Chiều 18 tháng 6 năm 2022 tại Viện Think Tank Hà Nội, Trung tâm Minh triết đã tổ chức cuộc Tọa đàm, chủ đề “Có một nền báo chí sơ sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Quý ông sau đây đã phát biểu ý kiến: Nguyễn Khắc Mai, Nhật Hoa Khanh, Dương Trung Quốc, Điện Biên (Trưởng nam cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp), nhà văn Xuân Tửu, Lại Nguyên Ân, Hà Chính (con nhà báo Hồ Zếnh), nhà báo Nguyễn Đức Trọng (đài truyền hình), Tiến sĩ Đào Tiến Thi, đã phát biểu ý kiến.
Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Khắc Mai trình bày.
A. Diện mạo của nền báo chí thời ấy
– Trong khoảng thời gian bốn tháng từ cuối tháng 9 năm 1945 đến đầu tháng 12 năm 1945, theo thống kê trên một số trang công báo của Chính phủ VNDCCH, đã có 59 tờ báo (*) hàng ngày, bán tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san của đoàn thể chính trị, đoàn thể văn hóa xã hội và của tư nhân ở nhiều lãnh vực: Văn hóa, chính trị, khoa học kỹ thuật, nghề nghiệp…
– Điểm qua danh sách các tờ báo:
Ngày 20-9-1945, Nghị định của Bộ Nội vụ cho phép ông Nguyễn Đình Thi xuất bản tại Hà nội một tờ báo lấy tên La Republique bằng tiếng Pháp, bản tiếng Anh tên The Republic.
Ngày 2-10-1945 cho phép các Ông:
1. Nguyễn Văn Phú xuất bản tại Hà Nội tờ báo hàng ngày tên Dân thanh.
2. Mai Văn Hoan xuất bản tại Hà Nội tờ báo hàng ngày tên Dân quốc.
3. Ngô Xuân Đan xuất bản tại Hà Nội tờ hàng ngày tên Cứu quốc.
4. Trần Khánh Giư (khái Hưng) tại Hà Nội tờ hàng ngày tên Tự do.
5. Trần Văn Căn tại Hà Nội xuất bản tờ Tân thế kỷ.
6. Trương Tửu, tại Hà Nội tờ tuần báo tên Văn mới..
7. Lê Văn Trương, một tuần hai kỳ tên Việt Nam hồn.
8. Đặng Minh Phụng, mỗi tuần hai kỳ tên Cộng hòa.
9. Lê Văn Thanh tuần hai kỳ tờ Dân quyền.
10. Nguyễn An Châu tuần hai kỳ tờ Hồn nước.
11. Hoàng Cừ tờ tuần báo tên Thông tin.
12. Dương Văn Mân tờ hàng tuần tên Dân sinh.
13. Nguyễn Tường Phượng tờ hàng tuần tên Tri tân.
14. Từ Giấy tờ hàng tuần tên Văn hóa.
15. Bà Nguyễn Thị Lý tờ hàng tuần tên Bạn gái.
16. Trần Độ tờ hàng tuần tên Quân Giải phóng.
17. Ngô Gia Trúc tờ tuần báo tên Thiếu sinh
18. Đào Văn Ngọc tờ tuần báo tên Sinh linh.
19. Trương Văn Minh tờ hàng tuần tên Tương lai.
20. Nguyễn Đức Thuyết tờ tuần báo tên Vì nước.
21. Nguyễn Đức Mưu tuần báo tên Thống nhất.
22. Bộ Quốc gia giáo dục tờ nguyệt san tên Giáo dục tân san.
23. Tổng Ủy viên Hướng đạo tờ nguyệt san Hướng đạo thăng tiến.
24. Hồ Văn Cẩm tờ nguyệt san Người săn bắn.
Ngày 12-10-1945:
25. Bà Ngô Thị Thoa tờ hàng ngày tên Quốc gia.
26. Nguyễn Quang Uẩn tờ tuần báo tên Ý dân.
27. Nguyễn Thanh Lê tuần hai kỳ tên Độc lập.
28. Nguyễn Văn Luân tuần báo Thời mới.
29. Ban chấp hành Ủy ban Phụ nữ Cứu quốc đoàn tờ tuần báo tên Gái nước Nam.
31. Phạm Đình Khiêm tờ nguyệt san Thanh niên.
Ngày 16-10-1945:
32. Nguyễn Trọng Trạc tờ hàng ngày tên Việt Nam.
33. Nguyễn Xuân Sanh tờ Gió mới tuần hai kỳ.
34. Nguyễn Xuân Sâm tờ tuần báo tên Kinh tế.
35. Hồ Linh Mục tại Hải Phòng, tuần báo Kiến quốc.
36. Bùi Văn Viễn tại Hải Phòng tờ hàng tuần tên Dân nguyện.
37. Tạ Hữu Thiên tại Hà nội tờ hàng tuần tên Kịch ảnh.
38. Trần Quang Trung, Hà Nội, tờ Lao động hàng tuần.
39. Nguyễn Tố, hàng tuần tên Tiến hóa.
40. Bà Nguyễn Thị Oanh tờ Việt nữ hàng tuần.
Ngày 22-10-45:
41. Ông Jean Saumont Hà Nội tờ L’Entente (Đồng thuận) bằng tiếng Pháp hàng ngày.
Ngày 25-10-1045:
42. Ông Phan Văn Truật tại Nam định tờ hàng ngày tên Nam tiến.
Ngày 31-10-1945:
43. Hội Việt-Mỹ thân hữu tờ bán nguyệt san tên Việt Mỹ tạp chí bằng hai thứ tiếng Việt và Mỹ. Tên tiếng Mỹ V.A.F.A Review.
Cho phép tờ Việt Nam ra hàng ngày.
Cho phép tờ Hướng đạo thăng tiến ra hàng tuần.
Cho đổi tên Gái nước Nam thành Tiếng gọi Phụ nữ.
Ngày 3-11-1045:
Bổ chính nghị định ngày 12-10-1945 cho phép Ông Phạm Đình Khiêm xuất bản tờ Thanh niên.
Ngày 16-11-1945:
44. Ban Văn hóa Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Đông ra tờ Sông Nhuệ.
Ngày 17-11-1945:
45. Ông F.De Follak tại Hà Nội tờ hàng ngày tiếng Việt, Pháp tên Hanoi Tribune.
Ngày 24-11-1945
46. Nhà chung Bùi Chu ra tờ Đa Minh bán nguyệt san.
Ngày 3-12-1945:
47. Trần Tử Anh ra tuần báo tiếng Anh Việt Nam.
48. Lê Hữu Kiều tại Hà Nội tờ Sự thật tuần hai kỳ.
Ngày 4-12-1945:
49. Hoàng Văn Đức – Hà Nội tuần báo Tấc đất.
Ngày 6-12-1045
50. Chánh hội trưởng Đông Dương liên hữu ra tờ nguyệt san kỷ yếu Đông Dương liên hữu tương tế.
Ngày 7-12-1045:
51. Đoàn Phú Tứ – tờ Nói thẳng, tuần hai kỳ
52. Lê Văn Hòe, tờ tuần báo Công dân.
53. Trịnh Văn Hoàng tại Nam Định tờ hàng ngày ‘Nói thật’.
Ngày 10-12 45:
Tờ Việt Nam được xuất bản hàng ngày.
54. Nguyễn Văn Giệp xuất bản tờ nguyệt san ‘Khuyến nhạc’.
Ngày 12-12-45:
55. Lê Tung Sơn tuần hai kỳ tờ Đồng minh.
Ngày13-12-45:
57. Nguyễn Gia Vy Hà Nội tờ Đời mới hàng ngày.
58. Hà Triệu Anh-Hồ Dzếnh, hàng ngày, hàng tháng tờ Nam Hoa bằng hai thứ tiếng Hoa Việt.
Ngày 19-12-45:
58. Hoàng Liên Lộc Tài, Hải Dương tuần báo Bạn quê.
59. Trần Ngân tại Hà Nội tờ tuần báo Sống.
Tổng cộng trong vòng 4 tháng từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1945 đã có 59* tờ báo từ hàng ngày đến tuần báo, đến nguyệt san đã được xuất bản. Do lưu trữ quá kém nên ngày nay ta không biết được gì nhiều về nội dung, văn phong, hình thức trình bày cùng diện mạo của chúng. Không tỏ tường diện mạo cùng linh hồn của chúng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng biết chắc chắn rằng:
Một. Qua tên gọi và qua nhân thân của những Chủ bút, mà ta biết chắc rằng đã có sự phong phú đa dạng màu sắc và khuynh hướng của nền báo chí ấy.
Hai. Đã có sự đa dạng thành phần chính trị, xã hội của báo chí thời ấy, có báo đảng, báo nhà nước, báo đoàn thể và báo tư nhân, mà tư nhân chiếm phần quan trọng. Sự tôn trọng báo chí tư nhân đã được thể hiện trong những ngày đầu của VNDCCH. Đáng tiếc truyền thống ấy đã không được giữ gìn trân trọng, đã đánh mất tinh thần và khát vọng “Tiến lên nền dân chủ cộng hòa”, ”Lập quyền dân tiến lên Việt Nam”, mà thế hệ của ngày ấy từng say sưa hát lên (Hai khẩu hiệu văn hóa trong bài hát của Nguyễn Đình Thi và của Văn Cao).
B. Lập trường của đảng, vai trò đặc biệt của Võ Nguyên Giáp và của giới trí thức tinh hoa
Sở dĩ có được sự nảy nở, thăng hoa báo chí thời ấy, mà chúng tôi cho là không có tên gọi nào hay hơn là Báo chí xã hội công dân. Bởi đó là một tổng hợp, tổng hòa của những yếu tố chính trị dân chủ, hòa hợp dân tộc, khuynh hướng độc tài toàn trị chưa bị áp đặt vào đảng và vào nhà nước cũng như vào xã hội. Giới tinh hoa của trí thức đã thể hiện một tinh thần tự do, tôn trọng văn hóa, tôn trọng tự do tư tưởng và ngôn luận, đã bắt đầu nảy nở trong xã hội hiện đại, cùng với khát vong phục hưng đất nước theo hướng Cộng Hòa – Dân Chủ một cách mạnh mẽ. Chúng ta chưa bị những bàn tay lông lá khoác dưới những mỹ từ chính trị mỵ dân và lừa đảo nhúng tay áp đặt. Có thể nói là chúng ta hồi ấy chưa đánh mất mình.
Sự kiện văn hóa chính trị tiêu biểu của cuộc họp bàn về báo chí Tự do, ngày 19-9-1945 tại Bắc Bộ phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp chủ trì, đánh dấu một tinh thần mới (nhưng đã sớm bị mai một).
Theo nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh trong một bài tường thuật của mình kể lại cuộc đàm đạo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 6 năm 1992 tai T78 (Nhà khách của TW Đảng ở TP HCM), thì Võ Nguyên Giáp lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chủ tọa một cuộc họp bàn về có cho hay không cho tư nhân xuất bản báo chí.
Võ nguyên Giáp nói “Hôm ấy, ngày 19-9-1945 tại Bắc Bộ phủ, tôi chủ tọa một cuộc họp bàn về vấn đề tự do báo chí và tự do xuất bản”.
Theo Võ Nguyên Giáp cuộc họp ấy có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Tùng và khoảng 20 nhân sĩ trí thức tiêu biểu dự như: Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Cù Huy Cận, Trương Tửu…
Trong hội nghị có ba loại ý kiến.
1/ Không cho phép xuất bản báo chí tư nhân, vì sẽ làm phức tạp tình hình CM đang khó khăn.
2/ Chỉ cho phép những báo chí về khoa học tự nhiên, kỹ thuật, không cho phép những báo về khoa học xã hội, và xã hội…
3/ Phải tin ở nhân dân ở trí thức, phải làm hơn thực dân Pháp (dẫn chứng trường hợp báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng). Thế mới thể hiện bản chất Dân chủ và Cộng hòa…Võ Nguyên Giáp khẳng định “Cuộc tranh luận sôi nổi 19-9-1945 là cuộc giao phong đầu tiên ở nước ta về quyền tự do ngôn luận”.
Võ Nguyên Giáp còn kể khi bàn giao Bộ Nội vụ cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng vào tháng 3 năm 1946, Cụ Huỳnh nói: “Vinh dự của người cách mạng là tạo mọi điều kiện để công dân thực hiện mọi quyền tự do của mình theo Hiến định, có quyền tự do ra báo và quyền tự do lập nhà xuất bản. Vì, thể chế chính trị của nước ta là dân chủ. Vì vậy chúng ta phải dân chủ hơn hẳn thực dân Pháp”. Cử tọa hôm ấy có nhiều phóng viên báo chí đã vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh cụ Huỳnh.
C. Vài suy nghĩ ngậm ngùi
– Hóa ra đã từng có một nền báo chí tự do sơ sinh VNDCCH. Đáng buồn là chàng thiếu niên tuấn tú đó đã chết yểu khi chưa kịp trưởng thành để làm một người lớn chững chạc và trách nhiệm cho Đời cho Dân và cho chính mình, một nền báo chí xứng đáng của một xã hội văn minh và trưởng thành. Nên câu thơ của Tản Đà: “Dân hai mươi triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con” sẽ còn ám ảnh ta như một định mệnh cay đắng
– Người xưa nói “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Nên người dân phải chịu trách nhiệm của mình. Nhưng trên hết và trước hết là trách nhiệm của ngững người dân đã nắm lấy quyền mà thiếu trách nhiệm với đất nước với xã hội, đã không “Tạo điều kiện”, như lời cụ Huỳnh để có một nền Báo chí Công dân, mà chính K.Mác cũng như HCM từng ôm ấp, hoài bão. Mác thì cho rằng “ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí”. Còn chúng ta đang làm điều phản lại “Ở đâu có báo chí ở đó có kiểm duyệt báo chí”. Mà Mác cho rằng báo chí bị kiểm duyệt là cái quái thai được văn minh hóa, cái thây ma được tẩm nước hoa.
_______
(*) Ông Đào Tiến Thi phát biểu đã dẫn Lịch sử tập 10, bộ mới xuất bản, rằng đã có 90 tờ báo, tạp chí ra đời đầu VNDCCH, và khẳng định đã có sự tự do báo chí thời ấy!
Không có nhận xét nào