Võ Thái Hà tổng hợp
Nga phóng hỏa tiễn vào Kyiv, “làm nhục” các nguyên thủ G7
Một khu chung cư tại quận Shevchenkivskiy của thủ đô Kyiv của Ukraine bị hỏa tiễn tầm xa của Nga đánh trúng vào sáng Chủ Nhật 26 tháng Sáu 2022. Ảnh Maxym Marusenko/NurPhoto via Getty Images
Thời gian yên bình của thủ đô Ukraine bị chấm dứt vào sáng Chủ Nhật 26 Tháng Sáu sau khi Nga bắn 14 hỏa tiễn tầm xa vào Kyiv và vùng phụ cận trong một hành động phô trương sức mạnh vào lúc nguyên thủ nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) mở hội nghị thượng đỉnh hàng năm tại Đức với chủ đề tăng hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.
Đô trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết hỏa tiễn đã bắn trúng ít nhất hai tòa chung cư, còn Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết một người đàn ông 37 tuổi bị thiệt mạng, con gái bảy tuổi và vợ của ông ta bị thương. Cuộc tấn công cũng làm hư hại một trường mẫu giáo gần đó, để lại một miệng hố lớn
Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ignat cho biết, hỏa tiễn của Nga là tên lửa hành trình Kh-101 được bắn từ chiến đấu cơ trên Biển Caspi, cách đó hơn 1,500 km (932 dặm).
Đô trưởng Kyiv nói với các nhà báo ông rằng nghĩ cuộc không kích “có thể là một cuộc tấn công mang tính tượng trưng” trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid bắt đầu vào Thứ Ba. Còn Trung tướng hồi hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu nhận xét đây cũng là một tín hiệu cho các nhà lãnh đạo G7 đang gặp nhau tại Đức. “Nga đang nói: ‘Chúng tôi có thể làm điều này [tấn công] suốt ngày. Các người không thể ngăn chặn chúng tôi’,” Người Nga đang làm nhục các nhà lãnh đạo của phương Tây,” Tướng Hodges nói với hãng tin AP. Ông cũng nhận xét rằng Nga có số hỏa tiễn chính xác rất hạn chế và “nếu họ đem chúng ra sử dụng, thì hẳn họ phải có một mục đích đặc biệt”.
Tổng thống Joe Biden đang có mặt tại Đức cho rằng cuộc tấn công hỏa tiễn vào Kyiv thể hiện sự man rợ của người Nga.
Trong bài phát biểu video hằng đêm, Tổng thống Zelenskiy thề sẽ trả thù “tất cả các phi công, nhân viên điều phối, kỹ thuật viên và những người khác thực hiện việc phóng hỏa tiễn vào Ukraine” mà ông gọi là tội phạm chiến tranh. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 giúp đỡ nhiều hơn và nói rằng Ukraine chỉ có thể ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga “nếu chúng tôi có được mọi thứ chúng tôi yêu cầu và vào thời điểm chúng tôi cần – vũ khí, hỗ trợ tài chính và các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.”
Các nhà lãnh đạo G7 được biết sẽ thông báo cấm nhập cảng vàng của Nga – bước mới nhất trong một loạt các bước cấm vận kinh tế quốc tế nhằm gây áp lực và cô lập Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, việc cấm nhập khẩu vàng của Nga thể hiện sự leo thang đáng kể các lệnh trừng phạt. “Vàng là mặt hàng xuất khẩu sinh lợi thứ hai của Nga sau năng lượng, mang về cho Nga khoảng $19 tỷ mỗi năm. Và hầu hết khách hàng là các quốc gia G7. Vì vậy, cấm nhập cảng vàng, không cho Nga khoảng $19 tỷ doanh thu mỗi năm là điều thật đáng kể,” ông Blinken nói với đài CNN.
Trong một diễn biến liên quan, hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Đức cũng quyết định lập một quỹ đầu tư $600 tỷ, gọi là Đối tác Đầu tư và Hạ tầng Toàn cầu (Partnership for Global Infrastructure and Investment), huy động sự đóng góp của các chính phủ và tư nhân để thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở ở các nước nghèo, làm đối trọng với đại dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc mà các nước phương Tây coi là một thứ “bẫy nợ”. Hoa Kỳ dự tính góp $200 tỷ, các nước Âu châu (Anh, Pháp, Đức, Ý) góp $300 tỷ và Nhật Bản và Canada góp $100 tỷ.
Nga có thể sẽ vỡ nợ lần đầu tiên kể từ cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917, do không trả được nợ nước ngoài. Nga có những khoản nợ quốc tế phải trả lãi vào ngày 27 Tháng Năm vừa qua nhưng không trả được, và được “ân hạn” 30 ngày; nếu đến tối Chủ Nhật 26 Tháng Sáu mà Nga vẫn không trả được thì bị coi là vỡ nợ. Nga gọi bất kỳ vụ vỡ nợ nào là giả tạo và nói họ có thừa tiền để trả nợ nhưng các lệnh trừng phạt đã đóng băng dự trữ ngoại tệ của nước này ở nước ngoài.
NATO họp thượng đỉnh
Các lãnh đạo NATO sẽ họp tại Madrid vào thứ Ba cho một hội nghị thượng đỉnh “bước ngoặt.” Họ sẽ bàn luận về “cuộc đại tu lớn nhất khả năng răn đe và phòng thủ tập thể của chúng ta kể từ sau Chiến tranh Lạnh,” theo lời tổng thư ký Jens Stoltenberg.
“Khái niệm chiến lược” mới của NATO xác định Nga là mối đe dọa lớn nhất. Các lãnh đạo sẽ củng cố lực lượng của liên minh bằng cách nhanh chóng chi 2% GDP cho quốc phòng (mục tiêu tối thiểu của NATO), tăng cường lực lượng ở sườn phía đông (một số nhóm chiến đấu đa quốc gia, đặc biệt ở Ba Lan và các nước Baltic, sẽ được mở rộng), chủ động trang bị và tăng cường lực lượng ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Họ cũng sẽ phải tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập.
Và khi NATO tìm cách gia tăng sức ép lên Nga cũng như hỗ trợ Ukraine, thì các lãnh đạo Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc sẽ có mặt để nhắc họ rằng đừng quên Trung Quốc. Chính Trung Quốc đã từng nói tình bạn của họ với Nga là “không có giới hạn.”
Ấn Độ họp bàn mô hình thuế liên bang
Năm năm đã trôi qua kể từ khi Ấn Độ công bố thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), vốn hợp nhất 28 bang của nước này thành một thị trường duy nhất. Đảng Bharatiya Janata cầm quyền luôn coi đây là một ví dụ của “chủ nghĩa liên bang hợp tác.” Nhưng khái niệm này sẽ bị thử thách vào thứ Ba và thứ Tư khi các bộ trưởng tài chính bang và bộ trưởng tài chính liên bang họp tại Hội đồng GST.
Kể từ khi thực hiện GST, chính phủ liên bang do BJP lãnh đạo đã bồi thường cho các bang để đổi lấy chấp nhận từ bỏ quyền thu thuế. Nhưng cơ chế đó sẽ hết hạn vào thứ Năm, và các bang có vị thế tài chính bấp bênh muốn được gia hạn. Nhưng làm vậy tạo áp lực cho ngân sách liên bang. Và mâu thuẫn còn nghiêm trọng hơn ở những bang do các đảng đối lập lãnh đạo. Ít nhất hội đồng cũng nên thống nhất về câu hỏi có nên tăng thuế hay không. Với tình hình lạm phát hiện tại, dĩ nhiên không bộ trưởng nào muốn tăng giá để chọc giận cử tri.
Quốc hội mới của Pháp họp phiên đầu tiên
Các đại biểu mới được bầu của Quốc hội Pháp sẽ họp phiên đầu vào thứ Ba, chỉ hơn một tuần sau khi Emmanuel Macron mất thế đa số. Liên minh trung dung của tổng thống Pháp, Ensemble, vẫn là nhóm lớn nhất trong Quốc hội. Do đó ứng viên cho vị trí chủ tịch quốc hội của họ, Yaël Braun-Pivet, chắc chắn sẽ được bầu, qua đó trở thành nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên trong lịch sử.
Ông Macron đã đề nghị bà Elisabeth Borne, đương kim thủ tướng, thành lập chính phủ mới vào đầu tháng 7. Ông đã loại trừ khả năng hợp tác với Mặt trận Quốc gia cực hữu của Marine Le Pen hay đảng La France Insoumise (tạm dịch: Nước Pháp Bất khuất) cực tả của Jean-Luc Mélenchon, bên đã thắng lớn trong cuộc bầu cử, nhưng để ngỏ khả năng bắt tay với các đảng cánh tả khác. Giờ đây triển vọng hình thành một liên minh chính thức là gần như không thể. Vì vậy ông Macron sẽ phải cố gắng giành sự ủng hộ tạm thời cho từng dự luật một. Do thiếu 44 ghế để đạt đa số, đây sẽ là thử thách khó khăn đối với ông.
Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết rằng :
việc một cựu huấn luyện viên bóng bầu dục trung học cầu nguyện trên sân là quyền tự do ngôn luận được bảo vệ theo hiến pháp, đánh dấu một chiến thắng nữa cho quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo của các nhân viên chính phủ. Được biết, lãnh đạo trường công lập ở bang Washington đã sa thải Joseph Kennedy vì ông quỳ trên sân cầu nguyện sau các trận đấu. Ba thẩm phán theo khuynh hướng tự do phản đối. Họ cho rằng phán quyết của tòa làm xói mòn lằn ranh tách biệt nhà thờ và nhà nước.
Một thẩm phán ở Louisiana :
đã tạm thời chặn “luật kích hoạt” của bang này, qua đó cho phép các phòng khám phá thai tiếp tục được hoạt động, ít nhất là cho đến phiên điều trần vào tháng 7. Trong khi đó luật sư quận New Orleans cũng cho biết nếu luật có hiệu lực, ông sẽ không truy tố các phụ nữ tìm cách phá thai hoặc bác sĩ cung cấp dịch vụ cho họ. Louisiana là một trong 13 tiểu bang có luật kích hoạt một khi Tòa án Tối cao lật phán quyết Roe v Wade.
Mỹ phát hiện thi thể 46 người nhập cư bên trong thùng xe tải
Thi thể của 46 người nhập cư trên một chiếc xe truck tại Texas (ảnh Reuteurs)
Cảnh sát thành phố San Antonio (tiểu bang Texas, Mỹ) đã phát hiện thi thể của 46 người nhập cư tử vong do ngạt trong một chiếc xe tải. Đây là sự cố thảm khốc mới nhất liên quan đến các đường dây buôn người dọc biên giới Mỹ – Mexico, theo hãng tin Reuters.
Chiếc xe tải được tìm thấy bên cạnh đường ray xe lửa ở một khu vực hẻo lánh ngoại ô phía Nam thành phố San Antonio.
Nhiệt độ ở San Antonio (cách biên giới Mexico khoảng 250 km) đã tăng lên mức cao nhất là 39.4 độ C vào hôm thứ Hai 27/6 vừa qua với độ ẩm cao.
Theo Sở Cứu hỏa San Antonio, ít nhất 46 người nhập cư đã thiệt mạng, 16 người khác được đưa đến bệnh viện cấp cứu do bị say nắng và kiệt sức, trong đó có 4 trẻ vị thành niên. Các quan chức cho hay rằng 3 người đã bị bắt giữ sau vụ việc trên.
Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard gọi vụ người nhập cư thiệt mạng do ngạt là “thảm kịch ở Texas”. Nhân viên tòa lãnh sự Mexico đang trên đường đến hiện trường, mặc dù quốc tịch của các nạn nhân chưa được xác nhận.
Trong những tháng gần đây, số người nhập cư vượt biên qua biên giới Mỹ – Mexico đã lên đến mức kỷ lục. Tình trạng này làm dấy lên làn sóng chỉ trích nhằm vào chính sách nhập cư của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trước đó hồi tháng 7/2017, có 10 người nhập cư đã thiệt mạng trong một chiếc xe đầu kéo và được cảnh sát San Antonio phát hiện sau đó trong một bãi đậu xe của Walmart. Người lái xe, James Matthew Bradley, Jr., đã bị kết án tù chung thân một năm sau đó do tham gia vào đường dây buôn người.
Chạy trốn đói nghèo và bạo lực ở Trung Mỹ, nhiều người nhập cư không có giấy tờ tùy thân cuối cùng đã phải trả những khoản tiền mặt khổng lồ cho những kẻ buôn người để đưa họ qua biên giới Mỹ.
Ngoại trưởng Tuvalu không tham dự hội nghị LHQ sau khi Trung Quốc ngăn các đại biểu Đài Loan
Ngoại trưởng Tuvalu Simon Kofe nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại Đài Bắc, Đài Loan hôm 21/11/2019. (Ảnh: Fabian Hamacher/Reuters)
Ngoại trưởng Tuvalu đã rút khỏi Hội nghị Đại dương của Liên Hiệp Quốc hôm 27/06 sau khi Trung Quốc ngăn ba đại biểu Đài Loan tham dự.
Ông Simon Kofe của Tuvalu đã chuyển hướng chuyến bay của mình đến Brisbane, Úc và đi sớm đến Fiji để tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương vào giữa tháng Bảy. Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương có sự tham gia của tất cả các quốc gia Thái Bình Dương, cũng như Úc và New Zealand.
Ba thành viên trong phái đoàn của Tuvalu là công dân Đài Loan. Trung Quốc, quốc gia nằm trong ủy ban ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, đã yêu cầu họ phải bị loại bỏ nếu không phái đoàn sẽ bị cấm tham gia.
Ông Kofe quyết định chính mình và ba người này không tham gia nhưng vẫn khuyến khích Tuvalu có mặt tại Hội nghị, nơi tập trung vào việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển — một mối quan tâm chính của các quốc đảo Thái Bình Dương.
Tuvalu, cùng với Nauru, Palau, và Quần đảo Marshall, vẫn là bốn quốc đảo Thái Bình Dương duy nhất duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Đáp lại vụ việc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao của Bắc Kinh, ông Triệu Lập Kiên, tuyên bố trên hãng thông tấn Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) rằng các đại biểu Đài Loan đã tự “làm mất giá” khi gia nhập phái đoàn của Tuvalu.
Bắc Kinh để mắt đến Thái Bình Dương
Nam Thái Bình Dương vẫn là trọng tâm chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với việc Ngoại trưởng Vương Nghị của chính quyền này bắt đầu chuyến công du đến tám quốc gia hồi tháng Năm để củng cố liên minh với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương có sự giao thiệp thân thiện với Bắc Kinh, bao gồm Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, và Timor-Leste.
Trong khi có nhiều sự chú ý xung quanh thất bại rõ rệt của ông Vương trong việc thuyết phục các quốc gia đó tham gia vào một khối thương mại và an ninh rộng lớn ở Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã cố gắng ký một loạt các thỏa thuận song phương mới để thắt chặt hợp tác. Chi tiết của các giao dịch đó vẫn chưa được công khai.
Trong khi đó, ĐCSTQ có vẻ sẽ tiếp tục nỗ lực giành được Nam Thái Bình Dương và phá vỡ nỗ lực của các quốc gia dân chủ nhằm đẩy lùi bước tiến của mình.
Công ty Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) được biết rằng các bộ trưởng từ 10 quốc gia Thái Bình Dương đã được mời tham dự một cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng Trung Quốc vào ngày 14/07 — cùng ngày Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương tổ chức cuộc họp cuối cùng tại Suva, Fiji.
Diễn đàn đang hành động để duy trì sự thống nhất sau một cuộc tranh cãi ngoại giao hồi đầu tháng Sáu.
Ba lãnh đạo của Micronesia đã bắt đầu chính thức rút khỏi nhóm sau những bất đồng về vai trò lãnh đạo trong Diễn đàn. Sự việc đã được tạm thời giải quyết.
TT Biden ký văn bản chống đánh cá bất hợp pháp, Trung Quốc phản ứng
28/6/2022
Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông.
Hôm 27/6, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký một bản ghi nhớ an ninh quốc gia về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, một phần trong nỗ lực cam kết giúp các nước chống lại các hành vi bị tố giác của các đội tàu đánh cá, bao gồm cả của Trung Quốc, theo Reuters.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố rằng họ cũng sẽ khởi động một liên minh với Canada và Vương quốc Anh để “hành động khẩn cấp” nhằm cải thiện việc theo dõi, kiểm soát và giám sát trong cuộc chiến chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Các quan chức Mỹ tuyên bố sẽ đưa ra các chính sách nhằm chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như một phần của việc tăng cường can dự với khu vực để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Một số quốc gia trong khu vực chỉ trích đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc, cho rằng các tàu này thường xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của họ và gây ra thiệt hại về môi trường cũng như thiệt hại về kinh tế.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Hoa Kỳ nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng bản ghi nhớ đưa ra hướng dẫn cho các cơ quan hướng tới việc “chấm dứt nạn buôn người, bao gồm cả lao động cưỡng bức ... đồng thời thúc đẩy việc sử dụng đại dương an toàn, bền vững”.
Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng, Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ và các cơ quan thực thi khác sẽ tham gia với các đối tác tư nhân và nước ngoài để “điều tra các tàu đánh cá và người điều hành có ý đồ đánh bắt hải sản bằng lao động cưỡng bức”, quan chức này cho biết.
Nỗ lực này không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng quan chức này cho biết Trung Quốc là một trong những nước vi phạm lớn nhất.
Quan chức này cho biết: “CHND Trung Hoa là nước hàng đầu thực hiện hành vi đánh bắt IUU trên toàn thế giới, và đã cản trở sự phát triển của các biện pháp chống đánh bắt IUU và đánh bắt quá mức trong các tổ chức quốc tế”.
Trung Quốc cho biết họ là một quốc gia đánh cá có trách nhiệm đã và đang hợp tác quốc tế để ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp và họ đánh bắt trong các đặc khu kinh tế có liên quan theo các thỏa thuận song phương.
“Lời cáo buộc của Hoa Kỳ là hoàn toàn sai sự thật và chẳng liên quan gì đến việc bảo vệ môi trường biển cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngư nghiệp bền vững”, ông Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết trong một tuyên bố.
Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ cho biết việc đánh bắt bất hợp pháp còn hoành hành lớn hơn nạn cướp biển, là mối đe dọa an ninh hàng hải toàn cầu hàng đầu và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia đang tranh nhau khai thác quá mức.
Liên Hiệp Quốc : Các đại dương đang trong « tình trạng lâm nguy »
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres dự khai mạc Hội nghị Đại dương Liên Hiệp Quốc năm 2022 tại Lisboa, Bồ Đào Nha, ngày 27/6/2022. REUTERS – PEDRO NUNES
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong buổi khai mạc hội nghị quốc tế tại Lisboa ngày 27/06/2022, về bảo tồn hải dương, đã báo động « Chúng ta đang đối mặt với tình trạng lâm nguy của các đại dương ».
Các chính khách, chuyên gia và tổ chức phi chính phủ họp lại trong năm ngày tại thủ đô Bồ Đào Nha nhằm tìm ra giải pháp tránh những « tác động dây chuyền » đang đe dọa môi trường và nhân loại.
Ông Guterres báo động : « Hành tinh bị hâm nóng khiến nhiệt độ đại dương lên đến mức kỷ lục, dẫn đến những cơn bão ngày càng mãnh liệt hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Mực nước biển dâng lên. Các đảo quốc có độ cao thấp bị đe dọa ngập lụt, cũng như nhiều thành phố lớn ở vùng duyên hải trên thế giới ».
Ô nhiễm rác thải nhựa, nạn đánh cá quá mức, độ a-xít tăng lên... : vô số tác động đang đe dọa các đại dương, bao phủ hơn hai phần ba diện tích Trái Đất.
Các thành viên tham gia hội nghị Lisboa thảo luận về những đề nghị nhằm đối phó các đe dọa trên, dưới áp lực của nhiều nhà tranh đấu có mặt tại thủ đô Bồ Đào Nha. Những đề tài tranh luận đa dạng, từ cấm sử dụng túi nhựa cho đến quy định bảo vệ đáy biển trước tham vọng khai thác khoáng sản.
Theo AFP, một liên minh tập hợp gần 100 nước còn dự kiến một biện pháp quan trọng : tuyên bố thành lập các khu bảo tồn biển bao phủ một phần ba bề mặt hành tinh.
Ba tàu hải quân Nga cập cảng Cam Ranh
28/6/2022
Tàu Nga ghé thăm cảng Cam Ranh từ ngày 25 đến 28/6/2022 /Sputnik
Ba tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vừa cập cảng quốc tế Cam Ranh để thực hiện chuyến thăm xã giao tỉnh Khánh Hòa trong ba ngày từ ngày 25 đến 28/6.
Theo báo Quân Đội Nhân Dân, ba tàu này gồm: chiến hạm Nguyên soái Shaposhnikov, tàu hộ vệ Gremyshiy và tàu chở dầu cỡ trung Pechenga do Đại tá Hải quân Anciferov Alexey Vitalievich chỉ huy.
Các hoạt động của chuyến thăm bao gồm đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga và Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực; chào xã giao lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.
Ngoài ra, sĩ quan và thủy thủ Nga còn giao lưu thể thao với cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân và tham quan một số di tích lịch sử văn hóa tại thành phố Nha Trang.
Hãng tin Sputnik của Nga trích lời ông Timur Sadykov, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TPHCM phát biểu khi thăm chiến hạm Nguyên Soái Shaposhnikov rằng: “Chuyến thăm xã giao của Đội tàu Hạm đội Thái Bình Dương Liên bang Nga làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Chào mừng Hạm đội tới thăm Việt Nam. Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều chuyến thăm hơn nữa trong tương lai”.
Cảng Cam Ranh đã từng được Việt Nam cho Nga thuê từ năm 1978 dưới thời Liên Xô nhưng sau đó Nga và Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng thuê này vào năm 2002.
Việt Nam đã phát triển căn cứ Cam Ranh thành cảng quốc tế, nơi tiếp nhận các tàu chiến từ nhiều nước ghé thăm.
Nga cũng là quốc gia bán nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam bao gồm sáu tàu ngầm kilo trị giá hơn hai tỷ đô la và được đậu tại cảng Cam Ranh.
Không có nhận xét nào