Võ Thái Hà tổng hợp
Kiev bảo đảm không dùng tên lửa Mỹ cấp để tấn công lãnh thổ Nga
02/6/2022
Ảnh minh họa : Một dàn phóng hỏa tiễn của quân ly khai được Nga yểm trợ, tại vùng Donetsk, gần Panteleimonivka, ngày 28/05/2022. AP - Alexei Alexandrov
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 01/06/2022 tuyên bố Kiev đã bảo đảm với Mỹ là sẽ không dùng các hệ thống tên lửa mà Nhà Trắng hứa cung cấp cho Ukraina để bắn vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 01/06/2022 nhấn mạnh cuộc chiến Ukraina sẽ còn « kéo dài nhiều tháng », chưa có dấu hiệu cho thấy Nga sớm ngừng tấn công Ukraina, nên Mỹ muốn bảo đảm « Ukraina có trong tay những thứ họ cần để phòng vệ » và Washington muốn bảo đảm « Nga cảm thấy một áp lực mạnh từ tối đa các nước ».
Theo AFP, trong số các vũ khí mà Mỹ hứa cấp cho Ukraina lần này, có 4 hệ thống Himars, dàn phóng đa rocket gắn trên các xe bọc thép hạng nhẹ, có thể phóng cùng lúc 6 rocket và có tầm bắn hơn 70km, mạnh gấp đôi so với với các rocket Mỹ hiện được lực lượng Ukraina sử dụng trên chiến trường. Ngoài ra, Ukraina cũng sẽ nhận được 5 radar chống pháo binh, 2 radar phòng không, 6.000 vũ khí chống tăng, 15.000 đạn pháo và 15 xe chiến thuật.
Về phía Nga, ngay trong ngày 01/06, Matxcơva đã có những cảnh báo gay gắt về nguy cơ đối đầu quân sự Nga - Mỹ. Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm :
« Lời cảnh báo đầu tiên trong buổi sáng, một lời cảnh báo không có chỗ cho sự nghi ngờ : « Bất kỳ cuộc giao vũ khí nào cũng tiếp tục làm gia tăng và làm nghiêm trọng hơn nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Nga ». Đây là phát biểu của thứ trưởng Ngoại Giao Nga Serguei Riabkov, một dấu hiệu cho thấy vụ việc đang được theo dõi ở cấp chóp bu Nhà nước.
Sáng thứ Tư, phát ngôn viên Điện Kremlin đã đẩy áp lực tăng thêm một nấc. Phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov nói: « Mỹ đang cố tình đổ thêm dầu vào lửa. Hoa Kỳ chỉ muốn một điều duy nhất : chiến đấu với Nga đến người Ukraina cuối cùng. Những đợt giao vũ khí như vậy không khiến Kiev muốn tái khởi động các cuộc thương lượng hòa bình ».
Nga đã ưu tiên việc chiếm được toàn bộ miền Donbass của Ukraina, thậm chí không chỉ điều tối đa trang thiết bị và binh lính đến Severodonetsk và Lyssychansk từ 3 tuần nay, mà còn điều cả các đội quân tinh nhuệ đến vùng này ».
Nga tập trận hạt nhân
Cũng trong ngày 01/06, theo một nguồn tin của Interfax, được Reuters trích dẫn, các lực lượng hạt nhân của Nga tổ chức một cuộc tập trận « cường độ cao » ở tỉnh Ivanovo với các tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Lars dài 23m mang 6 đầu đạn nhiệt hạch. Lars có nghĩa là « tên lửa răn đe hạt nhân ». Có 1.000 binh sĩ Nga tham gia tập trận. Tỉnh Ivanovo là nơi Nga có một trung tâm thử nghiệm hạt nhân trong lòng đất, cách Matxcơva 363 km về phía đông bắc.
TTK NATO: Đầu tư giúp Ukraine chống Nga sẽ đỡ tốn kém hơn là để TT Putin chiến thắng
Hôm thứ Tư (1/6), Tổng thư ký (TTK) NATO Jens Stoltenberg đã thảo luận về việc liên minh quân sự hỗ trợ Ukraine để tự vệ trước Nga. Ông nhận định, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin giành chiến thắng, “cái giá mà chúng ta phải trả thực sự sẽ cao hơn so với bây giờ đầu tư hỗ trợ cho Ukraine.”
TTK Stoltenberg đưa ra phát biểu trên trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C. Hai quan chức này đã trả lời các câu hỏi của các phóng viên về các vấn đề khác nhau, nhưng phần lớn các câu hỏi tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, vốn sẽ đi đến ngày thứ 100 vào thứ Sáu (3/6).
TTK Stoltenberg ca ngợi, có “một mức độ thống nhất chưa từng có giữa các đồng minh và đối tác của NATO trong việc phản ứng trước cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga.”
Tổng thư ký NATO cam kết, khối quân sự này sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, mặc dù các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga cũng đã tác động đến các quốc gia thành viên trong liên minh.
TTK Stoltenberg giải thích: “Tất nhiên, các đồng minh châu Âu, cũng như Hoa Kỳ, đã áp đặt các lệnh trừng phạt [đối với Nga]. Chúng ta cũng phải trả một cái giá cho việc này. Tuy nhiên, một giải pháp thay thế, không hỗ trợ Ukraine, thực sự sẽ giúp Tổng thống Putin giành chiến thắng. Điều đó sẽ nguy hiểm cho tất cả chúng ta, và cái giá mà chúng ta phải trả thực sự sẽ cao hơn so với bây giờ đầu tư hỗ trợ cho Ukraine.”
Hôm thứ Ba (31/5), Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine một số lượng chưa được tiết lộ Hệ thống Rocket Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) M14. Khi được hỏi làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ leo thang sau khi Ukraine nhận được vũ khí mới, Ngoại trưởng Blinken tiết lộ, Ukraine đảm bảo với Hoa Kỳ rằng hệ thống rocket tầm xa sẽ chỉ được sử dụng ở Ukraine, chứ không được dùng để bắn vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Nga không nên ngạc nhiên về việc Hoa gửi hệ thống vũ khí mới cho Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ giải thích: “Không có chuyện núp bóng. Chúng tôi đã nói rất rõ ràng về việc này ngay từ ngày đầu tiên khi Tổng thống Biden trao đổi trực tiếp với Tổng thống Putin. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện chính xác những gì chúng tôi tuyên bố sẽ làm.”
Khi được hỏi liệu việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể răn đe Nga hay không, Ngoại trưởng Blinken đáp lại: “Tôi sẽ nói rằng vấn đề không phải là răn đe Nga vào thời điểm này, bởi vì họ đã thực hiện cuộc xâm lược, và họ đang theo đuổi nó.”
Cũng trong cuộc họp báo chung này, TTK Stoltenberg còn thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ông cho hay, ông sẽ gặp các quan chức cấp cao của Thụy Điển và Phần Lan tại Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày tới để thảo luận về vấn đề này.
Ông giải thích: “Phần Lan và Thụy Điển bày tỏ rõ rằng họ sẵn sàng ngồi lại để giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra.”
Gia Huy (Theo Newsweek)
Mỹ dỡ bỏ các hạn chế hàng không đối với Cuba được áp đặt dưới thời TT Trump
02/6/2022
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hôm 1/6 thu hồi một loạt các hạn chế đối với các chuyến bay đến Cuba.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hôm 1/6 thu hồi một loạt các hạn chế đối với các chuyến bay đến Cuba do tổng thống tiền nhiệm áp đặt, bao gồm việc chấm dứt lệnh cấm các chuyến bay của hãng hàng không Hoa Kỳ đến các sân bay của Cuba ở ngoài thủ đô Havana, theo Reuters.
Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ (USDOT) vừa ban hành sắc lệnh trên theo yêu cầu của Ngoại trưởng Antony Blinken, người nói rằng động thái này là “ủng hộ người dân Cuba và vì lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”.
Vào tháng trước, Nhà Trắng báo hiệu động thái được lên kế hoạch này như một phần của việc thay đổi lớn hơn trong chính sách đối với Cuba. Các hạn chế bay được dỡ bỏ có hiệu lực ngay lập tức.
Chính quyền Trump đã ban hành một loạt các hạn chế hàng không vào năm 2019 và 2020 nhằm nỗ lực gia tăng áp lực kinh tế của Mỹ đối với chính phủ Cuba.
Các hạn chế này bao gồm việc cấm các hãng vận tải của Hoa Kỳ bay đến 8 sân bay quốc tế ở Cuba bên ngoài Havana, bao gồm các sân bay ở Camaguey, Cayo Coco, Cayo Largo, Cienfuegos, Manzanillo, Matanzas và Santiago de Cuba.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, USDOT áp đặt giới hạn đối với các chuyến bay thuê bao đến Cuba ở mức 3.600 chuyến/năm và sau đó đã đình chỉ các chuyến bay thuê riêng đến Cuba. Bộ này cũng cấm các chuyến bay đến bất kỳ sân bay nào của Cuba, ngoại trừ Havana.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ấy là ông Mike Pompeo cho biết Cuba “dùng ngân quỹ thu được du lịch và lữ hành để tài trợ cho các hành vi xâm hại và can thiệp vào Venezuela. Các nhà độc tài không thể được phép thu lợi từ chuyến hoạt động lữ hành của Hoa Kỳ”.
Tổng thống Biden hứa ‘tôn trọng Fed’, cho họ ‘không gian’ chống lại lạm phát
01/6/2022
Tổng thống Joe Biden gặp Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen trong Oval Office tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 31/05/2022. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)
Hôm thứ Ba (31/05), Tổng thống Joe Biden đã gặp ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để thảo luận về tình hình lạm phát mà ông mô tả là “ưu tiên hàng đầu” của mình.
Trước cuộc họp này, ông Biden cho biết ông hứa sẽ “tôn trọng sự độc lập của Fed” và cho họ “không gian mà họ cần để thực hiện công việc của mình.”
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cũng tham dự cuộc họp.
Sau cuộc họp, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tòa Bạch Ốc Brian Deese cho biết ông Biden “đã nhấn mạnh với Chủ tịch Powell” những nhận xét trước đó của ông là hãy tôn trọng sự độc lập của Fed và gọi cuộc họp này là “rất có tính xây dựng.”
Ông Deese đã cảnh báo sự chuyển đổi sắp xảy ra đối với nền kinh tế Hoa Kỳ khi Fed nâng lãi suất từ mức thấp lịch sử trong đại dịch lên mức bình thường hơn. Hành động này được cho là sẽ làm giảm nhu cầu và tăng trưởng trong khi giảm bớt các áp lực về giá cả.
Ông Deese nói trong nhận xét mà Reuters thâu thập được: “Chúng ta đã chạy chặng đầu tiên của cuộc đua với tốc độ rất nhanh, vốn đã đưa chúng ta vào vị trí vững chãi so với các đồng nghiệp của chúng ta, nhưng đây là một cuộc đua marathon và chúng ta phải di chuyển và chuyển sang tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững.”
“Chúng ta thực sự có thể đối phó với lạm phát mà không cần phải hy sinh … toàn bộ lợi ích [trong thị trường lao động] đó.”
Cuộc họp của ông Biden với chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang là cuộc họp đầu tiên kể từ khi Thượng viện xác nhận ông Powell sẽ tiếp tục đảm trách nhiệm kỳ thứ hai. Cuộc họp này cũng diễn ra khi giá xăng, thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm.
‘Tập trung cao độ’
Ông Biden cho biết cuộc gặp của ông với ông Powell nhằm “thảo luận về ưu tiên hàng đầu của tôi và đó là giải quyết vấn đề lạm phát.”
Ông Biden nói, “Kế hoạch của tôi là giải quyết lạm phát. Nó bắt đầu với một lời đề nghị đơn giản: Hãy tôn trọng Fed và tôn trọng sự độc lập của Fed, điều mà tôi đã làm và sẽ tiếp tục làm.”
Ông nói thêm: “Chủ tịch Powell và các nhà lãnh đạo khác của Fed đã lưu ý, tại thời điểm này, họ đang tập trung vào việc giải quyết lạm phát, giống như tôi vậy.”
“Và với sự bổ sung lớn hơn của các thành viên hội đồng quản trị hiện đã được xác nhận, tôi biết chúng ta sẽ sử dụng những công cụ của chính sách tiền tệ để giải quyết tình trạng giá cả đang tăng lên cho người dân Mỹ.”
Ông Powell cho biết ông coi lạm phát cao là rủi ro kinh tế chính của Mỹ và việc kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Fed trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Ông cho biết sẽ tăng lãi suất cao nếu cần, ngay cả khi điều đó khiến các gia đình và doanh nghiệp đau buồn, thay vì dựa vào lạm phát để tự điều chỉnh khi các công ty giải quyết các vấn đề của chuỗi cung ứng, và chi tiêu của người tiêu dùng chuyển sang dịch vụ.
Fed đã tăng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm trong năm nay, với hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết họ dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi đạt khoảng 2.5% vào cuối năm nay, và hơn nữa nếu cần.
Các đợt tăng lãi suất dự kiến sẽ bao gồm mức tăng nửa điểm phần trăm trong cả hai cuộc họp vào tháng Sáu và tháng Bảy.
Theo phân tích từ Reuters, điều này có thể dẫn đến một mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ khó khăn cho ông Biden và Đảng Dân Chủ, là dịp để họ cố gắng duy trì quyền kiểm soát lưỡng viện. Ông Biden đã lên kế hoạch cho một chiến dịch truyền thông vào tháng Sáu để chứng minh với người dân Mỹ rằng nền kinh tế đang mạnh mẽ.
Anh Caden Pearson là một nhà báo sống ở Úc. Anh ấy có nền tảng về biên kịch và phim tài liệu. Liên hệ với anh ấy trên caden.pearson@epochtimes.com.au
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Mỹ-Đài Loan khởi động đàm phán thương mại
02/6/2022
Ảnh minh họa : Cờ Mỹ và Đài Loan trong chuyến ghé thăm Đài Bắc của chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce, tháng 3/2018. REUTERS - TYRONE SIU
Bộ Thương Mại Mỹ hôm 01/06/2022 thông báo Washignton và Đài Bắc khởi động ''Sáng Kiến Mỹ - Đài Loan về Thương Mại Thế Giới –Thế Kỷ 21'', tăng cường hợp tác thương mại song phương. Giới quan sát coi đây là hành động thách thức Trung Quốc gia tăng sức ép với Đài Loan. Quyết định được đưa ra sau khi 30 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, mà theo Bắc Kinh, là nhằm đáp trả "sự thông đồng" giữa Washignton với Đài Bắc.
Đài Bắc nói đến "bước tiến lịch sử" sau cuộc họp trực tuyến giữa phó đại diện Thương Mại Mỹ Sarah Bianchi và bộ trưởng Đài Loan Đặng Chấn Trung (John Deng). Vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra ngay trong tháng 6/2022 tại Hoa Kỳ.
Từ Washignton thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm:
Thông cáo được đưa ra chỉ hai ngày sau việc khoảng 30 máy bay quân sự Trung Quốc lại thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Bắc Kinh không loại trừ khả năng thâu tóm Đài Loan, kể cả bằng sức mạnh và từ nhiều tháng qua Trung Quốc đã liên tục đưa ra những hành động hù dọa. Đàm phán về thương mại coi như là một cách để Washington trả lời Bắc Kinh.
Đợt đàm phán trực tiếp sẽ diễn ra ngay trong tháng này tại Washington. Nhưng cuộc họp trực tuyến đầu tiên (hôm qua) đã phác họa ra một số hướng tạo thuận lợi cho các trao đổi từ việc hành động vì khí hậu cho đến các giao thương về nông phẩm. Mục tiêu là nhằm đạt được một hiệp định thương mại chính thức, thay vì một khuôn khổ mậu dịch chung như hiện tại.
Mỹ không chính thức công nhận Đài Loan (là một quốc gia), nhưng Hoa Kỳ là một đối tác và một nhà cung cấp vũ khí của hòn đảo này. Washington cũng cam kết bảo vệ Đài Bắc về mặt quân sự.
Sáng kiến đàm phán thương mại song phương được đưa ra chỉ ít ngày sau khi tổng thống Joe Biden khởi động Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ -Thái Bình Dương (IPEF) nhân vòng công du châu Á. Đài Loan không được mời tham dự vào chương trình này, do quy chế đặc biệt và tình trạng phức tạp. Quyết định nói trên khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ. Chẳng hạn bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tố cáo Washington tìm cách thành lập "bè đảng" nhân danh tự do và chính sách mở cửa với hy vọng "kềm tỏa được Trung Quốc".
Phản ứng gay gắt của Trung Quốc
Theo tin mới nhất Bắc Kinh mạnh mẽ chống đối đàm phán thương mại Mỹ- Đài. Thông cáo của bộ Thương Mại Trung Quốc sáng nay 02/06/2022 nhấn mạnh "Trung Quốc luôn chống đối mọi hình thức trao đổi chính thức giữa bất kỳ một quốc gia nào với Đài Loan, một tỉnh của Trung Quốc, kể cả trong tiến trình đàm phán và ký kết bất kỳ một thỏa thuận kinh tế và thương mại" nào.
Đài Loan – Liên Hiệp Châu Âu họp bàn về công nghệ bán dẫn
Trong quan hệ giữa Đài Loan và Liên Hiệp Châu Âu, hãng tin Anh Reuters trích dẫn một nguồn tin thông thạo của châu Âu cho biết, hôm nay 02/06/2022 bộ trưởng Kinh Tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa (Wang Mei Hua) họp qua cầu truyền hình với lãnh đạo Thương Mại của Liên Âu, Valdis Dombrovskis. Đôi bên tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn. Tháng 2/2022 Liên Âu công bố European Chips Act, chiến lược tự chủ về chip điện tử, mà Đài Loan là một trong những đối tác chính.
Trung Quốc phản đối sáng kiến thương mại Hoa Kỳ-Đài Loan
02/6/2022
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong.
Hôm 2/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc “kiên quyết” phản đối một sáng kiến thương mại mới giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, một kế hoạch mà chính phủ ở Đài Bắc cho biết là sự công nhận vị trí quan trọng của hòn đảo này trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo Reuters.
Hoa Kỳ và Đài Loan vừa công bố Sáng kiến Thương mại Thế kỷ 21 Hoa Kỳ-Đài Loan vào ngày 1/6, vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đưa hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố họ nắm chủ quyền ra khỏi kế hoạch kinh tế tập trung vào châu Á nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong (Gao Feng) phát biểu: “Hoa Kỳ nên xử lý một cách thận trọng các quan hệ kinh tế và thương mại với Đài Loan để tránh gửi một thông điệp sai lầm tới những người ly khai Đài Loan”.
Bắc Kinh phản đối bất kỳ hình thức liên lạc chính thức nào giữa Đài Loan và các nước khác, bao gồm đàm phán và ký kết bất kỳ thỏa thuận kinh tế và thương mại nào “mang ý nghĩa chủ quyền và mang tính chất chính thức”, ông Gao nói trong một cuộc họp trực tuyến.
Đài Loan vui mừng với sáng kiến này, coi đây là một dấu hiệu hỗ trợ nữa từ Washington và hy vọng nó có thể mở đường cho việc Đài Loan sau này tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) của Tổng thống Biden, được công bố vào tuần trước.
Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) nói trong cuộc họp nội các hôm 2/6 rằng hòn đảo này “có một vị trí quan trọng không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.
Ông Tô nói điều này “khiến chính phủ Hoa Kỳ nhận ra rằng họ phải tăng cường liên kết kinh tế và thương mại với đất nước của chúng tôi để củng cố khả năng phục hồi và an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Mỹ cam kết ủng hộ các đảo quốc Thái Bình Dương đã bác hiệp ước với Trung Quốc
Hoa Kỳ hôm 31/05/2022 hứa sẽ hỗ trợ các đảo quốc ở Thái Bình Dương sau các quốc gia này từ chối ký một thỏa thuận với Trung Quốc, nói rằng chính các hành động của Bắc Kinh đã cho thấy đề nghị của họ là « nhập nhằng ».
Mười tiểu quốc Thái Bình Dương hôm thứ Hai 30/05 đã gây bối rối cho Bắc Kinh, khi bác bỏ một hiệp ước sẽ đẩy họ vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố các đảo quốc đã có những « quyết định về chủ quyền của chính họ », và Hoa Kỳ cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác ở Thái Bình Dương cũng như khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm mang lại lợi ích cho người dân.
Ông Price nhấn mạnh đến những lo ngại của các phóng viên Fidji, Samoa, Salomon đưa tin về chuyến thăm của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, khi ông này từ chối cho phép đặt câu hỏi. Phát ngôn viên Mỹ cho rằng chỉ cần quan sát những nỗ lực che giấu của Trung Quốc để thấy thỏa thuận này mờ ám như thế nào. Ông cho biết : « Bắc Kinh còn đi xa đến nỗi ngăn cản các viên chức trong khu vực đối thoại với các nhà báo của nước mình », đồng thời nhắc lại, Hoa Kỳ và Úc đều quan ngại.
Trung Quốc đề nghị một hiệp ước bao gồm việc mở rộng huấn luyện cảnh sát các đảo quốc Thái Bình Dương, thực hiện một bản đồ biển nhạy cảm và tiếp cận các nguồn lợi thiên nhiên. Đổi lại, Bắc Kinh tài trợ hàng triệu đô la và mở ra triển vọng đạt thỏa thuận tự do mậu dịch với thị trường 1,4 tỉ dân lớn nhất thế giới.
Trong một lá thư mới đây gởi các đồng nhiệm, ông David Panuelo, tổng thống Liên bang Micronesia cảnh báo đề nghị trên là « gian trá », « bảo đảm ảnh hưởng Trung Quốc trong chính phủ » và việc « kiểm soát kinh tế » đối với các ngành công nghiệp chủ chốt.
Tân ngoại trưởng Úc thăm các đảo quốc Thái Bình Dương
Bà Hoàng Anh Hiền (Penny Wong), tân ngoại trưởng Úc hôm nay 01/06/2022 đến thăm các đảo quốc Samoa và Tonga, Vanuatu, chỉ vài ngày sau chuyến đi của ông Vương Nghị, nhằm « củng cố những mối quan hệ hữu nghị sâu sắc » với Úc. Từ khi tuyên thệ nhậm chức cách đây 9 ngày, bà đã đến Nhật Bản tham dự hội nghị Bộ Tứ (Mỹ, Ấn, Úc, Nhật), sau đó đến Fidji và sẽ sang Papuasia-Tân Ghinê ngày mai, kết thúc chuyến thăm kéo dài 10 ngày.
Tân chính phủ trung tả Úc hứa sẽ chú tâm hơn đến vấn đề khí hậu : tình trạng mực nước biển dâng cao là mối lo hàng đầu của nhiều đảo quốc Thái Bình Dương.
Nga áp đảo ở Severodonetsk
Chiến sự ở thị trấn công nghiệp Severodonetsk đang đi đến hồi kết. Severodonetsk có vị trí đặc biệt dễ bị tổn thương khi nằm ở phần lãnh thổ miền đông Ukraine nhô vào khu vực do Nga kiểm soát; và do đó Nga đã dồn hết sức mạnh vào đây cũng như các khu vực xung quanh. Các phóng viên truyền hình Nga thậm chí đã tuyên bố chiến thắng. Mặc dù có hơi phóng đại, nhưng rõ ràng quân đội Nga đã có chỗ đứng vững chắc khi chiến sự ác liệt chỉ còn diễn ra ở trung tâm thị trấn. Các nguồn tin địa phương cho thấy quân đội Ukraine đã bắt đầu rút quân, chuẩn bị cho một cuộc thoái lui trên diện rộng.
Nga đã dồn một tỷ lệ đáng kể lực lượng của mình vào Severodonetsk và Lyman, một trung tâm vận tải và đầu cầu tiềm năng để vượt qua sông Donets và tiến về phía bắc. Những mục tiêu chiến trường khiêm tốn này hoàn toàn khác xa tham vọng ban đầu của Điện Kremlin là chiếm toàn bộ Ukraine. Chúng cũng không phải mục tiêu gần đây là chiếm toàn bộ vùng Donbas, trong đó có tỉnh Luhansk với Severodonetsk, và tỉnh Donetsk. Nhưng việc họ đang thắng lợi là có thật.
OPEC kiên quyết không tăng sản lượng
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, sẽ họp vào thứ Năm để quyết định mục tiêu sản xuất dầu trong tháng tới. Nhiều người dự đoán họ sẽ chỉ tăng khiêm tốn khoảng 400.000 thùng mỗi ngày. Bấy nhiêu là không thấm vào đâu khi phương Tây đang vật lộn với lạm phát cao.
Giá dầu hiện dao động quanh mức 120 USD/thùng, không xa mức 127 USD cao nhất mười năm qua hồi tháng 3. Nhưng OPEC đã và đang chống lại áp lực kêu gọi tăng sản lượng của phương Tây. Một lý do là mối quan hệ băng giá giữa chính quyền Biden và Ả Rập Saudi, thành viên quan trọng nhất trong OPEC. Một vấn đề nữa là việc nhóm không rõ sẽ có bao nhiêu dầu của Nga biến mất khỏi thị trường do lệnh trừng phạt của phương Tây.
Song OPEC dường như cũng không đủ khả năng bơm thêm dầu. Suốt nhiều tháng qua họ đã rất chật vật để theo kịp các mục tiêu sản lượng, dù chúng rất khiêm tốn. Kết quả dễ đoán là giá vẫn sẽ cao.
Tròn 70 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại vị
Lần đầu tiên Nữ hoàng tự mình chủ trì một sự kiện là vào năm 1942, khi bà kiểm tra Đội Cận vệ Grenadier tại Lâu đài Windsor. Đến nay bà đã tiến hành hơn 21.000 lần cắt băng khánh thành và công bố bảng kỷ niệm, hơn 200 bức chân dung chính thức, và hơn 300.000 bức điện chúc mừng gửi đến các công dân 100 tuổi. Từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 6, nước Anh sẽ kỷ niệm một cột mốc quan trọng nữa của Nữ hoàng Elizabeth II: 70 năm bà trị vì.
Phần lớn buổi lễ sẽ chỉ là các nghi thức mang tính biểu diễn. Binh sĩ sẽ diễu hành trên ngựa, trong khi bữa trưa ở Windsor sẽ lập kỷ lục về chiếc bàn dài nhất thế giới. Song lần kỷ niệm này không phải chuyện vặt. 70 năm trị vì là chưa từng có tiền lệ đối với một quốc vương Anh, đặc biệt hơn nữa khi nữ hoàng được ủng hộ rộng rãi. Cứ mười người Anh thì có tám người có quan điểm ủng hộ, trong khi mọi lứa tuổi đều có quan điểm tích cực về bà.
Elon Musk: Quay lại văn phòng làm việc hoặc… tìm việc khác
Phạm Vũ
1 tháng 6, 2022
Ảnh: Getty Images
Hai thư điện tử được cho là do Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk gửi đến nhân viên có nội dung cứng rắn yêu cầu “quay lại văn phòng làm việc ít nhất 40 giờ một tuần hoặc bị sa thải” bị phát tán hôm Thứ Tư, 1 Tháng Sáu. Không rõ vì đâu trang Electrek – một trang tin chuyên về các loại xe điện và năng lượng tái tạo nhận được hai email này và sau đó lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Twitter.
Lá thư thứ nhất ghi rõ người gửi là Elon Musk, ngày gửi Thứ Ba, 31 Tháng Năm, 2022 1:19PM khẳng định ngay từ tiêu đề: “Làm việc từ xa không còn được chấp thuận.” Nội dung lá thư ghi: “Nếu có ai vì những nguyên nhân đặc biệt không thể đến văn phòng, tôi sẽ xem xét và phê duyệt.”
Lá thư thứ hai, như thể để góp phần củng cố, khẳng định thêm yêu cầu trong lá thư thứ nhất. Cũng Elon Musk, viết rõ: “Tất cả nhân viên của Tesla phải có mặt trong văn phòng ít nhất 40 tiếng/tuần. Nếu mọi người không hiện diện, chúng tôi sẽ cho rằng các bạn đã nghỉ việc.”
Elon lấy chính phương pháp làm việc của cá nhân làm ví dụ thuyết phục cho việc yêu cầu nhân viên chấm dứt làm việc từ xa. Theo đó, “chức vụ càng cao, càng phải hiện diện nơi công sở.” Giám đốc điều hành Tesla nói đó là lý do ông thường xuyên “sống” trong nhà máy. “Nếu tôi không như thế, có lẽ Tesla đã bị phá sản từ lâu rồi.” Elon Musk cho rằng, Tesla đã, đang và sẽ sáng tạo ra những sản phẩm thú vị và có ý nghĩa nhất ở bất kỳ công ty nào trên hành tinh này. “Những việc đó không thể xảy ra bằng cách gọi điện thoại vào.”
Sau khi hai emails bị phát tán, Whole Mars Catalog – trang web chuyên về khoa học kỹ thuật và các bài viết nghiên cứu sao Hoả, hỏi Elon trên Twitter “trả lời như thế nào với những người cho rằng việc quay lại công sở là một ý kiến cũ kỹ?” Bằng một phản hồi rất “Elon Musk”, tỉ phú giàu nhất thế giới với tài sản $229.7 tỉ (theo Forbes’s real-time wealth tracker) trả lời: “Họ nên tìm đến một công việc khác” và không phủ nhận hoặc khẳng định lá thư điện tử bị rò rỉ.
Như tất cả công ty khác, Tesla đã cho phép nhân viên làm việc từ xa (work from home) nếu họ cảm thấy không an toàn trong thời gian đầu của đại dịch Covid-19. Nhưng hồi Tháng Năm, 2020, bất chấp những sắc lệnh của California, Elon đã đẩy mạnh sản lượng sản xuất ở nhà máy Tesla. Tỉ phú giàu nhất thế giới đã gặp chỉ trích nặng nề vì phát biểu sẽ sa thải những nhân viên nào không quay lại nhà máy.
Theo Forbes, các công ty kỹ thuật đang cân nhắc chiến lược cho nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc. Google, Apple bắt đầu áo dụng biện pháp cho nhân viên lựa chọn. Elon Musk vào tháng trước từng đăng ảnh chế giễu có hình một chú chó lười biếng nhằm trêu chọc Apple chậm trễ trong việc đề nghị nhân viên quay lại văn phòng.
Twitter là công ty đã chính thức áp dụng hoàn toàn phương pháp làm việc từ xa cho nhân viên. Nếu thương vụ mua Twitter của Elon Musk thành công, thì chính sách đó có còn hiệu nghiệm hay không? Câu hỏi này, Forbes chưa đưa ra được lời giải đáp.
HIMARS có thể thay đổi cục diện?
Lê Tây Sơn
1 tháng 6, 2022
HIMARS trong một cuộc tập trận giữa Mỹ và Philippines (ảnh: Dondi Tawatao/Getty Images)
Ngày 31 Tháng Năm Tổng thống Joe Biden xác nhận Mỹ đang gửi hệ thống hỏa tiễn tiên tiến tầm trung tới Ukraine. Chúng rất cần thiết để hạn chế bước tiến của lực lượng Nga ở phía Đông đồng thời cho phép phản công lấy lại các lãnh thổ đã mất…
Các hệ thống hỏa tiễn và đạn dược tiên tiến hơn, có thể đánh phá chính xác mục tiêu của kẻ thù cách xa gần 50 dặm (dưới 100 km), sẽ cho phép Ukraine tấn công chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Ukraine khẳng định sẽ không sử dụng hệ thống này để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga, một động thái có thể leo thang xung đột, kích động sự trả đũa của Nga vào các lực lượng Mỹ hoặc đồng minh.
Hệ thống Pháo Hỏa tiễn Cơ động Cao (High Mobility Artillery Rocket System-HIMARS) có thể giúp Ukraine tấn công các mục tiêu xa hơn trong cuộc chiến pháo binh với Nga tại vùng Donbas đang giao tranh khốc liệt. Theo một quan chức giấu tên, Mỹ sẽ không cung cấp các loại đạn có tầm bắn xa nhất của hệ thống này cho Ukraine. Hệ thống hỏa tiễn tiên tiến tầm trung nằm trong gói thiết bị quân sự mới trị giá $700 triệu viện trợ cho Ukraine.
Ngày 27 Tháng Năm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tố cáo phương Tây đã “tuyên chiến toàn diện” chống lại Nga. Ngay sau tuyên bố này, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các lực lượng hỏa tiễn chiến lược của họ đang tiến hành các cuộc tập trận ở Ivanovo, phía Đông Bắc Moscow. Theo báo cáo của truyền thông nhà nước Nga, sư đoàn hỏa tiễn chiến lược là lực lượng bảo vệ chủ lực Moscow với trách nhiệm “răn đe hạt nhân trước mọi hành vi xâm lược”.
Các cuộc tập trận có sự tham gia của Yars, một loại hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa của Nga. Lực lượng Ukraine hiện sử dụng đại bác M777 do Mỹ chuyển giao, có tầm bắn khoảng 18 dặm. Các vũ khí tiên tiến khác mà Hoa Kỳ đã gửi gồm hàng ngàn hỏa tiễn vác vai Stinger và Javelin. Việc bổ sung hệ thống HIMARS vào kho vũ khí của Ukraine diễn ra khi Moscow chiếm ưu thế trong trận chiến pháo binh tại Donbas, bất chấp Mỹ và phương Tây đổ nhiều vũ khí vào Ukraine.
Nga hiện kiểm soát phần lớn thành phố chiến lược Severodonetsk, một trong ít lãnh thổ chính cuối cùng do Ukraine nắm giữ ở phía Đông vùng Luhansk. Nga đã tấn công thành phố nhiều tuần với hoả lực áp đảo và đang tiến vào trung tâm thành phố. Dù phần lớn dân cư thành phố đã di tản trong vài tuần qua, vẫn còn lại 12,000 người, với nhiều người cao tuổi với điều kiện sống kinh khủng. Việc chiếm được Severodonetsk sẽ mang lại cho Kremlin một chiến thắng mang tính biểu tượng để động viên binh lính. Trong bài phát biểu hàng đêm ngày 31 Tháng Năm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận Moscow đang huy động sức mạnh tối đa để đạt được mục tiêu nuốt trọn vùng Donbas tự trị. Ông cho biết có tới 100 quân nhân Ukraine có thể chết mỗi ngày trong các cuộc giao tranh.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, quân đội Nga mất tinh thần sau ba tháng không đạt được chiến thắng nào tầm cỡ, đang mắc phải những sai lầm tương tự tại Đông Ukraine khiến ý đồ chiếm trọn quốc gia này không còn khả thi. Một quan chức Ngũ Giác Đài nhận xét: Chính việc tăng tốc của quân Nga tại Donbas đã khiến họ suy giảm khả năng chiến đấu. Tính chung sức mạnh chiến đấu của quân Nga đã giảm khoảng 20%.
Tháng Tư, Putin bổ nhiệm một chỉ huy chiến trường mới, Tướng Aleksandr V. Dvornikov. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Dvornikov đã cố gắng điều động các đơn vị trên không và trên bộ hợp tác tấn công thay vì mạnh ai nấy bắn. “Các phi công Nga bắt đầu phối hợp với các binh sĩ trên mặt đất tại Donbas. Các đơn vị Nga cũng trao đổi với nhau về các mục tiêu chung. Nhưng rồi đâu lại trở về đấy” – Frederick W. Kagan, Giám đốc dự án tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận xét – Có những sai sót sâu sắc và cơ bản trong quân đội Nga không thể sửa chữa trong vài tuần dù cố gắng”.
Các phi công Nga vẫn tiếp tục thể hiện thái độ tránh né rủi ro như họ đã làm trong những tuần đầu của cuộc chiến: Lao qua biên giới để tấn công và nhanh chóng quay trở lại lãnh thổ Nga, và họ chỉ hoạt động chủ yếu trên chiến trường đang diễn ra. “Kết quả là Nga vẫn chưa tạo ra được ưu thế trên không rõ ràng nào” – một quan chức Mỹ nói. Có lẽ đây là lý do khiến “đồ tể” Dvornikov bặt vô âm tín trong hai tuần qua, dẫn đến việc các nhà quan sát suy đoán không biết ông ta có còn phụ trách chiến dịch không.
Quân đội Nga đã đạt được một số tiến bộ ở phía Đông, nơi hỏa lực tập trung hơn và đường tiếp tế ngắn hơn. Sau ba tháng đẫm máu, cuối cùng Nga đã chiếm được thành phố Mariupol vào giữa Tháng Năm, tạo được cây cầu trên bộ từ Bán đảo Crimea do Nga kiểm soát. “Nhưng Ukraine đang đẩy quân đội Nga về phía Bắc và phía Đông thành phố Kharkiv lớn thứ hai đất nước – Tướng Philip Breedlove, Cựu chỉ huy đồng minh tối cao của châu Âu, nói – Hiện người Ukraine đang tìm cách cắt đứt các đường tiếp tế của Nga và đẩy lực lượng của họ về phía sau”.
Việc cắt đứt các đường tiếp tế của Nga ở phía Đông Kharkiv sẽ khiến quân đội Nga rơi vào tình trạng tương tự như cuộc tiến công vào thủ đô Kyiv. Các đơn vị Ukraine mang hỏa tiễn chống tăng Javelin vác vai đã đánh chặn các đoàn xe Nga dài hàng dặm gần Kyiv, làm phá sản phương án A của “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Hỏa tiễn tầm trung HIMARS sẽ giúp quân Ukraine đạt được mục tiêu chiến lược này.
Không có nhận xét nào