Header Ads

  • Breaking News

    Pierre Antoine Donnet - Trung quốc đe doạ một cuộc chiến tranh tổng lực ở Đài Loan




    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà (Wei Fenghe). (Nguồn: Presswire18)


    Hôm Thứ Bảy tuần này, ngày 11 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe đã đe dọa một cuộc chiến tranh tổng lực ở Đài Loan nếu “hòn đảo nổi loạn” này tuyên bố độc lập. Về phần mình, người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã cáo buộc hoạt động của Trung Quốc gần hòn đảo Formosa cũ là “khiêu khích và gây bất ổn”. Giọng điệu rõ ràng đã được nâng lên giữa hai người đàn ông này, gặp nhau bên lề diễn đàn về an ninh Đối thoại Shangri-La, được tổ chức tại Singapore. Cuộc gặp mặt rất được mong đợi này là tâm điểm chú ý của diễn đàn thường niên vừa mới kết thúc vào hôm Chủ nhật ngày 12 tháng 6.

    “Nếu ai đó dám tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, thì quân đội Trung Quốc sẽ không chần chừ một phút nào để tiến hành một cuộc chiến tranh, bằng bất cứ giá nào”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Wu Qian, đã cảnh báo như trên, khi tường thuật lại lời của Bộ trưởng Nguỵ Phượng Hoà (Wei Fenghe). Người phát ngôn này nói thêm rằng quân đội Trung Quốc sẽ “đập tan thành nghìn mảnh” mọi nỗ lực giành độc lập của hòn đảo.

    “Chúng tôi nhận thấy một sự cưỡng ép ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh,” theo lời đáp trả của Lloyd Austin, người đứng đầu Lầu Năm Góc. Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng liên tục các hoạt động quân sự mang tính khiêu khích và gây bất ổn gần Đài Loan.”

    Hai bộ trưởng đã nói chuyện với nhau qua điện thoại vào tháng 4. Họ đã gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi Lloyd Austin nhậm chức vào đầu năm ngoái, bên lề diễn đàn thường niên về an ninh, Đối thoại Shangri-La, mà Singapore đã phải hủy bỏ các lần tổ chức vào năm 2020 và năm 2021 vì lý do đại dịch.

    Giữa hai siêu cường, đã nảy sinh các điểm bất đồng ngày càng nhiều hơn trong những năm gần đây: vấn đề Biển Đông, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương, chiến tranh ở Ukraina hay thậm chí vấn đề Đài Loan, Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ đầy xáo trộn giữa Bắc Kinh và Washington.

    “HOẠT ĐỘNG NGÀY CÀNG MANG TÍNH GÂY HẤN”

    Trung Quốc coi hòn đảo 24 triệu dân này là một trong những tỉnh mang tính lịch sử của họ, ngay cả khi họ không kiểm soát nó. Bắc Kinh đã gia tăng sức ép chống lại Đài Bắc trong những năm gần đây, liên tục tiến hành các cuộc xâm nhập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan.





    Thái Anh Văn (1956-)


    Chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, đã thường xuyên đe dọa sẽ xâm lược Đài Loan, nếu cần bằng vũ lực, nếu hòn đảo cũ Formosa kiên trì từ chối “tái thống nhất” với Trung Quốc đại lục. Tập Cận Bình đã nhiều lần chỉ rõ rằng sự “tái thống nhất” này nên diễn ra trong thế hệ hiện tại. Nhưng bà Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn [Tsai Ing-wen] đã bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào về “thống nhất” và tuyên bố Đài Loan, trên thực tế [de facto], đã là một quốc gia độc lập và do đó không cần thiết phải chính thức tuyên bố độc lập.

    Vào ngày 30 tháng 5, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc đột nhập lớn thứ hai trong năm, với sự tham gia của 30 máy bay, trong đó có 20 máy bay chiến đấu, vào hòn đảo, theo Đài Bắc. Ngày 23 tháng 1, đã có 39 máy bay xâm nhập vùng ADIZ của hòn đảo. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken coi các cuộc đột nhập đó là dấu hiệu của “một tu từ và hoạt động ngày càng mang tính khiêu khích” từ phía Bắc Kinh.

    Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5, Tổng thống Joe Biden có vẻ như đã phá vỡ chính sách hàng thập kỷ của Mỹ về cái gọi là “sự mập mờ chiến lược” khi trả lời một câu hỏi phỏng vấn, ông đã chỉ ra rằng Washington sẽ bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự trong trường hợp bị Bắc Kinh xâm lược. Kể từ đó, Nhà Trắng luôn nhấn mạnh rằng chính sách về “sự mập mờ chiến lược”, một khái niệm mơ hồ có chủ ý để điều hành chính sách Đài Loan của Washington trong nhiều thập kỷ, vẫn không thay đổi.

    “RĂN ĐE CUỘC XÂM LƯỢC”

    Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đối lập nhau trong việc Nga xâm lược Ukraina, trong đó Washington cáo buộc Bắc Kinh hỗ trợ ngầm cho Moscow. Trung Quốc đã kêu gọi đàm phán để chấm dứt chiến tranh, nhưng không lên án Nga, và đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraina. Trong cuộc điện đàm hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã yêu cầu người đồng cấp Mỹ không “vu khống, lôi kéo, đe dọa hoặc gây áp lực lên Trung Quốc”.

    Biển Đông là một vấn đề căng thẳng khác. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ tuyến đường thủy, tuyến đường giao thương hàng nghìn tỷ đô la mà tàu thuyền đi qua mỗi năm. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với [vùng tranh chấp] có diện tích gần 4 triệu km² này.

    Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế ở The Hague vào năm 2016, khi toà cho rằng những tuyên bố lịch sử của Trung Quốc là vô căn cứ. Trong cuộc gặp với các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á, Lloyd Austin đã nhắc lại chiến lược của Mỹ là “duy trì một môi trường an ninh khu vực cởi mở, bao trùm và dựa trên luật pháp”, theo một thông cáo báo chí từ chính phủ Singapore.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với Nguỵ Phượng Hoà rằng Bắc Kinh nên “tránh” không có bất kỳ hành động gây bất ổn nào khác trong khu vực này, theo Lầu Năm Góc. Lloyd Austin đã “tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển [Đài Loan], phản đối những thay đổi mang tính đơn phương đối với hiện trạng và kêu gọi [Trung Quốc] tránh không có hành động gây bất ổn nào khác đối với Đài Loan”, theo cùng một nguồn tin.

    Người đứng đầu Lầu Năm Góc đã nói thêm rằng Hoa Kỳ có khả năng “ngăn chặn một cuộc xâm lược.” “Chúng tôi tìm kiếm một khu vực không bị xâm lược hoặc bị cưỡng ép và mong đợi một thế giới tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị. Điều này đặc biệt quan trọng với [một nước Trung Quốc] có cách tiếp cận mang tính cưỡng ép và hiếu chiến trong các yêu sách lãnh thổ của họ. Từ nay, bạn bè và đối tác của chúng ta hiểu rằng các nước nhỏ có quyền giải quyết, qua các biện pháp ôn hòa, những bất hoà của họ với các nước láng giềng lớn hơn. Và tôi hiện diện ở đây vì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp cũng quan trọng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng như ở châu Âu.”

    Tuy nhiên, Loyyd Austin đã nói thêm rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc: “Chúng tôi không theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh [mới], một NATO châu Á hay một khu vực bị chia cắt thành các khối thù địch.”

    “CHIẾN TRANH BẤT ĐỐI XỨNG”



    Joseph Wu (1954-)


    Về phía Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu, ông đã giải thích những rủi ro ngày càng tăng của một cuộc xung đột vũ trang ở Đài Loan, tiếp sau cuộc xâm lược Ukraina của Nga được tiến hành vào ngày 24 tháng 2. Khả năng xảy ra chiến tranh ở Đài Loan “là một câu hỏi mà người dân [Đài Loan] đã đặt ra từ lâu rồi, vị Bộ trưởng nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Nikkei Asia của Nhật Bản. Nhưng điều mà tôi cũng hiểu là có rất nhiều bạn bè của chúng tôi trên khắp thế giới cũng đang đặt ra câu hỏi tương tự. Họ quan tâm đến Đài Loan. Họ cũng đang nghiên cứu khả năng Trung Quốc phát động chiến tranh chống lại Đài Loan. Những gì chúng ta đang thấy là cuộc xâm lược Ukraina của Nga. [Một cuộc xâm lược] không bị khiêu khích. Đây là một tình huống quá quắt, hoàn toàn không thể chịu đựng được. Đây là lý do vì sao, đối với người dân Đài Loan, chúng tôi cần hòa nhập với cộng đồng quốc tế, cùng với Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và các nước khác, lên án các hành động của Nga và áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng không có bất kỳ sản phẩm nào của Đài Loan được biến thành vũ khí trong tay của người Nga.”

    Người đứng đầu bộ ngoại giao Đài Loan cho biết thêm, “Ngoài những việc nói trên, chúng tôi cũng đang cố gắng giúp đỡ người Ukraina, đặc biệt những người tị nạn đã định cư ở các nước láng giềng. Và một điều khác nữa mà chúng tôi đã theo dõi sát là cách thức mà người Ukraina đã bảo vệ lãnh thổ của họ. Họ đã bảo vệ đất nước của họ như thế nào. Và vì Đài Loan cũng có thể bị Trung Quốc tấn công, nên không chỉ có chính phủ Đài Loan mà người dân nói chung phải rút kinh nghiệm [từ cuộc chiến ở Ukraina]. Bởi vì những hành động quả cảm của người Ukraina trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc của họ đã mang lại cho chúng ta nhiều bài học […]. Đó là bài học đầu tiên. Chúng tôi tự hỏi để cố gắng tìm hiểu xem chúng tôi có cùng quyết tâm bảo vệ tổ quốc hay không. Tôi tin rằng câu trả lời là có. Tôi nghĩ rằng người dân Đài Loan sẽ quyết tâm hơn để tự vệ trước bất kỳ hình thức xâm lược nào từ Trung Quốc hoặc từ bất kỳ quốc gia nào khác.”

    Joseph Wu nói tiếp: “Chúng tôi nghiên cứu các chiến thuật mà nhân dân Ukraina đã sử dụng trong cuộc chiến chống lại người Nga. Và những gì họ đã làm là vận dụng một cuộc chiến bất đối xứng, có vẻ như rất hiệu quả. Đây là lý do vì sao chúng tôi tự hỏi liệu chúng tôi đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh bất đối xứng hay chưa. Những gì đã xảy ra ở Ukraina là một quốc gia chuyên quyền, dựa vào vinh quang trong lịch sử của họ, để xâm chiếm một quốc gia láng giềng khác. Mà điều đó cũng có nhiều khả năng xảy ra ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn có đủ khả năng để tự vệ, nếu một quốc gia chuyên quyền khác, trong trường hợp này là Trung Quốc, có ý định tấn công một quốc gia khác. Mà khả năng này là rất thực nếu nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông. Họ gửi chiến hạm đến các khu vực mà Nhật Bản và Đài Loan tuyên bố chủ quyền hầu như mỗi ngày. Điều này đã gây ra phản ứng rất mạnh từ phía những người bạn Nhật Bản của chúng tôi. Và nếu quan sát các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, thì đó cũng là một thảm họa: họ yêu sách toàn bộ khu vực.”

    CƯỠNG ÉP

    Theo các nguồn tin phương Tây được tờ Washington Post trích dẫn, có một nguyên nhân khác khiến Hoa Kỳ phải lo ngại là việc xây dựng, một cách hoàn toàn kín đáo, một cảng, vì mục đích sử dụng quân sự, cho hạm đội Trung Quốc tại Ream, ở Campuchia, trong Vịnh Thái Lan. Cảng này sẽ giúp hạm đội Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương. Một buổi lễ khánh thành đã diễn ra trong những ngày gần đây, nhưng cả Bắc Kinh và Phnom Penh đều quyết liệt phủ nhận việc cảng này sẽ được lực lượng Trung Quốc sử dụng. Nếu sự tồn tại của các cơ sở này của Trung Quốc được xác nhận, thì Trung Quốc sẽ có một căn cứ quân sự chiến lược thứ hai, cùng với căn cứ đã có ở Djibouti, thuộc vùng Sừng châu Phi.

    Theo tường thuật của tờ nhật báo Mỹ, trích dẫn một nguồn tin giấu tên, “Chúng tôi cho rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một mảnh ghép quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, những người coi đó là khu vực ảnh hưởng mang tính lịch sử của họ. Họ cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một phần của xu hướng toàn cầu nhằm thiết lập một thế giới đa cực, nơi các cường quốc sẽ có khả năng khẳng định lợi ích của họ một cách tàn bạo nhất đối với những gì mà họ cho là phạm vi ảnh hưởng của họ.”

    Đối với Trung Quốc, họ đang dựa vào thực tế cho rằng khu vực này “chưa sẵn sàng hoặc không có khả năng thách thức các lợi ích sống còn của Trung Quốc”. Đó là lý do vì sao Bắc Kinh sử dụng chính sách kết hợp giữa cưỡng ép, trừng phạt và áp lực về ngoại giao, kinh tế và quân sự để đạt được mục tiêu của họ, do họ tin rằng các biện pháp này sẽ có thể khuất phục các nước khác, tờ Washington Post viết tiếp, trích dẫn cùng nguồn tin giấu tên nói trên: “Về cơ bản, Trung Quốc có ý định trở nên hùng mạnh đến mức khu vực sẽ khuất phục trước quyền lực của họ hơn là đối mặt với hậu quả.”

    Những đe dọa xâm lược Đài Loan của Trung Quốc đã lặp đi lặp lại trong nhiều thập kỷ, nhưng đã trở nên rõ nét hơn đáng kể kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016. Chính quyền Trung Quốc, trên thực tế, đang đối mặt với một thế lưỡng nan: hoặc là từ bỏ ý tưởng xâm lược đảo và, cùng lúc, đánh mất tính chính danh cuối cùng mà họ đã tự đặt ra; hoặc cố gắng tấn công Đài Loan, với nguy cơ thua cuộc trong chiến tranh và sau đó hứng chịu một thất bại chính trị nghiêm trọng ở cấp độ trong nước, và trên hết là một thất bại địa chiến lược ở cấp độ quốc tế.

    Hầu hết giới quan sát Trung Quốc đều tin rằng việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan, trong ngắn hạn và trung hạn, là điều khó có thể xảy ra. Với thời gian càng ít có khả năng này, bởi vì đối mặt với quân đội Trung Quốc, là một liên minh đang được củng cố, đứng đầu là Hoa Kỳ, và còn có cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và đặc biệt là Ấn Độ.

    Pierre-Antoine Donnet

    Thông tin về Tác giả

    Pierre Antoine Donnet






    Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, NXB Editions de l'Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, NXB Gallimard năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Cuốn sách mới nhất của ông là “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, NXB Éditions de l'Aube năm 2021.

    Không có nhận xét nào