CHUYỆN XƯA NHƯNG KHÔNG BAO GIỜ CŨ
Bạn Vĩnh Khánh Nguyễn Phước vừa trích từ trang nghiencuulichsu.com bài của LN do trang Triviet.news đăng tải. Công tổng hợp một bài dài gần 12 ngàn từ của một trong hai trang web trên khiến tác giả cũng bất ngờ! Nhận thấy đây là một vấn đề lịch sử mà đến ngày nay vẫn còn rất nhiều ý kiến, quan điểm dị biệt, xin cảm ơn bạn Vĩnh Khánh và xin “tiếp tay” bạn, đưa trở lại trên diễn đàn này một cách có hệ thống.
Vì tính đặc biệt của đề tài, nên xin nhắc lại chủ trương của diễn đàn này là mọi bình luận đều phải tôn trọng quan điểm của người khác và cần được diễn đạt một cách bình tĩnh nhất.
Trân trọng
Lê Nguyễn
28.6.2022
****
“Trong cuộc nội chiến tại miền Nam những năm 1954-1975, lịch sử đã được các nhà nghiên cứu miền Bắc vận dụng như một lợi khí về mặt tâm lý để hỗ trợ cho các nỗ lực quân sự, phong trào Tây Sơn được mệnh danh là “phong trào nông dân” và được viện dẫn như một mô hình lý tưởng, trùng hợp với các phong trào Cộng sản quốc tế trong việc lật đổ chính quyền thực dân cũng như các chính quyền “phản động” khác. Và cũng chính điều này vô hình trung đẩy thế lực đối kháng với phong trào Tây Sơn lúc bấy giờ, tiêu biểu là chúa Nguyễn Ánh – vua Gia Long, vào thành phần phản động nhất.”
Người ta đã viện dẫn nhiều sự kiện lịch sử để chứng minh cho sự “thối nát” của triều Nguyễn, nổi bật nhất là việc Nguyễn Ánh – Gia Long “cõng rắn cắn gà nhà” và “trả thù tàn bạo” nhà Tây Sơn… Có người còn đi xa hơn, cho rằng việc Nguyễn Ánh được sự giúp sức của một nhúm sĩ quan Pháp hoạt động độc lập vào cuối thế kỷ XVIII là nguyên nhân dẫn đến việc thực dân Pháp chiếm lấy Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX, mà không hề lý gì tới cuộc tranh giành thuộc địa đang hồi gay cấn của hai đế quốc Anh và Pháp tại vùng châu Á và Viễn Đông trong một thời gian dài.
1 . Về chuyện “cõng rắn” của chúa Nguyễn Ánh
Những năm đầu thập niên 1780, cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn mà người cuối cùng còn sống sót là Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn đã đến hồi khốc liệt. Đến năm 1783 thì thế trận nghiêng hẳn về phía Tây Sơn, chúa Nguyễn phải chạy ra những đảo xa để tránh cuộc truy sát của đối phương. Năm 1784, thế cùng lực tận, theo lời đề nghị của một tướng Xiêm (Thái Lan) trong cuộc gặp gỡ tại Long Xuyên, Nguyễn Ánh quyết định tạm thời sang Xiêm tá túc, chờ cơ hội lật ngược thế cờ. Tháng 3 Âm lịch năm này, vua Xiêm “bèn ước hẹn giúp quân để mưu đồ khôi phục. Vua thứ hai nước Xiêm nhân đó nhắc đến việc năm trước giảng hòa với Nguyễn Hữu Thụy (Nguyễn Văn Thoại) đã có thề ước với nhau là gặp hoạn nạn thì cứu nhau, thì ngày nay xin phải ra sức. Bèn đưa những vật Nguyễn Hữu Thụy tặng là cờ đào và gươm ra để làm tin, rồi định ngày cử binh”. (Đại Nam Thực Lục – Tập Một – NXB Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 221)
Tháng 6 Âm lịch năm ấy, Nguyễn Ánh mang quân về Gia Định, vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem hai vạn thủy quân và 300 chiến thuyền theo giúp. Lực lượng quân Xiêm được đặt dưới sự chỉ huy chung của tướng Việt là Bình Tây Đại Đô đốc Châu Văn Tiếp, bắt đầu tiến đánh đạo Kiên Giang, rồi thẳng đến Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc… Tháng 10 Âm lịch năm 1784, Châu Văn Tiếp tử trận trong trận đánh tại sông Mân Thít. Tháng sau, “vua thấy quân Xiêm tàn bạo, đến đâu là cướp bóc đấy, nhân dân ta oán rất nhiều, bảo các tướng rằng: ‘Muốn được nước phải được lòng dân. Nay Chu (Châu) Văn Tiếp đã mất, quân Xiêm không ai chế ngự được. Nếu được Gia Định mà mất lòng dân thì ta cũng không nỡ làm. Thà hãy lui quân để đừng làm khổ nhân dân’” (Đại Nam Thực Lục – sđd, trang 222).
Cuối năm (âm lịch) đó, quân Xiêm bị phục binh của nhà Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ đánh một trận tan tác. Tháng 4 Âm lịch năm sau (1785), được tin về sự lộng hành của quân Xiêm tại Gia Định, vua Xiêm nổi giận định chém hai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương là những người chỉ huy trực tiếp đạo quân này, may nhờ Nguyễn Ánh can gián nên họ thoát chết. Qua những sự kiện lịch sử trên, ta có thể thấy rõ những lập luận cho rằng quân Xiêm xâm lược nước ta và Nguyễn Ánh “cõng rắn cắn gà nhà” là không đứng vững, vì các lý do sau:
Hành động xâm lược chỉ có thực khi quân đội nước này sang tấn công một nước khác, đánh bại quân nước đó và chiếm đóng lâu dài. Trong trường hợp kể trên, quân Xiêm được triều đình nước này cử đi tăng cường cho lực lượng có sẵn của chúa Nguyễn Ánh và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Việt là Châu Văn Tiếp thì chỉ có thể nói đó là đạo quân đánh thuê hơn là đạo quân xâm lược.
Không thể coi Nguyễn Ánh là “cõng rắn” khi ông sử dụng quân Xiêm như một công cụ để tăng cường sức mạnh của quân đội do ông và các tướng Việt chỉ huy. Việc quân Xiêm lợi dụng cơ hội để tàn hại dân lành là một tình huống bất ngờ trong chiến tranh, nằm ngoài dự kiến của cả phía Việt lẫn phía Xiêm. Tất nhiên, Nguyễn Ánh và các tướng của ông phải chịu trách nhiệm về biến động này, và như những phát biểu của ông với các tướng, điều này chỉ có tính nhất thời và vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của phía Việt. Nếu quân Xiêm được đưa sang Đại Việt nhằm mục đích xâm lược, vua Xiêm đã không nổi trận lôi đình đòi mang hai người cháu ra chém đầu về những việc làm tệ hại mà binh lính của họ đã gây ra.
Qua việc vua Xiêm công bố về thỏa thuận của cả hai bên “đã có thề ước với nhau là gặp hoạn nạn thì cứu nhau”, có thể thấy rằng vào những thế kỷ XVIII – XIX, các nước Đông Nam Á đã có một thỏa thuận mặc nhiên là nước này gặp nguy biến có thể nhờ một nước khác mang quân sang giúp. Tất nhiên khi đã nhờ nước khác sang giúp mình thì không thể coi họ là đạo quân xâm lược. Điều này đã được nhiều lần chứng minh trong lịch sử: năm 1785, trong thời gian nương náu tại Vọng Các (Bangkok), các tướng Việt đã có dịp giúp quân Xiêm đánh tan cuộc xâm lăng của quân Miến Điện (Diến Điện, nay là Myanmar); thế kỷ XIX và các thế kỷ trước, mỗi lần nước láng giềng Chân Lạp bị lân bang Xiêm La xâm lấn, họ yêu cầu quân ta kéo sang Nam Vang để giúp đẩy lùi cuộc ngoại xâm, không có lịch sử nước nào gọi quân ta là quân xâm lược. Ngay giữa cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, nhiều lần nước Lào tình nguyện đưa quân sang tấn công vào mặt tây bắc của Đại Việt để phân tán lực lượng của quân Tây Sơn (còn kiểm soát miền trung và miền bắc Đại Việt), giúp chúa Nguyễn Ánh rảnh tay giải quyết các chiến trường phía Nam
2 . Nhà Tây Sơn có “cõng rắn” hay không?
Chúng ta cứ giả thiết như sự hiện diện của hai vạn quân Xiêm trong đạo quân của nhà Nguyễn năm 1784 là một hình thức “cõng rắn” của Nguyễn Ánh, vậy hãy xét xem nhà Tây Sơn có “cõng rắn” theo cách thức này không?
Trước hết cần nhắc lại một số sự kiện quan trọng trong sử Việt liên quan đến mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và các nhóm quân sự người Hoa. Chỉ hai năm sau khi nổi dậy, năm 1773, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trại chủ, thu nạp quân của hai lái buôn người Hoa là Tập Đình và Lý Tài vào quân đội của mình. Quân của Tập Đình gọi là Trung Nghĩa quân, quân của Lý Tài gọi là Hòa Nghĩa quân. Nhờ hai đạo quân này mà quân Tây Sơn đánh thắng nhiều trận lớn, đẩy quân nhà Nguyễn vào thế chống đỡ, cuối cùng chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần phải cùng gia quyến và quần thần bỏ kinh đô Phú Xuân (Huế) chạy vào Gia Định.
Tuy nhiên, đến năm 1775, mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và hai nhân vật người Hoa trên bắt đầu rạn nứt, Nguyễn Nhạc lập mưu giết Tập Đình, Đình biết trước, bỏ chạy về Quảng Đông, bị quan nhà Thanh bắt giết. Ít lâu sau, không chịu đựng nổi cách hành xử khắc nghiệt của Nguyễn Nhạc, Lý Tài dẫn Hòa Nghĩa quân đến đầu hàng tướng Tống Phước Hiệp của nhà Nguyễn. Năm 1782, Hòa Nghĩa quân chém được tướng Phạm Ngạn của nhà Tây Sơn tại cầu Tham Lương, Nguyễn Nhạc giận cá chém thớt, bắt giết hàng mấy ngàn người Hoa ở Gia Định, bất kể thuộc thành phần nào, thây nằm chật sông, dân chúng không dám ăn cá mấy tháng liền.
Trong những năm gần đây, các hoạt động của phong trào Tây Sơn được nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu phương Tây khảo rất kỹ, trong số này phải kể đến bà Dian H. Murray, tác giả quyển Pirates of the South China Coast, 1790-1810 (Hải tặc ở miền duyên hải Nam Trung Hoa, những năm 1790-1810), xuất bản năm 1987, và giáo sư người Mỹ George Dutton, tác giả quyển The Uprising of Tây Sơn (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) – 2006 . Hai tác giả trên đã dành những chương quan trọng nêu chi tiết cụ thể sự hợp tác mật thiết giữa nhiều nhóm hải tặc người Hoa ở biển Đông với nhà Tây Sơn, từ khi hoàng đế Quang Trung còn nắm quyền cho đến ngày cuối cùng của chính thể này. Bọn cầm đầu các nhóm hải tặc Trung Hoa được nhà Tây Sơn giao cho nhiệm vụ tuyển người bổ sung vào lực lượng của họ, đưa quân làm chốt chặn các ngả tiến quân của quân nhà Nguyễn và bước đầu đã đóng góp nhiều công sức quan trọng trong các chiến dịch đánh chiếm Phú Xuân và Thăng Long năm 1786. Một trong những nhân vật cốt lõi thuộc nhóm hải tặc Trung Hoa là Trần Thiên Bảo được nhà Tây Sơn phong chức Tổng binh, tước hầu; một người bạn của y là Lương Khuê Hiệp được phong tước Hiệp Đức hầu. Trong tác phẩm kể tên, giáo sư Dutton đã viết về sự liên kết giữa hải tặc Trung Hoa và nhà Tây Sơn như sau:
“Những người từng là cướp biển đơn thuần, không có phẩm cấp hay địa vị nay được công nhận là tướng lĩnh, quan trấn thủ, hầu tước, trong lúc có người thậm chí còn được phong vương. Một tay cầm đầu hải tặc tên Mạc Quan Phù được phong tước Đông Hải Vương, trong khi một người khác là Ô Thạch Nhị được phong Bình Ba Vương năm 1797. Giữa thập niên 1770, các nhà lãnh đạo Tây Sơn đã triển khai sức mạnh và địa vị từ những chức vụ và cương vị chính thức do chúa Trịnh ban cho, thì các hải tặc Trung Hoa cũng có được tầm cỡ từ những chức vụ mà nhà Tây Sơn ban cho chúng. Sự hợp pháp hóa này quan trọng trong mối quan hệ giữa bọn hải tặc với nhau và với chính quyền Trung Hoa, nhưng nó cũng có ích cho những nhà lãnh đạo Tây Sơn, vì nó đưa ra một sự giải thích về cách hành xử trong mối quan hệ giữa họ với những kẻ ngoài vòng pháp luật này.
Đội thủy quân của hải tặc phục vụ trong quân đội Tây Sơn khá quan trọng, một mặt với Mạc Quan Phù chỉ huy hơn một ngàn người, mặt khác với một người cầm đầu hải tặc là Trịnh Thất, chỉ huy một lực lượng hơn 200 tàu thuyền. Thủy quân với tầm cỡ đó rất hữu dụng cho nhà Tây Sơn, đảm đương nhiều chức năng cốt yếu cho triều đại Quang Trung. Trước hết, hải tặc giúp ông mở rộng sức mạnh thủy quân, bổ sung khả năng tuần tra vùng duyên hải từ biên giới với Trung Quốc đến vùng cực nam Qui Nhơn…” (sách đã dẫn, trang 222)
Sau khi vua Quang Trung qua đời, hải tặc Trung Hoa tiếp tục tham gia vào những chiến dịch quân sự quan trọng của nhà Tây Sơn, phục vụ cho chính quyền này cho đến những ngày cuối cùng (1802). Xét như thế để thấy rằng sự hiện diện của những lực lượng hải tặc Trung Hoa do nhà Tây Sơn kết nạp vào quân đội của họ về bản chất không khác gì lực lượng quân Xiêm được tăng cường cho quân đội của Nguyễn Ánh. Chúng ta sẽ có dịp trở lại một cách chi tiết hơn về sự “cộng sinh” giữa nhà Tây Sơn và các nhóm hải tặc Trung Hoa trong suốt mười mấy năm liền.
Tất nhiên, chúng ta không hẹp hòi kết luận rằng sự hiện diện của một lực lượng hùng hậu hải tặc Trung Hoa trong quân đội nhà Tây Sơn là một hình thức “cõng rắn” của ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ. Việc làm có ý thức của họ cũng như việc Nguyễn Ánh chấp nhận cho 2 vạn quân Xiêm chiến đấu chung hàng ngũ với quân đội của mình chỉ nhằm tăng cường tiềm lực quân sự trong cuộc nội chiến giữa hai bên. Vì vậy, trên tinh thần công bằng của lịch sử, nay đã đến lúc cần xem lại cái luận điệu một chiều cũ rích “Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà” của hàng ngàn cái loa vẫn ra rả từ nhiều năm qua.
3 . Mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh-Gia Long và người Pháp
Có khá nhiều ngộ nhận khi đề cập đến mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh-Gia Long và người Pháp, một phần do không nắm vững những dữ kiện lịch sử vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, phần khác, lớn hơn, do một định hướng đầy ác ý, nhằm khoác cho nhân vật lịch sử này cái tội tày đình “cõng rắn cắn gà nhà”. Nhìn chung, những ngộ nhận này tập trung vào các nhận định sau:
– Chính quyền Pháp cử quân sang xâm lược Đại Việt trong khuôn khổ hiệp ước Versailles ngày 28-11-1787 ký giữa đại diện của chúa Nguyễn Ánh và đại diện của Pháp hoàng Louis XVI
– Những người Pháp phục vụ trong hàng ngũ quân Nguyễn Ánh giữ vai trò quyết định trong cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn; không có họ, Nguyễn Ánh không thể đánh bại nhà Tây Sơn.
– Nguyễn Ánh đã mở đường và tạo điều kiện thuận lợi cho quân Pháp xâm lược Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX
Xem xét thấu đáo những dữ kiện lịch sử thời kỳ này sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn trung thực và khách quan hơn về những gì đã thực sự diễn ra.
* Sứ mạng bất thành của Giám mục Bá Đa Lộc
Giám mục Bá Đa Lộc (Evêque d’Adran – Pigneau de Béhaine) gặp chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần vào năm 1776, sau khi chúa và quần thần phải rời bỏ kinh đô Phú Xuân (Huế) chạy vào Nam dưới sức ép của cả nhà Tây Sơn lẫn quân Trịnh. Năm 1777, Định vương, lúc này đã là Thái Thượng vương, bị nhà Tây Sơn sát hại tại Long Xuyên (bây giờ là khu vực Bạc Liêu – Cà Mau), dòng họ Nguyễn lúc ấy chỉ còn mỗi Nguyễn Ánh, cháu gọi Nguyễn Phúc Thuần là chú. Mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh với Bá Đa Lộc bắt đầu từ đó. Tháng 10-1777, trước sự truy sát ráo riết của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh được Bá Đa Lộc đưa đi trốn lánh trong rừng, rồi sau đó chạy ra đảo Thổ Châu (Poulo Panjang).
Những năm đầu thập niên 1780, trước thế mạnh của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh phải ẩn lánh nhiều nơi và cuối cùng quyết định nhờ Bá Đa Lộc đưa con là hoàng tử Cảnh làm con tin đi sang Pháp đề nghị triều đình Pháp viện trợ người và vũ khí để lật ngược tình thế. Trên đường đi, Bá Đa Lộc ghé lại Pondichéry, thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ, và từ đó đến thủ đô Paris của Pháp vào những tháng cuối năm 1787. Ngày 28-11-1787, một hiệp ước hỗ tương được ký giữa Giám mục Bá Đa Lộc, đại diện chúa Nguyễn Ánh, và bá tước De Montmorin, Thượng thư Bộ Ngoại giao, đại diện Pháp hoàng Louis XVI, với hai điều khoản cốt yếu sau:
– Pháp giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến và 1.650 quân.
– Nguyễn Ánh chịu nhượng cho Pháp quyền sử dụng đảo Côn Nôn và hòn đảo hình thành cửa bể Tourane (Đà Nẵng)
Trong thời gian còn lưu lại Paris, phái bộ Việt có cuộc tiếp xúc với một người Mỹ là đại diện của chính quyền Washington tại đây. Đó là Thomas Jefferson, người sẽ làm Tổng thống thứ ba của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ (1801-1809), cũng là người đã soạn ra bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, Jefferson đang có đam mê sưu tập các giống lúa gạo châu Á để trồng thử nghiệm tại quê hương của ông là bang Virginia. Trong cuộc gặp gỡ tình cờ đó, Bá Đa Lộc và phái bộ Đại Việt hứa khi trở về sẽ tìm cách gửi giống lúa Việt cho Jefferson.
* Hiệp ước Versailles
Hiệp ước Versailles là một quyết định của Nguyễn Ánh, lợi hay hại, đúng hay sai và ở mức độ nào, là chuyện phải bàn nhiều, và không thuộc về chủ đề hôm nay. Song cần khẳng định ngay để đính chính một nhầm lẫn khá phổ biến, đó là hiệp ước này đã chết từ trong trứng nước! Theo kế hoạch thực hiện do triều đình Pháp vạch ra, người chịu trách nhiệm phối hợp thi hành với phía Việt là bá tước de Conway, Thiếu tướng Tư lệnh quân đội Pháp tại Pondichéry (Ấn Độ). Ngay những ngày cuối năm 1787, Bá Đa Lộc xuống tàu đi Pondichéry, nhưng tất cả những gì diễn ra trong cuộc gặp gỡ giữa ông và de Conway là một thất vọng não nề.
Trước tiên, de Conway viện nhiều lý do để không thi hành hiệp ước, lời qua tiếng lại, rồi thư đi thư lại hàng chục lá, lời lẽ từ nhã nhặn đến gay gắt rồi không nề hà chuyện xúc phạm nhau (những lá thư đó được đăng gần đầy đủ trong tác phẩm La Geste Française en Indochine của Georges Taboulet – Paris 1955). Không phải là de Conway dám cưỡng lệnh thượng cấp ở Paris, mà trên thực tế, công khố Pháp lúc ấy đã đến hồi khánh kiệt, triều đình Pháp mặc nhiên cho phép ông ta tùy nghi hành xử. Như vậy là không có một điều khoản nào của Hiệp ước Versailles được thi hành cả. Cũng cần nói thêm là vào năm 1817, chính phủ Pháp cử thuyền trưởng Achille De Kergariou đưa tàu Cybèle đến Việt Nam yêu cầu triều đình nhà Nguyễn thi hành Hiệp ước Vresailles về việc nhượng hai vị trí đã ghi, vua Gia Long cử người trả lời thẳng thừng là phía Pháp không thi hành hiệp ước thì chả có lý do gì phía Việt Nam phải thực hiện cam kết của mình.
Hiệp ước bất khả thi, Bá Đa Lộc cảm thấy bẽ mặt vì không hoàn thành được sứ mạng do Nguyễn Ánh giao phó. Để vớt vát thể diện, ông ta lưu lại Pondichéry trong hơn một năm để quyên góp tiền, mua tàu và chiêu mộ nhiều người Pháp không còn ràng buộc trong quân đội hay chính quyền Pháp nữa. Họ không đông đảo như hai vạn quân Xiêm, mà chỉ gồm khoảng một, hai chục người, trong đó, số người được sách vở và các tài liệu thường xuyên nhắc đến không quá 10 người. Đó là: Philippe Vannier (sau có tên Việt là Nguyễn Văn Chấn), Olivier de Puymanel, Dayot, De Forçant, Laurent de Barisy… Riêng Puymanel, người Việt gọi là ông Tín, nguyên là Đại tá công binh, đã đảm trách việc xây thành Sài Gòn năm 1790, và là người đầu tiên áp dụng mô hình kiến trúc Vauban nổi tiếng của châu Âu vào việc xây dựng thành quách Việt Nam tại nhiều nơi.
Về phần J.B. Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng), mãi đến năm 1793, ông ta mới tới Đại Việt, không tới một lượt với những người trên như nhiểu tác giả lầm tưởng, kể cả Quốc sử quán triều Nguyễn về sau. Như vậy, thời gian từ lúc Bá Đa Lộc và phái bộ rời Paris (cuối năm 1787) đến khi về đến Đại Việt (tháng 6 âm lịch 1789) là hơn một năm rưỡi, Thomas Jefferson ở Paris chờ hạt giống mãi không có, đành về nước. Chi tiết này gián tiếp đính chánh nhầm lẫn của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến viếng thăm Việt Nam, nhân buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Hà Nội, ông đã nhắc rằng Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson từng trồng giống lúa Việt Nam trên đất Mỹ.
Đến đây, đã có thể khẳng định về ngộ nhận thứ nhất: những người Pháp được Bá Đa Lộc chiêu mộ đến Đại Việt đầu quân dưới trướng Nguyễn Ánh hoàn toàn không dính líu gì đến triều đình Pháp, họ đến với tư cách tự nguyện và chỉ khoảng một hai chục người, được Nguyễn Ánh giao cai quản ba chiếc tàu Long Phi (Chaigneau Nguyễn Văn Thắng), Phụng Phi (Vannier Nguyễn Văn Chấn), Bằng Phi (De Forçant Lê Văn Lăng), đặt dưới quyền chỉ huy chung của tướng Việt là Nguyễn Văn Trương, cùng một số việc chuyên môn khác.
Có thể nói rằng sự hợp tác của những người Pháp trên đã giúp Nguyễn Ánh được thuận lợi nhiều hơn trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn, song với một số lượng ít ỏi như thế, họ cũng chỉ có những đóng góp nhất định. Càng không thể nói rằng nhờ có họ mà Nguyễn Ánh mới chiến thắng được nhà Tây Sơn. Chúng ta cần nhớ là gần một năm trước khi những người Pháp này cập bến Đại Việt (1789), năm 1788, quân đội của Nguyễn Ánh đã tự mình đánh bật quân Tây Sơn dưới quyền Nguyễn Lữ ra khỏi đất Gia Định rồi. Hơn 10 năm sau, trong trận đánh quyết định ở đầm Thị Nại vào đầu năm 1801, trận đánh được các nhà chép sử đánh giá là “đệ nhất võ công” của nhà Nguyễn, công lao lớn nhất vẫn là của những danh tướng Việt Nam Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Võ Di Nguy. Những dữ kiện này là sự trả lời đanh thép cho ngộ nhận thứ hai.
Cuối cùng, tôi khâm phục cách hành xử sáng suốt của Nguyễn Ánh, hoàn toàn khác biệt với những gì mà những người có ác ý đã khoác cho ông. Bằng nhiều cách cư xử có tình có lý với những người Pháp tình nguyện giúp ông, ông đã tận dụng được sở trường của họ để họ đóng góp vào cuộc đấu tranh chống nhà Tây Sơn một cách có hiệu quả. Ông giao họ những nhiệm vụ cá nhân nhất định dưới quyền các tướng lãnh Việt, như trường hợp Chaigneau, Vannier, De Forçant…, không bao giờ để cho họ khuynh loát, kể cả trường hợp giám mục Bá Đa Lộc
Những hiểu biết về khoa học, sự hữu dụng của những người Pháp này đã thu hút sự chú ý của các lãnh đạo nhà Tây Sơn, và nhiều lần, Nguyễn Nhạc đã tìm cách mời sĩ quan công binh Olivier de Puymanel về giúp nhà Tây Sơn, nhưng không được đáp ứng. Khi cuộc nội chiến kết thúc với thắng lợi hoàn toàn về phía mình, Nguyễn Ánh-Gia Long cũng chỉ thăng thưởng những người Pháp trên tương xứng với công lao đóng góp của họ. Trong lúc các khai quốc công thần người Việt như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Lê Chất …. được phong tước Quận công, giữ các chức vào hàng chánh nhất phẩm như Tả Quân, Hữu Quân, Trung Quân… thì những người Pháp có nhiều công lao như Chaigneau Nguyễn Văn Thắng, Vannier Nguyễn Văn Chấn cũng chỉ được phong chức Chưởng cơ (tòng nhị phẩm) và các tước Thắng Tài hầu, Chấn Võ hầu…
Với cách hành xử có tình có lý này của Nguyễn Ánh-Gia Long, luận điệu cho rằng ông bị những người Pháp khuynh loát không còn đứng vững. Điều này còn rõ hơn sau khi ông đã lên ngôi hoàng đế, nhiều người Pháp lần lượt bỏ về nước, chỉ còn ở lại triều đình Việt Nam hai người Pháp là Chaigneau và Vannier, một phần do cuộc hôn nhân của họ với hai người phụ nữ Việt (lần lượt) là bà Benoite Hồ Thị Huề và bà Nguyễn Thị Sen (Liên). Song cuối cùng, đến triều Minh Mạng, năm 1824, hai người Pháp này cũng đưa gia đình về Pháp nốt. Điều đó có nghĩa là kể từ những năm đầu triều Minh Mạng, đồng thời với một chính sách hết sức khắc nghiệt của nhà Nguyễn đối với đạo Cơ Đốc và các giáo sĩ phương Tây, không còn một bóng dáng người Pháp nào tại triều đình nhà Nguyễn. Thực tế này chứng tỏ luận điệu cho rằng Nguyễn Ánh – Gia Long đã mở đường và tạo điều kiện thuận lợi cho quân Pháp xâm lược Việt Nam là vô căn cứ. Phải hơn ba mươi năm sau khi người Pháp cuối cùng rời khỏi chính quyền nhà Nguyễn (1824) thì Pháp mới nổ phát súng đầu tiên mở đầu âm mưu xâm lược đất nước ta (1858).
Cũng cần nhắc thêm một chi tiết: Pháp đã từng lập kế hoạch đánh úp kinh đô Phú Xuân của các chúa Nguyễn vào năm 1760, khi Nguyễn Ánh chưa ra đời, chiến dịch này chỉ phải dừng lại giữa chừng đoạn đường xâm lược vì nhiều biến chuyển bất lợi cho đạo quân xâm lược do bá tước d’Estaing chỉ huy (tổn thất trên đường đi, bệnh tật …). Chuyện Pháp xâm lược Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX thuộc về một kế hoạch đã dự liệu từ lâu, trong khuôn khổ cuộc tranh giành thuộc địa gay gắt giữa hai đế quốc Anh và Pháp, việc cấm giết đạo của triều Nguyễn chỉ là cái cớ gần nhất. Còn chuyện Nguyễn Ánh-Gia Long sử dụng người Pháp làm tay sai cho mình vào cuối thế kỷ XVIII lại càng không có một dính dáng nào đối với những gì mà thực dân Pháp đã thực hiện tại Việt Nam hơn 60 năm sau đó.
Tất cả những dữ kiện trinh bày ở trên đủ cho thấy luận điệu “cõng rắn (Pháp) cắn gà nhà” áp đặt cho Nguyễn Ánh đã tỏ ra lạc lõng, lố bịch và đầy ác ý.
3 . Vai Trò Của Giám Mục Bá Đa Lộc Trong Cuộc Nội Chiến Nhà Nguyễn-Nhà Tây Sơn
Trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 30 năm giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn (1771-1802), Giám mục Bá Đa Lộc là người phương Tây có mặt lâu nhất, từ năm 1776 đến ngày ông qua đời (1799). Ông sát cánh, hỗ trợ chúa Nguyễn Ánh khi còn là một thiếu niên mới 15 tuổi cho đến những ngày cuộc nội chiến đã nghiêng phần thắng lợi về phía nhà Nguyễn. Song vị trí của Bá Đa Lộc trong cuộc chiến dằng co đó như thế nào, nhất là mối quan hệ giữa ông ta với Nguyễn Ánh ra sao, có nhiều sự miêu tả, nhận định rất khác nhau, trong đó có những cách thổi phồng, phóng đại vai trò của vị giám mục này, trao cho ông ta một vai trò quá lớn trong cuộc nội chiến, vô tình hạ thấp tính độc lập, quyết đoán của một con người đầy bản lãnh như Nguyễn Ánh.
HÀNH TRÌNH CỦA GIÁM MỤC BÁ ĐA LỘC TẠI ĐẠI VIỆT
Tháng 7-1774, Giám mục Bá Đa Lộc rời Pondichéry, thuộc địa Pháp tại Ấn Độ, cùng bốn giáo sĩ châu Âu và chín chủng sinh đi Macao, tại đây, ông ta cho in một sách về giáo lý Cơ Đốc giáo bằng chữ quốc ngữ. Những năm 1775-1776, ông đến sinh sống khi thì ở Hà Tiên, khi thì ở Phnom Penh (Chân Lạp) và gặp gỡ lần đầu tiên chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần rồi sát cánh cùng người còn sót lại của dòng chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh như chúng ta đã biết trong một bài trước.
Tháng 1-1780, các thủy thủ của thuyền trưởng Cook có dịp ghé lại đảo Poulo – Condore (Côn Đảo) đã được các quan lại địa phương cho xem những bức thư của Bá Đa Lộc gửi các tàu bè của người Âu đến khu vực này, nhờ họ hỗ trợ cho chúa Nguyễn. Và cũng vào thời điểm trên, ông ta đã tiến cử cho chúa Nguyễn Ánh một thủy thủ người Pháp gốc Bretagne có tên Manuel mà sử Việt gọi là Mạn Hòe. Người thủy thủ tình nguyện này đã chiến đấu anh dũng trong hàng ngũ quân đội của Nguyễn Ánh. Khoảng tháng 3, tháng 4-1782, trong một trận chiến ác liệt, Manuel đã làm nổ tung tàu, chết theo tàu để chặn đứng đường xâm nhập của quân Tây Sơn vào cửa sông Sài Gòn.
Sự thất bại trong sứ mạng của Giám mục Bá Đa Lộc tại Pháp chúng ta đã có dịp đọc qua. Ông ta trở lại Đại Việt vào tháng 7-1789 và sự hiện diện của ông ta tại đây, từ thời điểm này, đã không được chính sử Việt Nam ghi chép đầy đủ. Hầu như các chi tiết về mối quan hệ giữa chúa Nguyễn và Bá Đa Lộc đều phải dựa vào những nguồn sử liệu của người Pháp, trong đó không ít là thư từ của các giáo sĩ, kể cả thư của chính Bá Đa Lộc.
Trước tiên, điều có thể khẳng định là dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, và làm những việc gì, các giáo sĩ phương Tây từ thời Alexandre de Rhodes trở về sau cũng chỉ có một mục đích duy nhất là quảng bá rộng rãi Cơ Đốc giáo, thu nạp nhiều tín đồ và đạt đích cao nhất là xây dựng một triều đình Đại Việt nếu không thuần Cơ Đốc giáo thì ít ra cũng thân Cơ Đốc giáo. Điều này đã được de Rhodes thực hiện với Minh Đức Vương Thái Phi, phu nhân Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng, khi thuyết phục được bà này cải sang đạo Cơ Đốc; được Bá Đa Lộc thực hiện với hoàng tử Cảnh và toan tính thực hiện với chúa Nguyễn Ánh.
VAI TRÒ THẬT CỦA BÁ ĐA LỘC TRONG CUỘC NỘI CHIẾN
Trái với những gì mà một số cây bút Pháp từng viết, trong thời gian đầu ngay sau khi Bá Đa Lộc về tới Đại Việt, sự bất đồng giữa ông ta và chúa Nguyễn Ánh bộc lộ rất rõ, ít nhất trên hai khía cạnh:
– Vấn đề quỳ lạy và thờ cúng ông bà của người Việt
– Cách điều hành cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn
Về vấn đề thứ nhất, trong một bài viết dài 82 trang nhan đề “Documents relatifs à l’époque de Gia Long” (Tư liệu liên quan đến thời kỳ Gia Long) in trong Tập san trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) năm 1912, cây bút Léopold Cadière, chủ biên tờ Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH), đã khẳng định chuyện hoàng tử Cảnh khước từ việc quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, không chịu đi chùa và bài trừ việc cúng phẩm vật cho ông bà (tài liệu đã dẫn, trang 22). L. Cadière cũng cho in lại bức thư đề ngày 11-8-1789 của giáo sĩ Boisserand kể lại cuộc thảo luận giữa chúa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc về vấn đề thờ cúng ông bà. Qua bài tường thuật này, người ta biết rằng Bá Đa Lộc lên tiếng chỉ trích tục thờ cúng ông bà và Nguyễn Ánh đã trả lời ông ta như sau: “Ta nhất thiết phải thờ cúng cha mẹ, và cái cách ta trình bày với thượng sư về điều này, theo ta không có gì lố bịch cả. Đó là căn bản nền giáo dục của chúng ta; nó gợi cho những đứa trẻ ở tuổi đời non nớt lòng hiếu thảo, và nó mang lại cho các bậc cha mẹ thứ quyền hành mà nếu không có thì họ sẽ không ngăn chặn được tình trạng rối loạn trong gia đình…” (tlđd, trang 20-21).
Trong tài liệu của mình, linh mục L. Cadière cũng nêu rõ mưu đồ của Bá Đa Lộc khi bàn về vấn đề đời sống tâm linh với chúa Nguyễn: “Đây là lý do lớn nhất đã dẫn dắt giám mục Adran (tức Bá Đa Lộc – LN). Mục tiêu của tất cả những cuộc vận động của ông, đích nhắm duy nhất của cả đời ông, là sự cải đạo (sang Cơ Đốc giáo) của người dân Đại Việt thông qua sự cải đạo của vị chúa mà ông đang gắn bó. Ông muốn loại bỏ những trở lực đã ngăn cản ông thực hiện mong muốn này…” (tlđd, trang 23). Dù đã thành công phần nào với hoàng tử Cảnh, song với một Nguyễn Ánh đã trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm, mọi mưu toan của Bá Đa Lộc đã vấp phải một bức tường thành kiên cố. Song ông ta không nản lòng, việc cải đạo của chúa Nguyễn vẫn được ông ta nhắc đi nhắc lại trong các bức thư gửi cho giới thừa sai những năm 1795-1796.
Mối bất đồng thứ hai cũng khá gay gắt. Giữa năm 1790, quân Nguyễn Ánh đã chiếm được Bình Thuận, Bá Đa Lộc muốn ông nhân dịp này đánh thốc ra dinh lũy của nhà Tây Sơn ở Quy Nhơn song Nguyễn Ánh còn chần chừ. Sự bất đồng lên đến đỉnh điểm khiến cho vị giáo sĩ này bộc lộ hết với giáo sĩ Letondal trong một bức thư đề ngày 14-9-1791: “… Nhà vua đã không lợi dụng những phương tiện có được để chiến đấu chống kẻ thù, ông đã để cho họ có thì giờ giải tỏa nỗi sợ hãi và tin chắc rằng tất cả những gì mà người ta nói về sự giúp đỡ của người châu Âu chỉ là ảo tưởng. Ông đã áp bức thần dân của mình bằng sưu cao thuế nặng; trong lúc này, dân nghèo đã bị cái đói làm cho khổ sở đến nỗi họ mong muốn anh em Tây Sơn quay lại. Trong tình trạng hiện nay, nếu những người này có đủ tự tin và mở cuộc tấn công nhà vua, ông ta sẽ khó mà đương cự lại… Tất cả nỗi bối rối của tôi – hoặc ít ra là nỗi bối rối lớn nhất – là có thể được nhà vua đồng ý cho tôi rút lui, ít nhất trong một thời gian nào đó. Tôi rất muốn đi Macao, Manille, cả Xiêm nữa, để chờ một biến cố xảy ra” ( Georges Taboulet – La Geste Française en Indochine – Paris 1955, trang 216-217).
Một số cây bút giải thích sự bức xúc của vị giám mục xuất phát từ nỗi lo sợ quân Tây Sơn sẽ phản công về phía Nam, số phận của ông ta và giáo dân Cơ Đốc giáo sẽ gặp nguy hiểm. Điều lo ngại này không phải là không có lý, vì theo một số nhà nghiên cứu, trong đó có giáo sư người Mỹ George Dutton, chính sách khắc nghiệt của nhà Tây Sơn đối với Cơ Đốc giáo không có tính thuần túy tôn giáo mà chủ yếu vì các giáo sĩ đang ủng hộ mạnh mẽ lực lượng đối kháng với họ là quân đội của chúa Nguyễn.
Và Bá Đa Lộc ra đi thật. Tháng 6-1792, người ta chuẩn bị cho ông ta một chiếc tàu để đi Macao. Lúc đầu, chúa Nguyễn Ánh thuận tình cho ông ta đi, nhưng khi việc chuẩn bị gần xong thì chúa đổi ý, giữ ông lại. Lý do khiến chúa đổi ý được giáo sĩ Le Labousse giải thích trong một bức thư đề ngày 20-6-1792 gửi cho giáo sĩ Boiret: ”Khi Đức Ông chuẩn bị ra đi, mọi người bắt đầu la toáng lên. Tất cả quan lại nói rằng nếu Đức Ông đi thì họ phải nghĩ đến sự an toàn của họ và sẽ trốn đi. Người dân thì dọa sẽ gọi quân nổi dậy đến đây với hy vọng về một số phận tốt đẹp hơn…”. Tác giả bức thư không nêu rõ là quan lại ở đây là người Việt hay một nhóm người Pháp đầu quân với chúa Nguyễn, song dù là thành phần nào thì lý do đưa ra cũng quá chủ quan, nếu không muốn nói là khôi hài, khi đề cao vai trò và sự cần thiết của Bá Đa Lộc đến như thế.
Tháng ba âm lịch năm 1793, chúa Nguyễn lập hoàng tử Cảnh làm Đông cung Thái tử, “dựng nhà Thái học, đặt một Đông cung phụ đạo, hai thị giảng, tám hàn lâm thị học, sáu Quốc tử giám thị học, mỗi ngày hai buổi họp các quan đốc học ở nhà thái học để giảng bàn kinh sử” (Đại Nam Thực Lục – Tập Một – NXB Giáo dục Hà Nội 2002, trang 291). Ngô Tùng Châu được cử làm Đông cung Phụ đạo, Đông cung thị giảng là hai trong ba “Gia Định tam gia”: Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định. Không thấy chính sử nói gì đến vai trò của Bá Đa Lộc vào lúc này. Những năm 1793-1794, vị giám mục cũng không tham gia các cuộc hành quân, ông dịch cho chúa Nguyễn một số tác phẩm cổ điển phương Tây về kỹ thuật quân sự, cách xây dựng công sự.
Tuy nhiên đến năm 1795 thì mọi việc thay đổi theo một chiều hướng khác, Bá Đa Lộc tiếp tục đề cập đến chuyện ra đi, lần này nguyên nhân là sự chống đối công khai hay ngấm ngầm của phần lớn quan lại dưới trướng Nguyễn Ánh đối với ông ta. Trong bức thư đề ngày 30-5-1795 gửi cho giáo sĩ Boiret, ông ta kể rằng có đến 19 cận thần của chúa Nguyễn, trong đó có một vị hoàng thân, đã dâng biểu thỉnh cầu chúa cắt đứt mọi quan hệ giữa ông ta và Hoàng thái tử Cảnh và giao hoàn toàn việc dạy dổ Thái tử cho các quan lại Việt. (G. Taboulet – sđd, trang 222). Chi tiết này phù hợp với một đoạn trong sách Hoàng Việt Long Hưng Chí của Ngô Giáp Đậu, thuộc dòng Ngô gia văn phái: “Bá Đa Lộc từng bảo hộ Đông cung Cảnh sang Tây, lại được dự bàn việc binh nhung nơi màn trướng, cậy mình có nhiều công lao nên có ý phóng túng kiêu ngạo, từng bị Trần Đại Luật dâng sớ hạch tội, xin vương thượng mượn kiếm trời chém đầu đi. Nhưng Thế tổ dụ rằng: Bá Đa Lộc đánh đông dẹp bắc, là người ngu xuẩn trí trá, nhưng có thể sai khiến được. Hãy tạm để đó đã” (Sđd – NXB Văn Học – Hà Nội 1993, trang 235-236).
Có thể cũng do mối tỵ hiềm giữa Bá Đa Lộc và các đại thần nên chúa Nguyễn không để ông ta ở lại phủ để bàn việc triều chính, mà cử ông ta đi theo hoàng thái tử Cảnh trong gần suốt thời gian những năm 1793-1799.
Với những dữ kiện trên, xin tóm lại mấy ý chính:
* Bá Đa Lộc có công giúp chúa Nguyễn trong những ngày đầu gian khổ, khi phải trốn lánh cuộc truy sát của quân Tây Sơn. Tuy nhiên, nhiều cây bút Pháp, trong đó có Charles B. Maybon, tác giả quyển Histoire moderne du pays d’Annam 1592-1920 – Paris 1920 và linh mục Léopold Cadière, chủ bút Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH), đã đề cao một cách quá đáng vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc trong thời kỳ này nhằm gián tiếp nói rằng nếu không có ông, Nguyễn Ánh sẽ không thể tồn tại và tất nhiên cơ nghiệp của nhà Nguyễn sẽ không thể có như chúng ta đã thấy. Những người Pháp trên quên rằng vào những năm 1777-1782, lực lượng nhà Nguyễn vẫn còn trong tình trạng thường xuyên được tăng cường, bổ sung và đã nhiều lần lấy lại đất Gia Định từ trong tay nhà Tây Sơn. Công đáng kể nhất của Bá Đa Lộc là vận động tài chánh tại Pondichéry vào những năm 1788-1789 và chiêu mộ một số người Pháp có chuyên môn về giúp chúa Nguyễn Ánh, tăng cường năng lực chiến đấu của đạo quân nhà Nguyễn vốn đã tạo được ưu thế trước quân đội Tây Sơn, qua việc đánh bật họ ra khỏi đất Gia Định.
* Trong thời gian 10 năm, từ 1789 đến 1799, ngoài mấy năm đầu có sự bất đồng giữa chúa Nguyễn và Bá Đa Lộc, từ năm 1793 trở đi, với phần lớn thời gian sống cạnh Hoàng Thái tử Cảnh trong cương vị trấn thủ thành Sài Gòn và thành Diên Khánh, Bá Đa Lộc cũng không chứng tỏ được gì khi sát cạnh vị Đông Cung Thái tử đã có những đại thần bậc nhất của chúa như Đông cung Phụ đạo Ngô Tùng Châu, Đông cung Thị giảng Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định. Sự kình chống khá công khai và gay gắt của đa số cận thần của chúa Nguyễn đối với Bá Đa Lộc từ năm 1795 trở đi đã gần như vô hiệu hóa mọi toan tính và những việc cần làm của vị giám mục này.
* Trong mối quan hệ với Giám mục Bá Đa Lộc và các sĩ quan, chuyên viên Pháp theo giúp mình, chúa Nguyễn Ánh luôn cư xử có tình với họ, song ông luôn biết chứng tỏ là một người suy nghĩ, hành động độc lập và cương quyết, không ai dễ dàng khuất phục ý chí của ông. Ông biết tận dụng năng lực của họ, song ông không hề giao cho họ một vai trò quyết định nào. Một số cây bút Pháp cũng tỏ ra quá đáng khi cho sự hiện diện của một nhúm sĩ quan và chuyên viên Pháp trên là có tính quyết định cho cuộc chiến. Trên thực tế, nhân tố chính của cuộc chiến vẫn là những danh tướng người Việt như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Huỳnh Đức…, những người đã lập nên nhiều chiến công có tính quyết định, nhất là trận Thị Nại năm 1801.
Về phần mình, tôi khâm phục cách giáo dục con của chúa Nguyễn Ánh, phong làm Đông cung Thái tử không phải để sống trên nhung lụa chờ ngày kế vị, mà phải cầm quân xông pha trận mạc. Kinh nghiệm những tháng năm lăn lộn trên ranh giới giữa cái sống và cái chết từ khi còn là một cậu thiếu niên 15 tuổi đã tập cho ông một thói quen luôn phấn đấu vượt qua nghịch cảnh và ông đã buộc người sắp kế vị ông cũng phải như thế.
Đăng lại từ triviet.news
4 . Tây Sơn có phải là “phong trào nông dân” không?
Trong lịch sử đầy những biến động của xã hội Việt Nam, các tổ chức được thành lập nhằm giành lấy chính quyền về tay mình bao giờ cũng áp dụng nhiều mưu chước, thủ đoạn để đạt được mục đích tối hậu đã đặt ra. Nhà Tây Sơn cũng không nằm ngoài qui luật đó. Họ nổi dậy năm 1771, trong lúc nội tình chính quyền Đàng Trong đang ở vào giai đoạn rối ren nhất. Quyền thần Trương Phúc Loan ỷ vào cương vị Quốc phó và mối quan hệ huyết thống với các chúa đương quyền, đã thao túng việc triều chính, truất người này, dựng người kia, các đại thần cương trực hoặc bị trừ khử, hoặc lánh xa nơi gió tanh mưa máu. Ba anh em nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đã chiêu binh mãi mã, cố tận dụng cơ hội rối ren tại kinh đô để giành lấy chính quyền.
Cùng thời điểm đó, chúa Trịnh Sâm tại Đàng Ngoài cũng có cùng một mưu định như thế. Năm 1774, chúa cử tướng Hoàng Ngũ Phúc cầm đầu đoàn quân Nam tiến, mượn danh nghĩa tiêu diệt Trương Phúc Loan, dẹp yên “loạn Tây Sơn”, phục hồi ngôi vị cho nhà Nguyễn. Trong thời gian thế lực còn yếu so với nhà Trịnh ở đất Bắc, phần khác, lòng người vẫn còn hướng về các chúa Nguyễn, ba anh em Tây Sơn đã đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn rồi bắt giữ Đông cung Nguyễn Phúc Dương làm con tin, gả con gái Nhạc là Thọ Hương cho và ép lên ngôi chúa. Biết được mưu sâu của họ, Đông cung Dương tìm cơ hội trốn vào Gia Định. Trong thế lưỡng đầu thọ địch, quân chúa Nguyễn ở phía Nam, quân Trịnh áp sát Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc sai người mang vàng lụa cho Hoàng Ngũ Phúc và thư xin nộp ba phủ Quảng Nghĩa, Quy Nhơn và Phú Yên, xin làm tiểu tướng dẫn đại quân đánh lấy Gia Định. Hoàng Ngũ Phúc thấy thế cũng tiện cho mình, tạm cử Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Hiệu trưởng Tráng tiết Tướng quân.
Giữa thập niên 1780, sau khi đã nắm chắc phần thắng ở phía Nam, nhận thấy sự suy yếu của họ Trịnh ở phương Bắc, nhà Tây Sơn đã tính đến việc dứt họ Trịnh và nhất thống thiên hạ. Trong cuộc Bắc tiến năm 1786, họ thành công bước đầu qua việc tiêu diệt họ Trịnh, dòng họ đang nắm thực quyền tại Thăng Long, song vẫn phải lao tâm khổ tứ trong việc thanh toán những bất đồng nội bộ giữa Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm. Cũng từ những diễn biến chính trị và quân sự vào giai đoạn này, chúng ta thấy lập luận dành cho nhà Tây Sơn công thống nhất đất nước đã không đứng vững. Khi họ bức bách được chúa Nguyễn Ánh phải bỏ nước, sống lưu vong ở kinh thành Vọng Các, nước Xiêm (1784—1788) thì vua Lê – chúa Trịnh vẫn còn làm chủ vùng đất Đàng Ngoài; khi họ đánh thắng quân Thanh và chiếm lấy ngai vàng nhà Lê (1789) làm chủ một vùng đất rộng từ Thăng Long vào đến Quy Nhơn, Phú Yên thì quân chúa Nguyễn đã vĩnh viễn làm chủ đất Gia Định, và từ đó tiến dần lên phía Bắc, chưa có thời điểm nào nhà Tây Sơn làm chủ trọn vẹn giang sơn nước Việt cả.
Về yếu tố “nông dân” trong cuộc nổi dậy giành chính quyền của họ thì các nguồn sử liệu từ thế kỷ XIX trở về trước hầu như không thấy đả động đến và ngay bản thân phong trào Tây Sơn, vào những năm đầu cuộc nổi dậy, cũng chỉ sử dụng khẩu hiệu “lấy của người giàu chia lại cho người nghèo”, chứ không hề mượn chiêu bài nông dân để cổ súy cho những hoạt động của mình. Đến thế kỷ XX, có lẽ vào năm 1938, lần đầu tiên người ta đọc thấy trong tác phẩm Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, học giả Đào Duy Anh đã liên kết các cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc của Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng với sự đóng góp tích cực của người nông dân, khi ông viết:
“… xông pha giữa rừng rậm mà mở mang bờ cõi vào Chiêm Thành, Chân Lạp, đó là công phu của nông dân; theo Lê Lợi đuổi quân Minh, theo Tây Sơn đánh loạn thần Trương Phúc Loan cũng là nông dân; Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Tôn Sĩ Nghị, Phan Đình Phùng kéo dài cuộc Cần vương, cũng đều là nhờ lực lượng của nông dân …” (Sđd – NXB Bốn Phương – Sài Gòn 1938, trang 321).
Song Đào Duy Anh cũng chỉ giới hạn nhận định của mình trong việc thừa nhận rằng sự tham gia của giới nông dân đã mang lại sức mạnh và thắng lợi của phong trào Tây Sơn. Tuyệt nhiên, ông cũng chưa hề khẳng định Tây Sơn là một “phong trào nông dân”. Phải chờ đến các thập kỷ 1950-1960 trở về sau, dưới ngòi bút của giới sử học miền Bắc, cụm từ “phong trào nông dân” mới thực sự hình thành và gắn liền với mọi hoạt động của nhà Tây Sơn. Vào những năm 1960, cuộc nội chiến Nam-Bắc Việt Nam đang lên đến đỉnh điểm, việc đồng nhất hóa hoạt động của một phong trào chống lại trật tự xã hội cũ và giành lấy chính quyền như phong trào Tây Sơn với hoạt động của những người miền Bắc đang cố thống nhất đất nước dưới ngọn cờ công nông của mình đã trở thành một nhu cầu thiết yếu cho sự cổ súy các sách lược mà họ đã đề ra.
Các nhà sử học miền Bắc đã chọn lập trường đứng hẳn về một bên, trong cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, bằng cách miêu tả hình ảnh chúa Nguyễn Ánh và vương triều Nguyễn về sau là những thành phần “phản động” nhất … Lời giới thiệu bản dịch bộ Đại Nam Thực Lục Tiền Biên in năm 1962 tại Hà Nội là tiêu biểu cho cách hành xử này:
“Những sự kiện lịch sử xảy ra trong khoảng thời gian từ Nguyễn Hoàng đến Đồng Khánh, những công việc mà các vua nhà Nguyễn đã làm trong khoảng thời gian 330 năm ấy, tự chúng, chúng có ý nghĩa sự thực khách quan, tự chúng chúng tố cáo tội ác của nhà Nguyễn trước lịch sử của dân tộc chúng ta. Theo lệnh của các vua nhà Nguyễn, bọn sử thần của nhà Nguyễn làm công việc biên soạn Đại Nam thực lục đã cố gắng rất nhiều để tô son vẽ phấn cho triều đại nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt nam. Nhưng bọn sử thần ấy vẫn không che giấu nổi các sự thật của lịch sử. Dưới ngòi bút của họ, sự thật của lịch sử vẫn nổi bật lên cứng mạnh như gang thép, sáng tỏ như ánh mặt trời để phơi bày cho mọi người biết tội ác của bọn vua chúa phản động, không những chúng đã cõng rắn cắn gà nhà, mà chúng còn cố tâm kìm hãm, đày đọa nhân dân Việt nam trong một đời sống tối tăm đầy áp bức” (sách đã dẫn – NXB Sử Học – Hà Nội 1962, trang 6-7).
Không có nhận xét nào