Chỉnh biên từ quyển Essentials of Comparative Politics của Patrick H. O’Neil, một giáo trình chính trị so sánh phổ biến cho sinh viên đại học tại Hoa Kỳ
Ngọc Vân chuyển dịch (1)
Kỳ 1: Giới thiệu chính trị so sánh
Chỉnh biên từ quyển Essentials of Comparative Politics của Patrick H. O’Neil, một giáo trình chính trị so sánh phổ biến cho sinh viên đại học tại Hoa Kỳ
Kỳ 1: Giới thiệu chính trị so sánh
Nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là những người đã có thời gian sống ở nước ngoài đặc biệt là các nước Tây Phương, biết rằng các xã hội khác nhau có nhiều điểm khác nhau. Người viết bài này, chẳng hạn, đã từng được trường học dạy rằng quê hương ta giàu và đẹp, đất nước ta rừng vàng biển bạc, dân tộc ta thông minh và chịu khó làm việc, và Mỹ là một nước đang giãy chết. Đến khi có dịp sang Hoa Kỳ thì thực sự sáng mắt, sáng lòng. Hơn nữa, khác biệt giữa các xã hội Phương Tây hay dân chủ tiên tiến nói chung và các xã hội độc tài như Việt Nam không chỉ về trình độ phát triển kinh tế, nó còn thể hiện ở mức độ tự do của con người. Ở Việt Nam, việc thể hiện ý kiến trên mạng xã hội có thể dẫn đến những án tù trên 10 năm. Ở Mỹ, bạn có thể cắm bảng “đề nghị đưa Biden vào tù” cũng chẳng có cảnh sát nào thèm đến thăm bạn. Hãng Twitter thậm chí còn khóa được cả tài khoản của Tổng Thống Mỹ trên mạng xã hội của họ. Nhìn chung, tự do của con người ở các quốc gia dân chủ được tôn trọng hơn rất nhiều so với ở các nước độc tài, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề là tại sao người dân ở một số nước được hưởng tự do trong khi người dân ở một số nước khác lại không được như vậy? Có phải vì dân trí của chúng ta còn thấp nên chúng ta phải sống trong chế độ độc tài, như một số người cho rằng dân nào, chính phủ đó? Hay vì lãnh đạo Việt Nam chui trong rừng ra nên có trình độ hiểu biết thấp và đất nước sẽ khá lên khi lớp lãnh đạo mới được đi học ở Tây Phương về thay thế họ? Hay đơn giản là vì các phe phái trong ĐCSVN chưa mâu thuẫn với nhau đến mức có thể dẫn đến cơ hội thay đổi thể chế? Hay vì thế giới này đã được sắp xếp bởi một nhóm nhỏ những người Do Thái giàu có và đầy quyền lực và họ đã sắp xếp là Việt Nam phải được cai trị bởi chế độ độc tài? Hay vì người dân của chúng ta thờ ơ với chính trị, họ chỉ quan tâm đến công ăn việc làm của bản thân? Hay vì người dân quá nhát đảm không dám đứng lên đòi tự do nên Đảng Cộng Sản Việt Nam được tự tung tự tác? Hay là vì một lý do nào khác? Làm sao chúng ta biết hướng giải thích nào là đúng? Làm sao chúng ta xem xét và đánh giá được giá trị của các giải thích này? Các giả định và các cách giải thích khác nhau là tâm điểm của các cuộc tranh luận chính trị và quyết định của mỗi cá nhân, đặc biệt là các nhà hoạt động xã hội. Tuy vậy, chúng ta thường chọn một hay vài cách giải thích mà không có đủ bằng chứng đáng tin cậy hay khi không có một hiểu biết đầy đủ về mối quan hệ nhân quả. Để là một công dân có trách nhiệm hơn với tiền đồ của dân tộc, chúng ta cần hiểu biết khoa học chính trị và chính trị so sánh – ngành nghiên cứu và so sánh chính trị nội bộ giữa các quốc gia. Chính trị so sánh có thể được so sánh với bang giao quốc tế. Trong khi cái sau tập trung vào mối quan hệ giữa các quốc gia, vào các vấn đề như chính sách đối ngoại, chiến tranh, thương mại, và viện trợ, cái trước tập trung vào các vấn đề chính trị bên trong mỗi nước, vào các vấn đề như bầu cử, các đảng phái chính trị, các cuộc cách mạng, hệ thống tư pháp, v.v.). Đương nhiên cũng có những điểm trùng lặp giữa hai phân ngành này, chẳng hạn như cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Cuộc chiến này vừa ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Nga và Ukraine nhưng cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ dân tộc Nga và Ukraine sống ở cả hai quốc gia này. Tuy vậy, tạm thời chúng ta sẽ tập trung vào các cấu trúc và hành động chính trị trong mỗi quốc gia.
Loạt bài này sẽ bàn đến một số từ vựng và cấu trúc căn bản trong khoa học chính trị và chính trị so sánh. Các thuật ngữ này được chia thành ba nhóm chính: các khái niệm phân tích (các giả định và các lý thuyết giúp chúng ta nghiên cứu), các phương pháp (cách nghiên cứu và kiểm chứng các lý thuyết), và các lý tưởng (những niềm tin và giá trị về những kết quả mong muốn). Các khái niệm phân tích giúp chúng ta đặt ra những câu hỏi liên quan đến nguyên nhân và hậu quả, phương pháp cung cấp công cụ giúp chúng ta tìm ra những hướng giải thích, và các lý tưởng giúp chúng ta so sánh các nền chính trị hiện nay với những hệ thống mà chúng ta ưa thích hơn.
Chúng ta sẽ xem xét ba câu hỏi cơ bản nhất: Chính trị là gì? Làm sao để so sánh các hệ thống chính trị khác nhau trên thế giới? Chúng ta sẽ xem xét các phương pháp của chính trị so sánh và cách các học giả tiến hành nghiên cứu. Trong hơn một thế kỷ qua, các khoa học gia đã vật lộn với những thách thức trong việc phân tích chính trị và đã tự hỏi liệu những phân tích như vậy có phải là khoa học không? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta đánh giá tốt hơn các giới hạn và cơ hội trong việc nghiên cứu chính trị so sánh. Chúng ta sẽ xem xét chính trị so sánh qua khái niệm định chế (institution) – các tổ chức hay các hành động có khả năng tự củng cố và được trân trọng. Các định chế đóng vai trò quan trọng trong việc định hình những gì là khả thi trong đời sống chính trị bằng cách đặt ra những luật lệ, những cấu trúc mà chúng ta sống với. Sau cùng, ngoài các định chế, chúng ta sẽ xem xét các lý tưởng về tự do và bình đẳng. Nếu các định chế áp đặt luật chơi chính trị, thì mục tiêu của cuộc chơi này là gì? Có phải là một kết hợp nào đó giữa tự do và bình đẳng hay mức độ phồn vinh? Lý tưởng nào quan trọng hơn? Có phải hy sinh cái này để có được cái kia không? Hay có một lý tưởng gì đó khác đáng mong muốn hơn những thứ vừa nhắc tới? Với những kiến thức có được bằng cách xem xét các câu hỏi này, chúng ta sẽ sẵn sàng xem xét những sự kiện chính trị phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới.
Không có nhận xét nào