VN là một trong những nước lại bị Mỹ đưa vào danh sách giám sát do nghi thao túng tiền tệ
RFA
13-6-2022
Hình minh hoạ: tiền đồng của Việt Nam /Reuters
Việt Nam là một trong những nước mà Hoa Kỳ đưa vào danh sách giám sát với nghi vấn thao túng tiền tệ. Lý do vì vượt ngưỡng những tiêu chí quy định suốt bốn quý.
Báo cáo của Bộ Ngân khố Mỹ công bố ngày 10/6 với đánh giá những đối tác thương mại chính về các quy định ngưỡng tỷ giá hối đoái nhằm đạt lợi thế đã có quyết định như vừa nêu.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ tiếp tục xem xét các đối tác thương mại trên cơ sở ba tiêu chí gồm thặng dư mậu dịch song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai, và can thiệp thị trường ngoại hối một chiều kéo dài.
Ngay sau khi có báo cáo của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên tiếng cho rằng vào năm qua, phía Mỹ có tiếp xúc nâng cao với Việt Nam và vào tháng 7/2021, và đạt được thỏa thuận chung nhằm giải quyết các quan ngại của Hoa Kỳ về các vấn đề tiền tệ, tỷ giá của phía Việt Nam.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác một cách tích cực với các bộ, ngành trong nước để làm việc về các vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm.
Việt Nam: Giá xăng lên đỉnh kỷ lục mới, Quốc hội vẫn chưa giảm thuế
13/6/2022
Giá xăng dầu tăng 6 lần liên tiếp ở Việt Nam trong hơn 5 tháng đầu năm 2022.
Loại xăng đắt nhất của Việt Nam giờ đây có giá là 32.370 đồng/lít, lập đỉnh cao kỷ lục mới sau 6 lần tăng giá liên tiếp, các báo trong nước tường thuật hôm 13/6. Cách đây ít hôm, bộ trưởng tài chính của đất nước nói thẩm quyền giảm thuế để giảm giá xăng thuộc về Quốc hội, nhưng đến nay chưa có động thái giảm thuế nào.
Trong lần tăng giá mới nhất của hai bộ Tài chính và Công thương, người tiêu dùng phải trả thêm lần lượt 800 và 880 đồng cho mỗi lít xăng E5 RON 92 và RON 95. Những người sử dụng dầu hỏa và diesel tốn thêm lần lượt là 2.490 đồng và 2.630 đồng/lít.
Việt Nam, nước nhập ròng dầu thô với lượng nhập khẩu riêng trong quý 1/2022 là 1,9 triệu tấn, cao gấp 3,2 lần lượng xuất khẩu là 590 nghìn tấn, bị ảnh hưởng nặng nề vì giá dầu thế giới tăng cao trong nửa đầu năm nay do sự mất cân bằng về cán cân cung cầu nói chung, và đặc biệt là do tác động từ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine.
Như VOA đã đưa tin, cũng như nhiều người đã bày tỏ qua mạng xã hội, giá xăng dầu tăng cao liên tục làm cho đông đảo người dân Việt Nam lo lắng, bất bình. Không ít người than rằng chi phí cho nhiên liệu đang đẩy họ vào cảnh “ngày càng nghèo đi”.
Những người am hiểu về cơ cấu giá xăng dầu chỉ ra rằng mặc dù việc giá của Việt Nam phải đi cùng giá của thế giới, song gánh nặng thuế, phí góp phần làm giá xăng dầu đắt đỏ thêm nhiều một cách bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp.
Giá xăng dầu Viêt Nam bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại phí khác. Tùy theo thời điểm, tổng tiền thuế, phí chiếm từ 44% tới 64% giá bán xăng dầu.
Trước những bức xúc của người dân về giá xăng dầu, hồi tuần trước, trong một phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ rằng việc điều chỉnh thuế suất các loại để giảm giá xăng dầu thuộc về thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Cơ quan lập pháp của Việt Nam là nơi duy nhất có quyền giảm thêm 1.000 đồng/lít xăng dầu đối với hạng mục thuế bảo vệ môi trường trong năm nay, Bộ trưởng Phớc nói hôm 8/6. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng có thể định đoạt việc điều chỉnh các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện đang được áp dụng với thuế suất 10%; thuế nhập khẩu xăng dầu, 8%; và thuế giá trị gia tăng (VAT), 10%, vẫn lời ông Phớc.
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, từ đó đến nay, Quốc hội Việt Nam chưa có động thái giảm các loại thuế, phí gắn với xăng dầu. Trong khi đó, nhiều người xoáy vào chỉ trích việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vì họ cho rằng xăng dầu là một mặt hàng thông dụng, phục vụ phần đông dân số, không phải là hàng xa xỉ mà cần phải hạn chế.
Người dân cũng bày tỏ bất bì khi đưa ra so sánh rằng tuy giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore… song rằng giá của Việt Nam vẫn cao hơn Malaysia, Indonesia, Mỹ, Nhật… trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam thấp hơn vài ba lần tới hàng chục lần so với đa số các nước nêu trên.
Hoa Kỳ khởi động dự án mới chống buôn bán động vật hoang dã tại VN
RFA
13-6-2022
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman phát biểu trước báo chí tại một cuộc họp của Hội đồng NATO - Nga ở trụ sở NATO, Brussels, Bỉ hôm 12/1/2022 /AP
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman công du Việt Nam và trong ngày 13/6 chứng kiến lễ khởi động dự án mới giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Việt Nam. Đó là dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam kiểm soát tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép đang diễn ra ngày một nghiêm trọng.
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phát đi trong cùng ngày cho biết dự án mang tên ‘Dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp’ được thực hiện trong 5 năm với ngân sách 15 triệu đô la nhằm mục tiêu tăng cường năng lực lãnh đạo của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã thông qua thúc đẩy cam kết của các lãnh đạo cấp trung ương và địa phương, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.
Dự án mới sẽ tập trung bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ bị buôn bán quốc tế vào Việt Nam như tê giác châu Phi, voi châu Phi và châu Á, tê tê, cũng như các loài động vật thường xuyên bị săn bắt và buôn bán trong nước và quốc tế như linh trưởng, hoẵng và các loài mèo lớn. Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Mỹ) là đơn vị thực hiện dự án phối hợp cùng tổ chức TRAFFIC và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV).
Dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp mới được nói sẽ phát huy thành công từ Dự án Phóng/Chống buôn án trái phép các loài động/thực vật hoang dã mà USAID tài trợ và được thực hiện trong giai đoạn 2016-2021.
Việt Nam bị xếp vào nơi vẫn là một trung tâm toàn cầu của các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và là quốc gia trung chuyển. Đây là nguồn và điểm đến trong chuỗi cung ứng của nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Cũng tại sự kiện khởi động dự án, USAID và Bộ NN&PTNT đã mở ra một chương mới trong hợp tác về các vấn đề môi trường giữa hai cơ quan. Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã ký thỏa thuận đối tác song phương đầu tiên (gọi là Thỏa thuận tài trợ khung có giới hạn phạm vi) giữa USAID và Bộ NN&PTNT về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022-2027. Với ngân sách dự trù lên tới 50 triệu đô la, thông qua thỏa thuận này, USAID sẽ hỗ trợ Bộ NN&PTNT giảm phát thải khí mêtan trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên và xây dựng các chính sách về chống chịu với khí hậu và phát thải thấp.
Thêm nhiều công ty Châu Âu chọn VN thay vì Trung Quốc
RFA
13-6-2022
Ảnh minh họa: quang cảnh một nhà máy may mặc tại tỉnh Bắc Giang chụp ngày 12/10/2015 /Reuters
Việt Nam trong những năm gần đây thu hút sự chú ý của các công ty Châu Âu vào khi những lý do về căng thẳng địa chính trị và chi phí cáo buộc họ phải tìm kiến những nơi sản xuất mới ngoài Trung Quốc.
Mạng Deutsche Welle (DW) của Đức vào ngày 11/6 đưa ra nhận định vừa nêu. Theo đó Việt Nam là một trong những nước Châu Á có tăng trưởng kinh tế dù hai năm dịch COVID-19 2020 và 2021. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới thì năm nay, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,5%.
Đó là lý do mà một số tập đoàn lớn của Châu Âu đang để mắt đến. Cụ thể nhà cung ứng ô tô Đức Brose, hiện có 11 nhà máy oo73 Trung Quốc, đang xem xét chọn lựa Việt Nam hay Thái Lan để xây dựng cơ sở sản xuất mới.
Vào tháng 12 năm ngoái, Lego của Đan Mạch đã tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy 1 tỷ đô la Mỹ gần Thành phố Hồ Chí Minh.
Một doanh gia thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Đức- Châu Á Thái Bình Dương, ông Daniel Muller nói rõ nhiều tập đoàn, đặc biệt những công ty quy mô trung bình, đang nỗ lực đi vào thị trường Việt Nam hay chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc.
Một trong những lý do là lương công nhân tại Hoa Lục tăng lên trong những năm vừa qua khiến thị trường này bớt hấp dẫn đối với những nhà sản xuất chi phí thấp.
Vụ án Việt Á cho thấy quản lý nhà nước ‘có vấn đề’
BBC News
Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ông Bùi Kiến Thành nói ĐCSVN phải tự xét lại mình để xem cách giải quyết các bê bối cho thật căn cơ.
Ý kiến của hai chuyên gia tài chính và kinh tế từ Việt Nam nói Đảng Cộng sản Việt Nam cần tự xem lại hệ thống quản lý cấp nhà nước từ các diễn biến mới nhất của vụ Việt Á.
Phản hồi lại câu hỏi của BBC Tiếng Việt rằng qua việc hai ủy viên trung ương bị bắt, có ý kiến cho rằng một điểm mới lần này là quy trình xử lý kỷ luật có vẻ mau lẹ hơn những vụ án trước và liệu có thể cho rằng lần này báo hiệu các vụ án trong tương lai cũng sẽ được thực hiện 'nhanh gọn', là tinh thần mới của chiến dịch "đốt lò" hay không, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói:
"Việc giải quyết hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh nhanh như vậy thì cũng có dấu hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm giải quyết những vấn đề nổi cộm. Thế nhưng mà đợi tới khi nó nổi cộm lên rồi mới giải quyết thì cơ thể coi như đã kiệt quệ và chỉ còn đi tới chỗ chết.
"Vụ Việt Á cho thấy có vấn đề về quản lý nhà nước. Anh giao quyền cho những người đó rồi họ đi cấp phép và ăn hối lộ. Tức là phải coi lại hệ thống quản lý cấp nhà nước là như thế nào. ĐCSVN phải tự xét lại mình để xem cách giải quyết. Trên thế giới chẳng có nước nào lại cho mình độc quyền kinh doanh thế rồi đi giao cái độc quyền đó cho người khác. Cái đó là vi phạm nguyên tắc quản lý nhà nước trong một chế độ dân chủ.
"Thực trạng tham nhũng kể như ăn sâu vào cơ thể của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trên xuống dưới. Cho nên chữa bệnh ung thư mà dùng cách cắt nơi này nơi kia mà xong thì khó. Tức là ĐCSVN phải xem lại xem ung thư là ung thư gì, bắt nguồn từ đâu," ông Bùi Kiến Thành nói.
Khi được hỏi rằng nhiều người từ lâu đã chỉ ra rằng với mức lương, và cộng cả các khoản ưu đãi của nhà nước cho cán bộ, thì vẫn thấp và khó tránh cám dỗ, trong khi không có gì bảo đảm lương cao hơn thì quan chức không tham nhũng, thì ngoài việc chỉnh đốn kỷ luật Đảng, Việt Nam có thể làm thêm những gì để phòng ngừa tham nhũng, ông Bùi Kiến Thành nói:
"Việc lương cán bộ làm thế nào để đủ sống thì tất nhiên cũng cần xem xét nghiên cứu. Nhưng với lương thì toàn bộ đất nước này thấp mà đâu chỉ đảng viên lương thấp, cho nên nếu lấy cớ lương thấp để đi hối lố và nhận hối lộ là không chấp nhận được."
Liên quan tới việc Trung Quốc, tuy có hệ thống chính trị tương tự Việt Nam, nhưng lại khống chế tham nhũng tốt hơn, và rằng thời gian qua Việt Nam đã học được gì từ kinh nghiệm Trung Quốc hay không, ông Thành nói:
"Trung Quốc có cái gì hay thì mình học nhưng đâu cần chỉ học mỗi Trung Quốc. Tại Việt Nam Nam thì thu nhập của quan chức có mười mấy triệu một tháng mà tài sản tiền tỷ như vậy thì là sao. Thu nhập cả tháng chưa đạt ngàn đô la mà tài sản triệu đô la thì là thế nào. Còn nếu nói tài sản đó là của vợ của con của cháu thì đi nghiên cứu tiếp, điều tra tiếp xem họ làm gì mà nhiều tiền thế.
"Cho nên tôi thấy ĐCSVN chưa quyết tâm đi phanh phui các tài sản bất hợp pháp. Việc đó là việc trong tầm tay mà không làm. Là việc cần phải làm đầu tiên mà không làm. Khai báo tài sản quan chức thì có nhưng có thông báo cho dân đâu," ông Thành nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc xử lý khá nhanh hai cán bộ cấp cao về vụ Việt Á là nên làm.
"Khi nói về vi phạm tới Việt Á liên quan hai bộ là Khoa học Công nghệ và Y tế thì mọi người cũng nghĩ đến tình huống này rồi. Tức là những người bộ trưởng trong các thời kỳ đó là không thể né tránh trách nhiệm được.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Không minh bạch thì rất khó tránh được tham nhũng quyền lực".
"Tôi nghĩ làm với tốc độ nhanh như vậy là phải thôi vì nếu cứ để kéo dài thì càng mất thời gian và làm cho bộ máy không hoạt động được. Chẳng hạn như một số bệnh viện họ không mua được thuốc men và thiết bị thì rõ ràng là nó có ảnh hưởng tới người dân và ngành y tế. Ai có tội thì xử lý, ai không thì tiếp tục làm việc. Trước đây có những vụ để lâu quá và làm ảnh hưởng tới bộ máy".
Liên quan tới tham nhũng chính sách, bà Phạm Chi Lan nói:
"Trong khi đó tiếng nói giám sát của người dân hoặc báo chí thì không được thực hiện trên thực tế, dân lên tiếng rất nhiều, chuyên gia nói nhiều nhưng chẳng được lắng nghe.
"Ở đây là phải nói đến vấn đề về quản lý nhà nước. Tại sao lại chọn công ty A công ty B mà không chọn công ty khác. Tức là không có tiêu chí gì cả. Kể cả trong đấu đầu thì một trong những nguyên tắc cơ bản là không được có xung đột lợi ích. Tức là phải gạt bỏ sự tham gia của những người có lợi ích trực tiếp ra".
Gs. Nguyễn văn Tuấn - Chuyện khoa học và "Việt Á"
Báo Dân Trí có đi một bài báo với vài thông tin thú vị [1]. Tôi nghe đồn rằng vụ việc Việt Á (hay "Viet A Affairs") vẫn chưa chấm dứt, và sắp tới sẽ có một quan chức cao cấp khác bị nạn. Ở đây, tôi chỉ muốn bàn qua khía cạnh khoa học của sự việc thôi, và hi vọng rút ra vài bài học.
Vụ việc Việt Á phản ảnh những khuất tất trong quản lí khoa học. Cái đề tài nghiên cứu sáng chế ra test kit, nếu nhìn khách quan, chỉ là một cách tái chế cái mà người khác đã làm và hoàn thiện. Thuật ngữ khoa học là "reinvent the wheel" (tái chế cái bánh xe). Ấy vậy mà một đề tài như thế trở thành 'nhiệm vụ quốc gia' thì thật là khó hiểu nổi khoa học Việt Nam đang ở đâu.
Nhưng thời gian mới là cái làm tôi kinh ngạc. Thử điểm qua các mốc thời gian quan trọng theo thông tin từ Bộ KHCN:
• Đề tài nghiên cứu được phê chuẩn vào tháng 2/2020, và dự tính đến tháng 10/2021 thì xong.
• Cuối tháng 2/2020 (tức chỉ 8 tháng sau khi đề tài được phê duyệt) thì nhóm nghiên cứu đã có dữ liệu nộp cho một tập san y khoa!
• Ngày 3/3/2020, 100% thành viên (8/8) Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia đồng ý thông qua kết quả nghiên cứu, và "nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất."
• Ngày 5/3/2020 Bộ KHCN họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm Real-time RT-PCR one step phát hiện virus corona chủng mới.
Làm nghiên cứu để sáng chế ra một cái test kit mới mà nhanh như vậy thì quả là xưa nay hiếm. Làm nghiên cứu loại này đòi hỏi phải làm ra các chất liệu như primers, probe, beads, v.v. và tốn rất nhiều thời gian. Tôi không thể hiểu nổi làm sao mà họ có thể làm nhanh thế. Hay là người ta đã có sẵn một cái assay nào đó, rồi chỉ 'pha chế' cho ra cái assay mới?
Tuy chưa biết làm nghiên cứu ra sao, nhưng chỉ đọc qua bài báo là thấy nhiều vấn đề. Có nhiều vấn đề rất sơ đẳng mà đáng lí ra bất cứ nhà khoa học có kinh nghiệm nào cũng biết, nên nói ra thì kì quá (nên tôi không nói). Ví dụ như họ làm nghiên cứu trên vài chục người mà trong đó một số là 'nghi ngờ' bị Covid. Nhóm chứng mà bao gồm những người 'nghi ngờ' nhiễm thì 'chứng' cái gì. Một sai lầm rất cơ bản trong thiết kế thí nghiệm.
Theo một thông tin từ báo phổ thông (vì chưa thấy nhóm nghiên cứu chẳng công bố) thì 'sản phẩm' của đề tài nghiên cứu là 6 bài báo khoa học. Trong số này, có 1 bài trên tập san quốc tế (ý nói J Med Virol), một bài tiếng Anh trên một tập san nào đó ở Á châu, và còn lại là đăng trong nước. Học viện Quân y tự đánh giá là hoàn thành xuất sắc!
Thật khó tưởng tượng khi ngân sách cho một công trình như thế lên đến gần 20 tỉ đồng! Chưa thấy một bài báo khoa học nào trên tập san có uy tín. Nếu là nghiên cứu quan trọng và có kết quả tốt thì chẳng ai công bố trên mấy tập san làng nhàng cả.
Lại thêm một nguồn tin khác, kết quả nghiên cứu đã được gởi đến tập san Virology, và "Tạp chí này đã gửi nghiên cứu đến WHO, tổ chức này lập tức liên hệ với Học viện Quân y xin phép chia sẻ nghiên cứu tới các phòng thí nghiệm khác."
Nếu đúng thế thì tập san này làm việc không đúng với qui ước ethics khoa học. Tập san khoa học không có quyền gởi bản thảo bài báo đến bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, vì đó là qui định về bảo mật và tác quyền.
Vậy mà theo sau đó là những 'tung hứng' quá đà nhưng rất tiêu biểu Việt Nam. Báo chí tung hứng thì còn hiểu được (vì họ bán báo) nhưng giới khoa học mà dùng những cách nói thậm xưng là rất kì cục. Cái thông báo rằng cái kit 'Made in Vietnam' đã được WHO và Bộ Y tế Anh chấp thận. Những giải thích về 'hiểu lầm' sau đó của Bộ KHCN chỉ càng làm cho công chúng không thuyết phục.
Tôi nghĩ nếu nhà chức trách có thật tâm làm một cái gì đó để tạo tiền đề cho cải cách khoa học, thì họ nên có một uỷ ban độc lập được trao quyền thẩm định lại qui trình tài trợ, nghiên cứu, sản phẩm chuyển giao, và công bố khoa học.
____
[1] https://dantri.com.vn/.../kit-test-viet-a-ra-doi-va-gay...
Không có nhận xét nào