Đối đầu vì một hòn đảo chiến lược, chiến hạm Nga bị đánh đắm, bắn vào cơ sở khí đốt, phản công ở vùng duyên hải... Chiến sự đang sôi bỏng tại Hắc Hải, ngoài khơi vùng duyên hải Ukraina, nơi quân kháng chiến thách thức lực lượng hải quân hùng hậu của Nga.
Chỉ trong vòng vài ngày, theo các bên tham chiến và những nhà quan sát, các sự kiện dồn dập diễn ra, nhất là xung quanh đảo Rắn mang tính chiến lược. Một chuyên gia quân sự phương Tây tóm lược : "Rõ ràng là đang dữ dội hơn với các hoạt động của cả hai bên", sau bốn tháng chiến tranh mà người Nga không đạt được vị trí thống trị trên biển.
Chiến sự sôi động trở lại chủ yếu do Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây, chẳng hạn hỏa tiễn chống hạm Harpoon, bắn đi từ bờ biển. Tuy chính là một hỏa tiễn chống hạm khác - Neptune do Ukraina sản xuất - hồi tháng Tư đã đánh chìm soái hạm Moskva ở Hắc Hải.
Trận thắng vẻ vang này là một cái tát dành cho Nga. Từ đầu cuộc xâm lăng, Ukraina đã thành công trong việc bảo vệ vùng duyên hải, nhờ các hỏa tiễn phóng từ mặt đất, máy bay không người lái và mìn.
Giai đoạn mới với vũ khí phương Tây
Nhà phân tích quốc phòng độc lập H.I. Sutton giải thích cho AFP : "Giờ đây chúng ta đang trong một giai đoạn mới, theo hướng Ukraina sở hữu những vũ khí mới của phương Tây như Harpoon hay hỏa tiễn địa-không Brimstone. Ukraina có thể bắt đầu thách thức hải quân Nga, vốn kém táo bạo".
Nhiều chuyên gia được hãng tin Pháp tham khảo, và bộ Quốc phòng Anh đều nêu ra việc Kiev tuyên bố phá hủy một tàu hộ vệ Nga bằng hỏa tiễn Harpoon tuần trước.
Hôm thứ Hai 20/06/2022, lực lượng Ukraina tấn công vào một cơ sở khí đốt cũng bằng Harpoon, gây ra vụ hỏa hoạn có thể nhìn thấy từ một địa điểm của NASA. Theo chuyên gia quân sự trên, hỏa tiễn này được Hà Lan hay Đan Mạch chuyển giao. Hoa Kỳ đã hứa viện trợ nhưng vũ khí có thể chưa đến nơi.
Đến thứ Ba 21/06, Matxcơva khẳng định đã phá hủy một số lượng lớn drone tấn công vào đảo Rắn, có thể là trong một chiến dịch đổ bộ nhưng sau đó bị hủy bỏ. Những hình ảnh vệ tinh được các chuyên gia xem xét cho thấy một số drone bị bắn hạ, nhưng những drone khác tấn công kịch liệt vào hòn đảo bị Nga chiếm giữ từ đầu cuộc xâm lăng.
Chuyên gia H.I.Sutton nói : "Có những bằng chứng cho thấy đảo Rắn bị tấn công, nhưng không phải vì người Ukraina muốn đổ bộ lên đó. Ukraina giờ đây có thể bắn hỏa tiễn từ xa, có nghĩa là họ không cần cố sức đặt chân lên đảo".
Phương Tây đã cung cấp cho Kiev những khẩu đại bác 155 ly, một số có thể tấn công hòn đảo, và nhất là hệ thống phóng rốc-kết tự chỉnh hướng Himars được cho là sắp được đưa đến, có tầm bắn xa hơn hẳn.
Từ nay Nga khó thể đổ bộ vào duyên hải Ukraina
Trong khi những trận đánh trên đất liền được thông tin rộng rãi từ các chiến binh và những người ủng hộ trên mạng xã hội, cuộc hải chiến diễn ra khá yên lặng. Những tin tức được đưa ra chủ yếu nhờ hình ảnh vệ tinh, tuyên bố của các bên tham chiến, hay do những chính phủ khác đang giám sát khu vực này muốn đưa ra.
Người Nga đã cố dùng hỏa tiễn đánh vào các phương tiện của Ukraina ở vùng duyên hải. Chẳng hạn họ nhắm vào các drone Baryaktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ông Sutton khẳng định : "Đã có một cuộc tấn công vào Odessa, thấy rõ qua ảnh vệ tinh, trúng vào các nhà kho nhưng không có bằng chứng rõ ràng là Ukraina bị thiệt hại nặng".
Về phía bộ Quốc phòng Anh cho biết : "Từ nay năng lực bảo vệ vùng duyên hải của Ukraina được tăng cường, hoàn toàn có thể vô hiệu hóa khả năng của Nga trong việc kiểm soát vùng biển và tung lực lượng vào tây bắc Hắc Hải".
Người Ukraina cảm thấy chưa có khả năng phá vỡ phong tỏa của Nga, nhưng "điều quan trọng là răn đe không cho Nga đổ bộ, nhất là vẫn chưa biết Matxcơva muốn xử lý trường hợp Transdniestria như thế nào" - chuyên gia Sutton nhấn mạnh. Nga có thể mưu toan nối liền Transdnestria, mảnh đất ly khai thân Nga của nước Moldova láng giềng, thông qua vùng duyên hải Ukraina.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220623-ukraina-chien-su-hac-hai
Không có nhận xét nào