Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Lê – Việt Nam: những biến chuyển đầu thế kỷ XX

    (KỲ 2)

    14/6/2022

    Từ mũi Padaran, hải quân Nga cho tàu vận tải vào trước, có lẽ để trấn an nước chủ nhà, còn tàu chiến thì di chuyển ban đêm cách bờ 3 hải lý, đợi sáng hôm sau mới vào vịnh. Đến ngày 14 tháng 4 năm 1905, toàn bộ hạm đội Nga đã có mặt ở Cam Ranh, gồm tàu chiến, hai phân đội tàu bọc thép, một đội tuần dương hạm, một đội tàu phóng ngư lôi, tàu bị trưng dụng để chuyên chở thực phẩm, dụng cụ, tàu bệnh viện, tàu công xưởng, tàu chở than … Vùng biển Cam Ranh bỗng nhiên trở thành một nơi sôi động chưa từng có.

    Thực dân Pháp, từ viên Thống đốc Nam kỳ Rodier đến các tướng tá đều hết sức bối rối. Tính cách trung lập của Pháp trong một cuộc xung đột quốc tế đang bị thử thách. Theo một quy ước được Pháp ban hành thì “tính trung lập cho phép các tàu đang tham chiến được tự do ra vào và lưu trú không thời hạn tại các cảng của Pháp trừ một số hạn chế. Họ không được mang theo vật dụng, khí tài và không được sử dụng cảng đang tiếp nhận họ như một căn cứ hành quân…”. 

    Paris sớm nhận được những báo cáo đầy đủ của Sài Gòn. Trước đó, không phải là không có lý do mà Đại sứ Nhật tại Pháp đã biểu lộ những cử chỉ thân thiện khác thường với một số nhân vật trọng yếu trong chính giới Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp trao đổi với Bộ Thuộc địa, Bộ Thuộc địa trao đổi với Toàn quyền Đông Dương. Bức điện ngày 18 tháng 4 năm 1905 của Bộ Thuộc địa xác định một quan điểm dứt khoát trong việc giải quyết vấn đề: “Nếu trái với những gì chúng ta hằng tin tưởng, hạm đội Nga đang ở trong vùng lãnh hải của chúng ta, hãy lưu ý ông Đô đốc (chỉ Đô đốc Nga Rodjestvensky - LN) về sự khẩn thiết phải rời đi để tránh một cuộc đụng độ sắp xảy ra…”.

    Công việc đầu tiên của chính quyền Pháp tại Đông Dương là theo dõi động tĩnh của hạm đội Nga. Họ nhìn thấy tàu Nga đang ăn than, sửa chữa vận tải lương nhu – và có một điều quan trọng nhất mà có lẽ họ chưa nắm được là hạm đội Nga ghé lại Cam Ranh để chờ phân hạm đội Nebogatov đến tăng cường. Ngày 15 tháng 4 năm 1905, nghĩa là chỉ một ngày sau khi hạm đội Nga có mặt đầy đủ ở Cam Ranh, phó Đô đốc Pháp Jonquières đi trên pháo hạm Descartes, có mặt tại vùng biển Cam Ranh trong các cuộc tuần tra bình thường. Hai bên gặp nhau, thực hiện những cuộc thăm viếng xã giao rồi pháo hạm Descartes trở ra Nha Trang. 

    2) CÁC NHÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM VÀ HẠM ĐỘI CỦA SA HOÀNG

    Ngày 17 tháng 4 năm 1905, Jonquières quay lại Cam Ranh. Đô đốc Nga Rodjestvensky, tư lệnh hạm đội, cử thuyền trưởng Semenoff đến gặp phía Pháp, thông báo là ngày 19 tháng 4, hạm đội Nga sẽ nhổ neo ra khơi để luyện tập. Ngày 20 tháng 4, qua trung gian của viên chỉ huy trực tiếp là Đô đốc Bayle, Jonquières nhận các chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương và ngày 21 tháng 4, trong một tâm trạng phiền muộn, ông ta bước lên tàu Nga Souvaroff thông báo ngay cho Rodjestvensky nội dung những chỉ thị ông ta đã nhận được.

    Từ đó, khởi đầu tình trạng “lông bông” của hạm đội Nga: trong lúc nóng lòng chờ đợi phân hạm đội Nebogatov, họ được yêu cầu rời Cam Ranh trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tất nhiên, trước tiên họ phản kháng một thái độ cứng rắn như vậy của nhà cầm quyền Pháp, rồi sau đó họ nằn nì xin cho tàu vận tải được tiếp tục neo lại Cam Ranh. Phó Đô đốc Jonquières điện báo cho Đô đốc Bayle và Toàn quyền Đông Dương: “Tất cả tàu chiến Nga đã đi về hướng Bắc. Đô đốc (Nga) đã đến thăm tôi trước khi đi và đã giã từ tôi với những lời lẽ đầy thiện cảm”. 

    Thế nhưng thực tế đã không đúng như báo cáo của Jonquières. Hạm đội Nga vẫn chưa đi hoặc đi với một tốc độ tối thiểu, ngay sát bờ vịnh Cam Ranh. Hành động này đã làm cho cơn thịnh nộ bùng lên ở Paris và ngày 25 tháng 4 năm 1905, viên Đô đốc Pháp lại phải chuyển đến Rodjestvensky lời yêu cầu toàn bộ tàu Nga, kể cả tàu thương mại phải rời khỏi lãnh hải Đông Dương. 

    Ngày 26 tháng 4, người Nga lại chuẩn bị rời Cam Ranh, Jonquières vững bụng quay về Sài Gòn. Nhưng khi tàu Pháp vừa khuất sau một doi đất, Đô đốc Nga cho lệnh hạm đội dừng lại ở phía Bắc Nha Trang. Họ cố trông tìm nhưng vẫn chưa thấy phân hạm đội Nebogatov đâu. Không may cho họ, đúng vào ngày 26 tháng 4, một tàu chạy bằng hơi nước của Pháp đang tuần tra ven bờ, đã bắt gặp họ, nên đến ngày 29 tháng 4, các giới chức Pháp tại Sài Gòn đã được báo cáo đầy đủ tin này. Phó Đô đốc Jonquières lại phải nai nịt trở ra Nha Trang và ngày mồng 3 tháng 5, lại tái ngộ Đô đốc Rodjestvensky. Lại phản kháng, lại nằn nì và cuối cùng lại chuẩn bị ra khơi. Họ ra khơi ngày mồng 3 tháng 5, lén lút quay lại ngày mồng 4 tháng 5 và ngày mồng 8 tháng 5, Jonquières phải một lần nữa lặp lại yêu cầu cũ. 

    Tuy nhiên, đến lần này thì hạm đội Nga ra đi thực sự vì họ vừa được tin phân hạm đội Nebogatov đang ở một nơi không xa họ. Những tin tức cuối cùng ghi nhận được là hạm đội của Rodjestvensky đã gặp được phân hạm đội Nebogatov ngày 14 tháng 5 năm 1905 và số phận đang chờ đợi họ tại eo biển Đối Mã vào ngày 27 tháng 5 năm 1905 lịch sử.

    (Nguồn tham khảo: tạp chí Indochine; Mercure de France – No 864 – 15.6.1934, trang 516-525)

    *

    Ngày 15 tháng 5 năm 1905, thực dân Pháp tại Đông Dương thở phào nhẹ nhõm. Tờ báo Le courrier Saigonnais (Thư tín Sài Gòn) đăng bài Le Tzar, c’est lui (Sa hoàng, chính ông ta) mô tả lại một số diễn biến đã qua ở Cam Ranh. Tuy nhiên, khi đề cập đến sự kiện lịch sử bất ngờ này trên bán đảo Đông Dương, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không kể về một giai thoại có liên quan đến ba nhà trí thức cách mạng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp. 

    Tháng 2 âm lịch 1905, ba cụ cùng với Nguyễn Quý Anh là con trai cụ Đốc học Nguyễn Thông rủ nhau thực hiện một chuyến Nam du, ghé lại Bình Định nhân lúc nơi đây diễn ra kỳ thi Hương, với đề tài thi là Chí thành thông thánh và phú là Lương Ngọc danh sơn. Các cụ đã lấy tên giả là Đào Mộng Giác làm hai bài thi và phú trên, mãi về sau này, người ta mới biết tác giả là ai. 

    Khi vào đến Nha Trang, được tin một hạm đội Nga hùng hậu đang neo ở Cam Ranh, ba cụ nảy ra ý định tới đó để tận mắt quan sát tàu chiến của một trong những cường quốc hải quân trên thế giới.

    Tuy nhiên, việc tiếp cận một đơn vị quân sự đang chuẩn bị tham chiến không phải là điều dễ dàng. Ba cụ bàn nhau thực hiện một “mánh khóe” đã được cụ Huỳnh kể lại trong tác phẩm Huỳnh Thúc Kháng tự truyện: “Lúc đi ngang qua Nha Trang, được tin chiến hạm Nga đậu tại Cam Ranh, bèn giả trang khách buôn, thuê thuyền đánh cá, mua trứng gà cùng trái cây các thứ, lên thuyền Nga xem rất khoái. Đấy chẳng qua vì tính thiếu niên háo kỳ, chứ không có ý gì…” (Anh Minh xuất bản – Huế 1963) (Marr David G. – Vietnamese anticolionalism – Berkeley 1931, trang158)

    Được biết, ý định nói chuyện với người Nga bị thất bại vì ngôn ngữ bất đồng nhưng ba cụ cũng nhận được tình cảm nồng hậu của những người khách phương xa và hẳn là các cụ cũng tạm thỏa mãn được lòng mong muốn nhìn thấy những tiến bộ trong kỹ thuật hàng hải của nước khác. Có lẽ lúc bấy giờ, các cụ cũng không ngờ rằng sau khi rời cảng Cam Ranh, toàn bộ hạm đội của Nga đã bị đánh tan tác ở eo bể Đối Mã và chiến thắng rực rỡ của hải quân Nhật đã có những tác động mạnh mẽ lên các phong trào cách mạng Việt Nam.

    (còn tiếp)

    Lê Nguyễn

    4.6.2022

    https://www.facebook.com/lenguyenpd

    Không có nhận xét nào