Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Nền kinh tế của Mỹ nếu rơi vào suy thoái thì Việt Nam sẽ bị tác động rất mạnh
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/06 công bố mức tăng lãi suất cao nhất trong gần 30 năm qua để kiềm chế lạm phát.
Fed nâng lãi suất thêm 0,75%, là lần đầu tiên kể từ năm 1994.
Đây là lần tăng lần thứ 3 của Fed kể từ tháng 3, sau khi tỷ lệ lạm phát bất ngờ gia tăng tại Mỹ hồi tháng 5.
Nền kinh tế Mỹ, nếu rơi vào suy thoái "sẽ là một cú sốc lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế đang sống tại Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt.
Lạm phát đã trở thành một vấn đề kinh tế cấp bách tại Mỹ, tác động bức tranh chính trị, khi tâm lý không ít người dân kém đi vì giá xăng và thực phẩm gia tăng.
Lo ngại lạm phát ở Mỹ
Tỉ lệ lạm phát ở Mỹ vào tháng trước là 8,6%, cao nhất trong khoảng bốn thập niên.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell nói "điều cần thiết là giảm tỷ lệ lạm phát," và ông cũng thừa nhận mức tăng 0,75% là "nhiều bất thường".
Dự kiến có thể có những đợt tăng tiếp theo trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều bất ổn.
Các dự báo được công bố sau cuộc họp của Fed ngày 15/06 cho thấy lãi suất cho vay tại Mỹ có thể tăng lên mức 3,4% vào cuối năm năm nay.
Lần gần nhất mà Fed công bố tăng lãi suất 0.75% là vào năm 1994. Với mức tăng lãi suất lần này thì lãi suất tại Mỹ trở lại mức vào năm 2020, thời điểm trước khi đại dịch Covid bùng phát.
Việc tăng lãi suất này - về mặt lý thuyết - sẽ khiến lãi suất cho vay cao hơn, giảm nhu cầu vay tiền, làm lượng tiền đổ vào lưu thông ít hơn, làm chậm lại hoạt động kinh tế, giảm các áp lực về giá cả, kiểm soát được lạm phát.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Chủ tịch Fed, Jerome Powell phải đối diện với nhiều áp lực trong bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang tại Mỹ
Tại Mỹ, doanh số bán nhà đã sụt giảm nhanh chóng, sau khi lãi suất thế chấp tăng khi Fed tăng lãi suất. Dữ liệu công bố ngày 15/06 cho thấy doanh số bán lẻ sụt giảm hồi tháng 5, khi giá xăng tăng khiến doanh số xe ô tô sụt giảm.
Ông Powell cũng nói rằng việc kiểm soát gia tăng giá cả là cần thiết cho sự ổn định của nền kinh tế và tiến trình này sẽ cần có thời gian.
Khi lãi suất cho vay cao hơn thì khiến đồng USD đắt giá hơn. Tính từ đầu năm đến nay giá USD đã tăng 10%, khiến các quốc gia khác, đặc biệt là các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, hiện đang gánh nhiều khoản nợ tính bằng USD chịu nhiều áp lực.
'Bất lợi cho Việt Nam'
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế và tài chính ngân hàng sống ở Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt rằng có lo ngại trong những năm tới nền kinh tế của Mỹ sẽ rơi vào "stagflation", tức vừa có lạm phát và nền kinh tế phát triển chậm lại.
"Nhiều người đang rất lo sợ việc tăng lãi suất này sẽ làm chậm lại mức tăng trưởng nền kinh tế của Mỹ, thậm chí có thể đưa Mỹ trở thành một nền kinh tế suy thoái. Và đây sẽ là cú sốc lớn không những cho Mỹ mà toàn thế giới bao gồm Việt Nam. Giá trị USD tăng thì tỷ giá USD - VND cũng tăng, giá trị VND giảm. Về mặt xuất khẩu thì có lợi cho Việt Nam nhưng bất lợi cho nhập khẩu."
"Đặc biệt cách đây mấy ngày, Bộ Tài chính Mỹ cũng vừa đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ, dù chưa phải là quốc gia thao túng tiền tệ. Việt Nam phải cẩn trọng vì trong thời gian tới khi tỷ giá USD - VND tăng thì Mỹ có thể dựa vào đó để tăng cường theo dõi tiền tệ, và nếu bị rơi vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ thì rất bất lợi cho Việt Nam vì Mỹ có thể có các biện pháp trừng phạt kinh tế sau đó."
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm ngoái, lần đầu thương mại song phương Việt - Mỹ vượt mốc 110 tỷ USD.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khả năng Mỹ đi vào suy thoái tại thời điểm này là ít nhất 60%, ông cho rằng "đây là một tỷ lệ rất cao".
"Nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, trì trệ và lạm phát cao thì Việt Nam sẽ bị tác động rất mạnh. Vì Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ giảm. Lạm phát tại Mỹ tăng thì giá cả hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ sẽ tăng lên, giá cả trong nước sẽ tăng, dẫn đến lạm phát tăng ở Việt Nam, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm."
"Fed tăng lãi suất rất mạnh tay có thể nói là gây bất lợi nhiều hơn có lợi cho Việt Nam. Chính phủ và các nhà làm kinh tế tại Việt Nam phải có những biện pháp chống đỡ nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái," Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dự kiến các nước ở Châu Âu sẽ tăng lãi suất sau Mỹ, áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, và khi đó Việt Nam sẽ đối mặt thêm nhiều khó khăn. Trước mắt thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị tác động.
"Đây là dấu hiệu cuộc khủng hoảng trước mắt, một kịch bản xấu cho Việt Nam. Ngay từ bây giờ, Việt Nam nên có kế hoạch đối phó. Thị trường chứng khoán ở Việt Nam trước mắt có thể bị tác động như việc trái phiếu Mỹ tăng giá trị sẽ khiến nhà đầu tư khối ngoại sẽ rút tiền khỏi thị trường Việt Nam và đầu tư vào Mỹ."
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát trong năm 2022 dưới 4%
Các nước khác thì sao?
Chỉ số giá tiêu dùng tại các quốc gia như Mỹ, Anh Quốc... đã gia tăng đáng kể. Tại Anh Quốc, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 9% trong tháng 4.
Lạm phát gia tăng tại Mỹ, châu Âu vì các nguyên nhân như cuộc chiến tranh tại Ukraine và việc phong tỏa do chính sách 'Zero-Covid' tại Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Brazil, Canada và Úc cũng đã tăng lãi suất trong khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã đưa ra kế hoạch tăng lãi suất vào mùa hè này.
Các cuộc thăm dò trong dư luận gần đây tại Mỹ thể hiện người dân nghĩ lạm phát sẽ tiếp tục xấu đi, mặc cho Fed đã có các cam kết hành động.
"Fed đang chịu áp lực và đối mặt với bài kiểm tra về lạm phát," nhà kinh tế học David Beckworth, chuyên gia nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason nói với BBC.
Không có nhận xét nào