Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Lê – Việt Nam, Những biến chuyển đầu thế kỷ XX. Kỳ 5

    Kỳ 5

    17/6/2022

    IV) NHỮNG TỔN THẤT TO LỚN CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG

    (tiếp theo)

    3) PHÚT SA CƠ CỦA HÙM THIÊNG YÊN THẾ - 

    Theo nhiều tư liệu khác nhau thì Hoàng Hoa Thám, thường được gọi là Đề Thám (Đề đốc Thám), sinh năm 1836 và tham gia kháng Pháp từ thập niên 1870. Song phải đến năm 1892, ông mới trở thành một lãnh tụ kháng chiến nổi tiếng của phong trào Cần vương. Căn cứ địa của ông là huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và chiến thuật du kích của ông khiến quân đội Pháp nhiều phen bở vía.

    Thanh thế của ông buộc bọn thực dân và một quan đại thần thân Pháp là quyền Tổng Đốc Ninh Thái Lê Hoan phải nghĩ tới một thủ đoạn mới là tổ chức mưu sát ông vào tháng 2.1894. Vụ mưu sát được kể lại với nhiều chi tiết không trùng khớp nhau, từ tác phẩm Le vieux Tonkin (Đất Bắc kỳ xưa) của Claude Bourrin, quyển Hoàng Thám, pirate (Hoàng Thám, tên thổ phỉ) của Paul Shack, đến bộ Histoire militaire de l’Indochine (Lịch sử quân sự xứ Đông Dương), Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám của Tôn Quang Phiệt … 

    Song những khác biệt chỉ về mặt tiểu tiết, về đại thể, có những điểm trùng hợp giữa các nguồn tư liệu, như: 

    - người trực tiếp thực hiện cuộc mưu sát là Bá Phức, cha nuôi của Đề Thám, vừa ra hàng giặc ngày 15.2.1894.

    - Vụ mưu sát diễn ra vào cuối tháng 4.1894 song thất bại, Đề Thám không bị nguy hiểm đến tính mạng.

    Bên cạnh thủ đoạn trên, thực dân Pháp còn chủ trương hòa hoãn với lực lượng kháng chiến của Đề Thám, qua lần hai lần giảng hòa, lần thứ nhất vào tháng 10.1894, sau vụ mưu sát bất thành, lần thứ hai vào cuối năm 1897 và kéo dài đến cuối thập niên 1900. Trong thời gian này, Đề Thám củng cố lại lực lượng, mở rộng địa bàn hoạt động và vụ Hà Thành đầu độc vào tháng 6.1908 được Pháp xem là sự bội ước của kháng chiến quân Yên Thế. Họ tập trung lực lượng nhằm xóa sổ căn cứ địa Yên Thế của Đề Thám.

    Cuộc tổng tấn công của Pháp diễn ra trong hai giai đoạn khác nhau, giai đoạn đầu từ ngày 29.1 đến 1.5.1909; giai đoạn hai từ 5.7.1909 đến 28.2.1910 (Histoire militaire de l’Indochine française – Tome 2 – Hanoi-Haiphong 1931, trang 203). Về phía triều đình Việt Nam, ngày 30.7.1909, Tổng đốc Hải Dương Lê Hoan được cử làm Khâm sai đại thần, có trong tay 400 lính bản xứ làm nhiệm vụ truy tầm các mối liên lạc giữa nghĩa quân với nhau.. Trong khoảng thời gian hơn một năm, nhiều cuộc giao tranh liên tiếp nổ ra, tổn thất của cả hai bên rất to lớn. Cả Trọng, người con cả của Hoàng Hoa Thám, đồng thời cũng là cánh tay mặt của ông trong lãnh đạo kháng chiến, bị thương nặng và qua đời; một người con nuôi của ông là Cả Rinh (có tài liệu ghi: Cả Dinh) bị truy đuổi và bị thương ở Núi Lạng, đã dẫn 8 tay súng thuộc hạ ra hàng Lê Hoan ngày 24.10.1909 (Histoire militaire … - sđd, trang 210 – Tôn Quang Phiệt – sđd, trang 111).

    Cuộc tổng tấn công của Pháp vào cứ địa Yên Thế kết thúc ngày 28.2.1910, với sự tan rã hoàn toàn của nghĩa quân dưới quyền Hoàng Hoa Thám. Về phần con hùm thiêng Yên Thế, ông đã phải rút vào rừng sâu cùng vài thủ hạ thân tín trong sự truy tìm liên tục của thực dân Pháp.

    Về cái chết của ông vào tháng 2.1913, nhiều tài liệu cho là do bàn tay của Lương Tam Kỳ, một người từng kháng chiến chống Pháp, sau qui hàng và cộng tác với giặc.

    Lương Tam Kỳ từng ở trong tổ chức Thái Bình Thiên Quốc chống lại nhà Thanh, sau là một thuộc tướng của Lưu Vĩnh Phúc. Năm 1885, khi hòa ước Thiên Tân được ký giữa Pháp và nhà Thanh, Lưu Vĩnh Phúc bỏ về Tàu, Lương Tam Kỳ tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp với một thế lực khá mạnh. Tuy nhiên, đến năm 1889, Lương chịu ngưng chiến sau khi Pháp đồng ý cho ông ta làm chủ hoàn toàn 4 tổng gần khu vực chợ Chu (Thái Nguyên) và hưởng một khoản tiền lớn mỗi năm.

    Tình trạng của Lương Tam Kỳ cứ thế kéo dài cho đến cuối năm 1912 thì y được thực dân Pháp tiếp xúc và bàn việc bắt sống Đề Thám. Họ Lương nhận lời, giao cho người con nuôi là Lương Văn Phúc thực hiện kế hoạch đã tính. Phúc sắp xếp ba thủ hạ giả làm những người khách Tàu, mang theo 4 khẩu súng, tiếp cận với Đề Thám, tất nhiên với một kịch bản tinh vi để không làm họ Hoàng nghi ngờ. 

    Ba tuần lễ trôi qua, sáng ngày 10.2.1913, khi Đề Thám đang say ngủ, các thủ hạ của Lương Văn Phúc dùng cuốc sát hại ông rồi cắt đầu mang đến viên Đại lý (Pháp) Nhã Nam. Đầu của ông và hai thủ hạ tâm phúc khác bị bêu ở Nhã Nam 3 ngày liền. Bộ “Histoire militaire …” đã ghi lại như sau: “Uy thế của Đề Thám đã mất hẳn, song mặc dầu cái đầu của ông đã được treo giá từ đầu năm 1909, mà mãi đến tháng 2.1913, nó mới được trưng bày ở chợ Nhã Nam, từ tay hai người Tàu bị cám dỗ bởi phần thưởng được hứa, họ đã thành công trong việc tranh thủ được sự tín nhiệm của vị lãnh tụ già để sát hại ông một cách dễ dàng” (sđd, trang 211- LN lược dịch)

    Có tài liệu cho rằng chiếc thủ cấp trưng bày ở chợ Nhã Nam không phải là đầu của Hoàng Hoa Thám, song điều ấy không quan trọng, vì dù bằng cách nào thì con hùm thiêng lừng lẫy ở Yên Thế cũng đã thực sự ngã xuống vĩnh viễn rồi. 

    V) CUỘC NỔI DẬY CỦA “HOÀNG ĐẾ PHAN XÍCH LONG”

    Năm 1913, bên cạnh những biến động ở miền Bắc, trong Nam, việc một thanh niên vô danh đột nhiên tự xưng hoàng đế và kêu gọi lật đổ thực dân Pháp đã lôi cuốn sự quan tâm của người dân toàn miền đất Nam kỳ.

    Nhân vật kỳ lạ nảy có tên Phan Phát Sanh, tự Lạc, sinh năm 1893, là con trai một người gốc Hoa tên Phan Núi, làm cảnh sát ở Chợ Lớn. Khi còn rất nhỏ, Phát Sanh đã hành nghề bói toán, qua lại giữa Việt Nam và Xiêm (Thái Lan). Giữa năm 1911, ông ta cùng hai người bạn là Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Hiệp thành lập một tổ chức bí mật và tự xưng là hậu duệ của cựu hoàng Hàm Nghi đang bị lưu đày ở Algérie.

    Phan mặc áo nhà tu, xuôi ngược 6 tỉnh Nam kỳ, trong lúc những người bạn của ông tôn xưng một người đàn ông lớn tuổi tên Nguyễn Văn Kế, sống ở một ngôi làng gần Chợ Lớn, là “Phật sống”. Tiếng lành đồn xa, các giới nông dân và buôn bán tập trung đông đúc quanh chỗ ở của vị “Phật sống”, số vàng và bạc ủng hộ lên đến 1.500 đồng, một ngân khoản kha khá lúc bấy giờ (Marr David G. – Berkeley 1971, trang 222).

    Tháng 2.1912, ông Kế đột ngột qua đời, những đồng chí của Phan Phát Sanh nhân cơ hội này công bố rằng vị “Phật sống” đã trăng trối lại là hãy cử họ Phan lên làm hoàng đế. Thế là vào tháng 10 năm ấy, Phan Phát Sanh làm lễ đăng quang dưới danh xưng “Phan Xích Long hoàng đế”, với sứ mạng đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam. Phan còn làm ra vẻ mình có trong tay một bức thư của Kỳ Ngoại hầu Cường Để công nhận ông ta thuộc dòng dõi hoàng gia.

    Để hợp thức, “Phan Xích Long hoàng đế” sử dụng quốc ấn có hình đầu rồng và dòng chữ “Đại Minh quốc, Phan Xích Long hoàng đế, Thiên tử”, ông mang theo người một thanh kiếm khắc hàng chữ “Tiên đả hôn quân, hậu đả loạn thần”, đeo một chiếc vòng có chữ “Dân cống” (Marr David G. – sđd, trang 222).

    Sau lễ đăng quang, “hoàng đế” được hộ tống về Thất Sơn (Châu Đốc), nơi đây người dân địa phương đã cất lên một ngôi chùa. Họ cũng xây dựng một nhà hàng nhỏ ở thị trấn bên cạnh là nơi tụ họp người, tập trung vũ khí và chất nổ để chuẩn bị một cuộc nổi dậy. Một tuyên cáo được in khắc trên các mảnh gỗ công bố ý định của Phan Phát Sanh là đánh Pháp và kêu gọi người dân ở chợ hãy bỏ trốn và chuyển đổi tiền giấy đang lưu hành ra tiền bằng đồng.

    Đêm 23.3.1913, họ chuyển bom lên Sài Gòn và đặt ở những vị trí chiến lược, nhưng không một quả bom nào nổ cả. Năm ngày sau (28.3), mấy trăm người từ khắp nơi đổ về thành phố, tất cả mặc toàn trắng, thoa thuốc để không bị nhận diện, song cuối cùng cũng có rất nhiều người bị bắt giữ.

    Trước tòa án diễn ra vào tháng 11.1913, Phan Phát Sanh và những người cầm đầu cuộc nổi dậy không chối bỏ việc họ làm, công khai xác định là họ muốn lật đổ chế độ thực dân tại Việt Nam. Có 104 bản án tù được tuyên ra trong phiên tòa này, trong đó, họ Phan cùng 5 người khác bị án chung thân khổ sai và giam giữ tại Khám lớn Sài Gòn.

    (còn tiếp)

    Lê Nguyễn

    13.6.2022

    https://www.facebook.com/lenguyenpd


    Không có nhận xét nào