Võ Thái Hà tổng hợp
Thủ tướng Đức thăm Litva để thảo luận về an ninh của các nước Baltic
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm các đơn vị quân đội Đức trong NATO tại Pabrade, Litva, ngày 07/06/2022. REUTERS - INTS KALNINS
Hôm qua, 07/06/2022, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Vilnius, thủ đô Litva. Ông cho biết Berlin sẵn sàng triển khai thêm binh sĩ tới nước này để đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ về mặt quân sự từ các nước Baltic trước thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các quốc gia Baltic Litva, Latvia và Estonia, trước đây thuộc Liên Xô và hiện đều là thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU) và NATO, đang lo rằng họ có thể sẽ là những « nạn nhân » tiếp theo, nếu Nga đánh bại Ukraina.
Từ Vilnius, thông tín viên Marielle Vitureau tường trình :
Thông báo được đưa ra một cách lặng lẽ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hứa sẽ tăng cường an ninh cho các nước Baltic. Trong vài năm tới, Berlin sẽ cầm đầu một lữ đoàn khoảng 5.000 binh sĩ. Đức đã có mặt ở Litva từ 5 năm qua.
Nước này chỉ huy tiểu đoàn NATO đa quốc gia. Quyết định nói trên là cần thiết đối với hai quốc gia tin rằng Nga vẫn là mối đe dọa quân sự trong dài hạn. Do đó, tổng thống Litva hoan nghênh thông báo này. Ông nói: "Đây là một trong những mục tiêu của chúng tôi, một trong những giấc mơ của chúng tôi mà chúng tôi đã nghĩ đến trước thượng đỉnh NATO".
Mọi quyết định sẽ được thông qua tại Madrid vào cuối tháng 6. Thủ tướng hai nước Baltic hy vọng rằng đây sẽ không phải là quyết định duy nhất có lợi cho họ. Hệ thống phòng không là một trong những điểm yếu về an ninh của các nước trong khu vực. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói: “Chúng tôi phải chắc chắn rằng Nga sẽ không bao giờ nghĩ đến việc có thể tấn công các quốc gia của chúng tôi."
Litva đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận lữ đoàn nói trên. Cách đây vài ngày, một cơ sở huấn luyện quân sự mới đã được khánh thành.
Tổng thống Ukraine Zelenskyy ‘rất vui’ khi Thủ tướng Anh ‘thoát hiểm’ trong gang tấc
(Từ trái sang) Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại dinh tổng thống, hôm 1/2/2022 ở Kyiv, Ukraine. (Ảnh: Peter Nicholls/WPA Pool/Getty Images)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết ông “rất vui” khi ông Boris Johnson vẫn giữ chức thủ tướng Anh sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền nước này hôm 6/6.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền, với 211 nghị sĩ ủng hộ ông và 148 nghị sĩ muốn ông từ chức.
Phát biểu qua liên kết video tại một sự kiện trực tuyến do Financial Times tổ chức vào sáng thứ Ba (7/6), ông Zelenskyy cho biết: “Tôi rất vui vì điều này. Ông Boris Johnson là một người bạn thực sự của Ukraine. Chúng tôi coi ông ấy là đồng minh, và Vương quốc Anh là một đồng minh tuyệt vời”.
Phát biểu thông qua một phiên dịch viên, ông Zelenskyy nói thêm: “Ông Boris đang hỗ trợ Ukraine một cách rất thiết thực. Tôi không biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho quyết định này ngày 6/6 nhưng chúng tôi rất vui vì đã không mất một đồng minh quan trọng. Đây là một tin tức tuyệt vời”.
Một phát ngôn viên số 10 Phố Downing (tức Phủ thủ tướng Anh) đáp lại: “Thủ tướng Johnson có mối quan hệ rất thân thiết với Tổng thống Zelenskyy. Ông ấy tin rằng điều quan trọng là tìm ra giải pháp để Vương quốc Anh có thể thích ứng và hỗ trợ Ukraine kịp thời, đặc biệt là trong bối cảnh leo thang nhanh chóng như hiện nay”.
Phát ngôn viên cho biết: “Mối quan hệ này mang lại lợi ích cho người dân Ukraine, đáp ứng sự viện trợ mà họ cần, cũng như đảm bảo Vương quốc Anh tiên phong trong việc cung cấp viện trợ cho nước này”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trước Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thông qua liên kết video tại Tate Modern, hôm 5/5/2022 ở London, Anh. (Ảnh: Chris J Ratcliffe / Getty Images)
Vương quốc Anh đã trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Ukraine trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của Nga, cung cấp cả vũ khí tiên tiến và viện trợ nhân đạo.
Vào ngày 7/5, Chính phủ Anh đã cam kết viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ USD) cho Ukraine.
Ngay trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm thứ Hai (6/6), ông Johnson nói với các nghị sĩ Đảng Bảo thủ rằng, đây là thời điểm sai lầm cho “màn kịch chính trị trong nước không hồi kết” khi cuộc chiến vẫn đang hoành hành ở Ukraine.
Trong cuộc họp Nội các hôm thứ Ba, ông Johnson lặp lại sự ủng hộ của Vương quốc Anh đối với Ukraine. Đồng thời, ông nói thêm rằng, điều quan trọng là ông Zelenskyy không bị áp lực phải chấp nhận một nền hòa bình tồi tệ.
Một số nhà bình luận Ukraine đã bày tỏ sự nhẹ nhõm khi ông Boris Johnson vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và tiếp tục giữ ghế Thủ tướng Anh.
Ông Mykhaylo Podolyak, một trong những cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, viết trên Twitter sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm: “Lãnh đạo luôn gánh trên vai những áp lực. Ông Boris Johnson là một trong những người đầu tiên nhận ra sự đe dọa của Nga và sát cánh cùng ông Volodymyr Zelenskyy để bảo vệ thế giới tự do khỏi cuộc xâm lược man rợ”.
“Thế giới cần những nhà lãnh đạo như vậy. Vương quốc Anh là một người bạn tuyệt vời của Ukraine. Vương miện của Anh Quốc là một lá chắn của thế giới dân chủ”.
Huyền Anh
Tính phi thực tế của ý tưởng dùng tài sản Nga bồi thường cho Ukraine
Nếu cộng dự trữ ngoại tệ đang bị trừng phạt của ngân hàng trung ương Nga với những món hàng bị tịch thu khác, chẳng hạn như siêu du thuyền, chúng ta sẽ có gần 400 tỷ USD tài sản Nga bị đóng băng kể từ đầu cuộc xâm lược Ukraine. Và theo Trường Kinh tế Kyiv, thiệt hại kinh tế đối với Ukraine cho tới nay là khoảng 600 tỷ USD. Do đó, nhiều người cho rằng dùng số tài sản này để bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Ukraine là một ý tưởng không tồi.
Tuy nhiên, một kế hoạch như vậy có các rào cản thực tế và pháp lý nhất định. Việc các cá nhân bị tịch thu tài sản thường yêu cầu họ bị kết án về một tội phạm cụ thể cũng như bằng chứng cho thấy tài sản đó là công cụ gây án, hoặc liên quan đến số tiền thu được từ phạm tội mà có. Các lãnh đạo phương Tây muốn mở rộng danh sách các tội danh dẫn đến tịch thu tài sản, chẳng hạn như trốn lệnh trừng phạt. Nhưng rất khó để đạt đồng thuận. Và việc tịch thu tài sản nhà nước đồng nghĩa các chính phủ phương Tây phải xác định Nga là một nước thù địch, một điều họ không sẵn sàng làm.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thăm Thổ Nhĩ Kỳ
Chuyến thăm tới Serbia vào thứ Hai của ngoại trưởng Nga đã phải hủy bỏ sau khi máy bay của ông bị các nước trên đường bay từ chối cho bay qua. Song chuyến đi đến Ankara vào thứ Tư tới của ông sẽ dễ dàng hơn. Thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cách một quãng ngắn băng qua Biển Đen — một vùng nước cũng là trọng tâm trong chuyến thăm của ông.
Ông Lavrov sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Cavusoglu, để thảo luận về việc tạo hành lang an toàn cho các tàu chở nông sản Ukraine. Hiện ngày càng có nhiều áp lực kêu gọi Nga chấm dứt phong tỏa các cảng của Ukraine. Hôm thứ Hai, đại sứ của Nga tại Liên Hợp Quốc đã xông ra khỏi cuộc họp của Hội đồng Bảo an sau khi EU cáo buộc nước ông gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị hỗ trợ rà phá thủy lôi trôi nổi gần các cảng của Ukraine và giúp cung cấp tàu hộ tống. Tuy nhiên, niềm tin vào Thổ Nhĩ Kỳ như một bên trung gian đã bị mai một bởi các cáo buộc cho thấy họ mua ngũ cốc bị Nga đánh cắp từ Ukraine.
Ukraine tổ chức quân kháng chiến
Quân du kích là một phần rất quan trọng trong kế hoạch tái chiếm miền nam của chính phủ Ukraine. Ukraine tuyên bố các tay súng của họ đã giết hơn 100 binh sĩ Nga tại thành phố Melitopol, thủ đô không chính thức của quân kháng chiến. Và họ cũng đang hoạt động ở những nơi khác. Tại Izyum, tám binh sĩ Nga được cho là đã chết sau khi ăn bánh nướng của một phụ nữ lớn tuổi người Ukraine.
Chính quyền Ukraine đã vội vã thiết lập cấu trúc cơ bản cho một cuộc kháng chiến trong những tháng trước chiến tranh, trong đó bao gồm cả quân nhân chuyên nghiệp lẫn quân tình nguyện. Hiện nay có một mạng lưới cảm tình viên trên toàn quốc với nhiều bãi chứa vũ khí bí mật và nơi trú ẩn. Đặc biệt, trang web của Lực lượng Hoạt động Đặc biệt, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức quân kháng chiến, thường đăng tải nhiều thông tin về cách tổ chức kháng cự bí mật, chuẩn bị phục kích (đảm bảo các đường thoát rõ ràng) và cần làm gì nếu bị bắt (giữ bình tĩnh và hy vọng điều tốt đẹp nhất).
Siêu du thuyền của Nga được lệnh rời Fiji theo trát của Mỹ
Nguồn hình ảnh, EPA/US JUSTICE DEPARTMENT
Chụp lại hình ảnh,
Một thông cáo của FBI cho thấy các đặc vụ Mỹ lên chiếc du thuyền 106m hồi tháng 4
Một siêu du thuyền thuộc sở hữu của Nga, được cho là đã tới Fiji để trốn tránh bị tịch thu, đã được đưa tới Mỹ sau khi một tòa án duy trì lệnh của FBI.
Siêu du thuyền Amadea dài 106m (350ft) - có liên quan đến nhà tài phiệt Suleiman Kerimov bị phương Tây trừng phạt, đã bị cảnh sát Mỹ đã theo dõi trong nhiều tháng.
Các đặc vụ Hoa Kỳ đã lên thuyền khi nó đến Fiji vào tháng 4, nhưng người chủ của chiếc thuyền đã tiến hành một cuộc chiến pháp lý để ngăn chặn vụ bắt giữ.
Họ lập luận rằng trát của tòa án Hoa Kỳ trái với pháp luật của hòn đảo ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, hôm thứ Ba (7/6), Tòa án Tối cao của Fiji đã bác bỏ lập luận đó và ra lệnh di lý siêu du thuyền. Họ chỉ ra rằng việc cập bến của chiếc du thuyền khổng lồ tại cảng Lautoka đã khiến chính quyền địa phương phải trả giá "đắt".
Các nhà chức trách Hoa Kỳ trong bản đệ trình của họ đã lập luận rằng con thuyền trị giá 300 triệu USD (238 triệu bảng Anh) được ước tính tốn khoảng 25-30 triệu USD để tiếp tục vận hành hàng năm.
Vì lợi ích công cộng, tốt hơn hết là nên di dời con thuyền, Chánh án Kamal Kumar nói.
Ông nhận thấy con tàu đã đi vào vùng biển Fiji "mà không có bất kỳ giấy phép nào và có lẽ chủ yếu là để trốn tránh sự truy tố của Hoa Kỳ".
Nguồn hình ảnh, EPA/US JUSTICE DEPARTMENT
Chụp lại hình ảnh,
Siêu du thuyền đã neo đậu ở Fiji trong tám tuần trong thời gian diễn ra cuộc chiến pháp lý tại tòa
Đội ngũ bảo vệ pháp lý cho các chủ sở hữu theo đăng ký của chiếc siêu du thuyền, Millemarin Investments, lập luận rằng con thuyền không phải là tài sản của ông Kerimov và thay vào đó nó thuộc về một doanh nhân Nga khác, người không phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Nhưng giới chức trách Mỹ cáo buộc rằng ông Kerimov vẫn có mối liên hệ lợi ích với con thuyền.
FBI cáo buộc con thuyền cũng đã tìm cách thoát khỏi sự phát hiện "gần như ngay lập tức" sau khi cuộc chiến tranh nổ ra bằng cách tắt hệ thống theo dõi tự động của nó.
Các nhà chức trách Hoa Kỳ lần đầu tiên xử phạt ông Kerimov vào năm 2018 liên quan đến một loạt các cáo buộc rửa tiền. Nhiều tài phiệt Nga đã bị các quốc gia khác, bao gồm cả EU, trừng phạt kể từ sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Giám đốc Công tố của đảo quốc Fiji cho biết phán quyết của tòa án hôm thứ Ba thể hiện cam kết của quốc gia ông đối với các yêu cầu hỗ trợ từ bên ngoài và luật pháp quốc tế.
Tòa án chấp nhận hiệu lực trát của Hoa Kỳ và đồng ý rằng các vấn đề liên quan đến rửa tiền và quyền sở hữu cần phải được quyết định tại tòa án có thẩm quyền ban đầu," Christopher Pryde nói.
Giới chức phương Tây đã tăng cường trừng phạt tài sản của hàng chục nhà tài phiệt Nga sau cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng Hai.
Không có nhận xét nào