Header Ads

  • Breaking News

    Phá thai: Quyền của phụ nữ, đạo đức, luân lý và dữ kiện



    Phản ứng sau TCPV ra phán quyết

    Ngày Thứ Sáu 24/6/2022, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ với số phiếu 6 – 3 đã đưa ra phán quyết nhằm lật ngược vụ Roe kiện Wade năm 1973 ấn định phá thai là quyền của phụ nữ theo luật liên bang Hoa Kỳ đã từ gần 50 năm qua. Phán quyết này cho biết việc ấn định phá thai được trao cho các tiểu bang, mà không phải là của liên bang và hiến pháp Hoa kỳ không đề cập phá thai là quyền của phụ nữ.

    Phán quyết trên gây ra một chấn động lớn lao cho dư luận Hoa Kỳ cũng như trên thế giới.

    Nhiều cuộc biểu tình chống hoặc ủng hộ phán quyết này của TCPV đã và sẽ được tổ chức tại khắp nơi tại Hoa kỳ. Thế giới cũng đang có khuynh hướng phản ứng tương tự.

    Có nhiều hăm dọa đối với mạng sống của các thẩm phán tòa án tối cao. Thị trưởng Chicago chửi ĐM thẩm phán Clarance Thomas. Một số nhà thờ bị hăm dọa đốt phá v.v…

    Người ủng hộ phá thai (Pro Choice) chống phán quyết này nói rằng quyền phá thai của phụ nữ bị tước đi.

    Người chống phá phai ủng hộ phán quyết đã hoan nghinh vì “sinh mạng của thai nhi được cứu sống” và đã ngăn chận làn sóng “sát nhân” khủng khiếp. Họ cho rằng, thay vì phá thai, hãy cho người khác làm con nuôi…

    Nhiều tiểu bang đã áp dụng ngay phán quyết để đưa ra luật cấm phá thai rất gắt gao, nhưng bị phản ứng dữ dội. Một số tiểu bang hứa sẽ giúp bất cứ ai từ bất cứ nơi nào ở Hoa Kỳ muốn phá thai có thể đến tiểu bang này để được chấm dứt thai kỳ. Người chống đối hứa sẽ có phản ứng mạnh.

    Để có được một cái nhìn tổng quát về vấn đề này, chúng tôi xin đưa ra một số dữ kiện sau đây:

    ĐỊNH NGHĨA PHÁ THAI:


    Phá thai là chấm dứt thai kỳ (pregnancy) bằng cách loại bỏ hoặc trục xuất phôi thai (embryo) hoặc thai nhi (fetus) còn trong thời kỳ tiến triển trong tử cung của thai phụ. Phá thai còn được gọi bóng bẩy là “hư thai” (miscarriage) xảy ra mà không có sự can thiệp được gọi là xẩy thai hoặc “hư thai tự nhiên”; Khi có các hành động cố ý được thực hiện để kết thúc thai kỳ, nó được gọi là phá thai (abortion), có thể bằng thuốc, bằng giải phẫu, hay bằng những phương pháp không tự nhiên khác.

    Nói chung: phá thai là kết thúc sự thai nghén của phụ nữ, loại bỏ mầm sống và ngăn cản một đứa bé không thể chào đời vào cuối thời kỳ thai nghén, thường được cho là 9 tháng 10 ngày.

    NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ:

    Theo thống kê gần đây, trên thế giới có khoảng 41.6 triệu vụ phá thai được thực hiện trong năm 2003, và 43.8 triệu vụ phá thai vào năm 2008, bằng cách này hay cách khác.

    Riêng tại Hoa Kỳ, có khoảng 800.000 vụ phá thai hàng năm, có nghĩa là có khoảng 800.000 thai nhi không được ra chào đời vào cuối thời kỳ thai nghén (khoảng 40 tuần lễ).

    Tỷ lệ phá thai của phụ nữ trên thế giới tùy thuộc quốc gia, tôn giáo, văn hóa, niềm tin, tình trạng xã hội…

    Năm 2008, ở Đức và Thụy sĩ, có 7 vụ phá thai cho 1000 phụ nữ, tức là 7 phần ngàn.

    Tại Estonia con số này là 30 phần ngàn, tại Hungary và Romania có 36 phần ngàn.

    Con số thống kê còn tùy thuộc vào tình trạng “kế hoạch gia đình” thành công hay không.

    Wikipedia


    Theo Wikipedia Abortion

    NHỮNG LÝ DO PHÁ THAI VÀ CHỐNG PHÁ THAI

    Có nhiều lý do để chọn phá thai tùy theo quan niệm, văn hóa, xã hội, tôn giáo, cá nhân, hoàn cảnh xã hội, luật pháp v.v…

    Về lý do cá nhân và gia đình:

    Xấu hổ với bà con, hàng xóm khi con gái chưa có chồng mà có thai.

    Không muốn có con vì còn quá trẻ, đang đi học, hoặc không có ai nuôi dưỡng,

    Ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ (có thể gây tử vong khi sinh nở)

    Do có thai ngoài ý muốn: bất ngờ, bị hiếp, bị lừa gạt..

    Gia đình không giáo dục và không theo dõi con cái…

    Gia đình không đủ sức nuôi dưỡng, vì càng đông con thì càng khó nuôi cho ăn học thành tài vân vân.

    Về lý do xã hội:

    Nhiều quốc gia không muốn phụ nữ sinh sản nhiều vì gánh nặng cho xã hội.

    Nhiều quốc gia ép buộc phụ nữ phải phá thai khi số con trong gia đình tới mức giới hạn nào đó như ở Trung Hoa Cộng Sản trước đây chỉ cho phép mỗi gia đình một con, sau này cho phép hai con; nếu có quá số đó phụ nữ buộc phải phá thai hoặc cưỡng ép triệt sản (không còn khả năng sinh con nữa) như cột ống dẫn trứng, mổ lấy hết bộ phận sinh dục…

    Ở dưới chế độ cộng sản Việt Nam, nữ đảng viên hoặc công chức, cán bộ chỉ cho phép có 2 con, ngoài xã hội cán bộ ép buộc mỗi gia đình chỉ được có 2 con. Sau này dễ dãi hơn.

    Các phong trào “pro choice” cho phá thai là quyền của phụ nữ trên cơ thể của mình, nên chính phủ phải tài trợ việc phá thai bất cứ lúc nào họ muốn.

    Quan niệm cuộc sống: chủ nghĩa phóng đãng, thực dụng, hưởng lạc, vô thần, bất cần, trác táng, bụi đời..

    Về chống phá thai: đa số các tôn giáo đều chống lại phá thai, cho đó là hành động giết người, vô nhân, phá hoại sự sống.

    Các nước mà tôn giáo giữ vai trò quan trọng đều không khuyến khích phá thai hoặc cấm.

    Các phong trào “phò sự sống” (Pro life) chủ trương chống lại phá thai, cho phá thai là sát nhân.

    PHÁ THAI VÀ LUẬT PHÁP

    Theo sự tiến triển của xã hội, quan niệm về phá thai đã có nhiều thay đổi.

    Như trên đã nói, theo quan điểm của các tôn giáo, hoặc theo các phong tục truyền thống, đời sống của con người bắt đầu khi thụ thai, nghĩa là khi tinh trùng của người nam xâm nhập vào trứng của phụ nữ. Đó là bắt đầu sự sống và do ý muốn của thượng đế, hoặc thần linh. Vì thế, không thể phá bỏ khi đã có mầm sống. Quan niệm này được xem là duy tâm, hoặc một tiến trình linh thiêng.

    Đối với những người vô thần (vô tôn giáo) hoặc duy vật (ngược với duy tâm) thì sự thụ thai cũng chỉ là một sự phản ứng vật chất, giữa hai giống đực và cái, giữa tinh trùng và trứng, không có ý nghĩ gì cao cả, linh thiêng. Ngay cả thai nhi còn trong bụng mẹ cũng chỉ là thai nhi (fetus), mà không phải là sự sống, nên có thể phá bỏ bất cứ lúc nào, giống như giết một con kiến.

    Đứng giữa những quan niệm trên, suy nghĩ về đời sống thai nhi có phần uyển chuyển hơn theo thời gian. Có trào lưu quan niệm đời sống bắt đầu khi nhịp tim được nghe thấy, thường vào khoảng 12 tuần (3 tháng). Hiện nay do phát triển của các phương tiện khoa học (ultrasound), người ta có thể nghe được nhịp tim đập, hoặc chuyển động của thai nhi vào thời gian rất sớm, có thể trước tháng thứ ba, tức trước 12 tuần sau khi thụ tinh. Do đó, trước khi nghe được tim đập, cho rằng thai nhi chưa có sự sống, nên phá bỏ lúc nào cũng được. Tôn giáo không chấp nhận quan niệm này.

    Quan niệm trung dung trên được phối hợp giữa duy tâm và duy vật. Duy tâm là theo niềm tin tôn giáo, duy vật là theo khám phá khoa học. Từ đó thế giới hiện nay có khuynh hướng đặt ra luật phá thai có phần uyển chuyển hơn. Đây cũng là một sự xoa dịu lương tâm, cần phá thai nhưng không muốn cho đó là cố ý phá thai, nhưng sự thật thì đó là giết hại thai nhi.

    Tôn giáo thì cho rằng phá thai là giết người dù bất cứ giai đoạn nào.

    Luật pháp thì gia giảm: có nơi cấm phá thai khi tim thai nhi được nghe đập (tuần thứ 12), có nơi cấm sau 15-16 tuần (4 tháng). Có nơi thì quá “duy vật” cho rằng chỉ khi thai nhi thoát ra khỏi tử cung mới được xem là sự sống, còn trước đó chỉ là “thai nhi” nên có quyền phá bỏ bất cứ lúc nào.

    PHÁ THAI: LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC, NHÂN QUYỀN

    Như trên đã trình bày, tôn giáo thì chủ trương không được phá thai vì đó là giết người. Nếu còn niềm tin tôn giáo thì giáo lý này không thể bị xâm phạm.

    Các xã hội trung dung hiện nay, khi tôn giáo không còn được tôn trọng, thì cho phép phá thai khi thai nhi còn nhỏ, chưa phát triển đầy đủ. Nhỏ là lúc nào, cũng không rõ ràng.

    Vấn đề luân lý đạo đức đặt ra:

    Có người cho phá thai là quyền của phụ nữ, là quyền được tự do quyết định cơ thể của chính mình, có nghĩa là phá thai là quyền của phụ nữ, muốn giữ hay phá là quyền của mình. Nhưng tuyên ngôn quốc tế nhân quyền không có ghi quyền phá thai.

    Ngược lại, theo đạo đức và luân lý thì phá thai là giết người, vì thai nhi trong bụng mẹ vẫn là con người đang được phát triển, nhưng đã có đủ bộ phận của con người như bộ óc, tim đập, di động, biết đau đớn (dẫy dụa), tuần hoàn… nhưng còn được bao bọc bởi tử cung người mẹ chờ đến lúc đủ khả năng tự sống ngoài cơ thể mẹ, do đó phá thai là giết người, là sát nhân, là vi phạm nhân quyền.

    Một vấn đề to lớn khác là nạn nhân mãn trên thế giới (Overpopulation: quá nhiều người trên trái đất), thế giới không đủ thực phẩm, phương tiện, nhà ở, trường học, y tế…, phục vụ cho số quá đông dân cư, vì thế phải “hạn chế sinh sản”, được gọi là kế hoạch hóa gia đình trong đó có phá thai, cho phá thai là quyền của con người.

    Một điều nghịch lý:

    Một người nào đó (da màu hay da trắng) bị cảnh sát gây tử vong (vô tình hay cố ý) thì được vinh danh và tôn thờ, trong khi mỗi năm có hàng chục triệu thai nhi bị loại khỏi cuộc đời một cách hợp pháp thì được xem là bình thường, là tránh nạn nhân mãn. Sự loại bỏ chúng lại được cho là quyền của con người, là nhân quyền.

    Thế giới khi nào mới giải quyết được nghịch lý này?

    Bs Nh. Doan

    (28-6-2022)

    Tài liệu tham khảo:

    Abortion – Wikipedia – Britannica

    News – Scotus – Prochoice – Prolife

    Giáo lý Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài…

    Không có nhận xét nào