Header Ads

  • Breaking News

    Patrick H. O’Neil - Căn bản của chính trị so sánh. Kỳ 2

    Kỳ 2: Chính trị so sánh là gì

    Chỉnh biên từ quyển Essentials of Comparative Politics của Patrick H. O’Neil, một giáo trình chính trị so sánh phổ biến cho sinh viên đại học tại Hoa Kỳ


    Trong khoa học chính trị, chính trị so sánh là một phân ngành so sánh việc theo đuổi quyền lực tại các quốc gia khác nhau.

    Kỳ 2: Chính trị so sánh là gì

    LTS: Nếu chưa đọc Kỳ 1, bạn đọc có thể xem tại đây: https://vietnamthoibao.org/vntb-can-ban-cua-chinh-tri-so-sanh/

    Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta cần biết chính trị so sánh là gì. Chính trị là cuộc đấu tranh trong một nhóm bất kỳ để giành quyền lực, cái sẽ cho một người hay một nhóm người khả năng quyết định cho một nhóm lớn hơn, từ một tổ chức nhỏ đến cả thế giới. Chính trị xảy ra ở bất cứ nơi nào có con người và có tổ chức; ví dụ, chúng ta thường nghe cụm từ “chính trị công sở” hay “chính trị văn phòng” khi chúng ta nói về các quan hệ quyền lực trong doanh nghiệp. Các khoa học gia về chính trị đặc biệt quan tâm đến cuộc đấu tranh giành quyền lực và vị trí lãnh đạo trong một cộng đồng chính trị – một đảng phái, một chức vụ dân cử, một thành phố, một vùng, hay một quốc gia. Chính trị là việc tìm kiếm quyền ra các quyết định ảnh hưởng tới toàn thể cộng đồng. Vì vậy, khó có thể tách rời khái niệm chính trị và khái niệm quyền lực, khả năng ảnh hưởng đến người khác hay khả năng áp đặt ý chí của một người, một chính đảng, lên họ. Chính trị là cuộc cạnh tranh giành quyền lực công, và quyền lực là thước đo khả năng áp đặt ý chí.


    Trong khoa học chính trị, chính trị so sánh là một phân ngành so sánh việc theo đuổi quyền lực tại các quốc gia khác nhau. Phương pháp so sánh giữa các quốc gia giúp chúng ta đưa ra những lập luận về nguyên nhân và hệ quả bằng cách dùng bằng chứng từ những nơi khác nhau, những thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, một câu hỏi quan trọng mà chúng ta thường hỏi là tại sao một quốc gia có chế độ dân chủ trong khi một số quốc gia khác lại không. Tại sao chính trị ở một số nước dẫn đến tình trạng quyền lực chính trị phân tán giữa nhiều người, trong khi đó ở một số nước khác quyền lực lại tập trung vào một số rất ít người? Tại sao Nhật Bản dân chủ trong khi Việt Nam lại không? Nếu chỉ nhìn vào Việt Nam thì sẽ khó hiểu tại sao Nhật Bản lại đi theo một con đường khác, hay ngược lại. Việc so sánh giữa hai nước, có thể là cùng với một số trường hợp tương tự ở Á Châu, như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Campuchia có thể dẫn đến những hướng giải thích khá hơn. Chúng ta nên biết rõ ràng, đây không phải là một câu hỏi hoàn toàn mang tính học thuật. Nhiều người trong chúng ta mong muốn được sống dưới một chế độ dân chủ, nhưng chúng ta lại không biết rõ làm thế nào, hay tại sao chế độ chính trị tại một quốc gia chuyển từ độc tài sang dân chủ, và việc theo đuổi mục tiêu này là rất gian nan và nguy hiểm. Những bản án nặng nề giành cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam phần nào giúp chứng thực điều này. Vì vậy, một điều quan trọng cần phải làm là tách biệt những lý tưởng ra khỏi các khái niệm và phương pháp và không để cho cái trước gây khó khăn cho việc sử dụng cái sau. Chính trị so sánh có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn và có thể là thách thức các lý tưởng, cung cấp các biện pháp thay thế và chất vấn giả định của chúng ta rằng có một cách đúng đắn để tổ chức đời sống chính trị.

    Phương pháp so sánh

    Nếu so sánh là một cách quan trọng để chúng ta kiểm chứng các giả định của mình và định hình cho các lý tưởng của chúng ta, thì cách so sánh cũng quan trọng. Nếu không có tiêu chí và hướng dẫn để thu thập thông tin hay ra kết luận, các nghiên cứu của chúng ta ít có giá trị hơn một mớ các chi tiết. Các nhà nghiên cứu dùng những vấn đề – các câu hỏi về chính trị chưa có câu trả lời rõ ràng – làm công cụ hướng dẫn việc nghiên cứu của họ. Từ đó, họ dựa trên một phương pháp so sánh – cách so sánh giữa các trường hợp – để đưa ra kết luận. Bằng cách so sánh các quốc gia hay một tập con của tất cả các quốc gia, các học giả tìm những kết luận và những lập luận được khái quát hóa mà có thể áp dụng cho các trường hợp khác.

    Quay trở lại với câu hỏi đã được đặt ra ở trên, tạm giả định là chúng ta quan tâm đến tình trạng tại sao một số quốc gia không trở nên dân chủ – một vấn đề lớn. Câu hỏi này là trung tâm của các cuộc thảo luận ở Tây Phương trước khi đi đến quyết định xâm lược Iraq và vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Đông Nam Á cũng như một số vùng khác. Chúng ta có thể tiếp cận câu hỏi này bằng cách xem xét trường hợp Việt Nam. Tại sao chính quyền Việt Nam vẫn là độc tài và đàn áp bất đồng chính kiến cho dù một số chế độ tương tự như vậy trên thế giới đã sụp đổ? Hàn Quốc, Đài Loan cũng đã từng các quốc gia độc tài.

    Một câu trả lời có tính thuyết phục cho nan đề này có thể giúp các độc giả, các nhà làm chính sách, và giới hoạt động xã hội, và có thể hướng dẫn đường lối đối ngoại của các quốc gia muốn quảng bá dân chủ trên thế giới đối với Việt Nam. Việc xem xét một quốc gia đưa chúng ta đến các giả thuyết về tình trạng tại sao một quốc gia đang vận hành như hiện tại. Chúng ta gọi phương pháp này là lập luận quy nạp (induction reasoning) – một cách mà chúng ta sử dụng để đi từ việc nghiên cứu một trường hợp và đưa ra một giả thuyết chung, áp dụng cho nhiều trường hợp. Nhưng cho dù việc nghiên cứu một quốc gia có thể dẫn đến những giả thuyết lý thú, nó không tạo đủ bằng chứng để kiểm chứng chúng. Vì vậy, chúng ta có thể nghiên cứu Việt Nam và có thể kết luận rằng dân trí thấp là nguyên nhân chính của tình trạng độc tài. Bằng cách kết luận như vậy, chúng ta có thể nghiên cứu mối quan hệ giữa dân trí và độc tài ở các quốc gia độc tài khác. Lập luận quy nạp, vì vậy có thể là nền tảng mà chúng ta có thể dựa vào để xây dựng những lý thuyết lớn hơn trong chính trị so sánh.

    Chính trị so sánh cũng có thể dựa vào lập luận diễn dịch (deductive reasoning) – bắt đầu bằng một vấn đề rồi tạo ra những giả thuyết về nguyên nhân và hệ quả để kiểm chứng trên một số trường hợp. Trong khi lập luận quy nạp bắt đầu từ bằng chứng như một cách để tìm ra một giả thuyết, lập luận diễn dịch bắt đầu với giả thuyết rồi mới đi tìm bằng chứng. Trong ví dụ trên, chúng ta đã bắt đầu bằng việc nghiên cứu trường hợp của Việt Nam và kết thúc bằng một giả thuyết có thể kiểm chứng về dân trí; trong lập luận diễn dịch chúng ta sẽ bắt đầu bằng một giả thuyết về dân trí và sau đó kiểm tra giả thuyết này bằng cách xem xét một số trường hợp. Bằng cách tiến hành những nghiên cứu như vậy, chúng ta có thể tìm thấy các mối tương quan, một quan hệ biểu kiến (nhìn có vẻ đúng nhưng không biết có thật sự đúng không) giữa một số yếu tố hay biến số. Nếu chúng ta thực sự có tham vọng, chúng ta có thể tuyên bố rằng chúng ta đã tìm ra được nguyên nhân và hệ quả, hay một mối quan hệ nhân quả.

    Thật không may, lập luận quy nạp và diễn dịch, hay tìm ra mối tương quan hay một quan hệ nhân quả không phải là dễ. Có bảy thách thức chờ đợi các nhà nghiên cứu theo kiểu so sánh trong việc nghiên cứu các đặc điểm chính trị giữa các quốc gia.

    Mong bạn đón đọc kỳ sau để biết bảy khó khăn này là gì.

    Chú thích:

    Chỉnh biên từ quyển Essentials of Comparative Politics của Patrick H. O’Neil, một giáo trình chính trị so sánh phổ biến cho sinh viên đại học tại Hoa Kỳ

    Không có nhận xét nào