Header Ads

  • Breaking News

    Ngày báo chí Việt Nam

    Tin tổng hợp

    21/6/2022

    Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Chẳng hiểu tại sao phải có "Ngày Báo chí Cách mạng" mà không có "Ngày Báo chí Việt Nam"? 

    Hiền Minh  - Từ trước khi “báo chí cách mạng” khởi sinh, Sài Gòn đã có một làng báo chính trị sôi động

    Nguyễn Lương Hải Khôi - Một trăm năm ghét Mỹ 

    Viện Hàn Lâm Khoa Học xã hội Việt Nam

    Lịch sử ghi rành rành rằng tờ "Gia Định Báo" ra mắt công chúng Sài Gòn ngày 15/4/1865 là tờ báo đầu đầu tiên của Việt Nam. Tờ Gia Định Báo ra hàng tuần, và tồn tại đến 44 năm, đình bản vào ngày 1/1/1910. Gia Định Báo dùng chữ Quốc Ngữ và do Trương Vĩnh Ký làm tổng biên tập. Tờ báo này có nhiều nhân vật lừng danh cộng tác như Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu, Tôn Thọ Tường, v.v. toàn những cây bút cừ khôi. Có thể nói rằng Trương Vĩnh Ký là kí giả đầu tiên của Việt Nam. Như vậy, tính từ ngày Gia Định Báo ra đời đến nay, báo chí Việt Nam có một quá trình lịch sử 157 năm. 

    Còn "Báo chí Cách mạng" thật ra chỉ mới 97 năm, tính từ ngày 21/6/1925 khi tờ báo gọi là "Thanh Niên" được ra mắt bí mật. Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc làm tổng biên tập, nhưng ông cũng đóng luôn vai trò kí giả. Theo Gs Trần Văn Giàu, đa số những người viết cho Thanh Niên đều nặc danh hoặc dùng bí danh. 

    Có lẽ ông Tổng biên tập của Gia Định Báo là một học giả, còn ông tổng biên tập của Thanh Niên là một người làm chánh trị, và ở Việt Nam chúng ta chánh trị gia oai hơn học giả, nên ít ai nhớ đến tờ Gia Định Báo? Thậm chí ngôi trường nổi tiếng mang tên ông (Petus Ký) mất luôn tên!

    Học giả Trương Vĩnh Ký, Nhà báo đầu tiên của Việt Nam.

    FB Nguyễn Văn Tuấn

    Hiền Minh  - Từ trước khi “báo chí cách mạng” khởi sinh, Sài Gòn đã có một làng báo chính trị sôi động

    Giới thiệu một biên niên sử có một không hai về báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20.

    21/06/2022 

    https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/483902480239432-1.png

    Ảnh sách: DienDan.org. Ảnh nền: Flickr/ Chưa rõ nguồn. 

    Bạn có thể thấy xa lạ với khái niệm “báo chí cách mạng”, nhưng nếu ai đó dùng từ “làng báo”, hẳn là bạn sẽ thấy rất quen.

    Tính đến ngày 21/6/1925, khi Nguyễn Ái Quốc cho ra đời tờ báo Thanh Niên ở Quảng Châu, Trung Quốc (sau này được chọn làm ngày kỷ niệm duy nhất của báo chí Việt Nam), ở Sài Gòn đã có một làng báo chính trị hoạt động sôi nổi với hàng chục tờ báo lớn nhỏ khác nhau.

    Khi báo Thanh Niên vẫn còn được viết bằng bút sắt trên giấy sáp, [1] phát hành vài trăm bản một tuần, các tờ báo có tên tuổi như Đông Pháp Thời Báo được in một tuần ba kỳ trên khổ lớn bốn trang. Mỗi kỳ khoảng 3.000 bản.

    Tôi không đặt ra những so sánh này nhằm xúc phạm hay cười cợt nền báo chí cách mạng vốn có sứ mệnh riêng và vận hành trong sự thiếu thốn đặc thù của nó. Điều tôi muốn nói là việc chúng ta vẫn hàng năm nói về báo chí Việt Nam như thể không hề có một nền báo chí chính trị đã ra đời và phát triển mạnh mẽ từ trước đó ở Sài Gòn là một thiếu sót nghiêm trọng.

    Rất may cho chúng ta là có người đã ghi chép lại thời kỳ ngắn ngủi mà sôi động có một không hai này. Ông là Philippe M. F. Peycam, một học giả người Pháp. Cuốn sách mà tôi muốn nhắc đến là “The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916-1930“, được Nhà xuất bản Đại học Columbia ấn hành tháng 5/2012. Một điều rất may khác nữa là cuốn sách quý giá này đã được dịch sang tiếng Việt, dưới tên gọi “Làng báo Sài Gòn, 1916-1930” (Trần Đức Tài dịch, Nhà xuất bản Trẻ, 2015).

    “Sài Gòn vào những năm 1920 là trung tâm tranh luận chống thực dân công khai ở Việt Nam và không khí ấy đầy kích thích.” (Peycam, 2012, bản dịch của Trần Đức Tài).

    Với sự nới lỏng kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp, một lực lượng đối lập đã hình thành vào thời gian này. Họ là những trí thức thuộc nhóm đặc quyền trong xã hội, có tư tưởng chính trị cấp tiến, quan tâm đến đất nước, và dùng báo chí để bày tỏ quan điểm của mình. Cùng với họ, một nền báo chí chính trị sôi động được sinh ra trong một môi trường công khai chỉ có thể hình thành ở một đô thị đặc thù như Sài Gòn.

    Có thể kể đến những cái tên mà lịch sử không thể quên như Đông Pháp Thời Báo, Nam Kỳ Kinh Tế Báo, Công Luận Báo, Đuốc Nhà Nam và nhiều tờ báo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp khác, đi liền với những nhân vật kiệt xuất như Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Nguyễn Phan Long, Bùi Quang Chiêu, Cao Văn Chánh, Diệp Văn Kỳ. Chính thời đại này đã định hình cái gọi là một nền báo chí chuyên nghiệp tại Việt Nam, nơi không chỉ nội dung mà cả mô hình tòa soạn, cách thức kinh doanh cũng liên tục được đổi mới để tiếp cận độc giả, trong một không khí cạnh tranh sôi động.

    https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/dong-phap-thoi-bao-indochina-times-1024x576.jpg

    Đông Pháp Thời Báo, số ra ngày 29/3/1926. Ảnh: trinhnhattuan.com. 

    Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng sự sinh sôi của báo chí dành cho người Việt vào thời gian này rất mạnh mẽ. “Không một tuần lễ nào trôi qua mà lại không có một đầu báo mới ra đời ở Hà Nội hay Sài Gòn.” [2] Và họ tranh biện về đủ mọi điều, từ giá cà phê bỗng tăng lên một xu, sự bành trướng của các doanh nghiệp Hoa Kiều, đến tình trạng độc quyền Cảng Sài Gòn của chính quyền thực dân. Họ đề xuất những đường lối khai phóng dân tộc. Họ công khai thách thức nhà cầm quyền bằng những tờ báo của mình.

    Dù không hề là một nền báo chí toàn bích (tất nhiên, dưới ách đô hộ của thực dân), cái không khí kích thích của môi trường tranh biện từ 100 năm trước khiến tôi… chỉ biết ước. Nếu bạn muốn tìm một chút niềm cảm hứng về nghề báo, thứ bạn cần đọc có lẽ là cuốn sách này.

    “Làng báo Sài Gòn 1916-1930” bắt nguồn từ luận án tiến sĩ của Philippe M. F. Peycam. Nó được đánh giá là một “biên niên sử báo chí thực sự công phu, chi tiết và hấp dẫn” và là một “đóng góp độc đáo” vào lịch sử Việt Nam đương đại. Peycam nghiên cứu và viết luận án này trong suốt bảy năm, trong đó có bốn năm ở Việt Nam. Ông tiếp cận với một lượng đồ sộ những tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp trước đó chưa ai đụng tới, và điều này làm nên giá trị đặc biệt của công trình. Với tôi, sự đặc biệt còn nằm ở chỗ sách được viết rất hay. Tôi chưa từng biết một biên niên sử, lại là một luận án tiến sĩ nào hấp dẫn đến nhường ấy.

    Bản dịch tiếng Việt của Trần Đức Tài cũng cực kỳ trôi chảy. Danh tiếng của dịch giả này đã được xác lập trong các cuốn sách khác trước đây, và ông không làm độc giả thất vọng. Chỉ có một điều đáng tiếc lớn không thể không nhắc đến là để sách được ra đời, nhà xuất bản đã phải cắt đi ba đoạn ở phần kết luận. Những đoạn này liên quan đến hành xử của Việt Minh sau 1945 với các nhà hoạt động ở miền Nam, đến thái độ của chính quyền Hà Nội với báo chí sau 1975, và đoạn kết nói về tính cấp thiết của việc chất vấn cách nhìn lịch sử “nhất nguyên, đơn điệu, và thiếu tính phân tích”. (Nhà nghiên cứu Hà Dương Tường đã diễn giải và dịch lại những đoạn này trong một bài giới thiệu của ông. [3])

    Kiểm duyệt rõ ràng là một chuyện xấu xí, nhưng từ góc độ độc giả, tôi trân trọng nỗ lực của những người đã giúp bản tiếng Việt được ra đời, và đặc biệt hơn, đã chú thích cẩn thận những chỗ mà họ đã cắt, ba lần, rằng “Nhà xuất bản có cắt một đoạn”. Tôi nhìn thấy trong đó tinh thần phản kháng của làng báo Sài Gòn đầu thế kỷ 20.

    Bạn có thể mua cuốn sách bản tiếng Anh tại đây và bản tiếng Việt tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu từ Amazon cho bản tiếng Anh.

    https://www.luatkhoa.org/2022/06

    Nguyễn Lương Hải Khôi - Một trăm năm ghét Mỹ 

     

    Các cháu yêu quý,

    Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên (1925). 

    Trước "Thanh Niên" khá lâu, 1917, "Nam Phong Tạp chí" có bài đầu tiên của cụ Phạm Quỳnh, luận giải về "Quốc hồn của nước Mỹ" (tự do, dân chủ, phiêu lưu, mạo hiểm, sáng tạo, đột phá, khoa học, duy lý...) để vạch đường đi cho dân tộc theo đi: Xây dựng một quốc hồn mới cho Việt Nam trong thời đại cạnh tranh sinh tồn giữa các dân tộc. 

    Còn "Thanh Niên" 1925 là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt hướng lòng căm thù của thanh niên vào "đế quốc Mỹ". Mặc dù nước Mỹ đương thời không liên quan đến Việt Nam, không quan tâm gì đến Việt Nam, thậm chí không biết "Việt Nam" ở góc bể chân trời nào. 

    Tại sao ở thập niên 1920, anh em ta phải ghét một xứ sở không liên quan đến mình? Liên Xô muốn làm cách mạng thế giới thì anh em ta làm theo, Liên Xô căm thù cái gì thì anh em ta căm thù cái ấy. 

    Ngày nay, mỗi khi nghĩ đến nước Mỹ, các cháu bỗng tự thấy lòng căm ghét và đố kỵ nổi lên, các cháu nên hiểu lịch sử tinh thần cách mạng để biết cảm xúc ấy bắt đầu từ đâu. 

    Chú mầng vì các cháu vẫn tiếp nối tinh thần cách mạng ấy của cha ông mình. Những bài báo năm 2022 hả hê dân Mỹ bấn loạn vì giá xăng tăng (tính ra tiền Việt khoảng 30 ngàn một lít, rẻ hơn Việt Nam) bắt nguồn từ những cảm xúc lần đầu năm 1925, gần trăm năm trước. 

    Chú gửi mỗi cháu một nụ hôn rõ kêu. Chúc mừng các cháu Ngày nhà báo cách mệnh.

    Chú Nguyễn 

    Bí thư Xứ ủy Hoa Kỳ

    NGUYỄN LƯƠNG HẢI KHÔI 20.06.2022

    http://thuymyrfi.blogspot.com/2022/06

    Viện Hàn Lâm Khoa Học xã hội Việt Nam

    Viện Từ Điển học và Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam

    "GIA ĐỊNH BÁO" 

    tờ báo bằng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, xuất bản tại Gia Định - Sài Gòn, số 1 ra 15.4.1865 do Pôttô (E. Potteau) người Pháp làm giám đốc." GĐB" phát hành trong phạm vi hẹp ở vùng chiếm đóng của thực dân Pháp là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Thời gian đầu, báo ra mỗi tháng 1 kì vào ngày 15. Đến 16.5.1869, Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần, ngoài phần công văn, nghị định của chính quyền thực dân, còn có các bài nghiên cứu về lịch sử, thơ, truyện cổ tích... Báo ra mỗi tháng 2 kì, rồi mỗi tuần 1 kì vào ngày thứ ba. "GĐB" là công cụ tuyên truyền của thực dân Pháp ở Đông Dương. "GĐB" cũng có góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ. Báo đình bản sau hơn 40 năm hoạt động.

    http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien

    Không có nhận xét nào