Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên trong lễ khởi công dự án cải tạo căn cứ Ream ngày 8-6. Ảnh: KHMER TIMES
Khi cuộc chiến Nga-Ukraine xảy ra thì kẻ có lợi nhất chính là Trung Quốc. TQ sẽ có lợi khi nước láng giềng Nga, một kẻ thù quá khứ từng tranh chấp lãnh thổ, yếu đi. Tất nhiên nếu phương Tây cũng yếu đi, thì càng tốt đối với TQ.
TQ theo dõi cuộc chiến nói trên như một phép thử cho các hành động khuếch trương sự ảnh hưởng của mình trong khu vực. Nếu phương Tây tỏ ra yếu ớt với Nga, tức là đã bật đèn xanh cho TQ làm chuyện tương tự Nga đối với các nước nằm trong vùng ảnh hưởng. Cụ thể là với các đảo tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông, thu hồi Đài Loan, quần đảo Senkaku và tìm cách khống chế Vịnh Thái Lan thông qua Campuchia.
Ngày 9/6/2022, Campuchia động thổ cơ sở mới tại căn cứ hải quân Ream với sự tài trợ của TQ.
Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia sau đó nhắc lại lo ngại rằng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Ream “có thể đe dọa quyền tự chủ của Campuchia và làm suy yếu an ninh khu vực”.
“Mỹ và nhiều nước bày tỏ lo ngại trước việc thiếu minh bạch về mục đích, bản chất và phạm vi của dự án, cũng như vai trò của Trung Quốc trong xây dựng và sử dụng cơ sở sau khi hoàn tất”, phát ngôn viên của cơ quan này cho biết.
Cả Phnom Penh và Bắc Kinh đều phủ nhận sự hiện diện quân sự của TQ tại căn cứ này trong tương lai. Đó là do phía Campuchia đã có cam kết với Việt Nam là sẽ không để cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại nước mình.
Nhưng rất ít khả năng là phía Mỹ (có thông tin từ tình báo) đã sai lầm khi quan ngại rằng TQ sẽ đóng quân (có thể là bí mật hay bán công khai) tại căn cứ này.
Trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Việt Nam không tỏ ra quan ngại mà chỉ tỏ ra quan tâm tới sự hòa bình và giữ quan hệ tốt đẹp với các nước!
Chúng ta cần lưu ý là động thái này của Campuchia và TQ nằm trong bối cảnh của cuộc chiến Nga-Ukraine đang ác liệt. Mỹ và phương Tây đang có sự phân tâm nhất định. Mỹ và Úc đã rất quan ngại với hành động được cho là bành trướng sự hiện diện quân sự của TQ trong khu vực.
Hải cảng Ream nằm tại Sihanoukville có vị trí án ngữ vịnh Thái Lan và rất gần đảo Phú Quốc của Việt Nam. Vị trí này rất quan trọng, đặc biệt là nếu trong những năm tới TQ hỗ trợ Thái Lan đào kênh Kra. Cả Sihanoukville và Phú Quốc đều có thể kiểm soát con đường hàng hải quốc tế này, nếu nó được hình thành. Đó cũng là lý do khiến Phú Quốc có sự phát triển đột biến trong thời gian qua.
Mấy năm trước mình đã tới Sihanoukville, thấy ở đây đang là đại công trường với các dự án rất lớn, y chang ở Phú Quốc và điều đáng lưu ý là hầu hết các dự án là do chủ đầu tư TQ xây dựng, các công ty XD của TQ thi công, biển hiệu công trường cũng có chữ TQ, các quán bar, bia cũng ngập tràn người TQ. Có thể Sihanoukville sẽ thành Pattaya dành cho người TQ và lính TQ trong tương lai không xa.
Ảnh vệ tinh
Kênh Kra không dễ được hình thành, do Singapore và phương Tây sẽ lo ngại. Kênh này sẽ làm ảnh hưởng nặng vai trò của Singapore do tuyến đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Đông Bắc Á và Thái Bình Dương sẽ không đi qua eo Mallaca và Singapore nữa. Nhưng với sự trỗi dậy của TQ, rất có thể trong 10-20 năm tới họ vẫn thuyết phục được Thái Lan đào kênh này.
Có nghĩa là cảng Ream có vị trí chiến lược đối với TQ.
Còn đối với Campuchia, sự hiện diện quân sự của TQ tại nước họ cùng mối quan hệ mật thiết về quân sự, kinh tế giữa hai bên chính là biện pháp đề phòng, kiềm chế Việt Nam có mưu đồ kiểm soát Campuchia như đã từng.
Trong nhiều bài viết khác mình đã phân tích, mối quan hệ Việt Nam và Campuchia không khác mấy mối quan hệ Việt Nam và TQ. Đại khái là vừa hợp tác vừa đấu tranh. Ngoài mặt là anh em đấy nhưng có thể đánh nhau bất cứ lúc nào.
Về bản chất, việc hợp tác xây dựng căn cứ Ream nói trên chứng tỏ Campuchia liên minh quân sự với TQ để phòng thủ (tất nhiên cũng có thể tấn công, nếu cần) trước Việt Nam. Điều này cũng giống y chang Ukraine có mong muốn gia nhập NATO để phòng thủ trước Nga, muốn thoát khỏi cái bóng của con gấu.
Thế nhưng, theo dõi phản ứng của anh em “bò đỏ” và thiện lành cuồng Nga trong những ngày qua, chúng ta không hề thấy họ lên tiếng quan ngại động thái này của Campuchia! Trong khi họ lại lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ Nga, ủng hộ việc xâm lược của Nga. Đúng là việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng và bản chất là bọn này nó húc theo chỉ đạo chứ có hiểu biết gì về địa chính trị đâu. Thằng cầm dao kề sườn chính mình thì chả quan tâm trong khi lo cho thằng ở tít đâu bị thằng khác cầm dao dí vào sườn. Gọi là “bò” thì lại dỗi. Sao anh em không lên tiếng để Việt Nam phản đối Campuchia đi?! Ít ra cũng phải HẾT SỨC QUAN NGẠI chứ, đây chả thấy gì.
Mình thì tin là anh em bên Tổng cục 2 biết thừa ý đồ của cặp Cam-Tàu. Nhưng Việt Nam cũng e ngại TQ nên không dám lên tiếng mạnh mẽ. Nhưng sự yếu đuối của Việt Nam sẽ là bật đèn xanh cho đôi kia lấn tới, cặp kè mật thiết hơn.
Việt Nam có lẽ cũng nên hợp tác với Mỹ để xây dựng quân cảng Cam Ranh “vì mục tiêu hòa bình” và cũng tuyên bố ầm ĩ y như Campuchia, là Mỹ sẽ không đóng quân ở đây như đúng cam kết của Việt Nam. Nói chung là diễn bài y chang đôi Cam-Tàu vừa làm. Thời điểm này có thể xúc tiến được rồi.
Nhưng vấn đề là Mỹ có chịu đầu tư vào Cam Ranh hay không? Việt Nam có thể là đối tác tin cậy với Mỹ hay không? Hay là đầu tư cho Việt Nam xong rồi lại bị “bò đỏ” tấn công như mọi khi. Đấy là hệ quả của ngoại giao đu dây đó, sẽ khiến đối tác mất lòng tin và cái gọi là đối tác chiến lược cũng chỉ là chém gió nếu có sự khác biệt về quan điểm chính trị.
Nhưng nếu việc hợp tác với Mỹ này không thể diễn ra thì gọng kìm Cam-Tàu sẽ ngày càng siết chặt Việt Nam trong bối cảnh Nga đã bị loại ra khỏi sự ảnh hưởng trong khu vực.
https://baotiengdan.com/2022/06/11
Không có nhận xét nào