Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 23 tháng 6 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Chính quyền Myanmar chuyển phiên tòa xét xử bà Suu Kyi đến nhà tù 

    22/6/2022 

    Reuters 

    Những người biểu tình Myanmar đòi chính quyền quân đội trả tự do cho bà Suu Kyi.

    Những người biểu tình Myanmar đòi chính quyền quân đội trả tự do cho bà Suu Kyi. 

    Nhà cầm quyền quân sự Myanmar không giải thích gì về lệnh chuyển tất cả các thủ tục pháp lý chống lại nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi từ phòng xử án đến nhà tù, một nguồn tin am tường vụ án của bà cho biết hôm thứ Tư (22/6).

    Khôi nguyên Nobel Hoà Bình, bà Suu Kyi, người vừa bước sang tuổi 77 hôm Chủ nhật, đã bị buộc tội với ít nhất 20 tội danh kể từ khi bà bị lật đổ trong cuộc đảo chính hồi đầu năm ngoái, trong đó có nhiều tội danh tham nhũng.

    Lãnh đạo chính quyền quân nhân, Min Aung Hlaing, đã cho phép bà Suu Kyi tiếp tục bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ ở thủ đô Naypyitaw, mặc dù bà bị kết tội kích động và một số tội nhẹ.

    Bà Suu Kyi phủ nhận mọi cáo buộc.

    Nguồn tin giấu tên do tính nhạy cảm của phiên tòa cho biết các phiên xét xử sẽ được chuyển sang một tòa án đặc biệt mới trong nhà tù ở Naypyitaw.

    “Thẩm phán tuyên bố rằng một tòa nhà mới làm tòa án đã hoàn thiện”, nguồn tin cho biết thêm.

    Hội đồng quân sự cầm quyền không đưa ra bình luận ngay lập tức với Reuters.

    Các thủ tục ra tòa trong vụ án của bà Suu Kyi diễn ra sau cánh cửa đóng kín với thông tin rất hạn chế được truyền thông nhà nước đưa ra. Lệnh bịt miệng đã được áp dụng đối với các luật sư của bà, những người duy nhất được tiếp cận bà trong những ngày xét xử.

    Không rõ bà Suu Kyi biết được bao nhiêu về cuộc khủng hoảng ở đất nước bà, vốn đã trở nên hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính, với việc quân đội đang vật lộn để củng cố quyền lực và đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng từ các nhóm dân quân.

    Các nước phương Tây gọi đây là những phiên toà nguỵ tạo và yêu cầu trả tự do cho bà. Quân đội nói bà đang được xét xử theo thủ tục pháp lý bởi một cơ quan tư pháp độc lập.

    Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh để chính thức cấp quy chế ứng viên cho Ukraina

    23/6/2022

    Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (T), tổng thống Pháp Emmanuel Macron (G) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, đến dự thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles ngày 23/06/2022. AP - Geert Vanden Wijngaert 

    Hôm nay, 23/06/2022, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles và trên nguyên tắc sẽ nhất trí thông qua quyết định chính thức cấp quy chế ứng viên gia nhập Liên Âu cho Ukraina, hiện đang bị Nga xâm lược, cũng như cho nước láng giềng Moldova. 

    Phát biểu khi vừa đến thượng đỉnh Bruxelles, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tuyên bố quyết định cấp quy chế ứng viên cho Ukraina và Moldova sẽ là “một thời điểm lịch sử” đối với Liên Hiệp Châu Âu. 

    Ngay từ hôm qua, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi các lãnh đạo châu Âu nên “chứng tỏ xứng đáng với tầm mức” bằng cách trao quy chế ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cho Ukraina và Moldova. Vào tuần trước, Ủy Ban Châu Âu đã có ý kiến thuận cho việc cấp quy chế ứng viên cho hai nước nói trên, kèm theo các điều kiện về việc tiếp tục các cải tổ.

    Sau khi được cấp quy chế ứng viên, trước hết Ukraina và Moldova phải tiến hành các cải tổ về chống tham nhũng và bảo đảm tính độc lập của ngành tư pháp. 

    Theo một nhà ngoại giao châu Âu được hãng tin AFP trích dẫn, “đây sẽ là một quyết định mang tính biểu tượng rất quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là Ukraina sẽ được thâu nhận vào Liên Hiệp Châu Âu trong vòng một năm, tôi hy vọng là người dân Ukraina đừng quá ảo tưởng”. 

    Đối với nhà chính trị học người Bỉ Hendrik Vos, “rất khó mà nghĩ đến viện mở rộng Liên Âu sang Ukraina khi mà quốc gia này vẫn đang có chiến tranh. Trước khi mở các cuộc thương lượng về việc Ukraina gia nhập Liên Âu, phải giải quyết cuộc xung đột này bằng một hình thức nào đó”. 

    Một số chuyên gia lo ngại những tác động về an ninh, vì cuộc xung đột ngay sát cửa Liên Âu có thể “kéo dài nhiều năm” theo dự đoán của khối NATO và 20% lãnh thổ Ukraina hiện vẫn do Nga kiểm soát. 

    Mặt khác, theo nhà sử học Hà Lan, Luuk van Middelaar, “nếu Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu mà chưa phải là thành viên của NATO, nguy cơ chiến tranh trong tương lai giữa Liên Âu và Nga sẽ gia tăng đáng kể.” 

    Về phần thủ tướng Đức Olaf Scholz, hôm qua ông đã kêu gọi thiết lập “một kế hoạch Marshall” (kế hoạch tái thiết châu Âu sau Đệ Nhị Thế Chiến) cho Ukraina, vì theo ông, việc tái thiết quốc gia này sẽ tốn “hàng tỷ đôla” và kéo dài “nhiều thế hệ”.

    Nga chuyển hướng thương mại và dầu mỏ sang các nước BRICS 

    23/6/2022 

    Reuters 

    Tổng thống Nga Vladimir Putin.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

    Tổng thống Vladimir Putin ngày 22/6 tuyên bố Nga đang trong quá trình chuyển hướng thương mại và xuất khẩu dầu sang các nước thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS sau các chế tài của phương Tây vì cuộc chiến ở Ukraine.

    Các quốc gia trong BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

    Phương Tây đã áp đặt các chế tài sâu rộng lên Nga, bao gồm hạn chế nhập khẩu dầu của nước này, sau khi Điện Kremlin đưa quân vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2.

    Để vượt qua các lệnh trừng phạt, Nga đang cố gắng tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với châu Á, tìm cách thay thế các thị trường mà nước này đã liên tiếp mất tại Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ.

    Trong một video phát biểu trước Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS, ông Putin cho biết Nga đang thảo luận về việc tăng cường sự hiện diện của ô tô Trung Quốc trên thị trường Nga cũng như việc mở các chuỗi siêu thị của Ấn Độ.

    “Ngược lại, sự hiện diện của Nga ở các nước BRICS ngày càng tăng. Đã có sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ.”

    Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bắc Kinh nhập khẩu dầu thô từ Nga tăng 55% so với một năm trước đó lên mức kỷ lục vào tháng 5. Nga thế Ả Rập Saudi trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc, khi các nhà máy lọc dầu thu lợi nhuận từ nguồn cung giảm giá.

    Ông Putin cũng nói Nga đang phát triển các cơ chế thay thế cho các dàn xếp tài chính quốc tế cùng với các đối tác BRICS.

    “Hệ thống Tin nhắn Tài chính của Nga mở ngỏ để kết nối với các ngân hàng của các nước BRICS. Hệ thống thanh toán MIR của Nga đang mở rộng sự hiện diện của mình. Chúng tôi đang thăm dò khả năng tạo ra một loại tiền tệ dự trữ quốc tế dựa trên rổ tiền tệ BRICS,” ông Putin tuyên bố.

    Biden đề nghị ngừng thu thuế xăng dầu để kéo giá xuống

    Bình Phương

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1241460101.jpg

    Tại Tòa Bạch Ốc sáng 22 tháng Sáu, Tổng thống Joe Biden kêu gọi Quốc Hội chấp thuận đề nghị tạm ngưng thu thuế xăng dầu trong ba tháng để kéo giá xăng xuống. Ảnh Drew Angerer/Getty Images. 

    Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư 22 tháng Sáu kêu gọi Quốc Hội tạm ngừng thu thuế liên bang đối với xăng và dầu diesel trong ba tháng và thúc giục các tiểu bang làm điều tương tự nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với người tiêu thụ khi giá xăng dầu tăng lên mức kỷ lục. Nhưng đề nghị của ông Biden bị hoài nghi và phản đối từ nhiều phía.

    “Hôm nay tôi kêu gọi Quốc Hội đình chỉ việc thu thuế xăng dầu của Liên bang trong 90 ngày tới, qua mùa hè bận rộn, mùa du lịch bận rộn”, ông Biden nói sáng ngày hôm thứ Tư.

    Vào lúc ông phát biểu, giá xăng trung bình ở Mỹ là $4.95/gallon sau khi vượt quá mức $5/gallon trong tuần trước. Trong mức giá này, tiền thuế liên bang chiếm khoảng $0.184/gallon ($0.244 đối với dầu diesel); tiền thuế của tiểu bang trung bình là $0.30/gallon. Nếu bãi bỏ hoàn toàn các khoản thuế, người Mỹ sẽ tiết kiệm được khoảng 3.6% tiền mua xăng, một mức tiết kiệm mà nhiều nhà kinh tế học và thành viên Quốc Hội nói rằng không đáng kể, thậm chí lãng phí.

    “Tôi hoàn toàn hiểu rằng chỉ tạm ngưng thế xăng thôi sẽ không giải quyết được vấn đề nhưng nó sẽ cung cấp cho các gia đình một chút đỡ đần, sẽ dễ thở một chút trong khi chúng ta tiếp tục làm việc để kéo giá xuống trong dài hạn”, ông Biden nói.

    Trong khi hành pháp và một số nghị sĩ Dân Chủ đã thảo luận nhiều tháng qua về giảm thuế xăng, thì những người Cộng Hòa chống đối và cáo buộc chính quyền làm hại ngành công nghiệp năng lượng. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Kentucky), lãnh đạo khối Cộng Hòa thiểu số tại Thượng Viện, gọi đề nghị mới của ông Biden là “ngu xuẩn”.

    Những người phản đối khác nghi ngờ tính hiệu quả của đề nghị ngừng thu thuế xăng dầu và cho rằng đấy chỉ là một cố gắng tuyệt vọng của Tòa Bạch Ốc và đảng Dân Chủ để chứng tỏ họ quan tâm tới nỗi đau khổ về tài chính của người dân trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng Mười Một tới. 

    Năm nay giá xăng dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm do cuộc xâm lược của ông Putin ở Ukraine, các biện pháp cấm vận kinh tế Nga và sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của người Mỹ sau đại dịch. Tòa Bạch Ốc đã cố gắng đổ lỗi cho Nga gây ra tình trạng giá cả gia tăng nhưng không xoa dịu được nỗi lo lắng của người Mỹ.

    Chính quyền Biden đã cố gắng giải quyết tình hình nhưng hầu như không thành công vì đây là một vấn đề toàn cầu. Ông Biden đã hai lần cho xả kho dầu dự trữ chiến lược để tăng nguồn cung dầu cho các nhà máy lọc, đình chỉ một lệnh cấm bán xăng có pha ethanol trong mùa hè bất chấp sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường. Sắp tới ông sẽ bay sang Saudi Arabia để vận động gia tăng sản lượng dầu thô dù ông vẫn coi nước này là “kẻ bị xa lánh” (pariah state) vì độc tài và thành tích nhân quyền bất hảo. Gần đây nhất, ông Biden đã phê phán các công ty năng lượng Mỹ trục lợi, đẩy giá xăng dầu lên cao, đồng thời kêu gọi họ tăng lượng xăng dầu cung cấp ra thị trường.

    Đảng Cộng Hòa thì tập trung lợi dụng tình trạng giá cả leo thang để lên án chính quyền của đảng Dân Chủ, mong tìm lợi thế trong cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới.

    Thuế xăng dầu đóng góp phần lớn cho ngân sách liên bang dùng trong việc bảo dưỡng đường sá ở Mỹ; năm 2019 khoản thuế này là $36.5 tỷ. Việc ngừng thu thuế trong ba tháng, làm cho liên bang thất thu khoảng $10 tỷ, và có thể ảnh hưởng xấu tới công việc này. Ông Biden thừa nhận thực tế đó nhưng ông trấn an rằng chính quyền liên bang có đủ nguồn lực để duy trì đường sá, cầu cống mà không phải dựa nhiều vào thuế xăng dầu.

    Tuy cho rằng việc ngưng thu thuế xăng dầu không phải là giải pháp tốt nhưng những người phê phán đề nghị của ông Biden cũng thừa nhận đây là việc cần làm và có tác dụng trấn an dân chúng. Đã có một số tiểu bang ban hành và thực thi việc miễn thuế xăng dầu trong lãnh thổ của họ là Maryland, Georgia và Connecticut; tiểu bang New York đã ngừng thu thuế xăng dầu từ đầu tháng này, còn Florida sẽ thực hiện từ tháng Mười.

    BRICS họp thượng đỉnh online

    Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay sẽ khai mạc vào thứ Năm trong hoàn cảnh khó xử. Lãnh đạo các thành viên chính của nhóm — Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga — đã họp thường niên kể từ năm 2009 (Nam Phi chỉ tham gia năm 2010) để thảo luận các vấn đề nổi trội của họ. Cuộc họp trực tuyến kéo dài hai ngày của năm nay, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, sẽ diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc chiến mà người đồng cấp Nga của ông, Vladimir Putin, đang tiến hành ở Ukraine.

    Ông Tập muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh để đưa các nền kinh tế lớn mới nổi xích lại gần với Trung Quốc hơn – và chống lại phương Tây. Họ thậm chí xem xét việc mở rộng nhóm, khi Argentina và Saudi Arabia cũng được mời dự họp. Vấn đề Ukraine dĩ nhiên sẽ không được nhắc đến. Và Ấn Độ khả năng cao sẽ không gửi đi các thông điệp chống Mỹ một cách công khai (mặc dù họ thèm muốn vũ khí và dầu mỏ Nga). Với chi phí do chiến tranh khổng lồ trên toàn cầu, ông Tập có thể gặp khó khăn trong nỗ lực đoàn kết nhóm.

    EU họp bàn tư cách ứng viên gia nhập của Ukraine và Moldova

    Một hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo quốc gia thuộc EU, dự kiến ​​sẽ cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên của khối. Đây là bước đầu tiên trên con đường dài trở thành thành viên. Moldova, quốc gia có chính phủ cải cách thường xuyên bị Nga đe dọa, nhiều khả năng cũng sẽ được trao tư cách ứng cử viên, trong khi Georgia được yêu cầu đáp ứng nhiều điều kiện hơn.

    Sẽ không có nhiều tin vui cho bốn nước tây Balkan. Albania, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia đều muốn gia nhập EU nhưng bị trì hoãn suốt nhiều năm qua. (Bắc Macedonia bị phản đối bởi Bulgaria; dù Pháp đứng ra làm trung gian, cuộc khủng hoảng chính phủ ở Sofia đã khiến mọi thứ trở nên mông lung.) Các thành viên EU sẽ thảo luận về việc cấp một số lợi ích cho tư cách thành viên, chẳng hạn như du lịch miễn thị thực, trong quá trình gia nhập khối và, đối với các nước khác, một số hình thức liên kết châu Âu lỏng lẻo hơn. Đến thứ Sáu, hội đồng sẽ giải quyết một vấn đề thậm chí còn lớn hơn: nền kinh tế đang gặp khó khăn của lục địa.

    WHO xem xét tuyên bố đậu mùa khỉ là mối quan ngại toàn cầu

    Các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao bệnh đậu mùa khỉ, một loại virus gây ra các triệu chứng tương tự thủy đậu — sốt, kiệt sức và mụn mủ — lại lan nhanh đến vậy. Thông thường bệnh này chỉ giới hạn ở các vùng của châu Phi. Nhưng năm nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định được 2.103 ca nhiễm ở 42 quốc gia. (Một trường hợp tử vong được ghi nhận cho đến nay là ở Nigeria.) WHO sẽ họp vào thứ Năm để quyết định xem có nên phân loại dịch bệnh đậu mùa khỉ là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại ở quy mô toàn cầu” (PHEIC) hay không, một chỉ định cho tới nay chỉ áp dụng cho covid-19 và bại liệt.

    PHEIC là một chỉ định kỹ thuật áp dụng cho các “sự kiện bất thường” được xác định là tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng thông qua lây nhiễm xuyên biên giới. Nếu WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là PHEIC, tổ chức này cũng sẽ đưa ra khuyến nghị về cách các chính phủ nên xử lý cụm dịch. Nguồn cung vắc-xin đậu mùa hạn chế của thế giới, với khả năng bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa khỉ, có thể sẽ hữu ích. Dĩ nhiên quá trình phân phối sẽ cần có sự hợp tác quốc tế. Nhưng nó có thể dễ dàng hơn vắc-xin covid vì nhu cầu không lớn bằng.

    Khảo sát chất lượng sống đô thị của The Economist

    Chất lượng cuộc sống ở các thành phố trên thế giới đang được cải thiện. Hàng năm EIU, bộ phận nghiên cứu và phân tích của The Economist Group, biên soạn một chỉ số về “mức độ đáng sống” ở các đô thị. Điểm trung bình cho năm 2022 là 73,6, tăng hơn bốn điểm so với năm 2021.

    Chỉ số của EIU xếp hạng mức độ đáng sống dựa trên các yếu tố như sự ổn định, y tế, văn hóa, môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Các thành phố phương Tây đã thể hiện khá tốt, sau khi dỡ bỏ hầu hết các hạn chế covid nhờ triển khai vắc-xin thành công. Vienna tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng, lần thứ ba kể từ năm 2018, trong khi năm thành phố khác của châu Âu lọt vào top 10 cùng ba thành phố của Canada.

    Có những ngoại lệ đáng chú ý. Mọi thành phố ở Trung Quốc đều tụt hạng. Và cuộc chiến ở Ukraine tạo ra nhiều thay đổi. EIU đã phải hoãn khảo sát ở Kyiv khi giao tranh nổ ra, trong khi cuộc sống ở các thành phố Nga trở nên khó khăn hơn vì môi trường chính trị đè nén — cũng như các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.

    Hai cuộc bầu cử bổ sung đầy thách thức cho đảng Bảo thủ Anh

    Đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh đứng trước hai cuộc bầu cử bổ sung cho nghị viện vào thứ Năm tuần này. Đây sẽ là bài kiểm tra mức độ ủng hộ đối với thủ tướng Boris Johnson, ở hai khu vực bầu cử rất khác nhau.

    Cả hai diễn ra theo cách tệ nhất cho đảng của ông. Tại Wakefield, một thành phố miền bắc nước Anh, nơi phe Bảo thủ dẫn trước Công đảng 3.358 phiếu trong cuộc bầu cử gần nhất, nghị sĩ tiền nhiệm đã bị kết tội tấn công tình dục một trẻ em vào năm 2008. Còn ở Tiverton và Honiton, một khu vực bầu cử nông thôn rộng lớn ở tây nam đất nước, thế đa số 24.239 phiếu đang bị đảng Dân chủ Tự do đe dọa. Tại đây, bầu cử được kích hoạt sau khi nghị sĩ Bảo thủ thừa nhận đã xem nội dung khiêu dâm khi làm việc tại Hạ viện. Các cuộc bầu cử phụ sẽ cho thấy liệu cử tri có sẵn sàng tha thứ hai vụ bê bối này hay không, bên cạnh “Partygate” của ông Johnson, trong đó ông bị phạt vì vi phạm quy tắc phong tỏa – cũng như tình trạng kinh tế khó khăn hiện tại.

    Động đất ở Afghanistan, ít nhất 1.000 người chết, dự kiến ​​số tử vong tăng thêm 

    23/6/2022 

    Reuters 

    Hiện trường động đất ở Paktika, miền đông Afghanistan, vào ngày 22/6/2022. (Bakhtar News Agency via AP)

    Hiện trường động đất ở Paktika, miền đông Afghanistan, vào ngày 22/6/2022. (Bakhtar News Agency via AP) 

    Số người chết do trận động đất ở Afghanistan hôm thứ Tư (22/6) đã lên đến 1.000 người, các quan chức quản lý thảm họa cho biết, với hơn 600 người bị thương và con số dự kiến sẽ tăng lên khi thông tin từ các làng mạc vùng núi hẻo lánh được cập nhật.

    Những tấm ảnh trên truyền thông Afghanistan cho thấy nhiều ngôi nhà trở thành đống đổ nát và những thi thể được quấn trong chăn nằm trên mặt đất.

    Theo quan chức Bộ Nội vụ Salahuddin Ayubi, trực thăng đã được triển khai trong nỗ lực cứu hộ để tiếp cận những người bị thương và vận chuyển nguồn cung cấp y tế và thực phẩm.

    “Số người chết có thể sẽ tăng lên do một số ngôi làng ở vùng sâu vùng xa trên núi và phải mất một thời gian để thu thập thông tin chi tiết”, ông nói.

    Trận động đất hôm thứ Tư là trận động đất chết chóc nhất ở Afghanistan kể từ năm 2002. Nó xảy ra cách thành phố Khost, gần biên giới với Pakistan, khoảng 44 km về phía đông nam, gần biên giới với Pakistan, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGC) cho biết.

    Các quan chức quản lý thảm họa nói có ít nhất 1.000 người chết và 600 người bị thương. Tuy nhiên, các quan chức địa phương lại đưa ra số người bị thương cao hơn.

    “1.000 người chết, 1.500 người bị thương và con số này có thể tăng lên, nhiều gia đình đã mất tích. Những người bị thương đã được đưa đến Kabul và Gardez”, Mohammad Amin Hozaifa, giám đốc văn hóa và thông tin của Paktika, nói với Reuters.

    Ông Ayubi cho biết thêm rằng hầu hết những người chết đã được xác nhận là ở tỉnh Paktika, nơi có 255 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

    Tại tỉnh Khost, 25 người chết và 90 người đã được đưa đến bệnh viện.

    Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh tối cao của Taliban cầm quyền, đã gửi lời chia buồn trong một tuyên bố.

    Theo Reuters, việc tổ chức một chiến dịch giải cứu sẽ là một kiểm nghiệm thử thách lớn đối với Taliban, những người đã tiếp quản đất nước vào tháng 8 năm ngoái và đã bị cắt khỏi nhiều hỗ trợ quốc tế vì các lệnh trừng phạt.

    Thảm họa xảy ra khi Afghanistan đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng kể từ khi Taliban lên nắm quyền khi các lực lượng quốc tế do Mỹ dẫn đầu rút lui sau hai thập niên chiến tranh.

    Để đối phó với việc Taliban chiếm quyền tiếp quản, nhiều quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực ngân hàng của Afghanistan và cắt giảm hàng tỷ USD viện trợ phát triển.

    Tuy nhiên, các cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc vẫn viện trợ nhân đạo cho Afghanistan.

    Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của LHQ (UNOCHA) cho biết Afghanistan đã yêu cầu các cơ quan nhân đạo hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ và các đội đang được cử đến khu vực bị động đất.

    Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết Taliban hoan nghênh sự giúp đỡ của quốc tế. Nước láng giềng Pakistan cho biết họ đang nỗ lực để mở rộng hỗ trợ.


    Không có nhận xét nào