Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc bình luận về vai trò của lãnh thổ Kaliningrad

    Tác giả: Trương Hiểu Đông, Thanh Mộc, Liễu Ngọc Bằng |Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

    Nguyễn Hải Hoành biên dịch, ghi chú từ nguồn tiếng Trung [环时深度] 罗斯飞地加里宁格勒,是匕首还是盾牌? 2022-06-24.

    26/6/2022

     Vào lúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang leo thang, chiến tranh Nga-Ukraine đã kéo dài 4 tháng, hôm vừa rồi Chính phủ Litva cấm hàng hóa Nga được chuyên chở quá cảnh đến Kaliningrad – hành động này chắc chắn là đổ dầu vào lửa.

    Là “vùng đất nội phận”[1] của Nga, Kaliningrad vốn dĩ đã được dán một loạt nhãn mác sặc mùi thuốc súng và sức sát thương – nó là “con dao găm của Nga chẹn vào cổ họng châu Âu” hoặc “con dao găm thọc vào trái tim châu Âu, là “tàu sân bay không thể đánh chìm” của Nga, và “chiếc lá chắn chống lại NATO”, cũng là “Gót chân Achilles của NATO”. Là “thùng thuốc súng đặt dưới háng của NATO”.

    Giờ đây, phía Nga tỏ ý “nhất định sẽ đáp trả hành động của Litva”, điều đó làm cho nhiều người lo rằng “cơn ác mộng đáng sợ nhất của NATO” sẽ trở thành hiện thực ngay tại Kaliningrad và biển Baltic. Nhưng ôn lại lịch sử sẽ không khó phát hiện kể từ khi Thế chiến II chấm dứt cho tới nay, điều mà Kaliningrad thực sự làm được là làm nguội “cái đầu phát sốt của NATO”.

    Gót chân Achilles của NATO

    Nước Nga có 146 triệu dân, diện tích 17,098 triệu km2. Số liệu năm 2022 của Cục Thống kê Nga cho thấy, là một tỉnh của Nga, Kaliningrad có hơn 1 triệu dân. Vùng đất chỉ có 15 nghìn km2 này của Nga rất nhỏ bé thế nhưng giá trị về quân sự và chiến lược lại không tầm thường chút nào. Kaliningrad có vị trí địa lý đặc biệt, cách lãnh thổ Nga khoảng 600 km, phía Bắc nhìn Phần Lan và Thụy Điển qua biển, phía Nam giáp Ba Lan, phía Tây là biển Baltic, phía Đông và Đông Bắc giáp Litva.

    Kaliningrad có tên cũ là Konigsberg, trong lịch sử từng là thủ phủ của Đông Phổ. Trong Thế chiến II, Konigsberg bị Hồng quân Liên Xô chiếm lĩnh, sau chiến tranh, theo “Hiệp định Posdam”, Konigsberg trở thành lãnh thổ Liên Xô và đổi tên là Kaliningrad. Nhiều người Đức hiện nay vẫn vương vấn “Mối tình Konigsberg”, nơi cách Berlin có hơn 500 km, nơi triết gia người Đức nổi tiếng Kant sinh ra và lớn lên. Trước thời kỳ dịch bệnh Covid-19, phóng viên “Thời báo Hoàn Cầu” thường trú tại Đức từng cùng các bạn Đức đến thăm Kaliningrad. Công dân các nước Đức, Trung Quốc v.v… có thể xin visa điện tử miễn phí để vào Kaliningrad và được ở lại 7-8 ngày. Nhưng chưa có đường bay thẳng từ Đức tới Kaliningrad, chỉ có thể đi xe bus hoặc tự lái xe đến đây. Nghe nói công ty Đường sắt hai nước Nga, Đức từng có dự định làm một tuyến đường sắt chạy thẳng từ St. Petersburg qua Kaliningrad đến Berlin, nhưng dự án này rồi cũng xếp xó theo đà căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga với NATO.

    Kaliningrad giống như một lô cốt quân sự, trong thời gian Chiến tranh Lạnh nó dùng để bảo vệ Liên Xô, nay dùng để bảo vệ nước Nga. “Nó là gót chân Achilles của NATO”—báo Đức “Munich Mecury” số ra ngày 22/6/2022 dẫn lời Albock, chuyên gia quân sự Đức, nói để giải thích tính chất quan trọng của Kaliningrad. Albock cho rằng Nga đã bố trí tên lửa Iskander tại Kaliningrad, nó có tầm bắn tới tận Berlin. “Những tên lửa đó trên thực tế có lắp đầu đạn thường nhưng khi cần thiết cũng có thể lắp đầu đạn hạt nhân”.

    Truyền thông Đức đưa tin, sau sự kiện Crimea năm 2014, vùng đất nội phận này của Nga lại trở thành một lô cốt hạt nhân dùng để làm nguội “những cái đầu nóng của các quốc gia NATO”. Hai năm nay, Kaliningrad đã đóng vai trò mới trong cuộc xung đột kéo dài Nga với Ukraine. Nga đã di chuyển phần lớn trang thiết bị hải quân ở vùng biển này từ St. Petersburg tới Kaliningrad.

    Nhìn từ phía người Nga, từ thời điểm năm 2004 khi ba quốc gia vùng biển Baltic gia nhập NATO trở đi, tính chất chiến lược quan trọng của Kaliningrad đã được nâng cao nhiều, trở thành tiền tiêu quan trọng nhất để đe dọa đối phương. Ngày 22/6, Đài Truyền hình số Hai của Đức đưa tin, trong quá trình NATO mở rộng về phía Đông, Moskva đã tăng cường sự tồn tại quân sự của Kaliningrad. Vùng Kaliningrad được coi là một trong những lãnh thổ quân sự được bảo vệ ở mức cao nhất thế giới. Đây là nơi đặt Bộ Tư lệnh Hạm đội biển Baltic của Nga, ngoài ra các đơn vị quân sự nhiều binh chủng cũng bố trí tại đây. Vùng này có các công sự phòng ngự kiên cố và có dự trữ vũ khí đạn dược đủ để chiến đấu chống bao vây lâu dài.

    “NATO không thể ngồi trên thùng thuốc súng”

    Nguồn hàng hóa và năng lượng Kaliningrad cần dùng để phát triển kinh tế xã hội chủ yếu đến từ nước Nga, vận chuyển đường bộ phải đi qua lãnh thổ Litva. Là thành viên của NATO, đặc biệt là “cấp tiên phong” ngăn chặn và đối kháng Nga, Litva lại đánh trận đầu trên mặt gây ra điểm nóng mới tại Kaliningrad – từ ngày 18/6, Litva tiến hành hạn chế việc vận chuyển một phần hàng hóa và năng lượng từ các nơi ở Nga qua Litva đến Kaliningrad. Hành động này của Litva tất nhiên sẽ gặp phải phản đòn của Nga. Truyền thông một số nước NATO nhao nhao phỏng đoán “Biện pháp phản đòn của Nga sẽ có thể đi bao xa”. Nhưng tại Brussels người ta cho rằng nguy hiểm leo thang xung đột là rất thấp. Có quan chức quân sự cấp cao của NATO  nói Nga hiện đang bấn bíu ở Ukraine nên không thể còn tạo ra sự đe dọa nghiêm trọng đối với lãnh thổ của quốc gia thành viên NATO. “Quân đội Nga đang gặp khó khăn ở Ukraine, có lẽ đã dùng hết khoảng 50% vũ khí tầm xa”.

    Nhưng một số nhà phân tich Ukraine lại không nghĩ như thế. Theo tin ngày 20/6 của hãng tin Sputnik Nga, ông Andrei Ishchenko, cựu quan chức ngoại giao Ukraine, nói việc Litva phong tỏa giao thông đối với Kaliningrad đã cung cấp lý do cho Nga gây chiến tranh – bởi lẽ Litva đã xâm phạm lợi ích quốc gia của Nga. Ishchenko nói, quyết định của Litva có tính tự sát, vì đó là tín hiệu tuyên chiến. Ông nói: “Luật quốc tế bảo đảm rõ ràng quyền lợi cho tất cả các nước được đến vùng đất nội phận của họ và coi tất cả mọi hành vi ngăn cản quyền lợi đó là xâm lược.”

    Ngoài Litva ra, còn có Ba Lan là nước luôn mong muốn Kaliningrad có thay đổi. Khoảng cách từ Kaliningrad đến thủ đô Warsaw rất ngắn, chỉ có khoảng 400 km. Tháng 3 vừa rồi tướng Skrzypczat, cựu sĩ quan chỉ huy lục quân Ba Lan, khi trả lời phỏng vấn của báo Ba Lan “Super Express” từng nói, “Ba Lan nên nêu ra vấn đề quyền sở hữu tỉnh Kaliningrad bị Nga chiếm từ năm 1945 tới nay”. Khi nói về đề tài này, Butina, Ủy viên Ủy ban công việc quốc tế Duma Nga, cho biết, “Phát biểu của vị tướng Ba Lan rất nguy hiểm, thậm chí NATO còn sợ Warsaw tự ý hành động”.

    Tháng 5 năm nay, Selemetev, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan, kêu gọi Kaliningrad phi quân sự hóa và đổi tên, nói Kaliningrad là “Thùng thuốc súng đặt giữa hai chân của NATO”. Ông cho rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển vào NATO thì sức mạnh ở phía Đông NATO sẽ được tăng cường nhiều, sau đấy cần thiết phải xử lý vùng đất nội phận này của Nga. Tính đến năm 2022, quân đội Ba Lan có 115,5 nghìn người, quân lực không mạnh. Chuyên gia quân sự Nga cho rằng riêng ở Kaliningrad Nga đã tập trung 4 sư đoàn có khoảng 50 nghìn người, đủ để đánh bại Ba Lan. Tại vùng Kaliningrad, biên giới Nga-Ba Lan dài khoảng 200 km, trong đó phần lớn là vùng sình lầy và rừng rậm khó đi lại, “Vì vậy việc bảo vệ Kaliningrad sẽ dễ hơn nhiều.”

    Trước khi Nga bắt đầu ‘hành động quân sự đặc biệt’ với Ukraine, vùng Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Litva đã sớm trở thành chiến lũy quan trọng của Nga. Đài truyền hình Russia Today ngày 18/5 khi đưa tin đã phát đi cảnh cáo đối với các nước NATO. Tin tức liên quan cho hay, trước sau ngày 24/2/2022, một lượng lớn vũ khí và binh lính đã được chuyên chở tới Kaliningrad, kể cả tên lửa siêu thanh “Dao găm”. Báo Pháp “Thế giới” khi đưa tin này tỏ ý lo ngại: “Nếu xung đột lan rộng thì quân đội Nga có thể phá hủy các thiết bị hạ tầng của NATO tại vùng này và ngăn cản con đường NATO từ phía Nam đi vào biển Baltic.”

    Cho dù đã biết Nga bố trí lực lượng quân sự rất mạnh ở Kaliningrad nhưng NATO vẫn thường xuyên tổ chức tập trận tại vùng xung quanh Kaliningrad. Mới đây Belousov, chuyên gia quân sự Nga, phân tích: “Kế hoạch hành động của NATO không phải là có tính phòng thủ mà có tính tấn công. NATO không thể ngồi trên thùng thuốc súng.”

    Nga sẽ không ngồi yên nhìn sự bố trí mới của NATO

    Tháng 2 năm nay, O’Brien, cựu Trợ lý An ninh quốc gia Tổng thống Mỹ nói Kaliningrad là “con dao găm (của Nga thọc vào) vùng tim châu Âu”. David Swolf học giả vấn đề an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham gọi Kaliningrad là một “Tàu sân bay không thể chìm của Nga”.

    Giới truyền thông Nga hay ví Kaliningrad như “con dao găm”. Đầu năm nay, Andrei Khrorenko nhà quan sát quân sự Nga khi trả lời phỏng vấn của hãng Sputnik (Nga) từng nói, cho dù Mỹ có dự định để cho quân đội Litva và Ba Lan “xâm chiếm” Kaliningrad nhưng hai nước này khẳng định sẽ chưa sẵn sàng hy sinh mình vì lợi ích của nước Mỹ, bởi lẽ Kaliningrad giống như một “con dao găm cắm vào giữa hai xương bả vai của NATO”. Khiêu khích Kaliningrad sẽ dẫn đến kết quả là tất cả các quốc gia biển Baltic cùng Ba Lan sẽ ăn đòn sấm sét của quân đội Nga. Mỹ và đồng minh không thể không dùng cách bố trí hệ thống phòng không Patriot, xe tăng M1 Abrahams và máy bay chiến đấu F-35 nhằm thay đổi cán cân lực lượng tại vùng biển Baltic. Hôm 23/6, nhà chính trị quân sự Nga Belenzyev cũng ví Kaliningrad như một “con dao găm chẹn vào cổ họng châu Âu”, đồng thời cũng là “chiếc lá chắn ngăn chặn sự xâm lược của quân đội NATO”.

    Số liệu từ các viện nghiên cứu chính sách phương Tây cho thấy, trong quân đội ba nước Baltic, Litva có 20 nghìn quân, Latvia có 6200, Estonia có 4000 quân. Nếu không có sự chi viện của các nước khác trong NATO thì ba nước đó căn bản không có sức để chống lại Nga. Theo quan điểm của RAND Corporation [một viện nghiên cứu của Mỹ], hỏa lực quân khu miền Tây của quân đội Nga có thể đủ sức chống lại quân đội ba nước Baltic cùng với quân đội Mỹ đóng tại ba nước đó. Mới đây, Vladimir Tsimovsky, nhà chính trị Belarus, nói, tất cả những phát biểu và dự định chiếm Kaliningrad chủ yếu là để giữ vững tinh thần quân sĩ Ba Lan và các nước vùng Baltic. Theo ông, Mỹ bố trí quân đội ở đâu là để tỏ ý họ sẽ sẵn sàng cùng quân đội nơi đó phòng thủ, nhưng trên thực tế nếu xảy ra nguy hiểm thì quân đội Mỹ sẽ lập tức rút đi.

    “Cơn ác mộng đáng sợ nhất của NATO là: Vì sao trang thiết bị quân sự [của Nga] tại vùng Kaliningrad lại thu hút sự quan tâm của phương Tây?” Tháng 5 năm nay, đài Russia Today từng diễn tả như vậy về vùng đất nội phận đang khiến cho NATO lo ngại này. Từ ngữ “ác mộng” cũng xuất hiện trên báo Mỹ National Interest và truyền thông phương Tây. Họ cho rằng quân đội Nga đóng tại đây là “lực lượng quân sự mạnh nhất vùng biển Baltic”, các thành viên khối NATO rất khó đối phó. Xét tình hình trước mắt thì ít nhất cán cân lực lượng tại vùng biển Baltic vẫn nghiêng về phía Nga.

    Tuy vậy, nhìn tổng thể thì Nga vẫn ở vào trạng thái bị động. Shvetkin, Phó chủ tịch Hội đồng quốc phòng Duma Nga, nói, toàn bộ các hành động của Nga đều được tiến hành dưới điều kiện nghiêm chỉnh tôn trọng luật pháp quốc tế, chỉ có điều là phải sử dụng tất cả mọi biện pháp để bảo vệ lãnh thổ của mình. Ông nói: “Kaliningrad là lãnh thổ của nước Nga. Chúng tôi sẽ không ngồi yên nhìn NATO tiến hành những bố trí mới!”

    ———————–

    [1] “Vùng đất nội phận” (tiếng Anh: Enclave, tiếng Trung: Phi địa): Vùng đất thuộc quyền quản lý của một khu vực hành chính nào đó nhưng đất đai lại tách rời, không nối liền với khu vực hành chính của mình. Kaliningrad là lãnh thổ do Nhà nước Nga quản lý nhưng toàn bộ vùng này lại không nối liền với lãnh thổ bản địa của nước Nga mà nằm lọt thỏm giữa các nước Litva, Ba Lan và biển Baltic. Bang Alaska là một vùng đất nội phận của nước Mỹ. Hán ngữ dùng từ “Phi địa” với nghĩa muốn đến vùng này chỉ có cách bay đến.

    https://nghiencuuquocte.org/2022/06/26

    Không có nhận xét nào