Võ Thái Hà tổng hợp
Đặc sứ Mỹ, Hàn, Nhật họp vì Triều Tiên dường như chuẩn bị thử hạt nhân
03/6/2022
Các đặc sứ Mỹ, Hàn, Nhật họp ở Seoul hôm 3/6 về hạt nhân của Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản họp với nhau tại Seoul hôm thứ Sáu 3/6 để chuẩn bị cho "mọi tình huống có thể" trong bối cảnh có dấu hiệu Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Đặc sứ của Hoa Kỳ Sung Kim gặp những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản, Kim Gunn và Funakoshi Takehiro, sau khi Hoa Kỳ đánh giá rằng Triều Tiên đang chuẩn bị bãi thử Punggye-ri cho lần thử hạt nhân thứ bảy.
"Chúng tôi đang chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, với sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc", ông Kim nói khi bắt đầu cuộc họp.
"Chúng tôi muốn nói rõ với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên rằng các hoạt động bất hợp pháp và gây mất ổn định của họ đều có hậu quả, và cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận những hành động này là chuyện bình thường", vẫn lời đặc sứ Mỹ.
Đặc sứ về vấn đề hạt nhân mới được bổ nhiệm của Hàn Quốc, Kim Gunn, phát biểu rằng Triều Tiên "không ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân, sẽ chỉ khiến chúng tôi tăng cường khả năng răn đe".
Nhà ngoại giao Hàn Quốc nói thêm: “Lộ trình mà Bình Nhưỡng đang dấn thân vào chỉ đi đến một điều tất yếu: đó là càng làm giảm mức độ an ninh của chính Triều Tiên”.
Quan chức Funakoshi của Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp, và cam kết sẽ "tăng cường khả năng răn đe trong khu vực, bao gồm hợp tác an ninh ba bên".
Các quan chức cho biết cánh cửa đối thoại vẫn rộng mở và bày tỏ quan ngại về tình hình COVID-19 ở Triều Tiên.
"Chúng tôi đã nói rõ trực tiếp với Bình Nhưỡng rằng chúng tôi để ngỏ con đường ngoại giao", ông Sung Kim cho biết sau đó tại một hội nghị khác ở Seoul, đồng thời lưu ý rằng Washington sẵn sàng thảo luận về các vấn đề mà Bình Nhưỡng quan tâm, chẳng hạn như nới lỏng biện pháp trừng phạt.
"Cho đến nay, họ không quan tâm", ông nói thêm.
Đặc sứ của Mỹ cho rằng điều quan trọng nhất là ba nước phải cho lãnh tụ của Triều Tiên Kim Jong Un thấy Mỹ, Hàn, Nhật có một mặt trận thống nhất.
"Khi ông ấy thấy rằng chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với các đối tác và đồng minh, tôi hy vọng điều này thuyết phục ông ấy rằng con đường khả thi duy nhất là ngoại giao với chúng tôi", ông Sung Kim nói.
(Reuters)
Mỹ kêu gọi châu Âu hỗ trợ chống tham vọng bá quyền của Trung Quốc
03/6/2022
Ảnh minh họa: Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman họp báo hôm 22/04/2022 tại Bruxelles (Bỉ). REUTERS - JOHANNA GERON
Nhân vật số hai của ngành ngoại giao Hoa Kỳ trong một cuộc họp trực tuyến với báo giới châu Âu, hôm qua, 02/06/2022, đã lên án tham vọng bá quyền của Bắc Kinh, kêu gọi châu Âu hợp tác để chống lại ‘‘các hành đối địch’’ của Trung Quốc.
Quảng cáo
Thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman, nhấn mạnh: ‘‘Ngay cả trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quan hệ đối tác song phương ‘không có giới hạn’ hồi tháng 2/2022, Bắc Kinh đã thách thức an ninh châu Âu, nền kinh tế châu Âu và các giá trị châu Âu’’.
Bà Wendy Sherman dẫn chứng việc Trung Quốc có nhiều ‘‘hành vi quấy rối kinh tế" nhắm vào châu Âu. Ví dụ như ngăn chặn xuất khẩu của Litva, quốc gia Bắc Âu có quan hệ mật thiết với Đài Loan, bê bối đường cao tốc Monténégro (quốc gia miền tây bán đảo Balkan, Nam Âu), hay các hành động gây tổn hại lớn cho các hãng như Nike hay Adidas - các tập đoàn phương Tây có các biện pháp tẩy chay bông ở Tân Cương - để phản đối nạn lao động cưỡng bức.
Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ hoan nghênh hợp tác hiện tại với châu Âu trong lĩnh vực này, nhưng mong muốn có các điều chỉnh để hai bên ‘‘phối hợp hành động’’.
Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc họp báo của nhân vật số hai của ngành ngoại giao Mỹ diễn ra sau phát biểu trước đây ít hôm của ngoại trưởng Antony Blinken, làm sáng tỏ chính sách của Mỹ với Trung Quốc. Đối với Washington, bất chấp việc Nga đang xâm lược Ukraina, Trung Quốc vẫn là ‘‘mối đe dọa chính đối với trật tự thế giới’’.
Bà Sherman khẳng định không mong muốn ‘‘một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới’’, ‘‘không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc’’, cũng không tìm cách ‘‘cắt đứt’’ kinh tế Mỹ khỏi kinh tế Trung Quốc, nhưng Washington không thể ‘‘tin tưởng vào việc Bắc Kinh sẽ tự thay đổi cách hành xử’’.
Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ cho biết Washington đang theo dõi sát quan hệ Trung – Nga, và cảnh báo nếu Trung Quốc chuyển giao các thiết bị quân sự cho Nga, Bắc Kinh ‘‘sẽ phải gánh chịu hậu quả’’. Bà Sherman cũng lên án việc Trung Quốc tiếp tay cho Nga trên lĩnh vực truyền thông, khi chuyển tiếp ồ ạt ‘‘hàng loạt thông tin giả, tin bịa đặt’’ từ Matxcơva.
Gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ các luật chơi quốc tế, bao gồm khu vực Biển Đông cũng như trong lĩnh vực thương mại, là một thông điệp chính khác của thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ.
Cựu Đại sứ Mỹ Haley kêu gọi sa thải Cao ủy Nhân quyền LHQ Bachelet
Cựu Đại sứ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley (Ảnh: Shutterstock)
Cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ (Liên Hiệp Quốc) Nikki Haley hôm thứ Tư (1/6) đã kêu gọi LHQ sa thải người phụ trách vấn đề nhân quyền ở Tân Cương vì chuyến “tham quan tuyên truyền” cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), không cho thấy có sự quan tâm đến tội ác “diệt chủng” của đảng này.
Gần đây, Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đã có chuyến thăm đến Tân Cương, đây là một phần trong chuyến đi Trung Quốc kéo dài 6 ngày mà bà Bachelet vừa thông báo kết thúc vào thứ Bảy (28/5).
Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet
Nhưng sau chuyến thăm bị nhà cầm quyền Trung Quốc đặc biệt kiểm soát và hạn chế này, bà Bachelet đã có bài phát biểu ca ngợi ĐCSTQ, cho dù cũng lời phê bình nhưng tỏ ra rất chừng mực.
Động thái của Cao ủy Nhân quyền đã làm dấy lên bất bình từ nhiều bên, có thể thấy cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ Haley đã phản ứng gay gắt, thậm chí còn kêu gọi sa thải bà Bachelet và yêu cầu các nước thoái vốn khỏi tổ chức này.
Trong một tuyên bố với Fox News, bà Haley nói: “LHQ tiếp tục để ĐCSTQ mua chuộc chức sắc trong tổ chức, để họ bán linh hồn cho ĐCSTQ”.
Các nhà hoạt động và những người khác trong đó có cựu Đại sứ Haley đã kêu gọi bà Bachelet lên án cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương – biểu hiện mà Mỹ và nhiều nước khác coi là “tội diệt chủng”. Một đánh giá năm 2019 của LHQ cho thấy có cả triệu người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu là người Hồi giáo, bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương.
Ban đầu Bắc Kinh phủ nhận nhưng sau đó cho biết các cơ sở tập trung đó là “trung tâm đào tạo việc làm”, đó là một phần trong chiến dịch chống khủng bố, qua đó bác bỏ cáo buộc “diệt chủng” đối với những người bị giam giữ. Nhưng bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đã cưỡng bức triệt sản trong các trại tập trung, cấm các hoạt động tôn giáo và văn hóa, và tra tấn người bị giam giữ.
Nhưng sau chuyến đi đến Trung Quốc, bà Bachelet cho biết “đã đưa ra các vấn đề lo ngại” về Tân Cương, nhưng có vẻ lắng nghe theo xảo ngôn của ĐCSTQ rằng những chính sách đó để giải quyết chủ nghĩa khủng bố và cực đoan hóa.
Bà Bachelet nói: “Tôi khuyến khích Chính phủ Trung Quốc xem xét lại tất cả các chính sách chống khủng bố và chống xu thế cực đoan để đảm bảo các chính sách tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách không mang tính độc đoán hoặc phân biệt đối xử”.
Tuy nhiên cựu Đại sứ Haley nói: “Trước đó là vấn đề Tổ chức Y tế Thế giới không lên án COVID do ĐCSTQ gây ra (ĐCSTQ bị cáo buộc che giấu dịch bệnh, kể cả nguồn gốc). Bây giờ người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền lại có chuyến du ngoạn tuyên truyền về Trung Quốc (ĐCSTQ), nhắm mắt làm ngơ trước nạn diệt chủng…. Hoặc LHQ sa thải Michelle Bachelet, hoặc các nước nên từ bỏ tài trợ cho LHQ”.
Kể từ năm 2005, đây là lần đầu tiên một người phụ trách nhân quyền của LHQ tới thăm Trung Quốc. Năm 2018, bà Bachelet đề xuất dẫn đầu một đội đến Tân Cương để điều tra các vấn đề nhân quyền, nhưng bị ĐCSTQ từ chối. Sau nhiều lần trao đổi, cuối năm ngoái ĐCSTQ đã “nới lỏng” và cho phép các thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ đến Tân Cương, nhưng không phải với danh nghĩa “điều tra” mà chỉ là “thăm hỏi”.
Đã từ lâu, bà Haley luôn là người chỉ trích công việc nhân quyền của LHQ. Khi bà còn là Đại sứ LHQ, Mỹ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền với lý do LHQ thành kiến chống Israel và thành viên của LHQ có cả những nước có hồ sơ nhân quyền kém như Trung Quốc.
Ngay cả chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đương nhiệm dù đã tái gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng bày tỏ lo ngại về chuyến thăm của bà Bachelet sau khi nhận thấy nhiều hạn chế mà Bắc Kinh áp đặt.
Ngoại trưởng Anthony Blinken cho biết trong một tuyên bố:
“Chúng tôi thậm chí còn băn khoăn hơn khi có báo cáo nói người dân Tân Cương đã được cảnh báo rằng họ không được phép phàn nàn, hoặc nói công khai về tình trạng trong khu vực, không được cung cấp bất kỳ thông tin nào về tung tích của hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ đã mất tích và tình hình của hơn 1 triệu người đang bị giam giữ.”
“Lẽ ra Cao ủy đã được cấp quyền gặp gỡ bí mật với các thành viên trong gia đình người Duy Ngô Nhĩ không bị giam giữ nhưng bị cấm rời khỏi Trung Quốc và các cộng đồng người dân tộc thiểu số Tân Cương khác. Chúng tôi cũng lưu ý rằng Cao ủy không được phép tiếp cận các cá nhân đã tham gia chương trình chuyển giao lao động Tân Cương và được cử đến các tỉnh khác ở Trung Quốc.”
Ông Blinken nhấn mạnh, “Hoa Kỳ vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Đặc biệt là khi các báo cáo mới cung cấp thêm bằng chứng về việc giam giữ tùy tiện hơn 1 triệu người ở Tân Cương. Những người sống sót và gia đình của những người bị giam giữ mô tả mức độ đối xử tàn nhẫn rất khủng khiếp như tra tấn, cưỡng bức triệt sản, lao động cưỡng bức do nhà nước bảo trợ, bạo lực tình dục và buộc trẻ em phải tách khỏi cha mẹ chúng.”
“Chúng tôi cũng kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tôn trọng nhân quyền của người Tây Tạng, những người sống ở Hồng Kông, những người tìm kiếm việc thực thi quyền con người một cách hòa bình được ghi trong ‘Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền’ và các quyền tự do cơ bản của tất cả những người khác.”
“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấm dứt ngay các hành động tàn bạo ở Tân Cương, trả tự do cho những người đã bị giam giữ bất công, giải trình tung tích của những người đã biến mất, và cho phép nhân viên điều tra độc lập đến Tân Cương, Tây Tạng và tất cả các vùng của Trung Quốc mà không bị cản trở.”
Trong chuyến thăm của bà Bachelet tới Trung Quốc, nhà cầm quyền ĐCSTQ đã sắp xếp hành trình theo quy trình khép kín với lý do vì vấn đề dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), động thái khiến chuyên gia LHQ không được phép tự do đi lại, không thể tự do thăm hỏi bất kỳ ai.
Mộc Vệ
Mỹ – Nhật Bản tập trận chung đáp lại tập trận chung Nga – Trung và vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên. Ý định tập trận chung của Trung Quốc (?)
Vào ngày 25/5/2022, Không quân Mỹ và Nhật Bản đã triển khai máy bay chiến đấu thực hiện một cuộc diễn tập chung trên Biển Nhật Bản. Chuyến bay có sự tham gia của 8 máy bay phản lực, gồm 4 chiếc F-16 của Mỹ và 4 chiếc F-15 của Nhật Bản, xuất phát từ căn cứ tại Nhật Bản. Theo thông cáo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cuộc tập trận nhằm tăng cường nâng cao các kỹ năng tiên tiến và khả năng tương tác. Nhật Bản và Hoa Kỳ nhằm duy trì sự sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Chuyến bay dường như là một phản ứng đối với cuộc diễn tập chung của máy bay ném bom Trung Quốc và Nga trên Biển Nhật Bản hôm thứ Ba và cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên diễn ra vài giờ trước đó.
Ảnh: Đội hình máy bay Không quân Mỹ và Nhật Bản tập trận chung ngày 25/5/2022. Ảnh: U.S. Indo-Pacific Command
Trước đó, vào ngày 24/5/2022, cùng ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ tại Tokyo, một cuộc tập trận chung gồm bốn máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc và hai chiếc của Nga đã được tiến hành ở Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông. Đầu tiên, hai máy bay ném bom Xian H-6 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được phát hiện bay từ Biển Hoa Đông đến Biển Nhật Bản, hội tụ cùng hai máy bay ném bom chiến lược Tupolov Tu-95 của Nga ở vùng biển Nhật Bản. Bốn máy bay ném bom sau đó tiếp tục trên cùng một hướng tây nam. Tới chiều, xuất hiện hai chiếc H-6 của PLA thay thế cho hai chiếc H-6 trước đó trong đội hình. Đội hình sau đó bay qua eo biển Miyako giữa các đảo Okinawa và Miyakojima đi vào Tây Thái Bình Dương, sau đó quay trở lại Biển Hoa Đông trên cùng một đường bay.
Lộ trình của máy bay ném bom Nga và Trung Quốc trong cuộc tập trận gần Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, đây là chuyến bay chung đường dài thứ tư của Không quân Trung Quốc và Nga xung quanh Nhật Bản kể từ tháng 7/2019, và là cuộc tập trận chung đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2021, vài tháng trước khi Nga xâm lược Ukraine.
Mặc dù Trung Quốc bác bỏ rằng cuộc tập trận chung không quân này không nhắm cụ thể tới ai và không liên quan tới tình hình quốc tế và khu vực hiện tại, nhưng trong tài liệu “Khoa học của Chiến lược Quân sự” – một tài liệu có thẩm quyền của Trung Quốc, đã nói hoàn toàn ngược lại. Theo tài liệu, các cuộc tập trận chiến lược sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng có tính chiến lược như hiệu ứng răn đe, hoặc khiến đối phương khó có thể xác định được rằng chúng ta đang tiến hành tập trận thông thường, hay là chớp thời cơ biến thành một trận chiến thật sự, bởi vậy mà có thể tạo hiệu ứng hoảng hốt cho đối phương.
Kế đó, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Joe Biden kết thúc chuyến công du Châu Á với cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh để ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên, Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa bị nghi ngờ là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hai tên lửa tầm ngắn hơn ở ngoài khơi bờ biển phía đông. Seoul và Tokyo đã lên án vụ phóng tên lửa. Đáp trả vụ phóng thử của Triều Tiên, Quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật, trong đó bao gồm cả các vụ thử tên lửa đối đất.
WHO cải tổ chính sách tài chính
Tổ chức Y tế Thế giới từ lâu đã gặp nhiều khó khăn về tài chính. Cho đến gần đây, WHO chỉ có thể tự do chi 22% ngân sách hai năm của mình, mà gần đây nhất là 5,84 tỷ đô la. Phần còn lại được dành cho các dự án cụ thể, chẳng hạn như các sáng kiến chống bệnh sốt rét hoặc chống thuốc lá. Do vậy cứ mỗi khi xuất hiện dịch bệnh, chẳng hạn như Ebola hay covid-19, tổ chức này lại phải đi xin tiền. Nó cũng khiến WHO khó ưu tiên các công tác chuẩn bị dài hạn để phòng ngừa và đối phó dịch bệnh.
Song sắp có thay đổi. Vào cuối tháng 5, Đại Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan giám sát WHO, đã quyết định thay đổi cơ bản mô hình tài trợ của mình và cho phép WHO được tự do chi tiêu một nửa ngân sách từ năm 2030-31. Thay đổi này phản ánh mức độ tín nhiệm cao của tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người gần đây đã giành được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Tuy nhiên, nó cũng là một lời thừa nhận ngầm rằng cơ quan đã không chuẩn bị tốt trước đại dịch hiện nay.
Thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt
Thông thường, mọi người đều muốn thấy nền kinh tế phát triển tốt đẹp thể hiện qua thị trường lao động mạnh mẽ. Nhưng khi Mỹ công bố dữ liệu lao động tháng vào thứ Sáu tới, rất nhiều người sẽ muốn nhìn thấy số việc làm mới giảm đi. Các dự đoán hiện tại cho thấy khoảng 325.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 5, giảm từ 430.000 của tháng 4. Nếu vậy, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt, một điều cần thiết để cho lạm phát giảm tốc.
Hiện cứ mỗi người thất nghiệp ở Mỹ là có gần hai công việc đang tìm người, một mức cao kỷ lục. Từ công ty vận tải đường bộ cho đến nhà hàng, các quản lý đều phàn nàn rằng rất khó tìm được nhân công, ngay cả khi đã ra đề nghị lương cao. Song bản thân người lao động không hài lòng vì thu nhập được điều chỉnh sau lạm phát của họ đã giảm so với trước. Một số nhà phân tích từng lập luận là thị trường lao động sẽ về bình thường khi đại dịch qua đi và nhiều người trở lại làm việc. Nhưng hiện tại có vẻ như chỉ suy thoái kinh tế mới làm được điều đó. Câu hỏi là nó sẽ đột ngột đến đâu.
Liệu Mỹ có cải cách luật kiểm soát súng trong thời điểm này?
Thật trớ trêu là các vụ xả súng hàng loạt thường giúp ích tương đối cho phong trào đòi kiểm soát súng ở Mỹ. Những vụ tự sát, xả súng trong gia đình và băng đảng làm nhiều người thiệt mạng hơn. Nhưng các vụ giết người quy mô lớn, vốn chỉ chiếm một phần trong các trường hợp tử vong do súng đạn, thường chiếm trang đầu mặt báo và qua đó thúc đẩy phong trào [kêu gọi kiểm soát súng].
Do đó, thời điểm sau các vụ thảm sát thường là thời cơ cho các nhà vận động cất lên tiếng nói của mình. Vào thứ Sáu, người Mỹ sẽ kỉ niệm Ngày Nhận thức về Bạo lực Súng Quốc gia. Liệu thảm kịch ở Uvalde — cũng như vụ xả súng làm bốn người chết ở Tulsa, Oklahoma vào thứ Tư vừa qua — có khiến Quốc hội hành động? Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận. Trong số các đề xuất có khuyến khích các bang ban hành luật “dấu hiệu nguy hiểm,” tức cho phép chính quyền tước súng khỏi những người có hành vi đe dọa. Cũng đang được thảo luận là quy định kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn đối với người mua cũng như các yêu cầu lưu trữ súng an toàn. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa lại chỉ muốn tài trợ cho điều trị sức khỏe tâm thần và tăng cường an ninh trường học, lẩn tránh giải pháp cơ bản đối với vấn đề.
Trung Quốc sắp hạ thủy hàng không mẫu hạm mới
Hiếu Chân
HKMH thứ hai của TQ mang tên Sơn Đông- và cũng là HKMH đầu tiên do Trung Quốc tự đóng – neo đậu trên quân cảng Tam Á ở đảo Hải Nam trong ngày đầu tiên chuẩn bị đưa vào hoạt động, ngày 17 tháng Mười Hai 2019. Ảnh Li Gang/Xinhua via Getty) (Xinhua/Li Gang via Getty Images
Trung Quốc đã sẵn sàng hạ thủy tàu sân bay mới nhất, tân tiến nhất – một bước đi quan trọng giúp hải quân nước này mở rộng hoạt động quân sự trên biển xa.
Hình ảnh vệ tinh mới nhất của công ty viễn thám Maxar Technologies được báo The Wall Street Journal phân tích cho thấy hàng không mẫu hạm (HKMH) thứ ba, do Trung Quốc tự đóng, tạm gọi là Type 003, có thể sẽ được hạ thủy trong vài tuần hoặc vài ngày tới từ nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải. Hiện Trung Quốc đã có hai HKMH: Chiếc thứ nhất có tên Liêu Ninh (Liaoning), được cải tạo từ một vỏ tàu cũ mua của Ukraine và chiếc thứ hai có tên Sơn Đông (Shandong), do Trung Quốc tự đóng theo mẫu của tàu Liêu Ninh. Cả hai tàu này đều thuộc lớp tàu Kuznetsov của Liên Xô cũ, mũi tàu dốc lên để phi cơ chạy đà cất cánh.
Theo các nhà phân tích, so với tàu Liêu Ninh và tàu Sơn Đông, HKMH mới của Trung Quốc lớn hơn, tân tiến hơn, sử dụng công nghệ phóng điện từ để phóng phi cơ, tương tự như các HKMH của Mỹ và Pháp.
Hình ảnh vệ tinh do Maxar chụp ngày 31 Tháng Năm cho thấy bến tàu nơi con tàu Type 003 đang nằm ụ đã bị dọn sạch; các tàu nhỏ và công việc của xưởng đóng tàu mà hình ảnh cho thấy đã ở đó chỉ 10 ngày trước nay đã chuyển đi nơi khác. Hôm Thứ Sáu tuần trước, Trung Quốc cũng đã thông báo cấm tàu thuyền đi lại trong khu vực gần nhà máy đóng tàu Giang Nam – một dấu hiệu cho thấy sắp có cuộc hạ thủy lớn.
Ông Matthew Funaiole, thành viên cấp cao trong Dự án China Power tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, việc dọn dẹp đó sẽ cho phép hải quân Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay vào sông Dương Tử. Ông cũng lưu ý Bắc Kinh có thể hạ thủy con tàu vào ngày lễ quốc gia, Lễ hội Thuyền Rồng (tức là tết Đoan Ngọ ở Việt Nam), bắt đầu vào ngày mai Thứ Sáu 3 Tháng Sáu.
Việc hạ thủy HKMH chỉ là bước đầu, có thể còn nhiều năm và nhiều việc phải làm trước khi một HKMH có thể hoạt động đầy đủ. Một quan chức Hoa Kỳ cho biết, con tàu có thể hạ thủy nhưng việc xây dựng nó vẫn đang được tiếp tục. “Có nhiều việc quan trọng phải làm trước khi tàu sân bay có thể ra khơi và bắt đầu chạy thử nghiệm”, quan chức này nói với báo The Wall Street Journal.
HKMH đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh – được cải tạo từ một vỏ tàu cũ mua của Ukraine – rời cảng Hong Kong hôm 11 Tháng Bảy 2017. Từ đó đến nay TQ đã có thêm HKMH Sơn Đông và sắp hạ thủy một HKMH mới nữa. Ảnh Roy Issa/South China Morning Post via Getty Images.
“Sau khi đi vào hoạt động, HKMH thứ ba của Trung Quốc sẽ mở rộng đáng kể khả năng của hải quân nước này trong việc bảo vệ các lợi ích ở vùng biển gần đồng thời cho phép [Hải quân Trung Quốc] triển khai sức mạnh ra xa lục địa Trung Quốc,” ông Funaiole nói.
Ông Funaiole cũng cho rằng, việc xây dựng HKMH thứ ba phản ánh bước tiến ổn định của Trung Quốc trong việc mở rộng hạm đội hải quân và dự báo Trung Quốc có thể tiếp tục đóng các HKMH thứ tư, thứ năm, thậm chí là thứ sáu.
Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu thế giới về số HKMH được triển khai, với 11 chiếc.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Bryan Clark của Viện Hudson, sức mạnh của HKMH tùy thuộc vào năng lực của các phi đội máy bay chiến đấu mà nó chuyên chở và Trung Quốc còn phải đi một chặng đường dài trong việc phát triển đội chiến đấu cơ thế hệ kế tiếp, gọi là Thành Đô J-20, tương thích với hàng không mẫu hạm. “[Việc hạ thủy HKMH mới] không phải là một bước phát triển quan trọng bởi vì điểm yếu trong năng lực của HKMH Trung Quốc là phi đội”, ông Clark nói. Nhưng ông cho rằng, trong khoảng ba, bốn năm nữa, khi Trung Quốc nâng cấp được các phi đội hải quân của họ thì Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với một đối thủ có năng lực hơn trong khu vực. “Đó có thể là một thách thức [cho hải quân Hoa Kỳ] vì nó mở rộng tầm hoạt động của không lực Trung Quốc ra xa hơn nhiều,” ông Clark nói.
Năm ngoái, trong báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc gửi tới Quốc Hội, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nhận định, HKMH mới có thể hoạt động vào năm 2024. Kích thước lớn và hệ thống phóng tân tiến của nó “sẽ giúp cho nó mở rộng tầm hoạt động và tính hiệu quả của các chiến đấu cơ cất cánh từ HKMH”.
Báo cáo cũng cho biết Bắc Kinh đang nghiên cứu, phát triển các phiên bản chiến đấu cơ tấn công và tác chiến điện tử mới có thể cất cánh từ HKMH, nâng cấp năng lực chống tàu ngầm để bảo vệ các HKMH và các tàu ngầm của họ.
Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với khoảng 355 tàu mặt nước và tàu ngầm, theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ.
Giám đốc FBI: Trung Quốc là siêu cường tin tặc lớn nhất trên thế giới
Giám đốc FBI Christopher Wray điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện về vụ tấn công ngày 06/01 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ, trong Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Hart trên Đồi Capitol hôm 02/03/2021 ở Washington, DC. (Ảnh: Mandel Ngan/Getty Images)
Giám đốc FBI Christopher Wray nhận định, Trung Quốc là tác nhân mạng độc hại lớn nhất thế giới, với tham vọng ‘bá chủ công nghệ toàn cầu’. Bằng chứng là các tin tặc của nước này đã đánh cắp dữ liệu của người dân Mỹ còn nhiều hơn các quốc gia lớn khác cộng lại.
Trong cuộc nói chuyện về chủ đề an ninh mạng trên diện rộng tại Đại học Boston hôm 01/06, ông Wray cho biết ĐCS Trung Quốc đang tham gia vào một chiến dịch lớn nhằm “nói dối, gian lận và đánh cắp với mục tiêu bá chủ công nghệ toàn cầu”.
Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc hoạt động có phương pháp, tấn công mạng để hỗ trợ các mục tiêu kinh tế trong dài hạn”.
“Họ có một chương trình tấn công mạng lớn hơn tất cả các quốc gia lớn khác cộng lại. Họ đã đánh cắp nhiều dữ liệu cá nhân và công ty của người dân Mỹ hơn tất cả các quốc gia cộng lại. Và họ đang không cho thấy dấu hiệu kiềm chế tham vọng và sự hiếu chiến của mình”.
Ông Wray chỉ ra rằng, ĐCS Trung Quốc sử dụng các luật ‘cưỡng chế’ nhằm buộc các doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyển giao toàn bộ công nghệ để phục vụ lợi ích cho nước này. Khi đề cập đến các luật tình báo quốc gia của Trung Quốc – cho phép Bắc Kinh yêu cầu dữ liệu của bất kỳ công ty nào – ông nói rằng nhiều công ty Hoa Kỳ dễ dàng thoả hiệp với việc họ sẽ bị theo dõi.
Ông Wray nói: “Nền kinh tế của Trung Quốc cũng mang đến cho nước này đòn bẩy và các công cụ gây ảnh hướng đối với các công ty … Đối với nhiều công ty Hoa Kỳ và ngoại quốc đang kinh doanh hoặc mong muốn kinh doanh ở Trung Quốc, cái giá phải trả chính là đặt dưới sự giám sát của nhà nước nhân danh an ninh”.
“Trong trường hợp xấu nhất, thì họ phải chấp nhận rủi ro rằng thông tin nhạy cảm của họ có thể bị thu thập để phục vụ các mục tiêu địa chính trị của Bắc Kinh”.
Ông Wray cũng mô tả cách ĐCS Trung Quốc sử dụng các hệ thống thuế do nhà nước chỉ thị ở Trung Quốc để bí mật do thám các công ty ở đại lục. Ông nói rằng luật pháp Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp phải sử dụng một bộ nhỏ phần mềm để phục vụ mục đích về kê khai thuế, ít nhất một trong số đó đã được ĐCS Trung Quốc sử dụng để cấy phần mềm độc hại vào các hệ thống của các công ty này. Nhờ đó, chính phủ nước này có thể bí mật truy cập vào dữ liệu của công ty đó.
Ông Wray cho biết thêm, ngoài sự can thiệp trực tiếp của chính phủ, Trung Quốc còn bắt tay với Iran và Nga, thuê tin tặc làm tay sai về an ninh mạng, nhằm tiến hành các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ thay mặt cho Trung Quốc.
Ông nói, những tác nhân như vậy thường nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng để phá hoại, từ chối quyền truy cập, hoặc đánh cắp các bí mật.
Các bình luận nói trên căn cứ vào những nhận xét trước đây của ông Wray. Phát biểu hồi tháng 4/2022, ông cho biết Trung Quốc là mối đe dọa an ninh mạng lớn nhất đối với Hoa Kỳ và cảnh báo rằng chế độ này đang nhắm vào mọi bộ phận của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Ông Wray phát biểu trong cuộc phỏng vấn với chương trình “60 Minutes” hôm 24/04, “Mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt với tư cách một quốc gia từ góc độ phản gián là từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đặc biệt là ĐCS Trung Quốc”.
Vị giám đốc này cũng cho biết “cứ khoảng mỗi 12 giờ” FBI lại mở một cuộc điều tra phản gián mới về Trung Quốc. Ông nói thêm rằng, hiện có hơn 2.000 cuộc điều tra như vậy, và tất cả 56 văn phòng địa phương của FBI có trụ sở tại Hoa Kỳ đều tham gia vào nỗ lực này.
Do đó, FBI hiện đang duy trì một loạt các trang web dành riêng cho “Mối đe dọa từ Trung Quốc”, trong đó tuyên bố rằng “các nỗ lực phản gián và tình báo kinh tế bắt nguồn từ chính phủ Trung Quốc và ĐCS Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự hưng thịnh của nền kinh tế và các giá trị dân chủ của Hoa Kỳ”.
Huyền Anh
Không có nhận xét nào