Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Dư luận Việt lại dậy sóng về ‘chuyến bay giải cứu’ trục lợi hàng nghìn tỉ đồng 

    06/6/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Thứ trưởng Ngoại giao VN Tô Anh Dũng (ảnh lớn) bị bắt hôm 14/4/2022 vì tội "nhận hối lộ".

    Thứ trưởng Ngoại giao VN Tô Anh Dũng (ảnh lớn) bị bắt hôm 14/4/2022 vì tội "nhận hối lộ". 

    Các bị can trong vụ án “chuyến bay giải cứu” bị cho là đã thu lợi hàng nghìn tỉ đồng, theo thông tin mà một đại diện của Bộ Công an Việt Nam đưa ra với báo giới mới đây. Điều này lại làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam.

    Trong một cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ hôm 4/6, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an, đã trả lời về một số vụ bê bối gần đây, trong đó có vụ “chuyến bay giải cứu”.

    Trung tướng Xô dẫn lại kết quả điều tra cho biết mỗi “chuyến bay giải cứu” sau khi trừ các chi phí đem lại số tiền lợi nhuận là “hàng tỷ đồng”, và ông nói thêm rằng “chúng ta biết là có gần 2 nghìn chuyến bay giải cứu”.

    Từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, công an Việt Nam đã bắt giam một thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nữ cục trưởng Cục Lãnh sự của bộ, và ít nhất 7 người khác về các tội danh “nhận hối lộ” và “đưa hối lộ” liên quan đến các chuyến bay đưa người Việt về nước trong đại dịch COVID-19, thường được gọi là “chuyến bay giải cứu”.

    Vụ bê bối này xảy ra trong giai đoạn hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch làm các nước đóng cửa biên giới với nhau, và vì vậy, các công dân Việt Nam đã phải bỏ ra chi phí cao gấp 5 đến 8 lần so với trước đại dịch để có thể bay về nước trên các chuyến bay do nhà nước Việt Nam đứng sau.

    Thông tin của người phát ngôn Bộ Công an về việc các bị can đã chia chác số tiền ước tính lên đến hàng nghìn tỉ đồng trong vụ bê bối “chuyến bay giải cứu” một lần nữa làm bùng lên những lời chỉ trích trong công chúng Việt Nam, theo quan sát của VOA.

    Nữ doanh nhân trực ngôn Lê Hoài Anh, với trang Facebook có gần 1 triệu người theo dõi, gọi các bị can trong vụ án là “Toàn những kẻ khốn nạn lợi dụng dịch bệnh ăn trên mồ hôi xương máu của đồng bào”. Bà Hoài Anh đặt vấn đề rằng “vụ này chắc còn liên quan đến các đại sứ quán, các lãnh sự quán Việt Nam, hàng không Việt Nam … nữa nhỉ?”

    Một người khác cũng có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, bà Phương Ngô, với hơn 58.000 người theo dõi trên Facebook, gọi hành động giả danh hoặc lấy mác “giải cứu” để trục lợi là “hút máu chính đồng bào”. Cũng như bà Hoài Anh, bà Phương nghi ngờ rằng còn có nhân vật cấp cao hơn đứng trên những người bị bắt khi bà đặt câu hỏi “Trùm cuối là ai?” trong bài viết của bà.

    Viết về vụ “chuyến bay giải cứu” gắn với các bê bối khác xảy ra thời đại dịch nói riêng và trong xã hội Việt Nam nói chung, võ sư Đoàn Bảo Châu đưa ra nhận xét trên trang cá nhân có hơn 114.000 người theo dõi rằng: “Các cán bộ thời nay không có lý tưởng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân gì mà trong đầu họ chỉ có một lý tưởng duy nhất là kiếm lợi trong bất kì hoàn cảnh nào, ngay cả khi ‘đồng bào’ của họ khốn cùng nhất”.

    Ông Hà Phan, có hơn 38.000 người theo dõi qua Facebook, viết trên trang cá nhân rằng “chính sách bị trục lợi, ý nghĩa chiến dịch ‘giải cứu’ bị bóp méo, uy tín quốc gia bị tổn thương, tình cảm đồng bào bị lợi dụng và nỗi lo của dân chúng bị biến thành tiền cho một nhóm cấu cào”.

    Dùng các từ “ăn quá dã man”, “số tiền khổng lồ”, “khủng khiếp”, “trắng trợn” để nói về vụ việc, ông Hà Phan khẳng định người dân sẽ “vỗ tay” nếu các bị can phải nhận sự trừng trị nghiêm khắc.

    Nhiều người nổi tiếng khác trên mạng xã hội và các người dân nói chung cũng đưa ra các quan điểm, đánh giá tương tự. Các ý kiến đó nhận được hàng nghìn phản ứng và lời bình luận ủng hộ, cũng như được nhiều người lan tỏa tiếp qua chức năng “share” của Facebook.

    VN thuộc bốn nước được Mỹ hoãn đánh thuế pin mặt trời tấm

    RFA
    07/6/2022 


    VN thuộc bốn nước được Mỹ hoãn đánh thuế pin mặt trời tấm

    Ảnh minh họa: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu về báo cáo lao động hôm tháng 5/2022 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAP 

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 6/6 ban hành biện pháp khẩn cấp nhằm gia tăng sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với tuyên bố miễn thuế hai năm cho sản phẩm loại này nhập từ bốn nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

    AP loan tin cho biết quyết định dùng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) và những biện pháp hành chính khác của Tổng thống Biden được đưa ra vào khi có than phiền trong ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Mỹ về vấn đề chuỗi cung ứng do điều tra của Bộ Thương Mại liên quan sản phẩm của Trung Quốc.

    Vào tháng ba vừa qua, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ công bố điều tra truy xuất nguồn gốc tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Campuchia. Lý do vì quan ngại sản phẩm của những nước này có thể lẩn tránh qui định chống phá giá mà Mỹ đề ra để hạn chế sản phẩm của Trung Quốc. 

    Ngay sau khi có tin về việc ngưng đánh thuế hai năm đối với tấm pin năng lượng mặt trời đối với bốn nước vừa nêu, nhà sản xuất First Solar Inc. tại Mỹ cho rằng biện pháp như thế ‘giải phóng’ cho mọi tiếp cận với các công ty năng lượng được Nhà nước Trung Quốc bao cấp. Nhà sản xuất Mỹ này cho rằng việc sử dụng Đạo Luật Sản xuất Quốc phòng trong trường hợp này là việc sử dụng không hiệu quả tiền thuế của dân và thiếu hẳn một chính sách công nghiệp năng lượng mặt trời bền lâu.”

    Chính quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát tôn giáo với dự thảo nghị định mới

    RFA
    06/6/2022

    Chính quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát tôn giáo với dự thảo nghị định mới

    Bí thư Đảng ủy thị Trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn là Phạm Hồng Đức (phải) đòi giải tán thánh lễ hôm 20/2/2022 ở giáo xứ Vụ Bản 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngẢnh chụp màn hình video 

    Với dự thảo nghị định mới nếu được thông qua thì các tổ chức tôn giáo sẽ bị phạt tiền lên đến 60 triệu đồng nếu vi phạm. 

    Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam hôm 3 tháng 6 đăng tải thông tin Bộ Nội vụ nước này đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân về dự thảo của một nghị định mới. 

    Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là văn bản quy phạm pháp luật mới nhất trong lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam, hiện đang trong quá trình xây dựng. 

    Đúng như tên gọi, nghị định này được tạo ra nhằm cho phép nhà nước xứ phạt hành chính (phạt tiền), đối với các cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực tôn giáo nhằm cụ thể hóa Luật Tín ngưỡng Tôn giáo ban hành năm 2016. 

    Theo nội dung của nghị định này thì rất nhiều hành vi được thực hiện ở cả mức độ cá nhân, lẫn tổ chức đều có thể bị cho là vi phạm hành chính, và có thể bị xử phạt. 

    Một điều đáng lưu tâm nữa đó là nhiều điều khoản của nghị định này có nội dung không rõ ràng, và khó định nghĩa.

    Đơn cử, điều 6 của văn bản này quy định một cá nhân có thể bị phạt ba triệu đồng nếu “lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc dưới mọi hình thức” đường lối của nhà nước. 

    Hoạt động của các tổ chức tôn giáo cũng bị kiểm soát gắt gao, từ việc đăng ký hoạt động, tấn phong và điều chuyển chức sắc, tổ chức đào tạo, cho đến cử người đi học ở nước ngoài đều phải được sự đồng ý của nhà nước. 

    Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do dưới điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, một luật sư nhân quyền ở Việt Nam bình luận về bản dự thảo nghị định trên như sau:

    “Nội dung của dự thảo của Nghị định có rất nhiều nội dung mơ hồ chưa được định nghĩa, cụ thể, hành vi nào lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo; hành vi nào trục lợi; hành vi nào là hành vi chia rẽ dân tộc; hành vi nào là xâm hại đạo đức xã hội?

    Việc để ngỏ các định nghĩa trên sẽ khiến cho người thực thi công vụ tuỳ ý diễn giải, xử phạt người dân một cách tuỳ tiện mang tính áp đặt.”

    Ngoài ra, vị luật sư này cũng bình luận về quy định yêu cầu các tôn giáo phải đăng ký thì mới được phép hoạt động, và các quy định can thiệp vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo: 

    “Việc quy định sinh hoạt tôn giáo phải đăng ký chính quyền sẽ dẫn tới tình trạng xin cho, gây khó khăn cho việc thực hành quyền tự do tôn giáo. 

    Còn việc tổ chức, phong phẩm, suy cử chức sắc trong tôn giáo vốn dĩ là hoạt động nội bộ của mỗi tôn giáo, chính quyền lại nhúng tay vào can thiệp là thể hiện sự lạm quyền, xâm phạm quyền tự do tôn giáo.”

    Sau cùng, luật sư này cho rằng chính quyền Việt Nam “đang muốn bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo, và muốn các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo chỉ được hoạt động theo ý muốn của nhà cầm quyền”, thông qua việc ban hành nghị định mới. 

    Dự thảo Nghị định cũng giao thẩm quyền xử phạt cho cấp thấp nhất là chiến sĩ công an, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, thanh tra viên trong lĩnh vực tôn giáo hay Ban Tôn giáo Chính phủ. 

    Chúng tôi cũng phỏng vấn ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý và là thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một tổ chức của các tôn giáo độc lập không được Nhà nước công nhận.  

    Ông cho rằng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo này được đưa ra để nhắm đến các tôn giáo độc lập, không chịu sự quản lý của nhà nước. 

    Tuy nhiên ông Hiển cũng cho biết là sẽ không tuân thủ các quy định mà ông cho là mang tính đàn áp này:

    “Các chức sắc tôn giáo tại Việt Nam, cũng như là đối với các tôn giáo độc lập không theo hệ thống quốc doanh của nhà nước, thì dù nhà nước cho ra (luật-PV) như thế nào nhưng mà chúng tôi là người có niềm tin tôn giáo, chúng tôi không tuân thủ những gì mà nhà nước nói. 

    Chúng tôi chỉ làm theo lẽ phải và lương tâm của mình thôi, theo cái đức tin của mình, từ hồi trước tới bây giờ. 

    Chúng tôi bất chấp tất cả, dù nhà nước muốn đối xử như thế nào cũng được. Nếu mà nhà nước đối xử quá nghiệt ngã thì thế giới sẽ thấy rằng nước Việt Nam không có tự do tôn giáo, những gì nhà nước nói hoàn toàn không đúng sự thật, không tự do tôn giáo, không nhân quyền gì hết.”

    Chính quyền Việt Nam đến nay vẫn bị cáo buộc là có các chính sách đàn áp tôn giáo. 

    Ủy Ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) hồi tháng 2 năm nay là năm thứ 15 liên tiếp đề nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vì những vi phạm một cách có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo. 

    Hôm 2 tháng 6, trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhân dịp công bố phúc trình tự do tôn giáo năm 2021, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói rằng chính quyền Việt Nam sách nhiễu các tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo độc lập. 

    Anh em tỷ phú Trịnh Văn Quyết mở 450 tài khoản “thao túng thị trường chứng khoán”

    RFA
    07/6/2022

    Anh em tỷ phú Trịnh Văn Quyết mở 450 tài khoản “thao túng thị trường chứng khoán”

    Tỷ phú Trịnh Văn Quyết trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí hôm 30/7/2018 

    AFP 

    Bộ Công an đã phát thông báo lần hai tìm các nhà đầu tư là nạn nhận của anh em tỷ phú đang bị tạm giam Trịnh Văn Quyết.

    Thông báo của Bộ Công an phát đi ngày 7/6. Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra thông báo lần hai tìm các các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

    Hôm 21/4, Bộ Công an đã phát thông báo lần một tìm bị hại liên quan đến vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" do cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây ra.

    Trong quá trình điều tra, Công an cho biết từ 1/9/2016 đến 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế cũng là nhân viên kế toán thuộc Ban Kế toán Tập đoàn FLC liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập 20 công ty. Huế sau đó đã mượn chứng minh nhân dân của 26 người thân để mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán đứng tên Huế và các công ty, cá nhân tại 41 công ty chứng khoán (120 tài khoản mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS, 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác), để thực hiện các hành vi tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với sáu mã chứng khoán FLC.

    Với thủ đoạn trên, anh em Trịnh Văn Quyết đã thổi giá thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

    Do đó, để phục vụ điều tra Công an đã thông báo những người bị hại mua mà chứng khoán FLC trong giai đoạn 2017 đến tháng 1/2022 liên hệ cơ quan điều tra trước ngày 29/6/2022 để giải quyết theo qui định pháp luật.

    Từ cuối tháng 3/2022, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm gia ông Trịnh Văn Quyết cùng bốn đồng phạm trong có có hai em gái của Quyết là Trịnh Thị Thuý Nga và Trịnh Thị Minh Huế để điều tra về tội “thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại điều 211 bộ luật Hình sự.


    Không có nhận xét nào