Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 14 tháng 6 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Cố vấn an ninh Mỹ - Trung trao đổi "thẳng thắn" tại Luxembourg

    Đăng ngày: 14/6/2022 

    Ảnh tư liệu: Cờ Mỹ -Trung Quốc tại Thượng Hải, Trung Quốc, được treo nhân cuộc đối thoại thương mại giữa hai nước hôm 30/06/2019. REUTERS - Aly Song 

    Hôm qua, 13/06/2022, tại Luxembourg, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ chính trị phụ trách đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Theo Bắc Kinh và Washington, đôi bên đã có những cuộc trao đổi « thẳng thắn, thực chất và hiệu quả », vào lúc căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung gia tăng, nhất là trong vấn đề Đài Loan.  

    CNN cho biết, cuộc họp cấp cao này, không được thông báo trước, kéo dài bốn tiếng rưỡi đồng hồ. Đây có thể là bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rất có khả năng diễn ra trong tháng 07/2022.  

    Quan hệ Mỹ và Trung Quốc xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây do đôi bên có nhiều bất đồng trong các vấn đề nhân quyền, thương mại, đà bành trướng quân sự của Trung Quốc và nhất là trong hồ sơ Đài Loan, một lần nữa đã được đôi bên nhắc đến trong cuộc họp.  

    Theo AFP, ông Dương Khiết Trì thúc giục Mỹ tránh đưa ra những « phán xét sai lệch », những « ảo tưởng » và cảnh cáo : « Vấn đề Đài Loan tác động đến nền tảng chính trị quan hệ Mỹ - Trung, và nếu không được xử lý đúng đắn, hồ sơ này sẽ gây một tác động tai hại ». 

    Đáp lời người đồng cấp Trung Quốc, Jake Sullivan đã nhắc lại lập trường của Mỹ về chính sách một nước Trung Hoa duy nhất, cũng như « những quan điểm và mối quan ngại của Mỹ về các hành động mang tính cưỡng ép và hung hăng của Bắc Kinh tại eo biển Đài Loan. » 

    Theo AFP, cho dù đồng ý duy trì đối thoại, nhưng khi kết thúc phiên họp, cả hai cố vấn không cho biết là có đã đạt được đồng thuận về những điểm bất đồng chính giữa hai nước hay không. Theo một thông cáo do Tân Hoa Xã công bố, ông Dương Khiết Trì đã long trọng bày tỏ lập trường của Bắc Kinh về những vấn đề liên quan đến Tân Cương, Hồng Kông, Tây Tạng, Biển Đông, cũng như các vấn đề nhân quyền và tự do tín ngưỡng. 

    AFP nhắc lại những ngày gần đây Mỹ và Trung Quốc đã có những trao đổi gay gắt. Tại hội nghị an ninh Đối Thoại Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã cảnh cáo Bắc Kinh không ngần ngại khởi động một cuộc chiến nếu như Đài Loan tuyên bố độc lập, trong khi đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động quân sự « khiêu khích và gây bất ổn định » của Bắc Kinh trong khu vực.


    Đài Bắc: Eo biển Đài Loan là một tuyến đường thủy quốc tế 

    14/6/2022 

    Reuters 

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou. 

    Hôm 14/6, Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng eo biển Đài Loan là một tuyến đường thủy quốc tế và chính phủ Đài Loan hỗ trợ các tàu chiến của Mỹ quá cảnh qua đó, bác bỏ các tuyên bố từ Trung Quốc nhằm thực thi chủ quyền đối với tuyến đường chiến lược này, theo Reuters.

    Hôm 13/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng nước này “có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan”.

    Ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Thật là một tuyên bố sai lầm khi một số quốc gia gọi eo biển Đài Loan là ‘vùng biển quốc tế’ để tìm cớ thao túng các vấn đề liên quan đến Đài Loan và đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

    Tại Đài Bắc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou gọi những phát ngôn như vậy là “ngụy biện”.

    Bà Ou nói với các phóng viên: “Eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế, và các vùng biển bên ngoài lãnh hải của chúng tôi tuân theo nguyên tắc ‘tự do trên biển’ của luật pháp quốc tế”.

    Đài Loan luôn tôn trọng các hành động của tàu thuyền nước ngoài ở eo biển Đài Loan tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả việc đi lại vô hại , bà Ou nói.

    “Chúng tôi hiểu và ủng hộ sự đóng góp của các sứ mệnh tự do hàng hải của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực”, bà Ou nói thêm.

    Chính phủ Đài Loan cho rằng Trung Quốc không có quyền lên tiếng về việc này hay ra yêu sách chủ quyền, nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể tự quyết định tương lai của mình và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ kiểm soát bất kỳ phần nào của hòn đảo này.

    Từ trước đến nay Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình và coi hòn đảo này là một phần vốn có của lãnh thổ Trung Quốc.

    Tổng Thư ký LHQ: Thật ‘ảo tưởng’ khi vội vã đầu tư vào nguồn nhiên liệu hóa thạch mới 

    14/6/2022 

    Reuters 

    Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.

    Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. 

    Hôm 14/6, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nói các nước giàu đã thực hiện một bước đi nguy hiểm đối với nhiên liệu hóa thạch để đối phó với cuộc chiến Ukraine, cảnh báo rằng các khoản đầu tư mới vào than, dầu và khí đốt là “ảo tưởng” do tác động của chúng đối với biến đổi khí hậu, theo Reuters.

    “Cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn do chiến tranh ở Ukraine đã cho thấy việc các nền kinh tế lớn càng đặt cược nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch, đó là một nguy cơ”, Tổng Thư ký Antonio Guterres nói trong một bài phát biểu qua đường video trước Hội nghị thượng đỉnh thế giới ở Áo, một hội nghị về khí hậu.

    Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, một số quốc gia đã chuyển sang mua thêm nhiên liệu hóa thạch không phải của Nga hoặc đầu tư vào các mỏ dầu và khí đốt mới để tích lũy nguồn cung cấp năng lượng của họ.

    Ông Guterres cho biết “nguồn ngân quỹ mới đổ vào cơ sở hạ tầng sản xuất và thăm dò nhiên liệu hóa thạch thật là ảo tưởng” và sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề toàn cầu về ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

    Các nhà khoa học cho biết lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trên toàn cầu cần phải được cắt giảm khoảng một nửa vào năm 2030 và đạt mức 0 ròng vào năm 2050 để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

    Các quốc gia đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch mới cũng đều chính là các nước có mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO2 vào năm 2030. Đức cho biết việc đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt ngắn hạn sẽ không làm ảnh hưởng đến các kế hoạch khí hậu nhằm giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đạt được một mục tiêu đầy tham vọng mới về năng lượng tái tạo được thực hiện kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.

    Cơ quan Năng lượng Quốc tế kêu gọi chấm dứt các dự án dầu, khí đốt và than mới để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu, đồng thời cho biết các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo phải tăng gấp ba lần vào năm 2030. Ông Guterres kêu gọi các tổ chức tài chính tài trợ cho năng lượng tái tạo.

    Ông Guterres nói: “Giá như trước đây chúng ta đầu tư ồ ạt vào năng lượng tái tạo, thì nay chúng ta đâu có bị bấp bênh ghê gớm do sự bất ổn của thị trường nhiên liệu hóa thạch bây giờ”, đồng thời ông lưu ý rằng giá dầu và khí đốt tăng cao đã khiến chi phí năng lượng trên khắp thế giới tăng vọt.

    Macron thăm Đông Âu

    Hôm nay Emmanuel Macron sẽ tạm gác lại những lo lắng về bầu cử của ông. Trước đó, kết quả vòng một của cuộc bầu cử quốc hội sít sao cho thấy liên minh của tổng thống Pháp, Ensemble, có thể sẽ mất thế đa số trong vòng cuối vào ngày 19 tháng 6 tới. Nhưng trước mắt, trọng tâm của ông Macron là chuyến đi hai ngày đến Romania và Moldova.

    Mục tiêu của ông là thể hiện cho các nước trung và đông Âu – và trên hết là Ukraine – thấy họ có sự ủng hộ của ông. Những bình luận gần đây của tổng thống về sự không cần thiết phải “làm bẽ mặt” Nga đã làm dấy lên nghi ngờ về ý định của ông trong khu vực. Ông sẽ đến thăm 500 binh sĩ Pháp đang tham gia hoạt động của NATO ở Romania, với hy vọng nhắc nhở khu vực rằng nước ông cũng đang tích cực tham gia hoạt động phòng thủ chung. Các trợ lý của ông Macron đã cố gắng làm rõ là “Pháp muốn Ukraine thắng trong cuộc chiến.” Một chuyến thăm của tổng thống sẽ làm rõ quan điểm đó.

    Mô hình gửi người tị nạn sang Rwanda của Anh bắt đầu hoạt động

    Vào tháng 4, Anh đã ký một thỏa thuận gửi thẳng người xin tị nạn đến Rwanda. Hôm nay đánh dấu chuyến bay đầu tiên rời Anh theo diện này. Sau đó Rwanda sẽ quyết định có cấp phép tị nạn cho họ hay không.

    Bộ Nội vụ Anh tuyên bố chương trình có tác dụng ngăn chặn các đường dây kinh doanh buôn người qua eo biển Manche trên những chiếc thuyền đầy nguy hiểm. Chỉ trong năm ngoái đã có hơn 28.000 người vào Anh theo lối này; với ít nhất 44 người mất tích, khả năng cao do chết đuối.

    Song ngay cả ở Rwanda, một quốc gia nghèo và độc tài, người tị nạn cũng không được an toàn. Những người chỉ trích cho rằng chính sách này vô nhân đạo và bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu hủy các chuyến bay cho đến khi chính sách được xem xét lại vào tháng 7. Nhưng nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn chuyến bay đã thất bại vào hôm thứ Hai. Một số nước khác nhiều khả năng sẽ học theo cách làm của Anh. Hệ quả là hệ thống tị nạn trở thành nơi mà các nước giàu chỉ cần bỏ tiền là sẽ phủi hết trách nhiệm.

    Tăng lãi suất đe dọa khả năng trả nợ của một số nước EU

    Nền kinh tế của khu vực đồng euro đang ở một tình thế khó khăn. Lạm phát tiếp tục tăng, khiến kinh tế các nước thành viên ngày một yếu đi. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho biết sẽ tăng lãi suất trong năm nay. Mặc dù hợp lý, nó có thể làm sống lại một vấn đề cũ: khả năng thanh toán của các quốc gia mắc nợ cao, cụ thể là Ý.

    Có hai chỉ số đáng để theo dõi sát sao. Chỉ số ZEW của Đức, vốn đánh giá tâm trạng thị trường tài chính của nước này, sẽ được công bố vào thứ Ba. Nó sẽ cho thấy triển vọng các tháng tới của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

    Chỉ số còn lại là chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Ý với trái phiếu chính phủ Đức. Khoảng cách đã tăng từ khoảng 1,3 điểm phần trăm vào đầu năm lên 2,4, cho thấy nhà đầu tư xem trái phiếu của Ý rủi ro hơn. ECB đang xem xét một chính sách mới để thu hẹp khoảng chênh lệch này. Thị trường mong họ sớm có câu trả lời.

    Giáo hoàng chỉ trích sự tàn ác của Nga ở Ukraine 

    14/6/2022 

    Reuters 

    Giáo hoàng Phanxicô phát biểu ngày 12/6/2022. (AP Photo/Andrew Medichini)

    Giáo hoàng Phanxicô phát biểu ngày 12/6/2022. (AP Photo/Andrew Medichini) 

    Giáo hoàng Phanxicô vừa đưa ra một loạt những lời chỉ trích mới đối với Nga về các hành động của họ ở Ukraine, nói rằng quân đội của họ tàn bạo, độc ác và hung dữ, đồng thời ca ngợi những người Ukraine “dũng cảm” vì đã chiến đấu để sinh tồn, theo Reuters.

    Nhưng trong nội dung cuộc trò chuyện hồi tháng trước với các biên tập viên của tạp chí Dòng Tên và được xuất bản hôm 14/6, Giáo hoàng Phanxicô cũng nói rằng tình hình không phải là rõ ràng trắng đen và cuộc chiến “có lẽ đã bị khiêu khích theo một cách nào đó”.

    Tuy lên án “sự hung hãn, tàn ác của quân đội Nga”, song Giáo hoàng Phanxicô cũng nói rằng “Chúng ta không được quên những vấn đề thực sự nếu chúng ta muốn chúng được giải quyết”.

    “Quả thực, người Nga đã tưởng rằng tất cả sẽ kết thúc trong một tuần. Nhưng họ đã tính toán sai. Họ gặp phải một dân tộc dũng cảm, một dân tộc đang đấu tranh để tồn tại và dân tộc này có lịch sử đấu tranh,” tạp chí Dòng Tên Civilta Cattolica trích đăng lại lời của Giáo hoàng.

    “Đây là điều khiến chúng ta cảm động: nhận ra chủ nghĩa anh hùng từ đây. Tôi thực sự muốn nhấn mạnh điểm này, chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Ukraine. Trước mắt chúng ta là tình hình chiến tranh thế giới, lợi ích toàn cầu, bán vũ khí và chiếm đoạt địa chính trị, mà điều này đang biến một dân tộc anh hùng thành những người tử vì đạo”, ông nói thêm.

    Giáo hoàng Phanxicô nói rằng vài tháng trước khi Tổng thống Vladimir Putin đưa lực lượng của ông ta vào Ukraine, Giáo hoàng đã gặp một nguyên thủ quốc gia, người bày tỏ lo ngại rằng NATO đang “làm ồn ào trước cửa nước Nga” theo cách thức có thể dẫn đến chiến tranh.

    Giáo hoàng Phanxicô được trích lời nói nguyên văn rằng: “Chúng ta không thấy được toàn bộ câu chuyện đang diễn ra đằng sau cuộc chiến này, mà có lẽ bằng cách nào đó, nó hoặc là bị khiêu khích hoặc là không được ngăn chặn”.

    Chiến tranh Ukraina: Severodonetsk bị cô lập hoàn toàn

    Đăng ngày: 14/6/2022 

    Một góc thành phố Severodonetsk của Ukraina hoang tàn đổ nát dưới bom đạn quân Nga, ngày 07/06/2022. AFP - ARIS MESSINIS 

    Cuộc chiến Ukraina hôm nay, 14/06/2022, bước sang ngày thứ 111 với sự kiện nổi bật là thành phố Severodonetsk ở tỉnh Lugansk, miền đông Ukraina, đã hoàn toàn bị cô lập sau khi cây cầu cuối cùng nối liền thành phố với phần còn lại của đất nước đã bị phá hủy vào hôm qua, 13/06. Trước tình hình đó, tổng thống Ukraina một lần nữa kêu gọi phương Tây cấp tốc chi viện vũ khí "hiện đại" để giúp Kiev tránh được thiệt hại "khủng khiếp" về nhân mạng do quân đội Nga gây ra.  

    Theo ông Serguiï Gaïdaï, thống đốc vùng Lugansk, lực lượng Nga đã phá hủy cây cầu cuối cùng ở Severodonestsk bắc qua sông Donets và nối với thành phố Lysytchansk lân cận. Việc cây cầu bị đánh sập sẽ cản trở việc sơ tán những thường dân vẫn còn bị kẹt lại trong thành phố, và khiến cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo không thể thực hiện được.

    Trong bài phát biểu hàng ngày, hôm qua tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã cảnh báo về “cái giá nhân mạng” của trận đánh Severodonetsk được ông cho là “khủng khiếp”. Đối với ông Zelensky, “trận đánh Donbass chắc chắn sẽ đi vào lịch sử quân sự như là một trong những trận đánh ác liệt nhất ở châu Âu”, và tổn thất nhân mạng mà quân đội Ukraina phải gánh chịu “thật khủng khiếp”. Theo các số liệu của chính quyền Kiev, mỗi ngày, có từ 100 đến 300 binh sĩ Ukraina tử trận.

    Zelensky: Ukraina rất cần vũ khí “hiện đại”

    Trước tình hình đó, theo ông Zelensky, Ukraina đang rất cần vũ khí “hiện đại” từ phương Tây. Ông xác định : “Chỉ có pháo binh hiện đại mới có thể giúp Ukraina giành ưu thế”, và quân đội nước ông “chỉ cần có đủ vũ khí” là có thể “giải phóng lãnh thổ… kể cả Mariupol và Crimée”. 

    Lời kêu gọi mới của tổng thống Ukraina được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh đã cung cấp cho Kiev đạn dược, phụ tùng thay thế, vũ khí hạng nhẹ, cùng một số ít vũ khí hạng nặng, và Nhóm Liên Lạc về Ukraina, do bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin thành lập, sẽ họp vào ngày mai, 14/06, tại Bruxelles, Bỉ. 


    Không có nhận xét nào