Võ Thái Hà tổng hợp
Liên minh Mỹ - Hàn phô diễn sức mạnh không quân răn đe Bắc Triều Tiên
Chiến đấu cơ Mỹ - Hàn trong cuộc tập trận chung ngày 06/06/2022 tại Hàn Quốc. via REUTERS - YONHAP NEWS AGENCY
Sau khi bắn 8 tên lửa địa đối địa vào hôm qua 06/06/2022 để răn đe Bắc Triều Tiên, sáng nay 07/06, liên minh Mỹ - Hàn đã tiếp tục phô diễn sức mạnh không quân với chuyến bay của 20 phi cơ tàng hình tại khu vực Hoàng Hải.
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công cho biết thêm chi tiết :
« Liên minh Mỹ - Hàn đã phô diễn sức mạnh không quân vào sáng hôm nay 07/06 bằng cách tổ chức chung một cuộc trình diễn không quân quy mô lớn tại khu vực biển Hoàng Hải. Theo hãng tin Yonhap New, 20 máy bay tàng hình, bao gồm 16 máy bay chiến đấu của không quân Hàn Quốc (F-35A, F-15K, và KF-16) được trang bị vũ khí dẫn đường và 4 máy bay chiến đấu F-16 của không quân Mỹ, đã tham gia vào cuộc phô diễn lực lượng. Các máy bay chiến đấu đã lập một phi đội tấn công trên vùng trời Hoàng Hải, và thực hiện các chuyến bay áp đảo mối đe dọa của đối phương. Tuy nhiên, không có thông tin về việc liên quân Mỹ- Hàn có tập bắn đạn thật lần này hay không.
Bộ tham mưu liên quân Mỹ - Hàn đánh giá : “Liên quân đã chứng minh khả năng phản ứng nhanh và chính xác chống lại bất kỳ hành động quá khích nào từ Bắc Triều Tiên bằng cách thể hiện khả năng và thế trận phòng thủ thông qua chuyến bay phô diễn này”. Ngoài ra, bộ tham mưu liên quân cũng xác nhận lần phô diễn sức mạnh hôm nay và vụ bắn 8 tên lửa địa đối địa vào ngày hôm qua 06/06 có mục đích đáp trả lại những vụ bắn tên lửa khiêu khích của Bắc Triều Tiên.
Theo giáo sư Lim, thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Bắc Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục một vụ thử nghiệm hạt nhân trong tháng 06/2022. Chính vì vậy, việc thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên quân Mỹ - Hàn là cần thiết để chứng minh sức mạnh răn đe và phòng thủ trước Bắc Triều Tiên. Liên minh cũng tuyên bố sẽ có những phản ứng nhanh chóng và quyết đoán, bao gồm các biện pháp trừng phạt bổ sung và tăng cường các biện pháp phòng thủ tổng hợp, nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục thử vũ khí hạt nhân, làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. »
Thủ tướng Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng uy tín sụt giảm
Đăng ngày: 07/6/2022
Boris Johnson giữ được chiếc ghế thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ Đảng Bảo Thủ hôm 06/06/2022. Ảnh chụp cùng ngày. AP - Alberto Pezzali
Dù bị tai tiếng từ nhiều tháng qua, thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng Bảo Thủ tối qua 06/06/2022 để tiếp tục nắm quyền. Tuy nhiên, uy tín của ông có nguy cơ sụt giảm mạnh.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin tường trình :
« Có 211 nghị sĩ vẫn tin tưởng vào ông Boris Johnson và 148 người bỏ phiếu bất tín nhiệm, tức 41 % trong đảng. Thủ tướng phải đối mặt với một cuộc nổi loạn còn lớn hơn so với thời người tiền nhiệm Theresa May. Bà May bị cho là làm mất lòng dân đến nỗi đành phải từ chức sáu tháng sau. Tỉ lệ của ông Boris Johnson là tệ hại nhất lịch sử đối với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng.
Trên lý thuyết, chủ tịch đảng được bảo vệ trong vòng 12 tháng trước khi tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới. Tuy vậy, một ủy ban phụ trách các vấn đề nội bộ có thể thay đổi các quy định và tấm gương của bà Theresa May cho thấy sự bảo vệ này chỉ mang tính tương đối.
Ở phía chính phủ, lo ngại tăng lên suốt buổi chiều hôm qua, do một số vụ từ chức, trong đó có quan chức phụ trách chống tham nhũng. Từ khi kết quả được loan báo, các bộ trưởng đã bắt đầu một đợt truyền thông để hoan nghênh "chiến thắng tốt đẹp", đề nghị các nghị sĩ và nhà báo nên"chuyển sang chuyện khác".
Dù vậy, những người chống đối trong đảng vẫn kêu gọi ông Boris Johnson rút ra bài học từ cuộc bỏ phiếu không hề thể hiện sự ủng hộ ông và như vậy ông nên từ chức. Một khả năng mà thủ tướng vẫn bác bỏ từ nhiều tháng qua ».
Dương Khiết Trì: Các vấn đề mới, cũ của Trung Quốc-Nhật Bản đan xen lẫn nhau
07/6/2022
Ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc.
Các vấn đề cũ trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản đan xen với những vấn đề mới, và những thách thức đó không thể bỏ qua nếu hai nước muốn có một mối quan hệ “lành mạnh”, Reuters dẫn lời ông Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, cho biết hôm 7/6.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Dương Khiết Trì, người vừa điện đàm với Giám đốc An ninh quốc gia Nhật Bản Takeo Akiba, cho biết cả hai quốc gia nên “nắm bắt đúng hướng, duy trì hợp tác cùng có lợi, tập trung vào dài hạn, tăng cường an ninh và xây dựng lòng tin lẫn nhau”.
Ông Dương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, cho biết cả hai nước nên làm việc cùng nhau để đảm bảo mối quan hệ “ổn định, lành mạnh và bền bỉ” trong 50 năm tới, và “cùng duy trì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của Trung Quốc và Nhật Bản.
Mối quan hệ Trung – Nhật ngày càng căng thẳng, với việc Nhật cử máy bay phản lực nghênh cản máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nga khi chúng tiến gần không phận nước này vào tháng trước giữa lúc Tokyo tổ chức cuộc họp của các nhà lãnh đạo của Nhóm Bộ Tứ (Quad), và có những lo ngại lâu dài về một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.
Elon Musk lại dọa hủy việc mua lại Twitter
Bình Phương
Trụ sở công ty Twitter Inc. ở San Francisco. Do Twitter có chính sách cho nhân viên làm việc tại nhà nên ông Elon Musk từng tweet rằng trụ sở này nên dùng làm chỗ ở cho người vô gia cư. Ảnh Justin Sullivan/Getty Images.
Tỷ phú Elon Musk đe dọa hủy bỏ việc mua mạng xã hội Twitter với giá $44 tỷ mà ông ta đưa ra hồi tháng Tư 2022, cáo buộc công ty từ chối cung cấp cho ông thông tin về các tài khoản giả mạo.
Lời đe dọa đó thể hiện trong một bức thư mà các luật sư của ông Musk gửi Twitter và trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ (SEC) ngày thứ Hai 6 tháng Sáu 2022, hãng tin AP cho biết.
Trong bức thư, các luật sư viết rằng kể từ ngày 9 tháng Năm, khoảng một tháng sau khi đưa đề nghị mua lại mạng Twitter, ông Musk đã liên tục yêu cầu công ty cung cấp thông tin để ông đánh giá xem có bao nhiêu trong số 229 triệu tài khoản người dùng Twitter là giả mạo. Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal nói ông ước tính số tài khoản giả mạo của Twitter là ít hơn 5% tổng số tài khoản nhưng Musk bác bỏ điều đó và khẳng định mà không cung cấp bằng chứng, rằng con số đó ít ra phải 20% hoặc hơn.
Trong phiên giao dịch hôm nay thứ Hai, giá cổ phiếu của Twitter Inc. đã giảm 1.5%, sau khi giảm hơn 20% trong tháng trước. Các cổ đông của Twitter đã đệ đơn kiện Musk vào cuối tháng trước vì làm giảm giá cổ phiếu. Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, Twitter nói ban lãnh đạo công ty đã hợp tác chia sẻ thông tin với Musk “theo các điều khoản của thỏa thuận sáp nhập” và lưu ý rằng thỏa thuận này là vì “lợi ích tốt nhất của tất cả các cổ đông.” “Chúng tôi dự định kết thúc giao dịch và thực thi thỏa thuận sáp nhập ở mức giá và các điều khoản đã thỏa thuận,” tuyên bố cho biết thêm.
Hủy bỏ thương vụ hay đòi giảm giá?
Sau khi đề nghị mua Twitter với giá $54.2 mỗi cổ phiếu, cao hơn 12% so với giá giao dịch thị trường tại thời điểm đó, ông Musk đã có nhiều hành động khiến giới phân tích đặt câu hỏi liệu ông tỷ phú có thực sự muốn thâu tóm Twitter, muốn thương lượng lại giá thấp hơn hay thậm chí hủy bỏ hoàn toàn thương vụ này hay không.
Trong bức thư ngày thứ Hai 6 tháng Sáu, các luật sư của Musk viết rằng, việc Twitter Inc. chỉ cung cấp thông tin về các phương pháp thử nghiệm của công ty mà không khẳng định số tài khoản giả mạo là “tương đương với việc từ chối các yêu cầu dữ liệu của ông Musk” và “vi phạm nghiêm trọng” thỏa thuận sáp nhập. Điều đó cho phép Musk có quyền hủy bỏ thỏa thuận nếu ông muốn.
Tháng trước Musk nói rằng ông đã đơn phương đình hoãn thực thi thỏa thuận. Nếu ông Musk tự ý hủy bỏ thỏa thuận mà không phải do lỗi của Twitter, ông ta có thể phải chịu khoản phí bồi thường trị giá $1 tỷ. Vì thế, các chuyên gia pháp lý cho rằng, động tác gửi thư mới của Musk cho thấy ông ta đang “tìm cách thoát khỏi thỏa thuận hoặc thương lượng lại giá cả”.
Trong quá khứ, ông Elon Musk đã từng có đôi lần đảo ngược quyết định vào phút cuối, khiến giới đầu tư bất ngờ. Năm 2018, ông đăng tweet thông báo đã thu xếp được nguồn tài chính $72 tỷ để “mua đứt” công ty Tesla và biến nó thành công ty tư nhân – giống như ông tuyên bố mua đứt Twitter hiện nay – nhưng sau đó ông bỏ dở, không thực hiện ý định. Bây giờ thì giá trị thị trường của Tesla đã là $911 tỷ, cao gấp mười mấy lần năm 2018, dù ông muốn mua đứt nó thì cũng không thể nào thực hiện được.
Trong nhiều năm, Twitter đã báo cáo ước tính số tài khoản giả mạo cho Ủy ban SEC, dù thừa nhận con số ước tính của họ có thể thấp so với thực tế. Ông Musk đòi công ty phải cho phép ông được đánh giá độc lập những ước tính đó trước khi kết thúc thương vụ.
Trong một động tác liên quan, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Texas Ken Paxton, nơi các công ty của ông Musk đóng trụ sở chính, cho biết ông ta đang mở cuộc điều tra về số lượng tài khoản giả mạo của mạng Twitter, với lý do “bảo vệ người dân Texas”.
Australia liên tục tăng lãi suất trước nguy cơ lạm phát
Hồi tháng 5 ngay trước thềm cuộc bầu cử liên bang, Ngân hàng Dự trữ Úc đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập niên qua. Và đến thứ Ba tới đây, họ nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm vậy trước bổi cảnh lạm phát lên cao. Dù giá cả ở Úc không tăng nhanh như ở châu Âu hay châu Mỹ, nhưng tỷ lệ lạm phát năm 5,1% trong quý đầu 2022 vẫn là cao nhất hai thập niên. Tân bộ trưởng tài chính Jim Chalmers thậm chí cho biết lạm phát đã tiếp tục tăng “đáng kể” kể từ thời điểm đó.
Giới phân tích cho rằng ngân hàng có thể nâng lãi suất lên 0,75%. Đây chắc chắn không phải tin vui cho người dân Úc, đặc biệt khi họ đang có một trong những mức nợ tư nhân cao nhất thế giới, vốn xuất phát từ thói quen vay mua ô tô và nhà. Bên cạnh chi phí nợ cao hơn, giá năng lượng tăng cũng có thể đẩy hóa đơn tiền điện lên tới 20% trong năm nay. Và thời gian tới ngân hàng sẽ còn thắt chặt hơn nữa, sau khi thống đốc tuyên bố lãi suất có thể sẽ lên tới 2,5% trước khi lạm phát được kiểm soát.
Các nước tây Balkan hối thúc EU đẩy nhanh tiến trình gia nhập
Vào thứ Ba, lãnh đạo của các nước tây Balkan với hy vọng gia nhập Liên minh châu Âu sẽ gặp nhau tại Bắc Macedonia để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Sáng kiến Balkan Mở. Được giới thiệu vào năm 2019 trước tốc độ chậm chạp của tiến trình gia nhập EU, sáng kiến này nhằm mục đích thúc đẩy thương mại nội khối Balkan và khuyến khích dịch chuyển lao động.
Nhưng lần này các nhà lãnh đạo sẽ có một chủ đề cấp bách hơn để thảo luận. Họ sợ bị bỏ rơi nếu hồ sơ ứng cử vào EU gần đây của Ukraine, Moldova và Georgia được đẩy nhanh. Một ví dụ là Bắc Macedonia đã gửi yêu cầu gia nhập từ gần 20 năm trước. Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cũng mở ra cơ hội cho các nước Balkan. Cuộc chiến của Vladimir Putin đã đánh thức EU về các cuộc cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra ở lục địa này. Balkan là một lỗ hổng ngay giữa trung tâm EU; và nếu EU không lấp đầy nó, những bên khác sẽ làm.
Nhộn nhịp mùa bầu cử sơ bộ ở California
Người dân California sẽ đi bỏ phiếu vào thứ Ba trong một loạt các cuộc bầu cử sơ bộ. Mục tiêu là chọn ra ứng viên cho các cuộc bầu cử cấp địa phương, cấp bang và quốc hội vào tháng 11.
Trong đó hai cuộc đua thú vị nhất nằm ở cấp địa phương. Cử tri San Francisco sẽ quyết định số phận của Chesa Boudin, đương kim công tố trưởng của thành phố. Ông Boudin đã trở thành biểu tượng của phong trào “công tố viên tiến bộ” ở Mỹ, tức những người muốn chấm dứt giam giữ hàng loạt và ban hành các cải cách tư pháp hình sự khác. Los Angeles, trong khi đó, sẽ chọn các ứng viên cho cuộc đua thị trưởng. Hai nhân vật có nhiều khả năng chiến thắng nhất là Karen Bass, một nữ nghị sĩ tiến bộ của đảng Dân chủ, và Rick Caruso, một tỷ phú từng thuộc đảng Cộng hòa với chương trình nghị sự nhấn mạnh truy quét tội phạm và giải quyết tình trạng vô gia cư.
Những người Dân chủ cũng như Cộng hòa trên khắp nước Mỹ sẽ để tâm sát sao đến các cuộc bầu cử sơ bộ cho vị trí hạ nghị sĩ đại diện California, trong đó hai người về đích hàng đầu sẽ đối đầu tại cuộc bầu cử tháng 11 bất kể thuộc đảng phái nào. Một loạt các trường hợp nghỉ hưu và tái phân chia khu vực bầu cử đã mở ra tới 8 ghế cạnh tranh trên toàn tiểu bang, một con số cao bất thường. Do đó, California có thể mới là phần thưởng lớn nhất của hai đảng vào tháng 11 tới đây.
Hãy cảnh giác và chú ý các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox – MPXV)
Media Release
Sydney Local Health District Media Unit
Tel 9515 9607 or 0409 243 544 Email SLHD-media@health.nsw.gov.au
June 2022
NSW Health kêu gọi các thành viên trong cộng đồng, bao gồm những ai có xuất xứ văn hóa đa dạng vừa trở về từ châu Âu và Hợp chủng quốc Hoa Kì, coi chừng các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox – MPXV).
Các ca nhiễm được xác nhận gần đây ở Úc, cũng như ở khắp châu Âu và Bắc Mỹ bao gồm Vương Quốc Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Thụy Điển, Hoa Kì, và Canada.
NSW Health đang giám sát các ca nhiễm để rằng những ai có vi-rút này được chăm sóc y tế thích hợp. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin cho cộng đồng khi tình hình thay đổi.
“Chúng tôi kêu gọi các thành viên trong cộng đồng vừa trở về từ châu Âu hoặc Bắc Mỹ, đặc biệt là nam có quan hệ tình dục với nam, chú ý các triệu chứng”, Giám đốc của Diversity Program and Strategy Hub, bà Barbara Luisi chia sẻ.
Triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, sưng hạch bạch huyết, và kiệt sức. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thông thường cũng bao gồm phát ban, thông thường bắt đầu từ các vết lở loét trên miệng và mặt trước khi lan ra các phần khác trên cơ thể.
Những ai có triệu chứng, đặc biệt là phát ban, nên liên lạc với bác sĩ để có thêm lời khuyên.
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm trùng do siêu vi. Dù không dễ dàng lây lan giữa người, vi-rút này có thể truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần. Vi-rút gây ra bệnh nhẹ và hầu hết mọi người hồi phục trong vài tuần.
“Kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 gần đây đã dạy cho chúng ta sự quan trọng về việc cập nhật thông tin về các bệnh nhiễm trùng do siêu vi. Theo dõi các khuyến cáo y tế và đưa ra các quyết định tốt cho sức khỏe của chúng ta cũng như sức khỏe của cộng đồng chúng ta.
Hãy cùng giữ an toàn cho cộng đồng chúng ta bằng cách thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh tay, cách ly nếu bạn thấy không khỏe và gọi cho bác sĩ của bạn nếu có triệu chứng”, bà Luisi giải thích.
Để biết thêm thông tin về bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox – MPXV) bằng ngôn ngữ của bạn, ghé thăm trang mạng NSW Health qua đường dẫn www.health.nsw.gov.au
Để phỏng vấn truyền thông bằng tiếng Việt, vui lòng liên lạc Sonam Paljor qua số 9515 1234 hoặc email Sonam.Paljor@health.nsw.gov.au
Đại sứ Nga rời khỏi phòng họp Hội đồng Bảo an trước những tố cáo của EU
07/6/2022
Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia.
Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia ngày 6/6 lao ra khỏi phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong lúc Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel phát biểu trước hội đồng gồm 15 thành viên và tố cáo Moscow khơi dậy khủng hoảng lương thực toàn cầu với cuộc xâm lược Ukraine.
Ông Michel cũng tố cáo quân Nga phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, đặc biệt trích dẫn các báo cáo về bạo lực tình dục - trọng tâm của cuộc họp Hội đồng Bảo an - và mô tả đó là ‘chiến thuật tra tấn, khủng bố và đàn áp.’
Trước đó, trong diễn văn của mình tại cuộc họp, ông Nebenzia đã ‘dứt khoát bác bỏ’ bất kỳ cáo buộc nào nói lính Nga bạo lực tình dục và đồng thời lên án những gì ông gọi là ‘dối trá.’
Khi rời phòng họp của Hội đồng Bảo an lúc ông Michel phát biểu, ông Nebenzia có vẻ giận giữ nói với Reuters: “Tôi không thể ở lại” vì “những lời dối trá mà ông Charles Michel đến đây để loan truyền.”
Nhắm thẳng trực tiếp tới ông Nebenzia khi ông này bước ra ngoài, ông Michel nói: “Ông có thể rời phòng họp, có lẽ dễ dàng hơn khi không phải nghe sự thật.”
Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine ngày 24/2 đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu với giá ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón tăng vọt. Nga và Ukraine chiếm gần một phần ba nguồn cung lúa mì toàn cầu, trong khi Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón và Ukraine là nước xuất khẩu ngô và dầu hướng dương.
Ông Michel nói tại Hội đồng Bảo an: “Ngài Đại sứ Liên bang Nga, hãy thành thật, Điện Kremlin đang sử dụng nguồn cung cấp lương thực như một phi đạn tàng hình chống lại các nước đang phát triển.” “Nga hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực này.”
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đang cố gắng làm trung gian một “thỏa thuận trọn gói” để nối lại xuất khẩu lương thực của Ukraine và xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8/6 để thảo luận về việc mở lại xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Mỹ tố cáo Nga đánh cắp ngũ cốc của Ukraina đem bán
Đăng ngày: 07/6/2022
Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken xác nhận "khả tín" cáo buộc Nga cướp ngũ cốc của Ukraina để đem đi bán. REUTERS - MICHELE TANTUSSI
Sau tố cáo của đại sứ Ukraina tại Ankara cuối tuần trước về việc Nga xuất khẩu lúa mì đánh cắp của Ukraina sang Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 06/06/2022, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận những tố cáo nói trên là « khả tín ».
Trong một cuộc họp trực tuyến về vấn đề an ninh lương thực hôm 06/06/2022, ông Antony Blinken đánh giá những thông tin về việc Nga đã « đánh cắp » rồi đem bán ngũ cốc của Ukraina là « đáng tin cậy ». Lãnh đạo ngoại giao Mỹ nhấn mạnh « tất cả những việc làm đó đều là cố ý » và tổng thống Nga Vladimir Putin đã phong tỏa vùng Biển Đen, chặn đường xuất ngũ cốc của Ukraina ra thế giới nhằm mặc cả đòi dỡ bỏ các trừng phạt quốc tế đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraina.
Hôm thứ Sáu tuần trước (03/06) đại sứ Ukraina tại Ankara đã tố cáo Nga xuất khẩu ngũ cốc đánh cắp ở Ukraina, chủ yếu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 06/06, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết hiện có khoảng từ 20 đến 25 triệu tấn ngũ cốc đang bị kẹt lại tại Ukraina vì chiến tranh và từ nay đến cuối năm, khối lượng này có thể sẽ tăng gấp 3 lần.
Ông Zelensky xác nhận Ukraina cần có một hành lang trên biển để có thể xuất khẩu số lương thực trên ra thế giới và Kiev đang thảo luận vấn đề này với Ankara và Luân Đôn, cũng như với Liên Hiệp Quốc.
Cuộc chiến tranh giữa Ukraina và Nga, hai nước cung cấp 30% lượng ngũ cốc cho thế giới, đã khiến giá lương thực thực phẩm tăng vọt trên toàn cầu, dẫn đến lạm phát nghiêm trọng ờ nhiều nước.
Không có nhận xét nào