Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ và Hàn Quốc phóng tên lửa đáp trả các vụ khiêu khích của Bắc Triều Tiên
06/6/2022
(Ảnh minh họa) - Tên lửa của Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố. © KCNA/UPI/Shutterstock/SIPA
Vào sáng sớm ngày 06/06/2022, Hàn Quốc và Mỹ cùng phóng tổng cộng 8 tên lửa địa đối địa để đáp trả lại việc Bắc Triều Tiên bắn 8 tên lửa đạn đạo vào hôm qua 05/06.
Vào lúc 4 giờ 45 phút ngày 06/06/2022, Hàn Quốc và Mỹ đã phối hợp phóng 8 tên lửa địa đối địa nhằm đáp trả hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng 8 tên lửa tầm ngắn (SRBM) vào 9h08 phút ngày hôm qua. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Hàn cho biết : “Vụ phóng tên lửa địa đối địa của liên quân chứng tỏ Hàn Quốc có đủ khả năng và sẵn sàng tấn công đáp trả ngay lập tức để chống trả lại các hành động khiêu khích, ngoài ra liên minh cũng duy trì tư thế giám sát liên tục kể cả khi Bắc Triều Tiên khiêu khích bằng tên lửa ở nhiều địa điểm”.
Mặc dù liên quân không công bố số lần phóng tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc, nhưng theo thông tin tin cậy, Hàn Quốc đã phóng 7 tên lửa và Mỹ phóng 1 tên lửa. Tên lửa được liên quân Mỹ - Hàn và Bắc Triều Tiên phóng như vậy được cho là cân bằng cả về số lượng lẫn khả năng công phá. Mỗi tên lửa được bắn ra từ cả hai phía đều được xem là có thể phá hủy một khu vực rộng bằng 3-4 sân bóng.
Hôm nay cũng là ngày lễ có tên là “Ngày tưởng niệm” tại Hàn Quốc. Trong buổi lễ tại nghĩa trang quốc gia Seoul, tổng thống Yoon tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống vì chiến đấu cho nền độc lập của Hàn Quốc, những anh hùng đã bảo vệ Hàn Quốc khỏi sự xâm lược của chủ nghĩa cộng sản.
Ông cũng đề cập đến vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên và khẳng định vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ đe dọa hòa bình không chỉ của bán đảo Triều Tiên mà của cả khu vực Đông Bắc Á và thế giới. Ông cũng khẳng định quan điểm về việc cần phải phát triển khả năng bảo đảm an ninh cơ bản, đồng thời ngăn chặn nguy cơ hạt nhân từ Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Yoon là một người có quan điểm khá cứng rắn với Triều Tiên. Ông đã từng tuyên bố sẽ nâng cao khả năng phòng thủ của quân đội Hàn Quốc và kêu gọi mua thêm nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ để lắp đặt tại Seoul. Ông Yoon cũng là vị tổng thống có thiên hướng thân Mỹ và luôn có mong muốn tham gia vào bộ tứ QUAD tại Châu Á.
Giáo Hoàng Francis muốn tới thăm Ukraine
Bảo An
Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi chấm dứt chiến tranh, Vatican, ngày 27 Tháng Hai (ảnh: Riccardo De Luca/Anadolu Agency via Getty Images)
Hôm nay, 5 Tháng Sáu, Giáo Hoàng Francis kêu gọi cần có “các cuộc đàm phán hướng đến một lệnh ngừng bắn và giải pháp” nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
“Trong lúc sự tàn phá, chết chóc và xung đột bùng lên, thúc đẩy leo thang căng thẳng, gây ngày càng nguy hiểm cho tất cả mọi người, tôi một lần nữa kêu gọi lãnh đạo các quốc gia: Xin đừng đưa nhân loại đến bên bờ diệt vong,” Giáo Hoàng Francis nói từ cửa sổ của Điện Tông Đồ tại Quảng trường St Peter. Theo AFP.
Giáo Hoàng Francis xác nhận, ông rất muốn tới thăm Ukraine nhưng chưa tới “thời điểm thích hợp”.
Sau 100 ngày tấn công Ukraine, Nga đang từng bước mở rộng kiểm soát ở vùng Donbass.
Trước đó, các mũi tiến quân của Nga thọc sâu vào Severodonetsk, một trong hai thành phố lớn cuối cùng ở tỉnh Lugansk mà Kyiv còn kiểm soát.
Số liệu từ Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), chiến tranh ở Ukraine đã khiến 4,183 dân thường thiệt mạng và hơn 5,000 người bị thương. Nhưng ai cũng biết, con số trên thực tế có thể cao hơn nhiều. Cũng theo UNHCR, hơn 6.9 triệu người Ukraine phải di tản khi chiến sự nổ ra từ ngày 24 Tháng Hai. Sau hơn ba tháng tha phương, đã có hàng triệu người quay trở lại quê hương.
Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây, Giáo Hoàng Francis cho rằng những hành động của NATO có thể đã dẫn đến việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Khi suy ngẫm về căn nguyên những gì đang xảy ra, Giáo Hoàng Francis cho rằng có lẽ việc “NATO quấy nhiễu trước cửa Nga” đã khiến chủ nhân điện Kremlin phản ứng mạnh, làm bùng nổ xung đột. Đồng thời Giáo Hoàng cũng nói rằng hồi giữa Tháng Ba, Ngài đã đề nghị có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin tại Moscow. “Hiện chúng tôi chưa nhận được phản hồi và vẫn đang cố gắng sắp xếp cho dù tôi e rằng ông Putin không thể hoặc không muốn có cuộc gặp như vậy vào thời điểm này. Tất nhiên chúng tôi cần nhà lãnh đạo điện Kremlin thu xếp thời gian.”
Giáo Hoàng chưa thể đến Kyiv trong lúc này, Ngài cho rằng: “Đầu tiên tôi phải đến Moscow, tôi phải gặp ông Putin trước.”
Trước đó, Giáo Hoàng Francis hủy cuộc gặp với Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Chính thống giáo Nga, vì cả hai đều không thấy có mục đích rõ ràng.
Từ khi Nga tấn công Ukraine vào cuối Tháng Hai, Giáo Hoàng Francis đã lên án cuộc chiến nhưng, không nêu đích danh bất kỳ ai nhằm tránh phá vỡ chính sách đối ngoại của Vatican về việc để ngỏ khả năng đối thoại.
Macron toan tính gì với phát biểu Nga “không nên bị làm nhục”?
Khoảng cách giữa các nước phương Tây về cách giải quyết xung đột Ukraine tiếp tục được nới rộng. Người ta vẫn thường chế giễu Đức là Russlandversteher, tức “người hiểu nước Nga.” Nhưng danh hiệu đó giờ đây tốt nhất nên áp dụng cho Pháp sau khi tổng thống Emmanuel Macron lặp lại nhận xét được ông đưa ra vào tháng trước là “Nga không nên bị làm nhục.” Các lãnh đạo Ukraine dĩ nhiên rất tức giận.
Ông Macron có dự định gì? Ông dường như đang dựa vào bài học của hiệp ước Versailles năm 1919, mà các điều khoản trừng phạt hà khắc đã dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa Quốc xã và rồi chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhưng như vậy có vẻ là quá sớm. Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn ở Ukraine. Trên thực địa, chiến sự ở thành phố Severodonetsk miền đông vẫn đang ở thế cân bằng.
Có thể ông Macron lo lắng về leo thang hạt nhân, đặc biệt nếu quân đội Nga thất bại trên chiến trường. Ngoài ra mục đích của ông có lẽ là tự biến mình thành một trung gian hòa giải tiềm năng cho đàm phán hòa bình trong tương lai, vốn đòi hỏi phải duy trì khoảng cách với Mỹ và có đối thoại với Nga.
Thượng đỉnh châu Mỹ tại Los Angeles: TT Biden có nguy cơ thất bại ngoại giao
Đăng ngày: 06/6/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Washington, ngày 02/06/2022. © Evan Vucci/AP/SIPA
Từ thứ Hai 06/06 đến thứ Sáu 10/06/2022, thượng đỉnh châu Mỹ do Hoa Kỳ chủ trì diễn ra tại Los Angeles. Chính quyền Biden muốn tái lập hợp tác và tăng cường trao đổi kinh tế giữa các nước Bắc và Nam Mỹ, nhằm chống lại đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc hẹn lớn này theo như mong muốn của tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân Chủ có nguy cơ biến thành một thất bại chính trị. Từ New York, thông tín viên đài RFI, Loubna Anaki giải thích :
« Việc tổ chức thượng đỉnh này đang biến thành một cơn ác mộng ngoại giao cho chính quyền Biden. Nguyên nhân ban đầu là do quyết định từ Nhà Trắng gạt Cuba, Venezuela và Nicaragua ra khỏi danh sách khách mời, khi cho rằng "những nước chuyên quyền này không được hoan nghênh vì những hành động vi phạm nhân quyền của họ".
Do đó, nhiều nước, đi đầu là Mêhicô, đã đe dọa tẩy chay thượng đỉnh Los Angeles. Danh sách các nhà lãnh đạo được mời đến dự vẫn còn chưa rõ ràng, khi chỉ còn có vài giờ nữa là khai mạc thượng đỉnh. Hồi cuối tuần rồi, nhiều thành viên chính quyền Biden vẫn cố gắng thuyết phục các nước còn do dự. Chỉ có điều, những gì lẽ ra phải là một cơ hội để tái khẳng định lại vị thế của Hoa Kỳ với tư cách như là quốc gia đi đầu ở châu lục nay có nguy cơ biến thành một điều sỉ nhục cho Joe Biden.
Tổng thống Mỹ dự kiến có mặt tại thượng đỉnh từ ngày 08 đến ngày 10/06. Thượng đỉnh này phải còn là dịp để thảo luận về di dân, trao đổi thương mại và khí hậu vào lúc Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tại các nước Nam Mỹ.
Joe Biden cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích về chính sách di dân, nhất là vì ông đã duy trì nhiều biện pháp nghiêm ngặt được thiết lập từ thời Donald Trump ngay từ đầu mùa đại dịch Covid-19. Những biện pháp đã không được một số nước Nam Mỹ tán đồng. »
Căng thẳng cuộc đua thượng nghị sĩ Pennsylvania
Vào thứ Sáu, sau cuộc đua căng thẳng và một cuộc kiểm phiếu lại, Mehmet Oz đã được tuyên bố chiến thắng vòng sơ bộ của đảng Cộng hòa cho vị trí Thượng nghị sĩ đại diện bang Pennsylvania. Trước đó vào ngày 17 tháng 5, kết quả ban đầu cho thấy Oz, một ngôi sao truyền hình được Donald Trump ủng hộ, chỉ dẫn trước đối thủ David McCormick với 902 phiếu bầu, qua đó kích hoạt một cuộc kiểm phiếu lại. Ông Trump đã thúc giục Oz tuyên bố chiến thắng sớm, trong khi ông McCormick thắng một vụ kiện cho phép tính cả các lá phiếu quên ghi ngày tháng. Nhưng với kết quả không mấy cải thiện, ông McCormick nhận thua.
Nhiệm vụ tới đây của ông Oz là thuyết phục các đảng viên Cộng hòa về lòng tin bảo thủ của mình trong khi không đi quá xa về phía cực hữu. Dù ông được hưởng lợi từ những chỉ trích của người Mỹ nhắm vào đảng Dân chủ, Pennsylvania vẫn là một bang chiến trường. Do đó, bang này là cơ hội cho đảng Dân chủ lấy một ghế từ phe Cộng hòa và bảo toàn thế đa số tại Thượng viện. Với phong thái của tầng lớp lao động và quan điểm ôn hòa, ứng viên Dân chủ, phó thống đốc bang John Fetterman, hiện lên là một nhân vật đáng gờm. Nhưng sau vụ đột quỵ vào ngày 13 tháng 5, tới nay ông vẫn chưa trở lại đường đua.
Tòa Tối cao Mỹ sắp ra một loạt phán quyết quan trọng
Vào thứ Hai, các thẩm phán tối cao Hoa Kỳ sẽ công bố phán quyết cho một hoặc nhiều trong số 33 vụ kiện họ phải quyết định trước kỳ nghỉ hè. Trước mắt họ là một số lượng lớn bất thường các vụ kiện lớn. Thứ nhất, tòa sẽ xác định phạm vi quyền hạn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường trong việc điều chỉnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nhà máy điện. Hai vụ liên quan đến ngân sách trường học ở Maine và một huấn luyện viên bóng bầu dục cầu nguyện ở bang Washington có thể sẽ làm suy yếu khoảng cách giữa tôn giáo và nhà nước ở Mỹ. Ngoài ra, một vụ kiện đối với luật kiểm soát súng của New York cho tòa một cơ hội để củng cố quyền sở hữu vũ khí.
Trong khi đó, theo một dự thảo ý kiến bị lộ vào ngày 2 tháng 5, có vẻ như quyền phá thai sẽ bị xóa bỏ 49 năm sau khi được phán quyết trong vụ Roe v Wade bảo vệ theo hiến pháp. Căng thẳng đang lên cao tại tòa trong bối cảnh cuộc điều tra về vụ lộ bản dự thảo, và với thế đa số bảo thủ 6-3, sự ủng hộ của công chúng dành cho tòa sẽ giảm mạnh khi họ bị chia đều 50-50 trong quan điểm đối với vấn đề quyền phá thai.
TT Zelensky: Internet Starlink của SpaceX cứu Ukraine khỏi tuyên truyền của Nga
Hệ thống vệ tinh Starlink của SpaceX được cho là đã giúp người dân Ukraine thoát khỏi sự tuyên truyền của Nga.
Một người dân đang sử dụng điện thoại thông minh gần thiết bị đầu cuối kết nối Internet SpaceX Starlink được lắp đặt trên thảm hoa vào ngày 5/5/2022 ở Vorzel, Ukraine (Ảnh: Getty Images)
Khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bước sang ngày thứ 100, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ca gợi mức độ phủ sóng internet vệ tinh của Giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk. Ông Zelensky khẳng định, Internet vệ tinh đã “rất hiệu quả” tại các khu vực bị ngắt kết nối và bị chiến tranh tàn phá, nơi các trạm di động đã bị phá hủy.
Tổng thống Zelensky trả lời tờ Wired: “Nó đã giúp chúng tôi rất nhiều trong lúc các thành phố, thị trấn của chúng tôi bị phong tỏa và các khu vực bị chiếm đóng.”
Ông Zelensky lưu ý rằng có những lúc đội ngũ lãnh đạo của ông “hoàn toàn mất liên lạc” với một số khu vực nhất định.
“Mất liên lạc với những người đó là mất kiểm soát hoàn toàn, mất dấu tình hình thực tế”, ông Zelensky cho biết thêm. “Hãy tin tôi: Những người thoát ra khỏi các thành phố bị chiếm đóng, nơi không có sự hỗ trợ của Starlink, kể lại rằng người Nga đã nói với họ rằng Ukraine không còn tồn tại nữa, và một số người thậm chí còn bắt đầu tin vào điều đó.”
Tỷ phú Elon Musk đã gửi thiết bị đầu cuối của dịch vụ Internet Starlink tới Ukraine sau khi Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Federov đăng dòng tweet gởi ông Musk vào ngày 26/2, yêu cầu hỗ trợ khôi phục Internet của Ukraine.
“Tôi thực sự biết ơn sự hỗ trợ của Starlink”, Tổng thống Zelensky phát biểu.
Các lực lượng Ukraine đã sử dụng hệ thống Starlink để hỗ trợ những cuộc chiến bằng máy bay không người lái, giúp quân đội Ukraine xác định vị trí các mục tiêu của Nga, ngay cả ở những vùng nông thôn.
Hệ thống Starlink cũng từng là mục tiêu trong cuộc chiến công nghệ của Nga. Ông Musk nói rằng tập đoàn công nghệ vũ trụ của ông đã “chống lại” những nỗ lực đó.
“Cho đến nay, Starlink đã chống lại các lần gây nhiễu và tấn công mạng của Nga, nhưng họ vẫn đang tăng cường nỗ lực của mình”, ông Musk viết trên Twitter vào tháng Năm.
Vy An (T/h)
Đông Timor từ chối hiệp ước an ninh, chỉ ký hiệp ước kinh tế và truyền thông với Bắc Kinh
Cựu lãnh đạo Đông Timor Xanana Gusmao (Phải) chào đón Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Trái) trong cuộc gặp tại Dili hôm 04/06/2022. (Ảnh chụp bởi Valentino Dariel Sousa/AFP qua Getty Images)
Tổng thống Đông Timor Ramos-Horta đã từ chối ký hiệp ước an ninh với nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc, nhưng vẫn bảo vệ quyết định của đất nước mình trong việc ký một loạt thỏa thuận trên các lĩnh vực bao gồm nông nghiệp và hợp tác kinh tế.
Hôm thứ Sáu (03/06), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Đông Timor Adaljiza Magno đã thông qua một loạt thỏa thuận tại thủ đô Dili của Đông Timor, đánh dấu điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 10 ngày đến Nam Thái Bình Dương của ông Vương.
Theo các thỏa thuận, hai nước sẽ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, y tế, và truyền thông. Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ cử một đội ngũ y khoa của nước này đến Đông Timor và cung cấp cho quốc gia Thái Bình Dương này 17 suất học bổng cho sinh viên sang Trung Quốc học tập.
Thông cáo báo chí cho biết: “Các nhà lãnh đạo bày tỏ rằng Đông Timor và Trung Quốc là những đối tác thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng quốc tế.” Ông Vương “lặp lại sự ủng hộ của Trung Quốc đối với đơn xin gia nhập ASEAN và WTO của Đông Timor. Ngoài ra, cả hai bộ trưởng đều quyết tâm tăng cường hợp tác song phương tại nhiều diễn đàn khu vực và đa phương, bao gồm cả Liên Hiệp Quốc.”
Các quan chức chính phủ của Đông Timor cũng xác nhận thỏa thuận được ký kết sẽ cho phép đài truyền hình nhà nước Trung Quốc số hóa các dịch vụ phát thanh và truyền hình quốc gia của đảo quốc Thái Bình Dương này.
Trong khi đó, theo thông cáo báo chí từ chính phủ Đông Timor, ông Vương sẽ cung cấp “một khoản đóng góp tài chính nhỏ” cho Bộ Ngoại giao và Hợp tác của Đông Timor. Bản thông cáo không đưa ra con số cụ thể hay mục đích sử dụng của khoản tiền này.
Cựu Tổng thống Đông Timor, Jose Ramos-Horta nói chuyện với giới truyền thông trong khu vườn của dinh thự thủ tướng Kirribilli House ở Sydney, Úc, vào ngày 07/09/2014. (Ảnh: Daniel Munoz/Getty Images)
Tuy nhiên, được hỏi liệu Đông Timor có quan tâm đến việc ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc hay không, ông Ramos-Horta đáp: “Hoàn toàn không, tại sao chúng tôi lại làm thế?”
Vị tổng thống này lưu ý rằng “lợi ích trước mắt” và “lợi ích chiến lược” của Đông Timor nằm trong các khu vực trực tiếp của họ.
Ông nói với Sky News hôm thứ Bảy (04/06), “Chúng tôi không cảm thấy bị đe dọa bởi bất kỳ ai, chúng tôi có mối bang giao hữu hảo nhất có thể với Hoa Kỳ, với Indonesia, với Úc, New Zealand, và Singapore.”
Ông Ramos-Horta nói thêm rằng hai thỏa thuận đã ký với Bắc Kinh là một phần trong mối bang giao thân thiết của họ trong 20 năm qua và “không liên quan gì đến an ninh trên bộ, trên không, hay trên biển.”
Ông cam đoan rằng Úc vẫn là “đối tác số một” của Đông Timor về quốc phòng và an ninh trong kinh tế, nhưng mô tả mối lo ngại của các đồng minh Hoa Kỳ về “các động cơ an ninh” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “phóng đại vấn đề”.
“Tôi hoàn toàn thông cảm với những lo ngại của Úc và Hoa Kỳ, rằng Trung Quốc có thể có những động cơ khác, về tầm nhìn hiện tại, sự hiện diện tích cực của nước này ở quần đảo Thái Bình Dương.”
“Và sự thật là, không có bất kỳ hình thức an ninh hàng hải nào đã được thỏa thuận với Quần đảo Thái Bình Dương, không có bất kỳ hình thức an ninh hàng hải nào đã được thỏa thuận với Đông Timor.”
Hành động này diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia Thái Bình Dương từ chối một hiệp ước an ninh và thương mại trên phạm toàn khu vực với ĐCSTQ, trong đó đảng cộng sản nước này sẽ cung cấp cho các quốc gia Thái Bình Dương [chương trình] “đào tạo cảnh sát cao cấp” và quy trình phòng thí nghiệm pháp y cho lực lượng cảnh sát, bên cạnh việc hỗ trợ an ninh mạng, hải quan, và mạng lưới dữ liệu.
Thỏa thuận nói trên đã làm dấy lên các mối lo ngại của các nhà lãnh đạo Úc và Hoa Kỳ, những người coi đây là một phần trong nỗ lực của ĐCSTQ nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của họ ở Thái Bình Dương.
Tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese, người sẽ bay đến Indonesia vào Chủ Nhật (05/06) cùng với Ngoại trưởng Penny Wong, đã thừa nhận rằng có “sự cạnh tranh chiến lược trong khu vực và điều đó đòi hỏi Úc phải tiến bước.”
Ông nói với các phóng viên ở Adelaide hôm thứ Bảy (04/06), “Chúng tôi sẽ kết giao với Đông Timor, và chúng tôi sẽ kết giao với tất cả các quốc gia trong khu vực của mình.”
Cô Nina Nguyen là một phóng viên tại Sydney. Cô đưa tin về Úc với trọng tâm là các vấn đề xã hội và văn hóa. Cô thông thạo tiếng Việt. Quý vị có thể liên lạc với cô tại nina.nguyen@epochtimes.com.au
Thanh Nhã biên dịch
Mỹ đang cân nhắc dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc để chống lạm phát
06/6/2022
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết hôm 5/6 rằng Tổng thống Joe Biden vừa yêu cầu nhóm của ông xem xét lựa chọn dỡ bỏ một số thuế quan đối với Trung Quốc nhằm ứng phó tình trạng lạm phát cao hiện nay, theo Reuters.
“Chúng tôi đang xem xét nó. Trên thực tế, tổng thống đã yêu cầu chúng tôi trong nhóm của ông ấy phân tích điều đó. Và vì vậy chúng tôi đang trong quá trình làm điều đó cho ông ấy và ông ấy sẽ phải đưa ra quyết định này”, bà Raimondo nói với đài CNN trong một cuộc phỏng vấn hôm 5/6 khi được hỏi về việc liệu chính quyền Biden có cân nhắc việc dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc để giảm lạm phát hay không.
“Có những sản phẩm khác - hàng gia dụng, xe đạp, v.v. - và có thể có ý nghĩa” khi cân nhắc việc dỡ bỏ thuế quan đối với những sản phẩm đó, bà nói và cho biết thêm chính quyền đã quyết định giữ một số thuế quan đối với thép và nhôm để bảo vệ người lao động Hoa Kỳ và ngành thép.
Ông Biden cho biết ông đang xem xét loại bỏ một số thuế quan mà người tiền nhiệm là Tổng thống Donald Trump áp đặt lên hàng trăm tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018 và 2019 trong bối cảnh cuộc chiến thương mại gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc cũng lập luận rằng việc cắt giảm thuế quan sẽ cắt giảm chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.
Bà Raimondo cũng nói với CNN rằng bà cảm thấy tình trạng thiếu chip bán dẫn đang diễn ra có thể sẽ tiếp tục cho đến năm 2024.
“Có một giải pháp (cho sự thiếu hụt chip bán dẫn)”, bà nói thêm. “Quốc hội cần phải hành động và thông qua Dự luật Chips. Tôi không biết tại sao họ lại trì hoãn”, bà nói.
Đạo luật này nhằm mục đích tăng cường sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ để mang lại cho Hoa Kỳ nhiều lợi thế cạnh tranh hơn chống lại Trung Quốc.
Cảnh sát Thái Lan cứu 59 người tị nạn Rohingya
05/6/2022
Người tị nạn Rohingya tại tỉnh Satun.
Thái Lan đã cứu 59 người tị nạn Rohingya, bao gồm cả trẻ em, vốn bị bỏ rơi bởi những kẻ buôn người trên một hòn đảo gần biên giới với Malaysia, cảnh sát cho biết hôm Chủ nhật.
Những người Rohingya - 31 đàn ông, 23 phụ nữ và 5 trẻ em - được tìm thấy trên đảo Dong ở tỉnh Satun, giáp với Malaysia, trợ lý cảnh sát trưởng quốc gia Surachate Hakparn cho biết trong một tuyên bố.
"Người lái thuyền nói với họ rằng họ đã tới Malaysia và để họ trên đảo vài ngày trước khi được tìm thấy", ông nói.
Đảo này là một địa điểm du lịch nhưng không đông dân cư.
Thái Lan đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người tị nạn. Họ đã bị giam giữ để thẩm vấn thêm và sẽ bị truy tố vì nhập cảnh vào Thái Lan bất hợp pháp, ông Surachate nói thêm.
Macron: Putin 'sai lầm nặng, nhưng đừng làm nhục Nga'
4 tháng 6 2022
Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 3 tháng 6 năm 2022
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phạm một "sai lầm lịch sử và cơ bản" khi xâm lược Ukraine.
"Tôi nghĩ ông ấy đã tự cô lập mình", Macron nói với truyền thông Pháp hôm 4/6.
Nhưng Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng Nga không nên bị "làm nhục ... để đến ngày giao tranh ngừng lại, chúng ta có thể mở đường thông qua các biện pháp ngoại giao."
Macron đã tìm cách duy trì đối thoại với Tổng thống Nga Putin kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine vào tháng Hai.
Lập trường của ông Macron đã nhiều lần bị một số đối tác Đông Âu và khu vực Baltic chỉ trích, vì họ coi đó là hành động phá hoại nỗ lực gây áp lực với Putin.
Ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Bảy: "Chúng ta không được làm nhục Nga để khi ngày giao tranh dừng lại, chúng ta có thể xây dựng một lối thoát thông qua các biện pháp ngoại giao. Tôi tin rằng Pháp có vai trò là nhà trung gian."
Macron đã nói chuyện thường xuyên với Putin kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 như một phần của nỗ lực tìm kiếm ngừng bắn.
Macron nói: "Tôi nghĩ, và tôi đã nói với ông ấy rằng ông ấy đang mắc một sai lầm lịch sử và cơ bản đối với người dân của mình, đối với bản thân và lịch sử."
"Chúng tôi đã nói chuyện với nhau được ít nhất một trăm giờ," tổng thống Pháp nói.
Pháp đã hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự và tài chính, nhưng cho đến nay Macron vẫn chưa thăm Kyiv như một cử chỉ biểu tượng.
Macron nói rằng ông không "loại trừ" một chuyến thăm đến Kyiv.
Phát ngôn mới của Biden và Zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Năm đã nói rằng một phần năm lãnh thổ nước này đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, và vùng Donbas "gần như bị phá hủy hoàn toàn".
"Tính đến ngày hôm nay, khoảng 20% lãnh thổ của chúng tôi nằm dưới sự kiểm soát của những người chiếm đóng, gần 125 nghìn km vuông," ông Zelensky nói với Hạ viện Luxembourg qua liên kết video hôm thứ Năm.
Khi được hỏi liệu Ukraine có cần nhượng một phần lãnh thổ để đạt được hòa bình hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói:
"Đó là lãnh thổ của họ. Tôi sẽ không nói cho họ biết họ nên làm gì và không nên làm gì."
Ông Biden hôm 3/6 nói thêm rằng "có vẻ như" tại một thời điểm sẽ cần phải có một "dàn xếp" giữa hai quốc gia, nhưng "điều đó đòi hỏi gì, tôi không biết."
"Nhưng có vẻ tại một thời điểm nào đó, sẽ phải có một thỏa thuận thương lượng ở đây. Và điều đó đòi hỏi gì, tôi không biết. Tôi không nghĩ rằng có ai lại biết vào thời điểm lúc này."
"Nhưng trong khi chờ đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp người Ukraine để có thể tự vệ."
Hôm 3/6 đánh dấu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã qua được 100 ngày.
Nga hiện đang kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine kéo dài từ xung quanh thành phố Kharkiv, tiếp tục đi qua hai tỉnh Donetsk và Luhansk do phe ly khai nắm giữ phần lớn, và tiến về phía tây đến Kherson, tạo thành hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea (bị Nga sáp nhập vào 2014) với vùng Donbas.
Nỗ lực chính của Nga hiện là ở khu vực Donbas. Các cuộc giao tranh gần đây tập trung xung quanh Severodonetsk, một thành phố công nghiệp nơi lực lượng Ukraine đang cố nắm giữ mảnh đất cuối cùng của tỉnh Luhansk.
Không có nhận xét nào