Võ Thái Hà tổng hợp
Macron mất đa số tuyệt đối, ảnh hưởng của Pháp trong Liên Âu sẽ suy giảm?
Ông Emmanuel Macron trong cuộc mít tinh vận động tranh cử tổng thống Pháp hôm 02/04/2022 tại Paris. AP - Francois Mori
Gần hai tháng trước, Liên Hiệp Châu Âu đã thở phào nhẹ nhõm khi ông Emmanuel Macron đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, tái đắc cử tổng thống Pháp để tiếp tục hành động vì “một châu Âu mạnh mẽ và đoàn kết” trước những thách thức địa chính trị và khí hậu.
Nhưng kết quả bầu cử Hạ Viện ngày 19/06/2022 lại là “gáo nước lạnh” : Liên minh cầm quyền mất đa số tuyệt đối, số nghị sĩ cực hữu bài châu Âu lại tăng gấp mười. Điều này có thể tác động không nhỏ đến các hồ sơ châu Âu cần được Pháp thông qua, cũng như đến ảnh hưởng của Paris trong khối 27 nước.
Trước tiên, kết quả bầu cử lập pháp phản ánh rõ phần nào sự thiếu tin tưởng của cử tri Pháp đối với tổng thống Macron và gián tiếp “tác động tiêu cực đến sự ảnh hưởng của ông trên quy mô châu Âu”, theo phân tích của giáo sư Thierry Chopin tại Viện Nghiên cứu châu Âu Jacques Delors, khi trả lời hãng tin AFP. Cho dù “các vấn đề về châu Âu vẫn là đặc quyền lớn của tổng thống và ông sẽ vẫn giữ quyền lực quan trọng trong vấn đề này”, nhưng việc thông qua một số văn bản mang tính biểu tượng của Liên Hiệp Châu Âu cần đưa ra biểu quyết ở Nghị Viện có thể trở nên phức tạp, do liên minh cầm quyền không còn đa số tuyệt đối, đặc biệt là với các vấn đề nhạy cảm như kết nạp thành viên mới.
Ngoài ra, vẫn theo ông Thierry Chopin, “nếu chính phủ và tổng thống bị quấy rối, thậm chí là cản trở, trong việc tiến hành những cải tổ cơ cấu mà các đối tác châu Âu trông đợi, thì điều đó có thể gây tác động tiêu cực” cho uy tín chính trị của nguyên thủ quốc gia Pháp.
Tuy nhiên, về hoạt động đối ngoại của ông Macron, nghị sĩ châu Âu người Ý Sandro Gozi cho rằng sẽ “không có sự thay đổi ngay”, nhưng theo ý kiến của giáo sư lịch sử đương đại Paolo Mattera, đại học Roma, hoạt động đó “có khả năng bị suy yếu”.Thực vậy, ông Macron là người ủng hộ châu Âu và được coi là nhà lãnh đạo quan trọng nhất của khối 27 nước kể từ khi thủ tướng Đức Angela Merkel rời chính trường vào cuối năm 2021. Ông cũng là người liên tục đưa ra những sáng kiến để củng cố Liên Hiệp Châu Âu trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc và các đảng dân túy bài châu Âu trỗi dậy.
Thế nhưng, Pháp cũng không tránh được hiện tượng đang xảy ra ở nhiều nước thành viên khác, “nơi mà một số lực lượng có xu hướng chống phá Liên Hiệp Châu Âu từ bên trong”. “Đây cũng là chương trình của bà Marine Le Pen khi bà ứng cử tổng thống”, theo nhận định của Tara Varma, thuộc Cơ quan châu Âu về Quan hệ Quốc tế (ECFR) tại Berlin, “vậy với gần 90 nghị sĩ, liệu hoạt động chống Liên Hiệp Châu Âu có sẽ trở thành trọng tâm của bà Le Pen hay không ?”
Bà Marine Le Pen đã thông báo từ chức chủ tịch đảng, để “toàn tâm toàn ý” vào hoạt động của nhóm nghị sĩ Tập Hợp Dân Tộc (RN) tại Hạ Viện. Các cuộc trao đổi được cho là sẽ rất gay gắt tại Hạ Viện, dù đó là về khả năng xem xét lại các hiệp định châu Âu, hay việc phê chuẩn các hiệp định thương mại, vì bà Le Pen khẳng định đảng RN sẽ là đóng vai trò “đối lập cứng rắn, không nhân nhượng”.
Thực ra, “không một lực lượng đối lập nào nương tay đối với tổng thống về các chủ đề châu Âu”, theo chuyên gia Thierry Chopin, đặc biệt là trong bối cảnh kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu 2024 sắp đến gần. Tuy nhiên, nếu giai đoạn thích ứng trôi qua, không loại trừ khả năng chính phủ có thể hạn chế được thiệt hại như vẫn diễn ra ở nhiều nước châu Âu khác. Một nhà ngoại giao châu Âu nhắc lại, “rất hiếm khi các chính đảng có đa số tuyệt đối ở Hạ Viện, nước Pháp chỉ là đi theo xu hướng chung”, trường hợp gần đây nhất là chính phủ Đức.
Để mất đa số tuyệt đối ở Hạ Viện có lẽ là bài học để “Emmanuel Macron phải đối thoại nhiều hơn với các chính đảng Pháp. Và cũng có thể khiến ông phải đối thoại nhiều hơn với các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu”, vì vẫn theo nhà ngoại giao châu Âu nói trên, “Pháp từng bị chỉ trích không lắng nghe những nước khác, hành động đơn phương và sau đó mới tìm cách tạo đồng thuận”.
LHQ : Tử hình các nhà đối lập ở Miến Điện là tội ác chống nhân loại
21/6/2022
Ảnh tư liệu: Một cuộc biểu tình chống tập đoàn quân sự ngày 01/02/2022, tại Mandalay, đánh dấu một năm cuộc đảo chính quân sự tại Miến Điện . AP
Án tử hình nhắm vào các nhà đối lập chính trị ở Miến Điện có thể cấu thành tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống nhân loại. Đây là nhận định của ông Nicholas Koumjian, người đứng đầu Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện.
Ngày 03/06, tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện thông báo sẽ xử tử 4 người, trong đó có một cựu đảng viên đảng của bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân sự đã bị quân đội Miến Điện lật đổ trong vụ đảo chính ngày 01/02/2021, và một nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng. Đây là những vụ hành quyết tư pháp đầu tiên ở Miến Điện kể từ năm 1990.
Theo AFP, trong một tuyên bố bằng văn bản, Koumjian, lãnh đạo Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, cho biết đang theo dõi chặt chẽ những sự kiện này. Ông viết : « Thông tin đã cho thấy rõ ràng là, theo luật pháp quốc tế, các quyền cơ bản của những người bị kết án trong quá trình tố tụng này đã bị vi phạm một cách trắng trợn ».
Lãnh đạo Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện nhấn mạnh : « Việc áp đặt một bản án tử hình, hoặc thậm chí một thời gian giam giữ, dựa vào một quy trình không đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một phiên tòa công bằng, có thể cấu thành một hoặc nhiều tội ác chống nhân loại hoặc tội ác chiến tranh ».
Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện đã kết án tử hình vài chục nhà đấu tranh chống đảo chính năm 2021, trong khi ở Miến Điện không ai bị hành quyết trong hơn 30 năm qua. Các phán quyết được đưa ra trong khuôn khổ một chiến dịch trấn áp tàn bạo nhắm vào các cuộc đấu tranh chống vụ đảo chính của quân đội.
Tên lửa Himars ‘xuất chiêu’, Nga thương vong nặng nề ở Đảo Rắn
Mỹ tiết lộ rằng 60 binh sĩ Ukraine đã hoàn thành khóa đào tạo về cách sử dụng hệ thống tên lửa “Himars”. (Ảnh: Loma)
Lực lượng vũ trang Ukraina đã tiến hành một cuộc tấn công dữ dội vào Đảo Rắn do Nga chiếm đóng ở phía tây Biển Đen vào sáng sớm ngày 20. Hàng chục vụ nổ đã xảy ra trong khu vực đóng quân của quân đội Nga.
Theo các báo cáo, quân đội Nga đã bị thương vong nặng nề và các nhân chứng đã nhìn thấy những quả tên lửa từ không trung hướng tới đảo. “Kênh 24” của Ukraina đưa tin rằng Hệ thống tên lửa đa năng cơ động cao M142 “Himars” do Mỹ viện trợ có thể được quân đội Ukraina sử dụng lần đầu tiên để phát động cuộc tấn công.
Báo cáo dẫn các nguồn tin tình báo cho biết, cuộc tấn công của Ukraina đã khiến nhiều quân Nga thiệt mạng. Theo các nhân chứng, tên lửa bay về phía Đảo Rắn từ 4 giờ sáng ngày 20, sau đó hàng chục tiếng nổ vang lên.
Theo một số phương tiện truyền thông Ukraina đưa tin, ngay sau cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội Nga trên đảo Rắn, một vụ nổ đã xảy ra ở Odessa, thành phố cảng Biển Đen của Ukraina. Người ta nghi ngờ quân đội Nga trả đũa vụ tấn công đảo Rắn. Tên lửa ở Odessa bị lực lượng phòng không Ukraina bắn hạ.
Liệu “Himars” có đóng góp gì trên chiến trường Nga-Ukraina hay không vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ mới đây tiết lộ rằng 60 binh sĩ Ukraina đã hoàn thành khóa đào tạo về cách sử dụng hệ thống tên lửa “Himars” và những vũ khí này sẽ được đưa vào chiến trường vào cuối tháng.
Hoa Kỳ cho biết “Tên lửa nhiều dẫn đường” do Ukraina phóng có tầm bắn khoảng 70 km. Phía Hoa Kỳ đã đồng ý cung cấp thông tin tình báo về vấn đề này.
Thủ tướng Do Thái xác nhận nước này sẽ giải tán Quốc hội
Thủ tướng Naftali Bennett và Ngoại Trưởng Yair Lapid thông báo tin giải tán quốc hội tại quốc hội Do Thái hôm 20/6/2022. © Ronen Zvulun, Reuters
Thủ tướng Do Thái Naftali Bennett và Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã đồng ý đệ trình dự luật giải tán Quốc hội, chỉ vài tuần trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới đất nước này.
Ông Bennett cũng xác nhận trong tuyên bố, ông Lapid “sẽ sớm đảm nhận chức vụ thủ tướng theo thỏa thuận giữa chúng tôi.”
“Đó không phải là một khoảnh khắc dễ dàng nhưng chúng tôi đã đưa ra quyết định đúng đắn,” ông cho hay.
“Chúng tôi đã làm mọi cách để duy trì chính phủ này. Chúng tôi không để bất kỳ điều gì bị xáo trộn,” thủ tướng tiếp tục. “Chúng tôi không thể để điều đó xảy ra. Vì vậy, chúng tôi quyết định tham gia bầu cử để ngăn chặn điều đó.”
Ngoại trưởng Lapid sẽ giữ chức thủ tướng lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử mới có thể được tổ chức. Ông nêu rõ trong một tuyên bố về kế hoạch của mình: “Chúng tôi cần giải quyết chi phí sinh hoạt, tiến hành chiến dịch chống lại Iran, Hamas và Hezbollah, và chống lại các lực lượng đe dọa biến Israel thành một quốc gia phi dân chủ.”
Sự sụp đổ của chính phủ diễn ra chưa đầy một tháng trước chuyến thăm Do Thái của Tổng thống Mỹ Joe Biden, dự kiến vào ngày 13/7 sắp tới. Theo thỏa thuận giữa hai ông Bennett và Lapid, một khi Knesset bị giải tán và một cuộc bầu cử được tiến hành, ông Lapid sẽ trở thành quyền thủ tướng.
Lãnh đạo phe đối lập và cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu gọi quyết định này là “tin tuyệt vời”, đồng thời bày tỏ rằng ông muốn thành lập một chính phủ quốc gia rộng rãi sau cuộc bầu cử mới.
“Mọi người đều thấy rõ, chính phủ này – thất bại lớn nhất trong lịch sử của Israel, đang ở cuối con đường của mình,” ông Netanyahu nói trong một video trên Twitter. Ông nhận định thêm, chính phủ hiện tại phụ thuộc quá nhiều vào những người ủng hộ “khủng bố”. Nó còn “thờ ơ trước an ninh cá nhân của công dân Israel” và “đẩy chi phí sinh hoạt lên một tầm cao mới”.
Đầu tháng này, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Biden sẽ thăm Do Thái, khu Bờ Tây của Do Thái và Ả Rập Saudi vào tháng 7 sắp tới. Đại sứ Hoa Kỳ tại Israel Tom Nides nói với trang web Axios rằng “Chuyến đi của Biden đến Israel sẽ diễn ra theo kế hoạch” sau thông báo về việc giải tán quốc hội của nước này hôm 20/6.
Minh Ngọc (Theo ET, Reuters)
Chris Patten: Lòng tham của phương Tây khiến chính quyền Tập Cận Bình thuận buồm xuôi gió
Lý Hoài Quất
Nhân dịp ra mắt cuốn sách mới, Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, ông Chris Patten, đã nhận lời phỏng vấn của “The Guardian” và nói thẳng rằng các chính phủ phương Tây mắc sai lầm “vì lòng tham“, khiến chính quyền Tập Cận Bình thuận buồm xuôi gió.
Tháng 7 này đánh dấu kỷ niệm 25 năm chuyển giao chủ quyền Hồng Kông, ông Chris Patten sẽ xuất bản cuốn sách mới vào ngày 21/6 có tựa đề “The Hong Kong Diaries” (Nhật ký Hồng Kông), kể lại những năm tháng làm việc trong Chính phủ Hồng Kông thuộc Anh.
Theo kênh truyền thông trực tuyến Commons của người Hồng Kông ở hải ngoại đưa tin, ông Patten đã đề cập trong cuộc phỏng vấn của mình rằng khi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hứa rằng Hồng Kông sẽ không thay đổi trong 50 năm, ông đã hỏi ngược lại ĐCSTQ: Rốt cuộc có hiểu lối sống vốn có ở Hồng Kông không? Ông nói rằng trong cuốn sách mới, ông đã nói về việc từng cố gắng giải thích cho Bắc Kinh hiểu thế nào là pháp trị, và “50 năm không thay đổi” không phải là “cai trị Hồng Kông theo luật”. Ông Patten nói tiếp, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh chỉ nhìn ông một cách nghi ngờ, khái niệm pháp trị đối với họ mà nói là khó có thể hiểu được, trong mắt ĐCSTQ, Hồng Kông chỉ là một nơi làm giàu cho mọi người.
Ông Patten chỉ ra rằng từ những sự kiện xảy ra trong 10 năm qua, có thể thấy rằng quan niệm chủ nghĩa tự do của tự do thị trường và tự do chính trị đã bị lật đổ, và tình trạng này không chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Ông cũng cho rằng các chính phủ phương Tây đã phạm sai lầm “vì lòng tham”, khiến cho chính quyền Tập Cận Bình “thuận buồm xuôi gió hơn” so với chính quyền Putin, ông lo lắng tình vở kịch này đang tái diễn tại Hồng Kông, từ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đến ông Lý Gia Siêu, “những ngôn từ họ sử dụng chính là những ngôn luận lạnh lùng của chủ nghĩa cộng sản”.
Ông Patten cũng nói về Đức Hồng Y Trần Nhật Quân là giám mục danh dự của Giáo phận Công giáo Hồng Kông và là 1 trong 4 người được ủy thác của “Quỹ Hỗ trợ Nhân đạo 612”, quỹ này đã ngừng hoạt động. Vào ngày 11/5 năm nay, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ 4 người được ủy thác, trong đó có Hồng y Trần Nhật Quân, năm nay 90 tuổi. Cảnh sát cho biết 4 người bị bắt bị tình nghi phạm tội “âm mưu cấu kết với thế lực nước ngoài hoặc thế lực bên ngoài lãnh thổ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, vi phạm Điều 29 của “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”.
Ông Patten nói rằng ông cảm thấy bất an về việc ông Trần Nhật Quân bị bắt. Ông nói, ông quen biết ông Trần Nhật Quân khi ông ở Hồng Kông, ông cho rằng ông Trần Nhật Quân là người sôi nổi, cứng rắn, mục vụ và vui tính, nhưng đây chính là những điều chính quyền Bắc Kinh không ưa.
Ông Patten cũng đề cập rằng vào năm 2017, ông đã nhận lời mời của Hoàng Chi Phong phát biểu trước các sinh viên đang biểu tình. Vào thời điểm đó, ông tin rằng mọi người nên thúc đẩy đàm phán hơn là trực tiếp đòi độc lập, và sau đó có người đã hỏi trong phần vấn đáp: “Chúng tôi đã lắng nghe ông, nhưng nếu ông sai thì làm sao? Giả dụ ĐCSTQ bắt đầu bắt giữ chúng tôi, nhốt chúng tôi vào tù, vậy chuyện gì sẽ xảy ra?”
Vào thời điểm đó, ông Patten đã trả lời bằng cách trích dẫn câu nói nổi tiếng của cựu Tổng thống Nam Phi Mandela “bạn không thể đóng khung vào một tư tưởng” (you can’t lock up an idea). Hồi tưởng lại câu trả lời của mình hồi đó, ông Patten thở dài rằng nếu thời điểm đó câu nói này đã khó thuyết phục sinh viên, vậy thì vào năm 2019, khi cuộc trấn áp bạo lực người biểu tình của lực lượng cảnh sát Hồng Kông xảy ra liên tiếp, thì lại càng khó thuyết phục họ hơn.
Ông Patten là thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, nhiệm kỳ của ông từ ngày 9/7/1992 đến ngày 30/6/1997. Tuy chỉ sống ở Hồng Kông 5 năm nhưng ông được người dân Hồng Kông vô cùng yêu mến. Sau khi rời nhiệm sở, ông Patten vẫn luôn chú ý đến Hồng Kông và liên tiếp lên tiếng cho Hồng Kông.
Vào tháng 7/2020, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC tại Mỹ, ông Patten gọi Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carri Lam) là “một nhân vật kiểu nội gián gây thất vọng rất lớn” (a lamentable quisling figure) trong lịch sử Hồng Kông. Ông chỉ trích bà Lâm vì đã cưỡng chế thúc đẩy việc sửa đổi Dự luật Dẫn độ Hồng Kông, dẫn đến phong trào biểu tình phản đối dự luật.
Ông cũng chỉ trích rằng việc ĐCSTQ thực thi “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” là đang hủy hoại Hồng Kông. Không có gì phải giấu giếm khi nói rằng “ĐCSTQ đã hủy hoại Hồng Kông ngay từ khi bắt đầu (thúc đẩy chuyển giao chủ quyền), và trong vài thập kỷ qua vẫn luôn rất thành công.”
Ông Patten nói rằng Hồng Kông là một trong những thành phố tự do nhất trên thế giới và là một trung tâm tài chính ở châu Á, người Hồng Kông hành động theo cách truyền thống, nhưng ĐCSTQ dùng sự sợ hãi để cai trị đất nước. Ông mô tả, “ĐCSTQ giống như một con mãng xà đang cheo leo trên đèn chùm. Bạn không thể biết khi nào nó sẽ rơi xuống, nhưng bạn nhận thức rõ ràng về mối nguy hiểm mà nó sẽ mang lại.” Đây chính là thủ đoạn mà ĐCSTQ hủy hoại các giá trị như pháp trị, độc lập tư pháp của Hồng Kông một cách toàn diện.
Lý Hoài Quất, Vision Times
TT Biden chưa quyết định bỏ thuế đánh vào hàng Trung Quốc trước hội nghị G7
21/6/2022
Quốc kỳ Hoa Kỳ và quốc kỳ Trung Quốc.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang xem xét loại bỏ thuế quan đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc để kiềm chế lạm phát, nhưng nhiều khả năng là ông sẽ chưa đưa ra quyết định trước hội nghị thượng đỉnh Nhóm G-7 vào tuần tới, các nguồn tin nắm vấn đề này cho Reuters biết.
Các quan chức Nhà Trắng hôm 17/6 đã thảo luận về các phương án với ông Biden để giảm một số loại thuế trừng phạt của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc, bao gồm cả khả năng cắt giảm thuế đáng kể, ba trong số các nguồn tin cho biết. Họ cho biết vẫn chưa có quyết định về phương án cuối cùng nào và mức độ giảm thuế ra sao.
Các cố vấn của ông Biden đang cân nhắc về các mức thuế từ thời ông Trump đối với các mặt hàng Trung Quốc có giá trị hàng trăm tỷ đôla - nhiều mặt hàng mà họ cho rằng thiếu giá trị chiến lược, các nguồn tin cho biết.
Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết mục tiêu là điều chỉnh thuế quan với các ưu tiên kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ, bảo vệ lợi ích của người lao động và các ngành công nghiệp quan trọng, đồng thời không “tăng chi phí một cách không cần thiết đối với người dân Mỹ”.
Sau nhiều tuần tranh luận gay gắt giữa các trợ lý chủ chốt về vấn đề này, Tổng thống Biden đã đi đến ủng hộ hành động nhanh chóng về vấn đề thuế quan, muốn sử dụng bất kỳ đòn bẩy nào để giảm lạm phát đang gia tăng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11 để kiểm soát Quốc hội, hai trong số các nguồn tin nói với Reuters.
Tổng thống Biden nói với các phóng viên hôm 18/6 rằng ông đang trong quá trình ra quyết định.
“Các cuộc thảo luận về vấn đề này đang diễn ra và ngày càng sâu sắc hơn”, một quan chức chính quyền cấp cao nói với Reuters. “Nhưng đây không phải là chuyện chỉ chọn một trong hai, hoặc là dỡ bỏ tất cả các loại thuế quan, hoặc là không. Nó phải có ý nghĩa về mặt chiến lược”.
Bà Margaret Cekuta, một cựu quan chức thương mại Hoa Kỳ, hiện là giám đốc của công ty vận động hành lang Capitol Counsel, cho biết việc nới lỏng thuế quan có thể sẽ có tác động hạn chế đến lạm phát và có thể mất khoảng 8 tháng để có hiệu lực hoàn toàn.
“Về mặt kinh tế, điều đó không có ý nghĩa, nhưng nó có thể giúp chống lại tác động tâm lý của lạm phát cao”, bà nói và nói thêm rằng chính quyền đang cố gắng phân tích dòng thuế nào có thể có tác động lớn nhất đến giá cả.
Khởi động khung hợp tác chống buôn người, di cư trái phép ở Việt Nam
21/6/2022
Logo của UNICEF.
Một số tổ chức quốc tế mới đây đã khởi động một chương trình hợp tác nhằm tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên và năng lực của Việt Nam trong phòng chống mua bán người và đưa người di cư trái phép.
Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật Quốc tế (INL) của Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hôm 14/6 đã công bố khung hợp tác kéo dài 3 năm nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam tăng cường hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên, bảo vệ người chưa thành niên khỏi bị xâm hại, đồng thời nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Todd D. Robinson được UNICEF trích lời phát biểu tại buổi lễ nhân chuyến thăm Việt Nam rằng “INL cùng phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam vinh dự được phối hợp với các đối tác chính phủ Việt Nam, các tổ chức IOM và UNICEF nhằm hỗ trợ thực hiện một dự án hướng tới bảo vệ những thành viên quý giá nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”.
Ông Robinson được dẫn lời nói thêm rằng “bảo vệ trẻ em cũng chính là cách để chúng ta gìn giữ tương lai của chính quốc gia của mình”.
UNICEF dẫn số liệu của chính phủ Việt Nam cho biết rằng năm 2020, số trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác nhau bao gồm bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc chiếm khoảng 5% tổng số trẻ em Việt Nam. Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Công an, trẻ em chiếm khoảng 40% tổng số nạn nhân bị mua bán được xác định trong năm 2021.
Tổ chức của Liên Hợp Quốc cho biết, nhiều bằng chứng trên thế giới cho thấy rằng “những trẻ em cần tiếp cận các cơ chế tư pháp hoặc bảo trợ xã hội cũng chính là nhóm phải đối mặt với nguy cơ bị mua bán và bóc lột cao hơn hẳn” và “vì vậy, nhóm dễ bị tổn thương này phải nhận được sự quan tâm đặc biệt, thậm chí là cấp thiết từ các bên liên quan”.
Theo đánh giá của UNICEF, những tác động về mặt kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra “càng khiến số trẻ em dễ bị tổn thương tăng cao, bao gồm trẻ em trong các gia đình bị mất nguồn sinh kế” và “gia tăng bạo hành và bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình” cũng như “ngày càng nhiều trẻ phải bỏ học để đi làm kiếm tiền hỗ trợ gia đình”.
Tổ chức này nói rằng thực tế các vụ việc xảy ra cũng cho thấy “các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương chính là mục tiêu mà những kẻ mua bán người thường xuyên nhắm đến, không chỉ tại địa phương mà cả trên môi trường mạng”.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF, được dẫn lời nói trong một thông cáo rằng “chúng tôi rất vui mừng với sự hợp tác này nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên”.
Bà cũng được dẫn lời nói thêm rằng “đối với nhiều trẻ em, việc bị lấy lời khai tại cơ quan điều tra hoặc phải ra trước tòa là một trải nghiệm gây sốc”, trong khi “với một số trẻ em khác, kết quả xử lý vụ án lại không phù hợp với lợi ích tốt nhất của các em”.
Theo UNICEF, bà Flowers cho rằng “mặc dù các nguyên tắc cốt lõi đã được quy định rõ ràng trong Công ước về Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác, hệ thống tư pháp không phải lúc nào cũng thân thiện với trẻ em” và rằng “bây giờ chính là lúc để hoàn thành tiến trình này và đảm bảo rằng các nhu cầu đặc biệt và tính dễ bị tổn thương của trẻ em được cân nhắc đầy đủ”.
Tổ chức của Liên Hợp Quốc nói rằng “mặc dù đã có nhiều nỗ lực to lớn trong việc hoàn thiện pháp luật, hiện vẫn chưa có một văn bản luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng biệt và đặc thù” và rằng “vẫn còn những lỗ hổng pháp luật khác cần được giải quyết nhằm nghiêm cấm và trừng trị mọi hình thức xâm hại và bạo lực đối với người chưa thành niên, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và tạo điều kiện cho người chưa thành niên tham gia hiệu quả trong quá trình tố tụng hình sự để đòi hỏi quyền của mình và yêu cầu thực thi công lý”.
UNICEF cho rằng “cần tiếp tục cải cách hệ thống tư pháp người chưa thành niên một cách toàn diện để đảm bảo đầy đủ các quyền của mọi trẻ em và xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện và đặc thù”.
Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam, được dẫn lời nói rằng “việc trang bị cho lực lượng công an, bộ đội biên phòng, thẩm phán, luật sư và cán bộ tòa án những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các thủ tục và biện pháp tư pháp thân thiện và nhạy cảm giới với người chưa thành niên là vô cùng cần thiết”.
Bà nói thêm: “Để đấu tranh phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép đạt hiệu quả cao, việc thể chế hóa và phân bổ đầy đủ các nguồn lực cho bồi dưỡng năng lực cho các lực lượng này sẽ giúp đảm bảo mọi cán bộ tham gia vào công tác này có đủ kỹ năng để áp dụng phương pháp lấy nạn nhân làm trung tâm và hiểu biết về sang chấn tâm lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình”.
IOM và UNICEF cho biết “sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ Việt Nam để triển khai thực hiện các hoạt động dự án”.
Thủ tướng Hun Sen: Tôi không có quyền cho đất Campuchia hay muốn đất của Việt Nam
21/6/2022
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot trên biên giới hai nước hôm 20/6/2022
VGP
Thủ tướng Campuchia có bài phát biểu hôm 20/6/2022 tại biên giới giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Tbong Khmum, Campuchia tại lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của ông Hun Sen.
"Tôi xin khẳng định với nhân dân Campuchia trong và ngoài nước, thông qua báo chí truyền thông và trước mặt ngài Thủ tướng Việt Nam, tôi không có quyền cho Việt Nam đất, dù chỉ một milimet, và tôi cũng không muốn đất Việt Nam dù chỉ một milimet… Việt Nam không có nhu cầu lấy đất của ta, ta cũng không có nhu cầu lấy đất Việt Nam." - mạng báo Chính phủ trích lời ông Hun Sen nói.
Lãnh đạo tối cao của Campuchia trong gần 40 năm bày tỏ thêm rằng, nếu ông muốn cắt đất cho láng giềng thì đã không cần phải bỏ ra thời gian 41 năm để đàm phán và nếu chính phủ Hà Nội muốn đất Campuchia thì đã lấy từ khi còn có quân đội ở Campuchia.
Ông Hun Sen nhắc đến việc hai nước ký xong văn kiện công nhận thành quả 84% phân giới cắm mốc và còn đàm phán về 16% đường biên giới còn lại.
Thủ tướng Campuchia cũng bày tỏ ý định mở cửa khẩu quốc tế ở khu vực giữa tỉnh Tbong Khmum và Bình Phước tuy nhiên chưa thống nhất được giữa hai nước.
Hồi đầu tháng 6, Campuchia khởi công dự án cải tạo Căn cứ Hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, với dự định cho Trung Quốc sử dụng một phần gây lo ngại cho các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam.
Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen sau đó phủ nhận việc cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng độc quyền hoặc phát triển địa điểm này làm căn cứ quân sự.
Không có nhận xét nào