Header Ads

  • Breaking News

    Anne Zhang - Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc tìm cách kiểm soát các mỏ lithium và cobalt phong phú của Phi Châu



    Mỏ lithium của AVZ Minerals ở vùng Manono của Cộng hòa Congo. Trong tháng 05/2022, các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh với AVZ của Úc để giành quyền kiểm soát dự án Manono lithium ở Phi Châu. (Junior Kannah/AFP/Getty Images)

    Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đẩy mạnh nỗ lực tranh giành và kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Phi Châu. Đặc biệt, các công ty Trung Quốc đã tăng tốc mua lại các mỏ lithium vì lithium là nguyên liệu thiết yếu được sử dụng trong sản xuất pin xe điện.

    Một bản tin đăng trên tờ The Paper của Trung Quốc hồi tháng Năm năm ngoái cho biết Công ty BYD, gã khổng lồ sản xuất xe điện và pin của Trung Quốc, đã đạt được thỏa thuận mua sáu mỏ lithium ở Phi Châu. BYD ước tính lượng lithium từ các mỏ này sẽ đủ để sản xuất khoảng 28 triệu xe điện.

    Ngành công nghiệp xe hơi của Trung Quốc đang đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu xe mới trong năm nay. Nếu BYD thành công trong việc khai thác lithium từ cả sáu mỏ mới của mình, số quặng này sẽ đủ để đáp ứng các mục tiêu sản xuất xe hơi của Trung Quốc trong vài năm.

    Vì lithium rất cần thiết cho việc sản xuất pin xe điện, nên sự cạnh tranh về nguồn tài nguyên quý giá này ngày càng trở nên gay gắt. Các mỏ khoáng sản rộng lớn và chưa phát triển của Phi Châu đã khiến châu lục trở thành mục tiêu chính của các nhà sản xuất xe hơi.

    Tháng 07/2021, Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh đã công bố một báo cáo xác nhận các nguồn lithium của Phi Châu tập trung ở Cộng hòa Congo (DRC), Zimbabwe, Mali, Namibia, và Ghana.

    Tại DRC, các công ty Trung Quốc hiện đang cạnh tranh với AVZ Minerals của Úc để giành quyền kiểm soát dự án lithium Manono. Dự án này là một trong những mỏ lithium cao cấp lớn nhất trên thế giới, chứa ước tính khoảng 400 triệu tấn quặng oxit lithium cao cấp (1.65%). Một nghiên cứu khả thi ước tính dự án này có khả năng sản xuất 700,000 tấn oxit lithium và 45,000 tấn lithium sulfat sơ cấp mỗi năm.

    Quyền sở hữu chung đối với dự án Manono lithium ban đầu được nắm giữ bởi AVZ và Cominiere, một công ty khai thác thuộc sở hữu nhà nước ở DRC. Đầu tháng Năm năm nay, AVZ đã thông báo rằng việc bán 24% cổ phần trong dự án Manono cho Tianhua Times Tô Châu ở Trung Quốc sẽ được hoàn tất trong tháng. Một trong những cổ đông của Tianhua Times là tập đoàn pin khổng lồ Ningde Times của Trung Quốc.

    Vài ngày sau khi thông báo này được đưa ra, Zijin Mining thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc tiết lộ rằng họ cũng đã mua 15% cổ phần trong dự án Manono lithium. Một phần trong số 51% cổ phần còn lại của AVZ liên quan đến một vụ kiện, có thể gây nguy hiểm cho vị trí cổ đông kiểm soát dự án của công ty này. Hai công ty Trung Quốc cuối cùng có thể sẽ vượt qua cổ phần của AVZ.

    Theo Hội đồng Kinh doanh Âu Châu cho Phi Châu (EBCAM), các công ty Trung Quốc đã có toàn quyền truy cập vào một số mỏ lithium quan trọng nhất của Phi Châu trong năm qua.

    Cho đến năm 2021, mỏ Bikita ở Zimbabwe là mỏ sản xuất lithium duy nhất của Phi Châu. Ngày 08/02/2022, Sinomine Resource Group của Trung Quốc thông báo họ đã mua 74% cổ phần của mỏ lithium Bikita với giá 180 triệu USD.

    Tháng 12 năm ngoái, nhà sản xuất pin lithium-ion của Trung Quốc, Huayou Cobalt Chiết Giang, đã mua lại 87% cổ phần trong dự án lithium Arcadia ở Zimbabwe từ công ty Prospect Resources của Úc với giá 528 triệu USD. Ước tính mỏ này chứa hơn 72 triệu tấn oxit lithium và có tiềm năng vận hành ít tốn kém nhất trên thế giới.

    Tháng 11 năm ngoái, Chengxin Lithium của Trung Quốc đã mua 51% cổ phần trong mỏ Sabi Star Lithium của Max Mind Investments ở miền đông Zimbabwe với giá 77 triệu USD. Max Mind sở hữu 40 quyền khai thác các khối quặng kim loại hiếm ở Zimbabwe, 35 trong số đó đang trong giai đoạn thăm dò và bắt đầu công việc.

    Hiện tại, có hai dự án thăm dò lithium đang diễn ra ở miền nam Mali và các công ty Trung Quốc đều có cổ phần trong cả hai dự án này. Tháng Sáu năm ngoái, Ganfeng Lithium của Trung Quốc đã mua 50% cổ phần của dự án lithium Goulamina, dự kiến ​​sản xuất 50 triệu tấn quặng lithium. Cũng trong năm 2020, Sinohydro Group Limited, một công ty thủy điện thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, đã ký bản ghi nhớ hợp tác với dự án lithium Bougouni của Mali.

    Phi Châu cũng rất giàu cobalt, là nguyên liệu thô đắt nhất cho pin lithium bậc ba (ternary lithium battery, pin này sử dụng ba loại oxit kim loại chuyển tiếp gồm nickel, cobalt, và mangan làm vật liệu điện cực dương). 70% cobalt trên thế giới được khai thác ở Cộng hòa Congo. Tám trong số 14 mỏ cobalt hàng đầu ở DRC do Bắc Kinh nắm giữ. Năm 2016, công ty Molybdenum Lạc Dương của Trung Quốc đã mua lại 56% cổ phần của mỏ cobalt TFM, một trong những mỏ quan trọng nhất ở DRC.

    Trong một cuộc phỏng vấn với Tài Tân (Caixin) ngày 13/05/2022, ông Dư Miểu Kiệt (Yu Miaojie), Bí thư Đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh cho biết bất chấp sự bất ổn chính trị của Phi Châu, đây có thể sẽ là “Con tàu Noah” cuối cùng cho các ngành thâm dụng lao động. Bằng cách đầu tư hàng tỷ USD vào các nước Phi Châu, ĐCSTQ có thể tập hợp họ để đối phó với áp lực từ Hoa Kỳ, đồng thời khai thác tài nguyên của họ để bí mật kiếm lợi nhuận khổng lồ.

    Trong bài nói trình bày ngày 06/04 trước Tiểu ban Quốc phòng của Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện Hoa Kỳ, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phi Châu Hoa Kỳ (USAFRICOM), Tướng Stephen Townsend cho biết ĐCSTQ đã đầu tư một khoản tiền lớn để thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường ở Phi Châu.

    Ông cho biết Phi Châu có nguồn tài nguyên khổng lồ và “sự thành bại trong nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21 có thể được quyết định bởi việc liệu những nguồn lực này có sẵn có hay không.”

    Cô Anne Zhang là một nhà văn chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc cho The Epoch Times. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2014.

    Vân Du biên dịch

    Không có nhận xét nào