Hôm nọ, một đại biểu quốc hội nói rằng "Chồng khen hàng xóm xinh" là một hình thức bạo lực gia đình. Nếu hiểu 'bạo lực' qua tiếng Anh (violence) thì bà đại biểu này nói không đúng. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa 'ăn hiếp' thì câu nói của bà ấy có thể bàn luận thêm cho vui: đó là hành vi "vi hiếp".
Trong tâm lí xã hội có một số hành vi mà tiếng Anh gọi là "microaggression", có thể hiểu là "vi hiếp". Theo định nghĩa của giới tâm lí học, vi hiếp bao gồm những hành vi (như cách nói, cách dùng chữ, cách đặt câu hỏi, nhận xét, v.v) vô tình hay cố ý chuyển tải một thông điệp hay cái nhìn tiêu cực về một cá nhân thuộc một nhóm thiểu số.
Ví dụ như cách nói “Ông ấy tuy là đảng viên nhưng mà tốt” là một cách ăn hiếp tinh vi, một cách chê bai gián tiếp. Câu nói đó hàm ý một giả định rằng đã là đảng viên thì phải xấu, tức là thể hiện một thiên kiến (bias). Tương tự, câu nói "Anh là người Việt mà nói tiếng Anh hay quá" thì không phải là một lời khen, mà là một thiên kiến rằng rằng người Việt thì phải nói tiếng Anh dở (tại sao anh nói giỏi?).
Thuật ngữ 'microaggression' chỉ mới được ra đời từ thập niên 1970s, và 'cha đẻ' của nó là nhà tâm lí học Chester Pierce (ĐH Harvard). Pierce dùng chữ này để mô tả những cãi cọ giữa sinh viên da đen và da trắng khi họ dùng những từ ngữ không hẳn là miệt thị mà là ăn hiếp một cách ngấm ngầm. Điều quan trọng cần lưu ý là người microaggression có thể không phải cố ý, mà chỉ là vô tình. Sự vô tình đó xuất phát từ sự thiên vị hay những ý tưởng mà họ có trong đầu về một nhóm người nào đó. Nó cũng giống như 'trông mặt mà bắt hình dong', nhưng họ không nói thẳng ra như thế mà nói một cách ... tinh tế.
Tuy nhiên, người mở rộng lí thuyết và lí giải chi tiết về microaggression là nhà tâm lí học gốc Hoa Derald Sue (ĐH Columbia). Chính Sue là người làm cho khái niệm microaggression trở nên phổ biến và công chúng dần dần biết đến những hành vi microaggression. Theo Sue, hành vi microaggressions có thể bao gồm:
• đối xử với người khác như là một công dân hạng hai chỉ vì người đó thuốc sắc tộc thiểu số, hay giới tính, hay tôn giáo;
• khen một người nào đó sanh ra và lớn lên ở Mĩ nói tiếng Anh giỏi chỉ vì người đó không phải là người da trắng;
• nói với người ốm / gầy là nên ăn nhiều vào;
• giả định rằng người Á châu là giỏi toán và khoa học;
• dùng đại danh từ nam/nữ cho người chuyển giới.
Triển khai cụ thể, những hành vi đó có thể là những ví dụ sau đây mà tôi trích lại từ các trang blog tâm lí học và bài báo khoa học.
• Một bệnh nhân đang chờ được khám bệnh. Một người phụ nữ bước vào phòng, và bệnh nhân giả định rằng người phụ nữ đó là một y tá. Cái thiên kiến ở đây là suy nghĩ rằng phụ nữ chỉ làm y tá, phụ tá cho bác sĩ; còn bác sĩ phải là nam giới!
• Khi một người Mĩ da trắng gặp một người thuộc sắc tộc thiểu số (như Việt Nam chẳng hạn), và buông ra câu hỏi "Anh đến từ đâu?" Giả định là người này không sanh ra ở Mĩ, không thuộc về Mĩ.
• Một người Úc da trắng đang đi trên đường gặp một người da đen đi ngược lại, người da trắng tìm cách chuyển sang con đường khác. Có lẽ vì người da trắng sợ, do giả định rằng người da đen là nguy hiểm, tội phạm.
• Một người phụ nữ lên tiếng trong buổi họp, và sau đó được các đồng nghiệp nam giới nhận xét rằng chị ấy là "too assertive." Giả định là phụ nữ phải ngoan, hiền, nhù mị, không tỏ ra hung hãn.
Như chúng ta thấy qua những ví dụ trên, microaggression xảy ra có lẽ hàng ngày, và có khi chính chúng ta cũng là người tạo ra microaggression. Đó là những câu nói, những chữ có âm điệu hay hàm ý xúc phạm, mỉa mai.
Quay lại câu nhận xét người láng giềng xinh đẹp, nếu nói trước mặt bà vợ, thì câu đó có thể xem là "vi hiếp". Bởi vì cái giả định hay thiên kiến đằng sau là bà vợ không xinh đẹp bằng cô láng giềng, và đó chính là vấn đề. Vấn đề là ăn hiếp bà vợ một cách tinh vi (không phải tinh tế). Nhưng đó không phải là "bạo lực gia đình", vì không có dùng chân tay hay lời nói nào xúc phạm.
Nhưng nếu tôi hát (nhạc Hoàng Quý):
"Cô láng giềng ơi
Nay bóng hoa bên thềm đã thăm rồi
Chân bước vui bên bờ đường quê
Em có hay chăng giờ tôi về"
thì không thể xem đó là "vi hiếp" mà là một lời độc thoại tỏ tình kiểu ... vu vơ.
Không có nhận xét nào