Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Những câu hỏi và trả lời về Thiền Am

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2022/06/image-6.png?w=900

    Tôi theo dõi sự việc liên quan đến Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (sẽ gọi tắt là “Thiền Am”) hơn 1 năm nay. Rất nhiều thông tin được tung lên mạng, một số có lẽ là cố ý, gây ra tình trạng nhiễu thông tin, và dẫn đến những cảm nhận và phản ứng sai quấy. Dưới đây, tôi đặt ra những câu hỏi và tìm thông tin để mình hiểu hơn. Tôi trình bày dưới dạng vấn đáp để dễ theo dõi. Do đó, cái note này trước là cho tôi, và sau là chia sẻ cùng các bạn nào quan tâm hay muốn biết sự việc thực hư ra sao.

    Câu hỏi 1: “Lịch sử” ra đời của Thiền Am như thế nào?

    Câu hỏi 2: Ông Lê Tùng Vân là ai?

    Câu hỏi 3: Thiền Am có phải là chùa không?

    Câu hỏi 4: Thiền Am có trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không?

    Câu hỏi 5: Thiền Am sống bằng nguồn thu nhập nào?

    Câu hỏi 6: Kênh “Năm Chú Tiểu” ra đời như thế nào?

    Câu hỏi 7: Sinh hoạt trong Thiền Am như thế nào?

    Câu hỏi 8: Thiền Am có mượn danh tôn giáo để trục lợi?

    Câu hỏi 9: Những người ở Thiền Am là “giả sư”?

    Câu hỏi 10: Tại sao vài vị trong Thiền Am xưng là “thầy”?

    Câu hỏi 11: Tại sao những người trong Thiền Am mặc pháp phục tu sĩ Phật giáo?

    Câu hỏi 12:  Ngoài ông Lê Tùng Vân và bà Cao Thị Cúc, các thành viên khác trong Thiền Am đều là người mồ côi?

    Câu hỏi 13:  Tại sao các bé đang sống trong Thiền Am có cùng 3 mẹ ruột?  

    Câu hỏi 14: Báo chí Nhà nước viết rằng 6 người trong Thiền Am bị khởi tố tội lừa đảo, trục lợi mạnh thường quân và loạn luân. Vậy sự thật là gì?

    Câu hỏi 15: Vậy 6 người trong Thiền Am bị khởi tố về tội gì?

    Câu hỏi 16: Ai tố cáo họ và bằng chứng nào để nói rằng 6 người trong Thiền Am vi phạm luật pháp?

    Câu hỏi 17: Lời nói nào được xem là xúc phạm ông Thích Nhật Từ?

    Câu hỏi 18: Thích Nhật Từ là ai mà có liên quan đến Thiền Am?

    Câu hỏi 19: Diễm My là ai?

    Câu hỏi 20: Luật sư của Thiền Am nói gì về thân chủ và điều luật 331?

    Câu hỏi 1: “Lịch sử” ra đời của Thiền Am như thế nào?

    Năm 1990 ông Lê Tùng Vân từ An Giang dời lên Bình Chánh (Sài Gòn) sống. Ông thành lập trung tâm dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức. Ở đây, ông và vài người nữa nhận nuôi dưỡng cho 10 người.

    Từ năm 2006 đến 2010, Thánh Đức có tên là Trại Cô Nhi Thánh Đức được mở rộng và nuôi dạy rất nhiều trẻ em và phụ nữ cơ nhỡ, mang thai ngoài ý muốn với tổng số gần 50 người. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010 nhà cầm quyền huyện Bình Chánh bắt buộc đóng cửa trung tâm Thánh Đức.

    Ngày 25/7/2012 đã xảy ra một vụ hoả hoạn ở trung tâm, làm tiêu huỷ tất cả hồ sơ giấy tờ của trẻ em trong trại. Công an thì cho rằng vụ hoả hoạn là do đốt nhang và chập điện, nhưng những người trong Thánh Đức thì không đồng ý với kết luận đó. Nguyên nhân cháy vẫn là một dấu hỏi, và không loại trừ có người cố tình đốt Thánh Đức.

    Năm 2014, một thành viên của Thiền Am là Lê Thanh Huyền Trân, trong trang phục áo nâu và mũ ni, đi thi chương trình “The Voice” và được trao giải Á Quân.

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2022/06/lecc82-thanh-huyecc82cc80n-tracc82n.jpeg?w=1000

    Lê Thanh Huyền Trân 

    Thời gian 2015 – 2016 Trung tâm bị cưỡng chế do tranh chấp đất đai dẫn đến những người về ấp 4 xã Phạm Văn Hai vẫn nuôi cá sinh sống.  

    Năm 2017, hai thành viên khác là Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Nhị Nguyên, vẫn trang phục áo nâu, đi thi “Tuyệt Đỉnh Song Ca” và được khen vang dội. Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên sau đó rút khỏi cuộc thi vì lý do sức khỏe.

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2022/06/su-thay-hat-bolero-3-laodong.jpeg?w=550

    Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Nhị Nguyên

    Năm 2018, bà Cao Thị Cúc (huyện Cần Đước, Long An) mua một mảnh đất rộng khoảng 2000 mét vuông làm điểm tu tại gia. Miếng đất này trước đó là một ngôi chùa, sau này Thiền Am đập bỏ và xây dựng lại trên khuôn viên cái chùa trước đây.

    Tháng 4/2018, ông Nguyễn Hoàn Khải, Trưởng Công an xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) bị kỷ luật với hình thức khiển trách sau khi đòi 300 triệu để làm CMND cho 3 cá nhân sống tại hộ gia đình bà Cao Thị Cúc.

    Năm 2019 bà Cúc cho ông Lê Tùng Vân tu sửa khu đất và thành lập Tịnh thất Bồng Lai, vẫn nuôi trẻ mồ côi và tu tại gia.

    Năm 2019 và 2020, lại có thêm thành viên nhỏ từ Thiền Am được trao giải cao nhứt trong chương trình ” Thách thức Danh hài”. Ông Thích Nhật Từ trao bằng khen cho nhóm Năm Chú Tiểu.

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2022/06/image-10.png?w=700

    Năm Chú Tiểu có hẳn một kênh youtube với hơn 2 triệu người theo dõi (https://www.youtube.com/channel/UCrmZOTVaR7-ERWm5gVq7Lrg)

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2022/06/hinh-thich-nhat-tu-trao-giai.jpg?w=720

    Ông Thích Nhật Từ trao bằng khen cho Năm Chú Tiểu và ông Lê Tùng Vân 

    Năm 2019, Võ Thị Diễm My, 22 tuổi, con gái của một gia đình giàu có, quen với Lê Thanh Huyền Trân trong đại học và xin tu ở Thiền Am. Tuy nhiên, Diễm My qui y ở một chùa khác. Sau đó, ba má Diễm My dẫn 50 du côn đến Thiền Am vây bắt Diễm My về nhà. Nhưng Diễm My không có mặt ở Thiền Am! Đám người du côn hung hăn đập phá tài sản của Thiền Am và gây thương tích lên đến 13% cho một thành viên trong Thiền Am. Thủ phạm tên Hoá (nữ) gây thương tích chỉ bị phạt 7 triệu đồng.  

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2022/06/image-11.png?w=1024

    Võ Thị Diễm My 

    Tháng 1/2020, tịnh thất này đổi tên là “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ”.

    Tháng 7/2020, các cá nhân trong Thiền Am bị cưỡng bức đưa đi cách li vì có tiếp xúc với nhân vật nghi nhiễm COVID-19 tên Đinh Thanh Hải. Trích xuất dữ liệu camera ở Thiền Am cho thấy không hề có nhân vật tên Hải ghé thăm, và Long An cũng không ghi nhận ca F0 nào tên Đinh Thanh Hải. Trong thời gian cách li, họ bị lấy mẫu máu nhưng không rõ cho xét nghiệm nào.

    Ngày 24/11/2021 ông Trần Ngọc Thảo (tức Thích Nhật Từ), một quan chức cao cấp thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đệ đơn tố cáo rằng ông Lê Tùng Vân và Lê Thanh Hoàn Nguyên đã “có lời nói xúc phạm cá nhân ông Thảo, làm nhiều video báng bổ Đức Phật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.“

    Ngày 24/10/2021, trong livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, một thanh niên tên là Lê Thanh Minh Tùng tự nhận rằng ah ta là con ruột của ông Lê Tùng Vân. Nhưng ông Lê Tùng Vân bác bỏ cáo buộc đó và đề nghị anh ta đi thử DNA.

    Xuyên suốt từ 2019 đến 2022, Thiền Am và những thành viên bị xăm soi từng lời nói và cử chỉ với hàm ý tiêu cực. Có khá nhiều youtuber và báo chí Nhà nước liên tục phát tán những thông tin cáo buộc rằng những người trong Thiền Am là “giả sư”, là “giả danh Phật giáo”, là các trẻ em trong Thiền Am được dùng làm “lá chắn”, là “lừa đảo, trục lợi”, là “loạn luân”, v.v. Có người còn tung lên mạng một báo cáo giám định DNA về mối quan hệ giữa các thành viên trong Thiền Am (và báo chí Nhà nước đăng tin), nhưng hoá ra đây là tài liệu giả tạo.

    Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hàng trăm công an Long An xâm nhập và phong toả Thiền Am, cúp điện, cúp wifi, phong toả tài sản, tiền bạc mà không để lại giấy tờ. Chó nghiệp vụ lục xét khắp Thiền Am.

    Ngày 7/1/2022 công an huyện Đức Hoà khởi tố và bắt tạm giam 4 bị can Lê Thanh Nhất Nguyên (sanh năm 1991), Lê Thanh Tùng Dương (sanh năm 1995) và Lê Thanh Hoàn Nguyên (sanh năm 1990). Ông Lê Tùng Vân được tại ngoại. Sau đó, ngày 12/5, họ bắt giam bà Cao Thị Cúc. Họ bị khởi tố vì tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“. Cho đến nay họ vẫn bị giam cầm trong tù.

    Đáng chú ý là trong quá trình điều tra, theo đơn khiếu nại của các luật sư của Thiền Am, công an huyện Đức Hòa đã cưỡng chế một thành viên của Thiền Am tên Bùi Ngọc Trâm (tên gọi khác Chơn Ngọc Xuân) đi khám phụ khoa tại Bệnh viện Xuyên Á (thuộc huyện Đức Hòa). Cô Bùi Ngọc Trâm không có liên quan gì đến vụ án.

    Ngày 2/6/2022, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc công an Long An ra “kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố” các bị can tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“.

    Ngày 8/6/2022, Viện kiểm sát Long An ra quyết định truy tố trước toà án huyện Đức Hoà các bị can Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Tùng Dương, và Cao Thị Cúc về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“.

    Câu hỏi 2: Ông Lê Tùng Vân là ai?

    Theo nhiều nguồn, ông Lê Tùng Vân sanh năm 1932 ở Tân Châu, An Giang, trong một gia đình nề nếp. Thân phụ ông là Lê Văn Tất vốn là một nhà giáo. Ông Lê Văn Tất khi làm thơ và lấy bút danh là Thần Liên, cũng là bạn thân của Hàn Mặc Tử. Ông đậu bằng Thành Chung, tức Cao Đẳng tiểu học thời pháp thuộc. Theo nhà báo Lê Đại Anh Kiệt, ông Tất “theo đạo phật thiền lâm dòng lâm tế thần liên cũng là pháp danh của ông, cả đời ông dành trọn thi ca, sống khiêm cung ẩn dật.”

    Tân Châu là cái nôi của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, có thể xem như một nhánh của Phật giáo. Ông Lê Tùng Vân là người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, và từng có thời gian làm Tỉnh hội trưởng Tỉnh hội Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông là người ham học và có tâm tốt. Ông tốt nghiệp cử nhân năm 60 tuổi. Theo một nguồn tin khác, ông rất thích nhạc Trịnh Công Sơn. Ông không có vợ, không có con, nhưng ông nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi mà sau này mang họ ông.

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2022/06/image-7.png?w=770

    Ông Lê Tùng Vân 

    Câu hỏi 3: Thiền Am có phải là chùa không?

    Không. Thiền Am không phải là chùa, và chưa bao giờ tự xưng là “chùa”. Thiền Am chỉ là một gia đình tu tại gia. Ở miền Tây có rất nhiều gia đình tu tại gia. Hiện nay, trong Thiền Am có 35 con người sinh sống. Họ là những trẻ mồ côi và tật nguyền được ông Lê Tùng Vân nuôi dưỡng. Những trẻ em mà công chúng thấy trên youtube là những em may mắn không bị tật bẩm sinh, nhưng trong thực tế có nhiều em khác không khoẻ mạnh như thấy trên youtube.

    Câu hỏi 4: Thiền Am có trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không?

    Không. Thiền Am không phải là một chùa, nên không thuộc sự quản lí của tổ chức “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

    Năm 2015, đoàn kiểm tra liên ngành đã thông báo đây là cơ sở tu tại gia, không phải là chùa, không có lợi dụng tôn giáo ở đây. Cũng có thể xem là một gia đình tu tại gia, lấy giáo lí Phật làm nền tảng.

    Câu hỏi 5: Thiền Am sống bằng nguồn thu nhập nào?

    Từ thời trung tâm Thánh Đức đến nay, những người trong Thiền Am sống một cách tự túc. Họ không có thùng công đức. Họ không lên mạng kêu gọi xin tài trợ từ mạnh thường quân.

    Thời ở Thánh Đức, nguồn thu nhập chủ yếu là nuôi cá trê. Hằng ngày ông Lê Tùng Vân và người đệ tử là bà Lê Thu Vân và bà Cao Thị Cúc phải chạy xe gắn máy chở vài trăm xương cá, đầu cá, đầu tôm từ các chợ Sài Gòn đem về xay cho cá ăn. Sau đó, họ được sự tin yêu của công chúng, nên một số nhà mạnh thường quân đến cho tiền phụ thêm để nuôi dưỡng các trẻ.

    Hiện nay, nguồn thu nhập chánh là youtube của kênh “Năm Chú Tiểu”. Họ sáng tác nhạc và phối nhạc để tạo nguồn tiền sanh sống ở đây. Cũng có tiền từ mạnh thường quân nhưng chỉ một phần nào, không bao giờ có mạnh thường quân hỗ trợ suốt đời để lo nơi đây.  

    Câu hỏi 6: Kênh “Năm Chú Tiểu” ra đời như thế nào?

    Năm 2017, hai thí sinh từ Tịnh thất là Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên (còn gọi là “sư thầy triệu view” vì kênh Youtube của họ có nhiều người xem và khen) tham gia chương trình ca nhạc trên Đài truyền hình Vĩnh Long, và họ cũng chọn nhạc Trịnh Công Sơn.

    Tuy nhiên, vài quan chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng họ “giả tu”. Sau đó, ban tổ chức chương trình đính chánh lại thông, và hai thí sinh đã rút khỏi chương trình.

    Ngưỡng mộ tài năng của Huyền Trân, Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên, một nhà hảo tâm ở Úc muốn bảo trợ họ sang trình diễn ở Úc. Tuy nhiên, viên công an địa phương đòi tiền hối lộ (150 triệu mỗi người) thì mới làm giấy chứng minh nhân dân. Họ không có tiền. Chuyến đi Úc không thành.

    Tháng 7/2018, 5 chú tiểu tuổi 3-4 của Tịnh thất (Pháp Tâm, Trí Tâm, Ngọc Tâm, Nghi Tâm, và Minh Tâm) tham gia chương trình truyền hình “Thách thức danh hài”. Họ được trao giải thưởng cao nhất của chương trình, và xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận là “Nhóm hài nhỏ tuổi nhất”. Kênh Youtube của 5 chú tiểu này có hơn 80 triệu view.

    Câu hỏi 7: Sinh hoạt trong Thiền Am như thế nào?

    Như mô tả trên, Thiền Am chỉ là một gia đình tu tại gia. Họ sinh hoạt như là một gia đình bình thường, học hành bình thường, nhưng có khác là họ thờ Phật và tụng kinh hàng ngày.

    Xem qua video của nhóm “Năm Chú Tiểu” thì thấy họ sống và lao động vui vẻ, họ lễ độ và có trí tuệ tốt. Thiền Am còn tuyên bố rằng “Chương trình Giáo Dục của Thiên Am có thể giáo dục được những đứa bé lì lợm nhất, hung dữ nhất, quậy phá nhất, cứng đầu nhất, ngỗ nghịch hỗn hào nhất, bất trị nhất trở nên thành những đứa bé ngoan ngoãn nhất, hiền lành nhất, vâng lời nhất, có đạo đức có giáo dục nhất.”

    Câu hỏi 8: Thiền Am có mượn danh tôn giáo để trục lợi?

    Chưa có bằng chứng nào để nói rằng những người trong Thiền Am mượn tôn giáo để trục lợi. Họ không kêu gọi từ thiện (như mấy chùa trong Giáo hội), họ không có “thùng Công Đức”, họ không tổ chức những show nhạc để xin tiền. Như vậy không thể nào nói họ trục lợi tôn giáo để xin tiền.

    Có một tờ báo viết “có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, lợi dụng trẻ em vận động kêu gọi từ thiện, có nhiều việc làm trái luân thường đạo lý“.  Nhưng đây là một vu cáo. Họ chưa kêu gọi từ thiện. Thiền Am chưa bao giờ đi gây quĩ như giáo hội quốc doanh; họ chỉ tự lực cánh sinh và được các mạnh thường quân ủng hộ. Ông Thích Nhật Từ cũng đã xác định trước công chúng rằng “Thật ra, cụ Thích Tâm Đức chưa bao giờ từng xưng mình là Hoà Thuợng và chưa nói mình là trụ trì Chùa Bồng Lai. […] Thực tế thì Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên không phải là người giả mạo tăng sĩ để lừa đảo bất kỳ ai như một số báo chí đã cáo buộc.”

    Câu hỏi 9: Những người ở Thiền Am là “giả sư”?

    Các thành viên trong Thiền Am chưa bao giờ tự xưng là “sư”. Ông Lê Tùng Vân cũng chưa bao giờ tự xưng là “Thượng toạ” hay “Hoà thượng”. Chính ông Thích Nhật Từ cũng từng nói vào năm 2017 rằng: “Thật ra, cụ Thích Tâm Đức chưa bao giờ từng xưng mình là Hoà Thuợng và chưa nói mình là trụ trì Chùa Bồng Lai. […] Thực tế thì Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên không phải là người giả mạo tăng sĩ để lừa đảo bất kỳ ai như một số báo chí đã cáo buộc.”

    Câu hỏi 10: Tại sao vài vị trong Thiền Am xưng là “thầy”?

    Chữ “thầy” là một danh từ chung rất bình thường. Danh xưng “Thầy” không phải là độc quyền của bất cứ tôn giáo nào.

    Câu hỏi 11: Tại sao những người trong Thiền Am mặc pháp phục tu sĩ Phật giáo?

    Pháp phục thời Đức Phật có màu phấn tảo, và những ô vuông tượng trưng cho những mảnh ruộng. Áo lãnh tụ là loại áo người Hoa (không tu hành) hay mặc. Áo Trường Sam đúng nghĩa cũng không phải là pháp phục của Phật giáo chánh thống. Áo này không phải là độc quyền của tu sĩ vì người thường vẫn có thể mặc.

    Mấy người trong Thiền Am hay mặc Áo Hậu, Trường Sam, La Hán, và đó không phải là giả danh. Gs Lê Mạnh Thát (xưa kia là Thượng toạ Trí Siêu) ngày nay vẫn mặc Áo Hậu vàng, nhưng đâu ai nói ông là ‘giả sư’.

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2022/06/image-8.png?w=640

    Ông Lê Tùng Vân và hai đệ tử trong trang phục La Hán 

    Câu hỏi 12:  Ngoài ông Lê Tùng Vân và bà Cao Thị Cúc, các thành viên khác trong Thiền Am đều là người mồ côi?

    Đúng thế. Các thành viên giờ là thanh niên/nữ như Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Lê Thanh Huyền Trân, v.v. đều là trẻ mồ côi do ông Lê Tùng Vân nuôi dưỡng và cho đi học. Những người này sau đó chăm sóc các thành viên trẻ hơn.

    Câu hỏi 13:  Tại sao các trẻ em đang sống trong Thiền Am có cùng 3 mẹ ruột. Chẳng hạn như họ nói Lê Thanh Mẫu Nghi, Lê Thanh Pháp Vương, và Lê Thanh Minh Triết đều có mẹ là Lê Thanh Kỳ Duyên hay Lê Thanh Huyền Trang.

    Giấy khai sanh của các bé đều đứng tên các cô trong Thiền Am, vì theo quy định của pháp luật, nhận con nuôi hiện tại bắt buộc phải có giấy chứng sinh thì mới có giấy khai sanh, mà chứng sanh thì đàn ông sao mà đứng được nên bắt buộc nhờ các cô trong đây phải đứng.

    Ngay cả hai cô Lê Thanh Kỳ Duyên và Lê Thanh Huyền Trang cũng là trẻ mồ côi được ông Lê Tùng Vân nhận nuôi dưỡng cho đến ngày nay. Các vị như Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, v.v. cũng là trẻ mồ côi do ông Lê Tùng Vân nuôi dưỡng đến trưởng thành.

    Câu hỏi 14: Báo chí Nhà nước viết rằng 6 người trong Thiền Am bị khởi tố tội lừa đảo, trục lợi mạnh thường quân và loạn luân. Vậy sự thật là gì? 

    Sau 6 tháng điều tra, công an Long An không tìm thấy chứng cớ Thiền Am đã lừa đảo, trục lợi mạnh thường quân. Hoàn toàn không có chuyện ‘loạn luân’ như một số người vu cáo. Nói cách khác, Thiền Am không lừa đảo ai, không trục lợi ai, và không loạn luân. Những tờ giấy về mối quan hệ huyết thống qua xét nghiệm DNA tung lên mạng là hoàn toàn giả tạo.

    Câu hỏi 15: Vậy 6 người trong Thiền Am bị khởi tố về tội gì?

    Họ bị khởi tố vì vi phạm điều luật 331,“lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. 

    Câu hỏi 16: Ai tố cáo họ và bằng chứng nào để nói rằng 6 người trong Thiền Am vi phạm luật pháp?

    Theo công an Long An, 3 người/nhóm tố cáo Thiền Am là Thích Nhật Từ (tên thật là Trần Ngọc Thảo), Thích Minh Thiện (tên thật Trương Ngọc Toàn), và công an huyện Đức Hoà. Thích Nhật Từ đệ đơn ngày 24/11/2021 tố cáo rằng ông Lê Tùng Vân và Lê Thanh Hoàn Nguyên đã “có lời nói xúc phạm cá nhân ông Thảo, làm nhiều video báng bổ Đức Phật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.“

    Thích Minh Thiện thì tố cáo bà Cao Thị Cúc đã “lừa đảo – xúc phạm Phật giáo trục lợi phi pháp“.

    Công an huyện Đức Hoà tố cáo rằng những người trong Thiền Am đã “xúc phạm uy tín của công an huyện Đức Hoà.” (Trang 2). Bằng chứng? Họ cho rằng trong một video clip, có lời nói “Yêu cầu công an trả Diễm My ra đây, mấy anh bắt cóc Diễm My vậy rồi mấy anh đổ lỗi cho tôi …” và “Nếu mà cái kết quả là không có đủ cơ sở để mà cáo buộc tội trạng xâm phạm gia cư bất hợp pháp hay các tội trạng trong này, tức là đây là một sự việc bỏ lọt tội phạm trầm trọng vô cùng chứ không phải thường.”

    Câu hỏi 17: Lời nói nào được xem là xúc phạm ông Thích Nhật Từ?

    Làm việc với công an Long An, ông Lê Tùng Vân nhận rằng ông từng nói với những người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai như sau: “… Thích Nhật Từ không giữ sĩ diện cho Phật giáo, không xứng đáng đại diện cho Phật giáo, nó dốt quá…”

    Câu nói của Lê Thanh Hoàn Nguyên trong video được cho là xúc phạm ông Thích Nhật Từ  được công an giám định như sau: “Giáo hội Phật giáo nói đúng thì sư phụ nghe, GHPG nói tầm bậy thì sư phụ ngồi trước mặt cơ quan công an nói cái ông Nhật Từ ngu như bò…”

    Sẵn đây cũng cần nói thêm rằng ông Thích Nhật Từ là người từng tung tin rằng có loạn luân trong Thiền Am. Nhưng công an lờ qua lời vu khống và phạm pháp này của ông Thích Nhật Từ.

    Câu hỏi 18: Ông Thích Nhật Từ là ai mà có liên quan đến Thiền Am?

    Thích Nhật Từ tên thật là Trần Ngọc Thảo, ông là một quan chức trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Xin phân biệt giữa “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” sau 1975 và “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất” trước 1975 mà các thầy như Thích Nhất Hạnh, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, v.v. là thành viên quan trọng. Ông Thích Nhật Từ nổi tiếng như là một tu sĩ làm lễ cho vaccine Nanocovax, làm lễ cho sĩ tử thi tú tài, và có nhiều phát ngôn hàm ý chống đạo Công giáo. Ông còn gây ra vài tranh cãi vì một bài giảng liên quan đến tình dục và dùng công cụ kích dục.

    Ông Thích Nhật Từ có mối quan hệ khá mật thiết với ông Võ Văn Thắng (cha của Diễm My) và những kẻ mà ông hay họ tự xưng là “Youtuber chính nghĩa”. Những “Youtuber chính nghĩa” này rất tích cực tung ra những tin bịa đặt và giả tạo nhằm bôi nhọ Thiền Am và những người trong Thiền Am. Ông từng huy động Phật tử gởi đơn tố cáo chống Thiền Am.

    Trước đây (2017), ông Thích Nhật Từ cho rằng “Thực tế thì Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên không phải là người giả mạo tăng sĩ để lừa đảo bất kỳ ai như một số báo chí đã cáo buộc“, rằng “Họ là những người cư sĩ tại gia sống trong tịnh thất, được thầy của họ là người xuất gia cạo đầu, cho mặc áo nâu sòng từ nhỏ,” và rằng “Cụ Thích Tâm Đức nay đã 86 tuổi, từng là Tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương, xây dựng khu Bồng Lai Viên, là vị cha tinh thần nuôi nấng hai vị này [Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên] cùng như là 24 thành viên khác, nhỏ nhất là 3 tuổi cho đến U30 đều cạo đầu, mặc áo nâu sòng. Thật ra, cụ Thích Tâm Đức chưa bao giờ từng xưng mình là Hoà Thuợng và chưa nói mình là trụ trì Chùa Bồng Lai.” 

    Nhưng năm 2021, ông nói với tờ báo Doanh Nghiệp và Tiếp thị rằng “Như vậy là giả mạo Phật giáo. Ông Lê Tùng Vân và các con cháu tại đây chưa được thọ giới, nhưng lại tự nhận đây là chùa, là thầy và các sư cô là hành vi có dấu hiệu lừa đảo,” và “Vừa vi phạm giáo lý nhà Phật, vừa vi phạm luật pháp Việt Nam. Họ không theo giáo hội nào, không tuân thủ theo giới luật nhưng lại nhận mình là Tăng ni để phục vụ mục đích riêng. Đó là điều không thể chấp nhận được“.

    Câu hỏi 19: Diễm My là ai?

    Võ Thị Diễm My là con của ông Võ Văn Thắng và Đoàn Thị Tuyết Mai. Diễm My là bạn của Lê Thanh Huyền Trân, một người trong gia đình Thiền Am do cụ Lê Tùng Vân nuôi dưỡng và từng chiếm giải quán quân về ca hát. Tháng 9/2019, Diễm My ghé thăm Thiền Am và muốn tu hành. Tuy nhiên, Diễm My qui y (xuống tóc) ở một chùa khác.

    https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2022/06/image-9.png?w=640

    Võ Thị Diễm My qui y tại một chùa khác 

    Ngày 13/10/2019 ông Thắng và bà Mai dẫn đầu một nhóm 50 tên côn đồ xuống Thiền Am tìm con gái. Những kẻ này đập phá tài sản của Tịnh thất, và hành hung, gây thương tích 13% cho Lê Thanh Nhị Nguyên.

    Ngày 24/10/2019 và 26/10/2019, có thêm một nhóm khác từ Sài Gòn xuống Tịnh thất tìm Diễm My, và cũng đập phá, hành hung người của Tịnh thất. Lần này họ ăn trộm 305 triệu đồng của Tịnh thất.

    Ngày 12/12/2019, công an mời bà Cao Thị Cúc, Diễm My và vợ chồng ông Võ Văn Thắng lên làm việc. Nhân dịp này, Diễm My đã bị bắt cóc, đưa lên xe cứu thương, và giao cho ông Thắng và bà Mai. Đó chính là lời nói của Diễm My.

    Câu hỏi 20: Luật sư của Thiền Am nói gì về thân chủ và điều luật 331?

    Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh, trưởng nhóm luật sư bào chữa cho Thiền Am, nhận xét như sau:

    “Quá trình tham gia vụ án, chúng tôi đã phát hiện và khiếu nại rất nhiều vấn đề có liên quan đến các vi phạm thủ tục tố tụng của các cơ quan có liên quan trong vụ án. Nhiều vấn đề khiếu nại chưa được giải quyết mà cơ quan tiến hành tố tụng vẫn ban hành các kết luận điều tra và cáo trạng là chưa thỏa đáng.

    Chúng tôi chưa khẳng định vụ án oan sai hay không? Truy tố nặng hay nhẹ? Tuy nhiên, với quá nhiều thủ tục tố tụng không được đảm bảo trong quá trình lập hồ sơ điều tra, truy tố thì chúng tôi tin rằng khả năng gây oan sai cho những người bị truy tố là rất lớn.”

    Nhìn chung, đối với vụ án này, để dễ hình dung, tôi mượn lời của một thân chủ hỏi tôi trong quá trình làm việc:

    “Tôi chỉ nói có 4 từ ‘Bỏ lọt tội phạm‘ (không chủ ngữ, không địa chỉ) mà bị kết luận vi phạm điều luật 331 BLHS ở khoản 2 có mức hình phạt từ 2 đến 7 năm tù là sao ?”

    _____

    Một số nguồn thông tin:

    Trong quá trình tìm hiểu, tôi được biết đến một tu sĩ tên là Thích Đồng Long (Vĩnh Tịnh Già Lam). Trong video clip dài chừng 68 phút, ông lí giải rất thuyết phục về ‘Tịnh Thất Bồng Lai’. Tôi nghĩ bạn nào muốn có một cách nhìn khách quan thì nên nghe qua video của vị tu sĩ này.

    https://nguyenvantuan.info/2022/06/12


    Không có nhận xét nào