Header Ads

  • Breaking News

    Căn bản của chính trị so sánh: các khó khăn trong nghiên cứu chính trị so sánh

    Nguyên tác: The Essential of Comparative Politics, Patrick O’Neil

    Khánh An phỏng dịch

    VNTB – Căn bản của chính trị so sánh: các khó khăn trong nghiên cứu chính trị so sánh

    Thật không may, lập luận quy nạp và diễn dịch, hay tìm ra mối tương quan hay một quan hệ nhân quả không phải là dễ. Có bảy thách thức chờ đợi các nhà nghiên cứu theo kiểu so sánh trong việc nghiên cứu các đặc điểm chính trị giữa các quốc gia. Hãy lược qua từng khó khăn một để xem chúng phức tạp như thế nào trong phương pháp nghiên cứu so sánh và chính trị so sánh nói chung. Thứ nhất, các khoa học gia khó mà kiểm soát các biến số trong các trường hợp cần nghiên cứu. Nói một cách khác, trong quá trình tìm kiếm các mối tương quan và quan hệ nhân quả, chúng ta không thể tạo được các so sánh đích thực, một so sánh mà trong đó hai đối tượng chỉ khác nhau ở một điểm và điểm đó chính là nguyên nhân tạo ra sự khác biệt. Để minh họa, giả sử một nhà nghiên cứu muốn xác định xem liệu việc giao thêm bài tập cho sinh viên có giúp làm tăng điểm thi cuối kỳ của họ không. Trong khi nghiên cứu các đối tượng là học sinh của bà, bà có thể kiểm soát một số biến số có thể ảnh hưởng đến điểm số của sinh viên như thói quen ăn uống, số giờ ngủ, hay một yếu tố bất kỳ có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập. Bằng cách kiểm soát các yếu tố này và bảo đảm rằng nhiều biến trong số này có giá trị giống nhau trong các đối tượng nghiên cứu, ngoại trừ số lượng bài tập, bà có thể tự tin tiến hành nghiên cứu. Một ví dụ khác về so sánh đích thực mà bạn đọc có thể thấy trong cuộc sống hàng này đó là nếu nhà bạn mất điện và tất cả các nhà khác trong hẻm đều có điện. Khi đó, nhiều khả năng nguyên nhân mất điện nằm đâu đó trong nhà bạn. Bạn có thể kiểm tra từ cầu giao chính vào và tìm ra nguyên nhân mất điện.

    Nhưng chính trị so sánh trao rất ít cơ hội cho việc kiểm soát các biến số bởi chúng là hệ quả của chính trị trong thực tế. Nền kinh tế, văn hóa, đặc điểm địa lý, tài nguyên, và cấu trúc chính trị khác nhau rất nhiều, và không thể kiểm soát các khác biệt này. Ngay cả khi nghiên cứu một trường hợp, giá trị của các biến số cũng thay đổi theo thời gian. Trong trường hợp tốt nhất, chúng ta cũng chỉ kiểm soát được phần nào một số yếu tố có thể làm sai lệch kết quả nghiên cứu. Nếu, ví dụ, chúng ta muốn hiểu xem tại sao luật sử dụng súng ở Hoa Kỳ lỏng lẻo hơn rất nhiều so với các nước công nghiệp phát triển khác, chúng ta có thể so sánh nước này với các nước có đặc điểm lịch sử, kinh tế, chính trị và xã hội tương tự như Canada và Úc, hơn là với Nhật và Nam Phi. Điều này giúp chúng ta kiểm soát các biến số hiệu quả hơn, nhưng vẫn còn nhiều biến số không kiểm soát được hay thậm chí không được biết đến.

    Thứ hai là vấn đề các biến số có thể có tương tác với nhau. Cho dù chúng ta có thể kiểm soát các biến số khi so sánh, có thể có tình trạng là các biến có thể tương tác với nhau. Nói một cách khác, nhiều biến cùng nhau dẫn đến hệ quả, trong cái gọi là đa nguyên nhân (multicausality). Biến động về luật kiểm soát súng khó có thể được giải thích bằng một biến duy nhất là hệ thống bầu cử hay sức mạnh của hệ thống tư pháp của một nước. Vấn đề đa nguyên nhân cũng nhắc chúng ta rằng trong thế giới thực thường không có một câu trả lời duy nhất cho các vấn đề chính trị.

    Nếu bạn thấy đoạn giải thích về sự tương tác giữa các biến khó hiểu, bạn cho thể xem ví dụ sau đây. Nếu bạn vào một tiệm ăn và người chạy bàn hỏi bạn: “Anh thích dùng nước tương hay nước mắm? ” Tất nhiên là câu hỏi này nghe hơi ngược đời nhưng tôi đặt ra nó chỉ để minh họa cho sự tương tác giữa các nguyên nhân. Có thể bạn sẽ trả lời là tùy thuộc vào loại thức ăn. Câu trả lời này thể hiện sự tương tác giữa hai biến, hai yếu tố đầu vào, thức ăn và nước chấm trong việc ảnh hưởng tới kết quả đầu ra là bạn thấy ngon miệng hay không.

    Thứ ba là các hạn chế trong việc thu thập thông tin. Không những có nhiều biến không được kiểm soát và các biến lại tương tác với nhau trong các trường hợp chúng ta nghiên cứu, chúng ta còn phải đối diện với tình trạng có quá ít các trường hợp để so sánh. Trong khoa học tự nhiên, các nghiên cứu được tiến hành với một số lượng rất lớn các trường hợp – hàng trăm ngôi sao, hàng ngàn cá nhân được nghiên cứu theo thời gian. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu chọn các trường hợp theo cách có thể kiểm soát các biến của họ và cũng giúp họ tránh được tình trạng một trường hợp đặc biệt duy nhất làm biến dạng kết quả nghiên cứu. Nhưng trong chính trị so sánh, chúng ta thường có một số hạn chế các quốc gia, hiện tại là dưới 200, và hầu hết chưa tồn tại cách đây vài thế kỷ. Cho dù chúng ta nghiên cứu những vấn đề nhỏ hơn trong chính trị (như các đảng phái hay các hành động khủng bố), tổng số trường hợp chúng ta có cũng khá nhỏ. Và nếu chúng ta có kiểm soát các biến các khác biệt bằng cách tìm một số trường hợp tương tự (chẳng hạn, các nước dân chủ giàu có), tổng số trường hợp mà chúng ta có còn nhỏ hơn nữa.

    Thứ tư là vấn đề tiếp cận các trường hợp ít ỏi mà chúng ta có. Các nghiên cứu bị cản trở bởi chính các yếu tố làm cho việc nghiên cứu các quốc gia hấp dẫn. Phần lớn các thông tin mà các khoa học gia chính trị tìm kiếm là thông tin khó kiếm, cần phải làm việc tại nơi cần nghiên cứu – có nghĩa là tiến hành các cuộc phỏng vấn hay nghiên cứu thông tin lưu trữ của các quốc gia. Việc đi lại giữa các nước tốn kém tiền bạc và thời gian, và các nhà nghiên cứu có thể phải lưu lại địa điểm nghiên cứu nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Những người trả lời phỏng vấn có thể không muốn nói về các vấn đề nhạy cảm hay có thể làm sai lệch thông tin. Các thư viện hay các trung tâm nghiên cứu thường không có đủ tài liệu hay không cho phép tiếp cận tài liệu. Các chính phủ có thể cấm việc nghiên cứu các vấn đề nhạy cảm. Ví dụ, nếu bạn muốn vào kho lưu trữ để tìm hiểu về các tài liệu thời Việt Nam Cộng Hòa, thời Pháp thuộc, hay thời Nhà Nguyễn, có thể bạn sẽ không được phép. Việc đối diện với các khó khăn này trong trường hợp nghiên cứu nhiều nước còn khó khăn hơn. Nhà nghiên cứu có thể phải đọc tiếng Nhật, đến Nhật thường xuyên nhưng nếu bà ấy muốn so sánh các chế độ hậu cộng sản, có thể bà phải đến Việt Nam và Trung Quốc, nếu có thể đọc tiếng Việt thì rất tốt. Có rất ít nhà nghiên cứu có đủ kỹ năng ngôn ngữ, thời gian hay tiền bạc để tiến hành các nghiên cứu tại hiện trường tại nhiều quốc gia. Do đó, các nhà nghiên cứu thường có kiến thức về một quốc gia hay ngôn ngữ và dựa vào lập luận diễn dịch. Các nghiên cứu một quốc gia rất có giá trị vì chúng cho các nhà nghiên cứu các thông tin sâu sắc về một trường hợp và khả năng tìm ra các điểm đặc thù về một trường hợp vì những quan sát sâu sát. Tuy vậy, tình trạng tập trung hẹp cũng làm cho họ không chắc các yếu tố chính trị mà họ thấy trong trường hợp của họ có có những điểm tương tự quan trọng với chính trị ở các trường hợp khác.

    Thứ năm, cho dù các nhà nghiên cứu so sánh có thể mở rộng số đối tượng nghiên cứu, họ cũng thường chỉ tập trung vào một khu vực địa lý. Các nhà nghiên cứu về Việt Nam cộng sản có thể nghiên cứu về các nước ở Châu Á nhiều hơn là Cuba. Và các chuyên gia về Cuba thường nghiên cứu về Châu Mỹ Latinh nhiều hơn là Trung Quốc và Việt Nam.  Tình trạng này không nhất thiết là một vấn đề, theo những điều chúng ta đã bàn ở trên về việc kiểm soát các biến – có thể việc nghiên cứu các khu vực của thế giới nơi các biến tương tự tập trung hơn là nghiên cứu các quốc gia thuộc các vùng khác nhau. Tuy vậy, các nghiên cứu tập trung vào một vùng như thế này – thường được gọi là các nghiên cứu khu vực – không được phân bổ trên toàn thế giới. Bất chấp những thay đổi lớn lao về sức mạnh chính trị, dân số, và phát triển kinh tế, phần lớn nhất của các nghiên cứu so sánh tiếp tục tập trung vào khu vực Tây Âu – nhiều gấp đôi Đông Á, khu vực bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Tại sao? Như đã đề cập ở trên, một phần là vấn đề ngôn ngữ, các học giả Tây Phương học các ngôn ngữ Âu Châu từ tiểu học hay trung học cơ sở, và việc dùng tiếng Anh phổ biến tại nhiều quốc gia Âu Châu, vì vậy, dễ nghiên cứu hơn. Dù tiếng Anh cũng được dùng rộng rãi ở vùng Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ, và bất chấp tình trạng này, có khá ít các nhà nghiên cứu so sánh bên ngoài Ấn Độ nghiên cứu quốc gia này. Trong khi có thể tình trạng này sẽ thay đổi với các học giả trẻ, chính trị so sánh vẫn có sự phân bổ không đồng đều trong việc nghiên cứu các vùng và việc nghiên cứu cũng chậm khi các vấn đề mới xuất hiện.

    Thứ sáu là vấn đề thiên lệch cũng làm cho việc kiểm soát các biến số và việc chọn các đối tượng nghiên cứu phù hợp khó hơn. Đây không phải là vấn đề thiên lệch chính trị, dù đôi khi điều này cũng có thể là vấn đề, nhưng về cách chúng ta chọn đối tượng nghiên cứu. trong khoa học tự nhiên, việc chọn các đối tượng nghiên cứu được ngẫu nhiên đến mức có thể để các trường hợp được chọn không nhằm để củng cố một giả thuyết này hay giả thuyết nọ. Nhưng vì các lý do trình bày ở trên, không thể chọn ngẫu nhiên trong khoa học chính trị. Các nghiên cứu với một quốc gia đương nhiên bị ảnh hưởng bởi việc các nhà nghiên cứu chọn nó vì họ biết các ngôn ngữ đó và thấy nó lý thú. Tuy vậy, cho dù nếu chúng ta chỉ dựa vào lập luận diễn giải – bắt đầu với một giả thuyết và rồi tìm các đối tượng nghiên cứu – chúng ta có thể dễ dàng rơi vào bẫy thiên lệch trong lựa chọn.

    Ví dụ, giả sử chúng ta muốn hiểu các cuộc cách mạng và đưa ra giả thuyết là nguyên nhân chính là tình trạng gia tăng nhanh chóng của sự bất bình đẳng (chẳng hạn chênh lệch giàu nghèo). Chúng ta sẽ chọn đối tượng nghiên cứu như thế nào? Phần lớn chúng ta sẽ trả lời rằng chúng ta nên chọn càng nhiều cuộc cách mạng càng tốt và xét xem liệu tình trạng bất bình đẳng có xảy ra trước chúng hay không. Nhưng đây là một lỗi; bằng cách xem xét các cuộc cách mạng, chúng ta bỏ qua các trường hợp mà tình trạng bất bình đẳng gia tăng nhưng không xảy ra cách mạng. Thật vậy, số trường hợp không xảy ra cách mạng khi bất bình đẳng gia tăng cũng nhiều như số trường hợp xảy ra, bác bỏ giả thuyết của chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên tập trung vào nguyên nhân khả nghi (gia tăng bất bình đẳng) hơn là các hậu quả có thể xảy ra. Trong khi điều này có vẻ là một lựa chọn hiển nhiên, lỗi này thường diễn ra khi các học giả quá quan tâm đến hệ quả đến nỗi họ bắt đầu từ đó và nghiên cứu ngược trở lại.

    Thứ bảy và sau cùng liên quan đến tâm điểm của khoa học chính trị – cuộc tìm kiếm nguyên nhân và hệ quả. Để dễ bàn, giả định rằng chúng ta có vài vấn đề mà chúng ta có thể vượt qua các cản trở trong việc chọn đối tượng nghiên cứu, thu thập thông tin, và kiểm soát các biến. Hãy tưởng tượng thêm rằng trong các vấn đề hiện tại, các nghiên cứu, ví dụ, cho thấy các quốc gia có trình độ dân trí thấp có ít có khả năng là dân chủ hơn các nước có trình độ dân trí cao. Cho dù chúng ta đủ tự tin để tuyên bố rằng đây là một mối quan hệ nhân quả giữa dân trí và dân chủ – một tuyên bố táo bạo, thật vậy – và một vấn đề sau cùng, khó giải quyết xuất hiện. Yếu tố nào là nguyên nhân, yếu tố nào là hệ quả? Có phải là trình độ dân trí giới hạn việc tham gia vào các việc công, làm cho các đối tượng ưa độc tài mạnh hơn, hay các nhà độc tài ít quan tâm đến dân trí? Vấn đề phân biệt nguyên nhân và hệ quả, nội sinh (endogeneity), là một cản trở lớn trong các nghiên cứu so sánh. Cho dù chúng ta tự tin là chúng ta đã tìm ra nguyên nhân và hệ quả, chúng ta không dễ dàng xác định cái nào là cái nào. Nhìn lại, đây là tình trạng khá phổ biến; một khoa học gia chính trị đã từng gọi nội sinh là “những động cơ của lịch sử,” vì nguyên nhân và hậu quả thay đổi cùng với nhau, cái này biến hóa cái kia theo thời gian. Vì vậy, các dạng trước đây của dân chủ, dân trí có thể đã cùng tồn tại, củng cố lẫn nhau, và thay đổi những cái còn lại. Điều này làm cho việc đưa ra một nhận định thuyết phục về nguyên nhân và hậu quả, ít nhất là, rất khó khăn.

    Nếu bạn đã đọc đến đây, tôi cảm ơn và mong bạn đón đọc kỳ sau!

    https://vietnamthoibao.org


    Không có nhận xét nào