một thế Thái Hòa trong vũ trụ.
Dân tộc sinh tồn – Đã có bản vị thì tồn chủng trong một dân vực dân số và tài nguyên thiên nhiên để phát triển là cần thiết. Dân tộc sinh tồn là chính thuyết do ông Trương Tử Anh đề xướng. Quan niệm dân tộc sinh tồn cần phải được điều lý với dân tộc bản vị để tránh tình trạng tranh chiếm khốc liệt của thời đại bán khai. Dân tộc sinh tồn khi quá độ sẽ có nguy cơ trở thành chủng tộc siêu việt, có hại cho sự an toàn của nhân loại, đi ngược lại căn bản của đức hiếu sinh trong vũ trụ. Sinh tồn trong nhân loại ngày nay không nhất thiết ở sự sở hữu các tài nguyên khổng lồ mà là sự biết khai mở các tiềm năng thiên nhiên sở hữu. Nếu quá độ của tư bản chủ nghĩa là sự phóng túng cho quyền tự do cá nhân để luật đào thải và mạnh được yếu thua trở thành động lực thì quá độ của dân tộc sinh tồn cũng sẽ tạo ra lập luận mạnh được yếu thua và làm tổn hại đến sự công chính hướng thượng của nhân vị.
Dân tộc tự quyết tự chủ- Lý thuyết dân tộc tự quyết phát sih sau đệ nhất thế chiến và trở thành một quyền được bản hiến chương Liên Hiệp Quốc công nhận. Trên thực tế Dân tộc tự quyết được các nước lớn công nhận cho các dân tộc đã mất chủ quyền quốc gia để họ lựa chọn chế độ. Dân tộc tự chủ cao hơn một bậc, là sự phương trưởng về thế đứng của chủ quyền quốc gia, không do một thế lực nào ban phát mà do chính sức mạnh của dân tộc ấy đảm bảo. Vì không có sự tự chủ, một dân tộc sẽ mất khả năng sinh tồn mà không còn là một thực thể nữa. Bản vị là một lập thuyết đòi hỏi mỗi dân tộc có một quyền sống dưới ánh mặt trời, sinh tồn đòi hỏi một khoảng không gian thực tiễn, tự chủ là một khả năng tự bản thể để bảo đảm cho bản vị và sinh tồn được tôn trọng, Tam dân chủ nghĩa Trung Hoa, trước họa Tây phương cũng đề xướng lên yếu tố quan trọng là Dân tộc độc lập (Tôn Dật Tiên)
Dân tộc an sinh- Nếu dân tộc sinh tồn đòi hỏi một khoảng không gian sống, dân tộc an sinh phú cường đòi hỏi một nhà cầm quyền phải có một chính sách dân sinh cho dân chúng có những cơ hội kinh tế, có phương tiện sống hợp với nhân phẩm. Chính sách kinh tế ấy nhằm nâng cao mức sống và giảm thiểu chênh lệch giữa các giai cấp, trung lưu hóa toàn dân và bảo đảm một đời sống tối thiểu cho mọi người.
Dân tộc hòa hài – Khi dân tộc được đủ các điều kiện an toàn và an sinh, các quyền cao hơn cũng được song song phát triển giống như cá nhân được đầy đủ các nhu cầu căn bản thì các nhu cầu về tinh thân và văn hóa được phát triển và thực hiện trọn vẹn với ước vọng cá nhân. Ước vọng cao nhất của con người là hiện thực hóa được hoài bão của mình (self actualization) tương tự với cứu cánh tất yếu của dân tộc là thực hiện hóa được cái hoài bão uyên nguyên của dân tộc mình. Muốn biết được mức độ hòa hài của dân tộc phải có các kỹ thuật nghiên cứu, phải có quyền tự do sáng tác văn hóa văn chương, các quyền tự do báo chí, phải có một số các quyền tự trị để thi hành công tác phê bình đàn hạch.
Một số vấn nạn đặt ra là nếu chủ thuyết nhấn mạnh vào 5 cứu cánh trên thì có khác gì hơn các mô thức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, độc lập ấm no – tự do hạnh phúc. Hỏi tức là trả lời. Khi một nhà cầm quyền với một chính sách xâm lược lân bang, áp chế các quyền tự do căn bản, các nhu yếu căn bản cũng bị hạn chế, người không còn được làm người thì các nhãn hiệu vỏ ngoài ấy chỉ là một sự phình gạt lớn nhất. Chính quyền Cộng sản ngày nay không thể lừa dối chính các cán bộ của họ. Mẫu người xã hội không đạt thành và cả nước bị giam cầm dưới hệ thống công an cảnh sát, câu hỏi và lối than thở của văn gia và thi sĩ trong thời gian gần đây đã khởi đầu một khúc quanh mới của tâm trạng thời đại: Dân chúng ấy có tội tình gì? Hồn của Dân tộc ở đâu bây giờ? Sự khác biệt của chủ thuyết Dân Tộc Đại Kết trong Văn Hóa Dân Tộc Sử Quan và biện chứng pháp quy hồi bản thể Phan Phục… Với đạo kỷ hoàn toàn đối lập với mâu thuẫn duy vật sử quan.
Đạo kỷ vận động:
Trong sự phân lập và vận hành, đạo kỷ của Văn hóa Dân tộc Sử mệnh theo nguyên lý tương sinh tương khắc. Tương khắc để phân lập chứ không mâu thuẫn, hủy diệt. Ví dụ như cực dương và cực âm của nam châm, hai cực đồng hướng thì đẩy nhau để cho mỗi cực đều quay về đúng hướng của Đại thể ân từ trường. Âm và dương tuy khác nhau mà hút chặt vào nhau nên mâu thuẫn về hiện tượng chưa chắc đã là tương diện ở ẩn tượng. Nếu nói âm và dương mâu thuẫn thì không hiểu được luật tắc dung hòa và tương sinh tương khắc của vạn hữu. Trong sự liên lạc giữa một số sinh vật trong cùng một dòng tương sinh, sự hủy diệt một sinh vật mắt xích sẽ làm cả một chuỗi môi sinh bị phá vỡ. Ví dụ sự nhiễm độc của một vùng đầm lầy làm ruồi muỗi sâu bọ ở vùng ấy bị chết, các sinh vật ở tầng kế tiếp không còn có thực phẩm do đấy phải tiêu hao và dần dần toàn bộ hệ thống tương sinh tương khắc bị phá vỡ.
Đạo kỹ xét trên mặt vận hành thì quy định sự tương giao sinh khắc giữa muôn vật nương nhau, cọ sát với nhau mà sống. Ví như âm với dương tuy nghịch nhau như thế nhưng chỉ người bất trí mới nói phải diệt cái âm đi cho cái dương sống còn. Vậy rõ ràng nếu hết âm thì dương cũng hết. Mâu thuẫn thật ra phải hiểu trong sự tương khắc tương sinh. Mâu thuẫn hiện tượng do sự “cõng âm bảo dương” sai khác mà lập thành các đối cực. Vạn hữu có cái cứng cái mềm, dài ngắn, trên dưới, phải trái, trong ngoài, đúng sai, nóng lạnh, đóng mở, đặc lỏng, bọc rỗng, nặng nhẹ, thơm thối, độc lành, sáng tối, tĩnh động, đực cái, lớn nhỏ, nhanh chậm, hơn kém, sang hèn, được thua, còn mất, thậm chí đến sắc không nữa.
Như thế muôn vật muôn sự đều có cùng thể tính nhưng sai khác về mức độ biểu kiến và hiện tượng. Cái bản tính hay tánh thể mới là chỗ nắm giữ mấu chốt. Mọi biến dạng sai khác không làm tánh thể ấy mất đi. Ví như nóng lạnh nằm trong tánh nhiệt, nhanh chậm nằm trong tánh năng, đặc lỏng nằm trong tánh thể, sáng tối nằm trong tánh hiện, độc lành nằm trong tánh dưỡng, đực cái nằm trong tánh sắc, sang hèn nằm trong tánh đắc.
Chỉ có phá vỡ phần hiện tượng mới đi vào được bản thể. Đạo kỷ là một lối đi lớn không có hai ngả. Đạo kỷ là quán tính nhất quán, là nền tảng không hai để đi vào đại linh thể của dân tộc. Dân tộc không có sang hèn, không có giết nhau vì sang hèn, vì sang hèn là hiện tượng, hiện tượng có thể chữa được mà không hủy bỏ bản thể. Mâu thuẫn biện chứng nhầm lẫn ngay từ khởi thủy vì nhìn hiện tượng cho là bản thể, đem luật tắc của phân lập (mâu thuẫn) để áp dụng vào vận hành cơ năng. Như thế sự nhầm lẫn to tát của duy vật biện chứng là nhìn vào cái tĩnh của phân lập mà tưởng là cái động của cơ năng. Thấy người sang hèn sai khác, đem giết hết người sang cho là họ thù nghịch vĩnh cửu với mình. Cái nhìn cạn hẹp và sở tri chứng, vị hiện tượng này là con đẻ của khoa học duy lý tây phương và duy danh luận.
Trong 5 cứu cánh cùng đích của dân tộc đại kết thì phải nhìn cái thể đại kết là bản thể chứ không thể nhìn một cứu cánh nào là bản thể. Cho nên nếu lấy cái bản thể sinh mệnh của dân tộc làm then chốt thì sự phân biệt trên mặt dân sinh chỉ là yếu có, ắt có. Hễ đã yêu nước thì dù có học hay không học, có của hay nghèo khổ đều hợp với nhau, vì sự kết hợp với nhau cùng mẫu số chung là lòng yêu nước, yêu dân thì sự khác biệt giầu nghèo chỉ là điểm phụ và có thể giải quyết trong tình huynh đệ, luật công chính và bù trừ. Một thứ sở tri chứng nhằm đem quy luật vật thể áp dụng cho nhân thể, đem hiện tượng của hủy thể để gò bó vào luật tắc của biến thể tiến hóa.
Cộng sản vô sản chủ nghĩa với luật tắc mâu thuẫn nhằm hủy diệt sinh mệnh dân tộc, thiết lập một bản thể không có bản thể tính mà chỉ có hiện tượng tính: “Vô sản quốc tế” vứt bỏ câu chân kinh dân tộc “cõng rắn cắn gà nhà”, “mồ cha không khóc, khóc nấm mối”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Vô sản chuyên chính và mâu thuẫn đấu tranh đi đến đâu reo rắc đổ vỡ đau thương đến đấy: ở Nga, Trung Hoa, ở Việt Nam và ở Campuchia. Nếu chủ nghĩa này lan tràn thì sự thống khổ của dân chúng miền Đông nam á châu còn có thể xảy ra với tất cả mức độ thảm khốc.
Xem sự giết chóc con người không gớm tay thì cung cách của con người vô sản cộng sản không khác gì phe biện danh và thủ thuật cực quyền thủ đoạn của Marchiavelli. Phe biện danh bên Trung Quốc từng lý luận rằng ngựa trắng không phải là ngựa (bạch mã phi mã) vì trắng chỉ là sắc của ngựa chứ không phải ngựa. Đối với con người hữu sản và vô sản, phe Cộng sản khẳng định rằng người hữu sản không phải là người. Từ đó sự hủy diệt một con người trở thành cái tất yếu tính của con đường xây dựng vô sản chuyên chính.
Từ đây chúng ta đã thấy một điểm mãn nhãn của nền đạo lý vạn hữu theo các quy luật khác nhau mà sự áp dụng quy luật không đúng theo đối tượng bản thể thì sẽ tác hại vô cùng. Nói nôm na “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì sẽ “hỏng một li đi một dặm”.
Vật tĩnh có quy luật của hệ thống tĩnh, sinh vật có quy luật của hệ thống mở tương giao của sinh vật, linh sinh vật như con người phải có quy luật hướng thượng giao thoa của tâm linh sinh thể.
Khai ngộ để tâm nghiệm cái bản thể của linh sinh vật là một hiện thực nối kết giữa trời và đất. Trời là linh thể, đất là vật thể, người ở giữa trời và đất hội tụ được linh tính, kết hợp được vật tính để thành bản thể Thiên địa nhân. Con người vì thế là một linh-sinh-thể. Linh tính để thông đạt bản thể trời đất nằm trong vô tâm thức a-lại gia thức, ẩn thức, tiềm thức, mà tri thức chỉ là mặt nổi bên ngoài. Mọi sự đại ngộ, trực ngộ, đốn ngộ, mạc khải, đắc đạo đều là công nghiệp của vô tâm thức a-lại gia thức. Thiện thể, thánh thể, linh thể được khải nhập vào con người qua ngõ vô tâm thức a lại gia tiềm thức. A lại gia có nghĩa là một niệm gì chưa đến rõ, rất huyền diệu mờ mờ ảo ảo này cái hồn sử được thụ ký và một công năng được tiềm ẩn. Các siêu thức, thần thức a lại gia tiềm thức này là các cuộn siêu băng cực kỳ bén nhạy, một nơi linh tụ, chưa hiện ra trong sắc giới mà vẫn có cái công năng. Chính các siêu băng chủng tử này mà mầm của “Đại thể tiền căn công nghiệp cộng năng” được ẩn phục đã làm ta và người có hợp quần tính, kết tụ tính, phật tính, thánh tính, anh hùng tính, dân tộc tính.
Khi khoa học tìm ra hạch tâm năng thì biết được rằng một sự nổi của hạch tâm sẽ được thực hiện do sự phá hủy một phân tử để gây ra sự sụp đổ của cả hệ thống và do đó phát nhiệt tột độ. Từ đấy phải linh cảm rằng trong bản thân ta cũng nằm phục một nhân, vi diệu vi tế vô cùng, kỳ bí hơn, linh diệu hơn… nối kết cái sinh mệnh của ta với sinh mệnh của Đại thể Dân tộc.
Linh thể tính của Đại thể Dân tộc, hồn của dân tộc, khí thiêng của sông núi nằm ở đâu?- nhiều người đại trí đã than vãn như thế. Thuyết Dân tộc đại kết Văn hóa Sử mệnh khẳng định rằng hồn thiêng linh phách ấy nằm ở ngay Vô tâm thức a lại gia tiềm thức ấy. Trong vô thức có nằm cái uyên nguyên của sinh mệnh linh thể Đại thể (quan niệm của Jung về collective superego).
Linh thể ấy được truyền đi là nhờ cái đức hiếu sinh rất lớn ở trong vũ trụ. Cái Đức ấy làm cho muôn vật sinh hóa. Thuyết Tiến hóa Darwinism thiếu sót ở chỗ cho rằng ngoại cảnh ảnh hưởng vào sinh vật và khiến sinh vật phải thay hình đổi dạng.
Do đó ai đổi dạng được thì sống còn, ai ù lì chậm biến thì bị đào thải. Thật sự cái vận chuyển của linh thể, siêu thể, sắc nhiễm thể khiến cho quy luật của vật dù cho chặt chẽ đến đâu cũng có lúc đi đến nhiễu loạn. Nhiễu loạn là tính của vật, vì hễ có chuyển động là có sai khác. Di truyền tính, sắc nhiễm tính cũng có nhiều lúc sai khác, chính trong cái sai khác này mà vạn vật sinh hóa, sinh vật mới ra đời được cái đức hiếu sinh mà có, được cái đức hiếu sinh mà tồn tại. Sự nhiễu loạn của vật thì đi đến hủy hoại, sự nhiễu loạn của linh sắc thể lại tạo thành cơ duyên mới. Thuyết Văn hóa Sử mệnh đại kết vì thế gạt bỏ biện chứng tồn tại Darwinism, và tin ở sự biến đổi nội tại tâm thể khiến cho sắc thể nhiễm tính sai khác mà tạo nên loài mới chứ không phải vật là chủ động của sinh thể.
Định luật Genatrophy là định luật “tất yếu giệt tính” nói rằng mọi vật rồi đều sẽ đi đến hủy hoại chỉ áp dụng cho vật tính chớ không áp dụng cho linh tình. Từ khoa học về nhiệt lượng của sự oxyt-hóa, người ta đã tiến lên khoa học của phóng-xạ-hóa để thấy tĩnh vật cũng có biến hóa và “đời sống” của nó về phóng-xạ-tính rất là dài, linh cảm lại còn tinh vi hơn nữa và chắc chắn linh thể luôn luôn được tiếp lửa trong những duyên hội tổng hợp mới, vì linh thể ấy là thể mở, không nương tựa nặng nề vào hẳn sắc thể.
Đức hiếu sinh của trời đất rất nhân của trời đất rất nhân hậu, rất mạnh mẽ, diễn tả qua hai định luật tương sinh:
Luật công chính tận chân
Luật bù trừ tận thiện
Chân và thiện là hai cứu cánh cùng đích của đức hiếu sinh. Đức hiếu sinh không chủ tận mỹ vì cái đẹp của sắc thể, không phải là cái chủ đích của đức hiếu sinh, đức hiếu sinh tỏa ra cả trong một sắc thể tận xú nữa.
Công Chính Tận Chân Luật:
Luật này nằm trong hỗ tương khiến cho tượng giao được bền vững. Đạo kỷ của nhân sinh là tương quan tự kỷ và ỷ tha. Tự kỷ là do tự nó cũng có cái công năng. Mọi hệ thống đều có sự liên lạc của nó giống như một hạt nhân thì cũng có những phân tử xoay quanh, tự nó vận hành nhưng cũng vận hành nhưng cũng vận hành trong cái tương giao điều lý với các phân tử âm dương khác.
Công chính luật tạo ra sự quân bằng và hòa hài để điều lý tự kỷ ỷ tha vận động. Sinh vật có cái độc lập lại có cái tương giao, do đó mà cái mầm xã hội tính, quần tụ tính được phát sinh và được ý thức. Văn hóa Sử mệnh thuyết cho rằng nguồn ẩn thức linh thể của sinh mệnh dân tộc chi phối luật tắc hỗ tương và quần tụ tính. Tự kỷ và ỷ tha là cái hiện tương, mà hiện tương ấy được nâng niu trong Luật Công Chính nằm trong tiềm năng hướng thượng của linh thể. Công Chính luật làm chủ của trục tung. Trục tung của vũ trụ là trục đi khắp trong không gian. Hễ Công Chính tận chân ở Đông thì cũng là ở Tây, đồng nhất khắp mọi nơi.
Luật Bù Trừ Tận Thiện:
Đức hiếu sinh có mầm công chính là đức của lý tính của không gian. Kéo dài qua thời gian thì Đức hiếu sinh tỏa ra trong cái tâm tình của luật bù trừ. Luật này nói rằng tạo hóa thường lấy bớt cái chỗ quá để bù vào chỗ khiếm khuyết. Luật bù trừ làm chủ cho trục hoành và di động suốt từ quá khứ đến vị lai, tức là sống mãi trong thời gian. Luật bù trừ có thể nói là cái luật nhân duyên của nhà Phật. Nhưng nhân duyên luật có tính cách tự tác, trái lại trong cái trùng trùng duyên khởi của vạn hữu hỗ tương, có một cái đại ân đức hiếu sinh, dù cho cái thân nghiệp của mình có vụng về thì sự vụng về ấy vẫn được một lòng bao dung. Luật bù trừ ẩn trong linh thức và tiềm thức của con người mà tỏa ra tình yêu thương: bác ái, từ bi là sự diễn nhập vào nhân vi hỗ tương của luật bù trừ trong đức Hiếu sinh.
Luật bù trừ và công chính song song với nhau để vận hành. Công chính để thắng sự việc gì chưa ngay thẳng thì phải ép buộc cho ngay thẳng chứ không phải hủy diệt mâu thuẫn. Kéo đường cong về nẻo thẳng là công chính, không tư tà là công chính vì đại thể chứ không phải vì tiểu lợi là công chính. Bù trừ là lấy chỗ thừa đắp cho chỗ thiếu thực cũng là luật công chính qua thời gian. Có tình cũng là nằm trong công chính. Nhờ thế sự hỗ tương hòa hài đi khắp trong hoàn vũ không gian và thời gian, tung trục và hoành trục. Lấy công chính mà hành động thì không đi đến tư tà, bù trừ mà nhường nhìn thêm bớt thì không đi đến công phẫn. Bởi vì sự ác sẽ làm chuyển động linh thể nằm trong vô tâm thức và thần thức, từ đó làm một cuộc cách mệnh tâm thức lớn lao từ trong lòng người mà ra:
Độc ác thay trúc rừng không ghi hết tội
Nhơ bẩn thay nước biển không rửa sạch mùi
Lẽ nào trời đất tha cho
Ai bảo thần dân chịu được!
(Bình Ngô Đại Cáo)
Cái vô sản mâu thuẫn duy vật chủ nghĩa đã hành động cực kỳ độc ác vì nó theo biện danh luận, hiện tượng luận chứ không theo bản thể luận. Từ đó đã thấy rõ chính tà sai khác, cái phải trái sai khác mà khai mở được thiên mệnh, khai mở được các chìa khóa vi ti nằm trong tiềm năng thần thức, vô tâm thần thức của mỗi con dân Việt. Đã theo biện danh thể đi vào thuật và từ đó nhìn sai cái đức hiếu sinh của vũ trụ. Nhìn sai nên nhầm hiện tượng với bản thể, nhìn sai nên nhầm thiết lập với vận động, nhìn sai nên nhầm giữa phân công và cơ năng, nhìn sai nên nghĩ vật quyết định tâm, nhìn sai nên trụ vào cái vốn không để hủy cái có hằng thường.
Ngày hôm nay dân tộc Trung Hoa đã bắt đầu nhìn thấy cái đạo kỷ mà giác ngộ ly cách khỏi mê hồn trận của duy vật, duy danh, duy hiện tượng luận. Sự bừng tỉnh này là sự từ bỏ chủ trương khắc nghiệt duy mâu thuẫn để quay về với bản thể Đại ngã của dân tộc Trung Hoa. Đem lại các công chính bù trừ cho một tỉ sinh linh miên viễn qua thời gian, sự bừng tỉnh này là một đại giác ngộ để làm cho Trung Quốc không còn là một con sư tử ngủ. Con sư tử này đã chuyển mình thức giấc để biến thành một loại chinh bằng. Lành thay, lành thay sự quy hồi siêu thể.
Công chính và bù trừ, tận chân và tận thiện nằm trong siêu linh thể thì gọi là đức hiếu sinh, thể nhập vào nhân gian trong sinh linh thể (con người) thì gọi là tình. Có số trong tương giao công chính thì tình được phát sinh. Tình này không phải là nghiệp, không phải là trói buộc, không phải là dây oan. Tình này là cái duyên rất lớn thể hiện trong ỷ tha vận động, đi vượt qua trí vũ, đi vượt qua cường thắng. Tình này không làm cho mê tối mà làm khai mở cái mê tối. Tình này không phải là sở hữu tình, chiếm đoạt tình mà là bao dung tình, mở ngỏ tình. Tình này là cái Đại Từ Đại bi, cái Kiêm ái và Bác ái. (yêu người như yêu mình ta là Kiêm ái, yêu khắp mọi người, kể cả kẻ thù ta, kể cả kẻ có tội, là Bác ái).
C. Cách mệnh cương lĩnh.
Mở ra cái chính thuyết Dân tộc Đại Kết, Văn Hóa Dân tộc, sử mệnh Biện chứng pháp để khai tâm kiến tính nhìn rõ sự vận động của nhân loại trong cấc thời đại đã qua và nhìn rõ sự vận động nhân loại trong tương lai vị lai cũng như vận hành sắp tới của dòng sinh mệnh Việt trên con đường tất yếu tính hiện thực hóa mệnh. Phải nhìn nhận rằng với sự xuất hiện của Thực Dân Tây Phương ở thế kỷ XVIII, Tư Bản chủ nghĩa đã được hình thành nhờ máu và nước mắt của các dân tộc thiếu kém, yếu kém về khoa học nhiên thể. Thực dân nhờ các của cướp đó đã trở thành tư bản và nền tảng của nó là cực cá nhân chủ nghĩa, mạnh được yếu thua. Từ đó chúng tự cho mình cái danh nghĩa tuyên xưng văn minh đi bóc lột các kẻ yếu, vi phạm luật công chính và bù trừ.
Trong con đường tội ác này, Thực dân đế quốc và tư bản cực quyền cấu kết với nhau, chúng gặp phải một chủ trương phi nhân khác là khắc tinh và nhằm tước đoạt tất cả lợi quyền của cá nhân để trao cho tập thể. Tập thể ấy trên lý thuyết do các người vô sản nắm giữ và chỉ muốn cho mọi người cùng thành vô sản. Để đánh bại Tư bản Thực dân cấu kết, phong trào này cũng chủ trương vô sản quốc tế phải đoàn kết lại. Trước sự lớn lao của Tư bản Thực dân cấu kết, các thành phần ngã lòng tin với sinh mệnh dân tộc lao đầu vào một tập hợp không có bản thể tình, đó là tập hợp hiện tượng vô sản quốc tế.
Trước sức mạnh thô bạo của Thực dân Đế quốc và Tư bản cá nhân cực quyền cấu kết, lực lượng dân tộc đã bị tiêu hao. Vô sản quốc tế lại muốn chuyên chính nên dựa từ thế quốc tế, họ manh tâm hủy diệt các đối thủ dân tộc để thênh thang đi trên con đường phi dân tộc. Biết rằng lấy sức của dân tộc chưa thể lay chuyển được sức mạnh mù quáng cơ khí trong tay con đẻ của duy lý chủ nghĩa, con đẻ của chủ thuật cực quyền Machiavelli trong thời cực đỉnh của chúng, các nhà tiền bối cách mạng Việt Nam đã lấy sự duy tân cầu học hy vọng sức mạnh cơ khí được đặt để vào trong tay dân Việt. Họ đã sở cậy người bạn Phù tang. Họ đã chịu nhún để bảo toàn chủ lực với Pháp. Độc ác thay các lực lượng chủ động ấy đã thờ ơ với sự kêu thương dân tộc.
Như thế Thực dân Đế quốc và quốc tế vô sản là những quá trình ngăn chặn sự thực hiện sử mệnh của dân tộc. Nhưng hai lực này cũng đối kháng với nhau. Phải nhìn nhận rằng nếu không có phong trào vô sản thì thực dân đế quốc con gieo rắc tác hại không có sự khống chế. Điều nguy hiểm là những thế lực quốc tế ấy lại chia để trị, động để lợi trên cái cực kỳ đau khổ của các dân tộc nhược tiểu. Mỗi dân tộc phải tắm mình trong nỗi đau khổ cùng cực để gột rửa hết các hôn ám mà tập đại thành các lực dân tộc, tìm một xuất lộ Dân Tộc Đại Kết, cách mạng văn hóa Dân tộc sinh mệnh sử quan.
Từ khi Trung Hoa bắt đầu chuyển mình vượt ra khỏi sự khống chế của cực quyền vô sản quốc tế, ánh hào quang của dân tộc các nước đã chuyển động và đi đúng chu kỳ Hung Khắc Sinh của vận chuyển tương khắc tương sinh của quy luật phản phục:
Hung đề: Dân tộc nhược tiểu về cơ khí bị Thực dân Đế quốc bóc lột, Tư bản cá nhân cực quyền được tạo lập, hỗ trợ cho định luật rừng thẳm, mạnh được yếu thua.
Khắc đề: Quốc tế vô sản đối chọi với Thực dân Đế quốc, mượn danh Vô sản để khắc chế Tư bản cá nhân cực quyền, mượn danh dân tộc để chống đỡ Thực dân Đế quốc.
Sinh đề: Sự tàn ác của vô sản quốc tế làm động chuyển tiềm năng, vô tâm thức của con người yêu nước mỗi dân tộc. Tân Tư bản dung hòa dân sinh xã hội và cá nhân cơ hội đồng đều được hình thành.
Cộng sản Việt Nam cũng có thuật. Họ đã phải biết rằng vô sản quốc tế ngày nay đã rã rời. Họ cũng phải biết không có cái bản thể gì gọi là vô sản quốc tế. “Được ý thì quên lời”, lẽ ra họ phải từ bỏ các thủ đoạn sảo trá để mong hồi hoàn bản thể, họ lại đi thêm một bước nhầm lẫn lớn trong thập niên 50 để lộ nguyên hình, thập niên 60 thúc đẩy cuộc tương tàn huynh để, thập niên 70 thực hiện sự mâu thuẫn tận diệt huynh đệ sau chiêu bài hòa giải hòa hợp, thập niên 80 thúc đẩy cuộc xâm lăng từ bỏ công lý tính bản vị dân tộc.
Họ sẽ đi về đâu? Càng ngày càng xa bản thể dân tộc. Khi hàng triệu con dân phải bỏ đất ra đi, chấp nhận chết trên biển cả để tìm ra lẽ sống, thì con người cộng sản biện hộ được gì cho chính sự rữa nát của niềm tin nơi họ trong dân chúng.
Lấy công và tội để luận thì phong trào quốc tế vô sản có cái gan dạ ngăn chặn sự phát triển của Tư bản cá nhân cực quyền. Trong công cuộc dành độc lập dân tộc, họ thật có tội vì đã giết hại bao sinh linh nồng nàn yêu nước, quyết hy sinh thân mạng để chống thực dân đế quốc. Thành công của Cộng sản quốc tế là ở mặt quốc tế, làm một khắc tinh để cực quyền cá nhân Tư bản chủ nghĩa phải biến thể lui trở lại chính vị công chính và bù trừ. Khi tư bản biến thể thì cộng sản không còn lý do mạnh để tồn tại đứng vững trong chu kỳ biện chứng của chính họ đặt để ra.
Cao trào dân tộc tự chủ sôi nổi nhất sau thời kỳ đệ nhị thế chiến. Từ đấy các nước, các dân tộc đi vượt và đi nhanh trên đà nâng cao mức sống dân sinh cho kịp với trào lưu nhân bản thế giới. Gương phát triển của các nước Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn, Tân Gia Ba, Nam Dương, Miến Điện cho thấy sự không ngoan của tập thể lãnh đạo nước người biết lấy nhân sinh là quan hệ và đang trên đường kiện toàn đi đến hòa hài dân tâm. Ngay trong hàng ngũ Cộng sản, gương cải cash và quy hổi siêu thể của Trung Quốc cũng phải làm cho Cộng sản Việt Nam suy nghĩ xem thực sự họ có phải là “đỉnh cao trí tuệ loài người” hay bất quá chỉ là một tập đoàn sắt đá rước súng đạn người để bách hại đồng chùng thì cái trí ấy cũng hơn cái đỉnh đầu ruồi mà thôi.
Cao trào của thời đại là dân sinh phú cường và dân tâm hòa tài, thoát thai từ nguyên lý cứu cánh của tam dân chủ nghĩa, tiếc vì chủ nghĩa tam dân ở tại Trung Quốc không được phát huy đúng mức cái nền tảng văn hóa của Trung Quốc để phổ cập khắp trong dân chúng bằng sự thuyết phục cảm hóa. Tân Gia Ba mới thật là gương chói lòa phục vụ dân sinh, dân tâm hòa hài. Nước này tuy nhỏ nhưng cái tiềm năng biết vận dụng rất là lớn lao, là cái gương cho nước Việt Nam ta thực hiện cho kỳ được:
“Tân gia từ vượt con tàu
Mới hay vũ trụ một màu bao la
Giật mình khi ở có nhà
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
Không đi khắp bốn phương trời
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai"
Cao Bá Quát
Các bạn thanh niên nam nữ rường cột của đất nước trong một cơ duyên của sinh mệnh dân tộc, các bạn được hấp thụ nền giáo dục khoa học cao độ, cái trí thuật nếu trau dồi với tâm thuật các bạn là những tác nhân vận động tiềm năng vô tâm thức tính để chuyển hóa và hiện thực năm bước Dân tộc Đại kết. Tin chắc rằng công nghiệp của thời đại là dân sinh phú cường, dân tâm hòa hài, sự đóng góp của quý bạn là cơ duyên có một không hai trong lịch sử sử mệnh của Việt tộc.
Dân tộc Văn hóa Sinh mệnh Sử quan là một lý thuyết lý quy định tất yếu tính của đường đi của Dân tộc.
Dân tộc Đại kết Công chính, bù trừ là một thực thể và một quy luật nhân bản hùng hậu thiết thực nhất. Người Việt chính thống là người có lòng yêu nước thương nòi, biết sỉ nhục, biết công chính, biết bao dung, phải hợp đoàn lại, mạnh mẽ, chặt chẽ thực hiện khâu chót của sinh hóa đề: Dân Tộc Đại Kết.
Trong ngọn lửa xanh biếc linh thiêng của Bản mệnh dân tộc, tất cả hãy tắm gội tôi luyện trong tam muội, lửa thánh linh cùng nhau quy kết thực hiện lời nguyền:
Phục Việt Tính!
Hưng Việt Tình!
Hoàn Việt Mệnh!
Viết cho một hoài bão lớn lao, ngày 17 tháng 06 năm 1985
BIỂU NHẤT LÃM CHÍNH THUYẾT DÂN TỘC ĐẠI KẾT
People Actualizationism
Bản vị tự chủ Dân tộc Sử mệnh, An sinh, Tâm hòa, Sinh tồn, cổng chính, uyên nguyên, huyền sử, Đại thể, cá thể, bù trừ, phong tục tập quán, gia đình làng nước, tâm thức, ca dao, cổ tích, sam ký, chính sử, dã sử, vô tâm thức.
Chính thuyết Dân tộc Sử mệnh: People Actualizationism
- Như một trẻ thơ đến lúc phương trưởng thực hiện lý tưởng mình, dân tộc từ lúc uyên nguyên đã hàm chứa các ước vọng cứu cánh phải kỳ đạt: Bản vị Dân tộc, Dân tộc sinh tồn, Dân tộc tự chủ tự quyết, Dân tộc An sinh Phú cường, Dân tộc hòa hài.
- Dân tộc có mệnh sống của nó và có cái linh thể. Linh thể đó nằm trong vô tâm thức của mỗi con dân, nên cái tiềm năng ấy được khai mở thì ai cũng là anh hùng cả. Vô tâm thức là nơi tàng chứa sinh mệnh của dân tộc. Sức mạnh của dân tộc hơn cả tổng hợp sức mạnh cá nhân. Công năng của dân tộc lớn lao vĩ đại vì nó vận dụng được tiềm năng vô thức của mỗi cá thể.
- Để chuyển tiếp sinh mệnh dân tộc, phương cách thực hiện phải nhắm vào vô thức tính. Ca dao với tiếng ru con là phép dùng ngôn ngữ và âm nhạc chuyển kiến thức, chuyển công năng trong trạng thái trực nhận “chính pháp nhãn tàng”, nghe nhận trước để làm nền trước khi trí khôn phát triển. Sự vỗ về ôm ấp, không thể ru con mà đánh đập giận dữ được.
- Đứa trẻ lớn lên biết có gia đình, xã hội, lại học ca dao thêm, cổ tích, dã sử, huyền sử, chính sử, từ đó biết ngoài mình còn có nhân quần xã hội làng nước. Do đó sống và nảy nởi trong một tương giao tròn đầy giữa cá nhân, gia đình, làng nước.
- Phong tục tập quán là lối truyền dạy qua hành động.
- Các người yêu nước yêu dân không phân biệt sang hèn giàu nghèo, biết kết đoàn lại để thực hiện cứu cánh của dân tộc.
- Phục được tính Việt, hưng được tính việt, Việt đạo sẽ hoàn tất, Việt mệnh sẽ thể hiện.
- Vì tiềm năng công năng nằm trong tiềm thức, mặt trận văn hóa là mặt trận quyết định, ngòi bút là một vạn quân khơi nở tiểm thức.
- Khi công năng ấy khơi mở, thế dân tộc sẽ toàn thắng vì là thế tất yếu không hai. Cộng sản phi dân tộc chắc chắn sẽ bị đào thải.
- Công chính Luật Tận Chân, Bù Trừ Luật Tận Thiện là hai luật vận hành trong Đức hiếu sinh.
Không có nhận xét nào