Tham vọng của Tập Cận Bình và quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại về nỗ lực sáp nhập Đài Loan.
Tháng trước, khi Joe Biden cam kết sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, tuyên bố của ông đã bị Bắc Kinh phản ứng gay gắt.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, “Nếu Mỹ tiếp tục đi vào con đường sai lầm, họ sẽ phải trả một cái giá đắt không thể ngờ.”
Câu nói này có thể được hiểu là lời cảnh báo về một cuộc chiến. Cùng ngày, máy bay ném bom hạt nhân của Trung Quốc và Nga đã có một cuộc tập trận chung gần Nhật Bản.
Đó là những hành động mới nhất trong vòng xoáy trao đổi thông điệp quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó cũng phản ánh mối lo ngại gia tăng ở Washington, Đài Bắc, cũng như giữa các đồng minh của Mỹ, rằng Bắc Kinh có thể cố gắng thôn tính Đài Loan trong vài năm tới.
“Thập niên này thật đáng lo ngại, đặc biệt là giai đoạn từ nay đến năm 2027,” Phil Davidson, một đô đốc về hưu, người từng chỉ huy lực lượng Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói. “Sở dĩ tôi nhận định như vậy là vì những cải thiện đáng kinh ngạc trong năng lực quân sự của Trung Quốc, tiến trình chính trị của Tập Cận Bình, và những thách thức kinh tế dài hạn trong tương lai của Trung Quốc”.
Đài Bắc muốn duy trì năng lực quân sự của mình, chẳng hạn như máy bay chiến đấu F-5, để chống lại Trung Quốc xâm lược © Ritchie B Tongo / EPA-EFE
Dù lời đe dọa chiếm Đài Loan bằng vũ lực của Trung Quốc đã xuất hiện kể từ khi chính phủ và quân đội Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan vào năm 1949, sau khi thua trong cuộc nội chiến ở đại lục, Bắc Kinh lâu nay vẫn tập trung lôi kéo hòn đảo vào quỹ đạo của mình bằng chiêu dụ kinh tế và áp lực chính trị.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách Đài Loan hiện tin rằng: khi Đảng Cộng sản Trung Quốc không còn hy vọng vào hiệu quả của các biện pháp kể trên, và với việc các lực lượng vũ trang đang hiện đại hóa nhanh chóng, Tập có thể sớm lựa chọn tham chiến.
Đài Loan trở thành “điểm nóng nguy hiểm” được chú ý chỉ vài ngày sau lễ nhậm chức của Biden hồi năm ngoái, khi máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiến hành mô phỏng tấn công bằng tên lửa vào một tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ở vùng lân cận của nước này. Trong những tháng tiếp theo, Trung Quốc đã gia tăng tần suất tập trận cũng như kích cỡ của những chiếc máy bay chiến đấu và máy bay ném bom bay gần Đài Loan.
Davidson từng lên tiếng cảnh báo vào tháng 3 năm ngoái, khi trình bày với ủy ban vũ trang Thượng viện rằng ông tin mối đe dọa về một cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan sẽ “trở thành hiện thực … trong vòng sáu năm tới.” Ngay sau đó, một quan chức cấp cao của Mỹ chia sẻ với Financial Times rằng Tập đang cân nhắc ý tưởng chiếm quyền kiểm soát hòn đảo.
Từ đó tới nay, những lời cảnh báo như vậy ngày càng phổ biến – và trở thành nền tảng cho những bình luận của Biden về việc đáp trả một cuộc xâm lược của Trung Quốc. Nó cũng đã thúc đẩy sự thay đổi trong các cuộc trao đổi giữa Đài Loan và Mỹ về cách bảo vệ hòn đảo.
Suốt nhiều năm, Washington liên tục thúc giục Đài Bắc phải chú ý nhiều hơn đến rủi ro này, nhưng chính phủ và quân đội Đài Loan đã phản ứng chậm chạp. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh. Các quan chức cấp cao của Đài Loan nói rằng cuộc tấn công của Nga nhằm vào nước láng giềng đã làm nổi bật mối đe dọa mà chính họ phải đối mặt.
Phil Davidson, cựu Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, tin rằng cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ được hiện thực hóa vào năm 2027 © Hugh Gentry / Reuters
“Mối nguy đến từ Tập Cận Bình và thực tế rằng ông ấy sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba vào cuối năm nay,” một quan chức cho biết. “Theo hiến pháp trước đây của Trung Quốc, nước này sẽ có nhà lãnh đạo mới sau mỗi 10 năm, và ‘sứ mệnh lịch sử’ thống nhất Đài Loan cũng sẽ được chuyển giao cho nhà lãnh đạo kế nhiệm. Nhưng khi sứ mệnh quốc gia trở thành sứ mệnh của một cá nhân, thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên.”
“Putin đã chẳng đưa ra quyết định xâm lược Ukraine nếu ông không phải là người tự quyết định mọi thứ. Tương tự, Tập Cận Bình cũng có thể đánh giá sai lầm như vậy,” quan chức này cho biết thêm.
Chấm dứt thái độ mơ hồ
Dù cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine giúp người ta chú ý hơn vào mối đe dọa tiềm tàng đối với Đài Loan, có một điểm khác biệt lớn giữa hai bên: cuộc chiến của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan có thể là cuộc chiến với Mỹ.
Khi Washington chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979, nước này đã thay thế hiệp ước phòng thủ chung với Đài Loan bằng Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Đạo luật này yêu cầu Mỹ cung cấp cho quốc đảo những vũ khí cần thiết để tự vệ, và duy trì năng lực của chính Mỹ trong việc chống lại vũ lực hoặc những hành động cưỡng bức khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh của Đài Loan.
Trong quá khứ, người Mỹ luôn mơ hồ về mức độ cam kết của mình. Trong một nỗ lực để vừa ngăn cản Bắc Kinh xem xét sử dụng lực lượng quân sự, vừa không khuyến khích Đài Bắc chính thức hóa nền độc lập của mình, Washington đã từ chối giải thích rõ ràng liệu họ có tham gia vào một cuộc chiến tranh giữa hai bên hay không.
Sự mơ hồ đó đã giảm đi đáng kể dưới thời Biden. Khi được một phóng viên hỏi trong chuyến đi Nhật Bản gần đây, liệu ông có sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan hay không, Tổng thống Mỹ đã trả lời. “Có. Đó là cam kết của chúng tôi.” Nhà Trắng đã vội vã đính chính – giống như việc họ đã làm đối với những tuyên bố tương tự trước đây của Biden, mà một số nhà phân tích coi là hớ hênh – rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi.
Trong chuyến công du gần đây tới Nhật Bản, Tổng thống Joe Biden nói với một phóng viên rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan © Eugene Hoshiko / Pool / EPA-EFE
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao ở Đài Loan và các nước đồng minh với Mỹ tin rằng Biden đang cố gắng răn đe Bắc Kinh, bằng cách ra hiệu rõ ràng hơn rằng họ có thể sẽ phải chiến đấu với Mỹ. Một quan chức cấp cao của Đài Loan cho biết, “Chúng tôi nghĩ rằng Biden đã đi đến một quyết định chính trị, nhằm chứng minh rằng không thể loại trừ lựa chọn này [Mỹ tham chiến].”
“Đối với trường hợp Ukraine, ông ấy đã nói trước rằng Mỹ sẽ không tham chiến. Nhưng khi Trung Quốc cảm thấy rằng khả năng quân sự của họ đã đạt đến mức sẵn sàng để chiếm Đài Loan, thì việc chỉ sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc tài chính sẽ không còn là cách răn đe hiệu quả,” vị quan chức nhận định. “Vì vậy, tuyệt đối không được để Trung Quốc tin rằng người Mỹ sẽ không có hành động quân sự.”
Dù ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về khả năng xảy ra xâm lược, nhưng thời điểm chính xác của bất kỳ hành động quân sự nào – và ý định thực sự của Trung Quốc – vẫn là chủ đề được tranh luận gay gắt.
Thời điểm mà Davidson coi là có tiềm năng xảy ra một cuộc tấn công của Trung Quốc, năm 2027, là mốc kỷ niệm một trăm năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Tháng 01/2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố mong muốn “đảm bảo đạt được mục tiêu xây dựng quân đội 100 năm vào năm 2027”, theo đó kêu gọi hiện đại hóa quân đội nhanh hơn, đồng thời nhắc lại mục tiêu chuẩn bị cho quân đội Trung Quốc tham gia chiến tranh mạng, chiến tranh “thông minh hóa”.
Lầu Năm Góc gọi năm 2027 là một “cột mốc mới” – cụm từ mà Trung Quốc đã từng sử dụng trước đây. “Nếu chúng trở thành hiện thực, các mục tiêu hiện đại hóa năm 2027 của PLA có thể cung cấp cho Bắc Kinh những lựa chọn quân sự đáng tin cậy hơn, trong trường hợp chiến tranh Đài Loan xảy ra,” trích báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc của Lầu Năm Góc hồi năm ngoái.
Một số nhà phân tích tỏ ý nghi ngờ về mốc thời gian mà Davidson chọn. Nhưng một năm sau khi ông đưa ra nhận xét của mình, các quan chức chính phủ và quân đội ở cả Đài Bắc lẫn Washington đều cho rằng giai đoạn từ nay đến năm 2027 quả thực là một mối đe dọa.
Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, nói với Quốc hội rằng Đài Loan đang bị đe dọa ‘nghiêm trọng’ từ nay đến năm 2030 © Evelyn Hockstein / Reuters
Tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết PLA sẽ có “đầy đủ khả năng” tấn công Đài Loan vào năm 2025. “Tình hình hiện tại thực sự đang ở mức độ nguy hiểm nhất mà tôi từng chứng kiến trong hơn 40 năm làm việc trong quân đội,” ông nói với các nhà lập pháp.
Gần đây, Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, đã nói với Quốc hội rằng Đài Loan đang bị đe dọa “nghiêm trọng” từ nay đến năm 2030 – theo đó ủng hộ ý kiến cấp bách của Davidson. John Aquilino, người đang là Tổng Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, gần đây đã nói với Financial Times rằng cuộc xâm lược ở Ukraine đã cho thấy mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan là không hề trừu tượng.
Các chuyên gia Đài Loan coi năm 2024 và năm 2025 là hai mốc đặc biệt nguy hiểm. Họ tin rằng Tập Cận Bình có thể bị cám dỗ sử dụng vũ lực nếu Đảng Dân Tiến, những người chủ trương duy trì nền độc lập trên thực tế của Đài Loan, tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào đầu năm 2024, hoặc nếu Tập cảm nhận được khoảng trống chính trị ở Mỹ sau kỳ bầu cử tổng thống tiếp theo vào cuối năm 2024.
Mackenzie Eaglen, chuyên gia quốc phòng tại American Enterprise Institute, một viện chính sách ở Washington, nói rằng có hai luồng ý kiến về thời điểm Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan.
“Câu chuyện là giữa những người tin vào giai đoạn mà Davidson đề cập– thời điểm nguy hiểm tối đa – và những người tin rằng chúng ta vẫn còn thời gian để tạo dựng khả năng ngăn chặn và đánh bại Trung Quốc một ngày nào đó trong tương lai,” Eaglen nói. Bà cũng thêm rằng các lãnh đạo Lầu Năm Góc đang “cố gắng cân bằng giữa hai bên, đồng ý rằng hiện đang có một số lo ngại, nhưng chọn đặt trọng tâm vào trung hạn.”
Một người quen thuộc với các đánh giá của chính quyền Mỹ về mối đe dọa đối với Đài Loan nói đến một sự nhất trí chung, rằng Trung Quốc đang hướng tới việc phát triển các khả năng cần thiết để tấn công vào năm 2027, nhưng người này cho rằng điều đó rất khác với câu hỏi về ý định hay hành động.
“Tôi không nghĩ rằng [Trung Quốc] đã ra quyết định phải làm bất cứ điều gì ở bất cứ thời hạn nào, ngoài việc đạt được những khả năng nhất định. Tôi nghĩ rằng điều này đã không được nhắc đến trong cuộc tranh luận về thời gian [xảy ra chiến tranh],” bà nói.
Chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất
Sự lo lắng ngày càng gia tăng về một cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc đang định hình lại cách suy nghĩ của Washington và Đài Bắc về việc bảo vệ hòn đảo.
Hơn mười năm qua, Washington đã cố gắng thuyết phục Đài Loan trở nên “mạnh mẽ” hơn trước cuộc xâm lược của Trung Quốc. Nhưng quân đội nước này vẫn chỉ lập kế hoạch với giả định rằng họ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, hoặc sẽ không phải đối phó với một cuộc xâm lược toàn diện.
Nhiều chuyên gia quốc phòng Đài Loan xem đó là tình huống xấu nhất, nhưng họ lo ngại các động thái quân sự ngoài chiến tranh của Trung Quốc – chẳng hạn như việc Bắc Kinh thường xuyên tập trận trên không và trên biển gần Đài Loan, chiến tranh thông tin, hoặc thậm chí có thể phong tỏa đường biển – có thể làm suy yếu quyết tâm kháng cự của Đài Loan. Do đó, Đài Bắc cũng muốn duy trì các khả năng quân sự cần thiết để chống lại những động thái đó, ví dụ bằng tàu mặt nước, máy bay chiến đấu hiện đại, và hệ thống bay cảnh báo sớm.
Nhưng giờ đây, khi Mỹ đang ngày càng tập trung vào mối đe dọa xâm lược trong tương lai gần, họ lại buộc Đài Bắc phải tự hành động: chính quyền Mỹ đã bắt đầu từ chối yêu cầu của Đài Loan về các loại vũ khí lớn như trực thăng tác chiến chống tàu ngầm, thứ mà người Mỹ tin rằng có thể nhanh chóng bị phá hủy trong một cuộc tấn công của Trung Quốc, và sẽ làm tiêu tốn quá nhiều nguồn lực quý giá.
Thay vào đó, Mỹ đang thúc đẩy sự tập trung vào các loại vũ khí nhỏ, tương đối rẻ, và có thể tồn tại được lâu như tên lửa di động, thứ sẽ chỉ được sử dụng để chống lại âm mưu xâm lược và chiếm đóng của Trung Quốc.
Tổng thống Thái Anh Văn thăm các quân nhân dự bị đang tập luyện. Lực lượng thiếu sự đào tạo này phải được cải tổ để Đài Loan có được sự linh hoạt trước khả năng bị Trung Quốc tấn công. © Ann Wang / Reuters
Chính phủ Đài Loan cũng bị ép phải hành động sau khi chứng kiến những gì xảy ra trong cuộc chiến Ukraine.
Các quan chức cấp cao cho biết chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn hiện đang tập trung vào việc tăng cường khả năng linh hoạt của đất nước để chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc. Thủ tướng Tô Trinh Xương đã cam kết ủng hộ việc kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự cơ bản từ mức bốn tháng hiện tại lên một năm, cũng như tăng ngân sách quốc phòng, mà cho đến nay vẫn chỉ ở mức trung bình 2% tổng sản phẩm quốc nội.
“Chúng tôi thực sự đang có các cuộc thảo luận quy mô lớn và kỹ lưỡng trong nội bộ, cũng như với người Mỹ, về những việc mình cần làm,” một người hiểu rõ tình hình tiết lộ. “Chúng tôi đang kiểm tra loạt ý tưởng khác biệt để làm cho đất nước của mình linh hoạt hơn, để xây dựng các tính năng mà chúng tôi cần trong thời chiến.”
Các chính sách đang được xem xét bao gồm một cuộc cải cách nhanh hơn và dứt khoát hơn đối với lực lượng dự bị còn hạn chế của Đài Loan; xây dựng mạng lưới điện và liên lạc phân tán, thứ mà các cuộc tấn công mạng và tên lửa của Trung Quốc không thể hủy diệt hoàn toàn; củng cố các hệ thống chỉ huy và kiểm soát; lập kế hoạch tiếp tế nhu yếu phẩm trong thời chiến; và phân công trách nhiệm hành chính cho phòng thủ dân sự. Vị quan chức cấp cao này cho biết, “Mục tiêu của chúng tôi là chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng vào khoảng năm 2025 đến 2027.”
Hiện đại hóa quân đội Trung Quốc
Có rất nhiều bằng chứng từ các nguồn công khai cho thấy PLA đang toàn tâm toàn ý theo đuổi các khả năng cần thiết để tiến hành một cuộc xâm lược.
Một trong những khả năng đó là tìm kiếm và nhắm mục tiêu vào các tàu ngầm có thể tấn công các tàu hải quân Trung Quốc đang chuyển quân xâm lược qua Eo biển Đài Loan. Trong số 1.543 lượt máy bay PLA đã bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan kể từ tháng 09/2020, có 262 chiếc là máy bay tác chiến chống tàu ngầm. ADIZ là một vùng đệm trong không phận quốc tế được theo dõi với mục đích cảnh báo sớm.
Tháng 04/2021, tàu đổ bộ trực thăng Type 075 đầu tiên của Hải quân PLA, một tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn chuyên chở trực thăng và binh lính, đã đi vào hoạt động. Hai chiếc nữa đã bắt đầu được thử nghiệm trên biển.
Theo bài viết của các nhà nghiên cứu tại Đại học Giao thông Quân sự của PLA, lực lượng của họ vẫn còn thiếu năng lực vận tải cần thiết, nhưng họ đang lập kế hoạch sử dụng phà dân sự, sà lan, và bệ nổi để đưa quân vào bờ ngay cả khi không thể tiếp cận cảng biển.
Sử dụng các báo cáo trên kênh quân sự của truyền hình nhà nước Trung Quốc và các bức ảnh vệ tinh, Michael Dahm, một sĩ quan tình báo Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, hiện đang là nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins, đã phân tích hai cuộc tập trận liên quan vào mùa hè năm 2020 và năm 2021. Ông tin rằng PLA đang xây dựng kế hoạch huy động hàng hải “với quy mô khổng lồ”.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc (màu xanh) vượt xa của Đài Loan (màu đỏ)
“Việc huy động vận tải biển dân sự để hỗ trợ các chiến dịch quân sự xuyên eo biển đi kèm rủi ro rất cao và có thể dẫn đến tổn thất rất lớn,” Dahm viết trong một bài nghiên cứu vào năm ngoái. “[Tuy nhiên] có nhiều thách thức liên quan đến tính hiệu quả và tiêu hao mà quân đội Trung Quốc có thể giải quyết chỉ đơn giản bằng quân số áp đảo và khả năng chịu đựng tổn thất.”
Một số nhà phân tích tin rằng cuộc xâm lược Đài Loan vẫn sẽ là một thách thức đáng kể đối với PLA trong nhiều năm tới – một thực tế mà họ cho là đã được nhấn mạnh bởi những khó khăn của người Nga trong một chiến dịch với bối cảnh ít phức tạp hơn nhiều.
“Những gì [PLA] muốn làm trong kịch bản yêu thích của họ phức tạp hơn nhiều so với những gì Nga đang cố gắng làm ở Ukraine. Nhìn chung, xét theo các kịch bản chinh phục quân sự, điều người Nga đang cố gắng làm là dễ nhất, còn điều người Trung Quốc muốn làm là khó nhất,” Taylor Fravel, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại MIT, đồng thời là chuyên gia về chiến lược quân sự của Trung Quốc, nhận xét. “Do đó, trong lúc quan sát những khó khăn của Nga khi tiến hành các hoạt động tương đối đơn giản, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ băn khoăn về khả năng thực hiện những chiến dịch phức tạp hơn nhiều của PLA, điều này có thể khiến họ tạm thời thận trọng hơn trong việc phát động một cuộc tấn công như vậy.”
Tô Tử Vân, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh, một viện chính sách được Bộ Quốc phòng Đài Loan hỗ trợ, lập luận rằng bất kể PLA lựa chọn bước đi nào, họ vẫn cần đưa được tàu qua eo biển. “Ở Ukraine, chúng ta đã chứng kiến cảnh các phương tiện của Nga kẹt cứng trên đường cao tốc. Trong kịch bản của Đài Loan, biển chính là đường cao tốc,” ông nói. “Đó chính là thời gian và địa điểm để tiêu diệt họ.”
Dù khả năng để thực sự tiến hành xâm lược của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của lực lượng vũ trang nước này đã khiến các đối thủ của họ gặp phải bất lợi.
Hải quân PLA, vẫn còn thiếu năng lực vận tải cần thiết để thực hiện một cuộc xâm lược, sẽ cần phải sử dụng các tàu dân sự. © David Wong / South China Morning Post / Getty Images
“Trung Quốc đang trên đà gia tăng đầu tư quân sự. Nếu Mỹ tiếp tục giữ nguyên cách tiếp cận đầu tư quốc phòng của mình, thì khoảng cách giữa hai bên sẽ nhanh chóng bị thu hẹp trong khoảng thời gian đó,” Davidson nói.
Sự mất cân bằng ấy có thể khiến tình hình càng thêm nguy hiểm. Một quan chức quân sự Đài Loan cho biết sẽ mất vài năm để thực hiện kế hoạch củng cố vị thế của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn như xây dựng lực lượng thủy quân lục chiến cơ động hơn và đe dọa tàu Trung Quốc bằng hệ thống tên lửa trên các đảo do đồng minh kiểm soát. “Chúng tôi lo ngại rằng Cộng sản Trung Quốc có thể nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu họ tấn công sớm – trước khi chúng tôi và Mỹ sẵn sàng,” ông nói.
Một số nhà phân tích cho rằng việc nhìn thấy Nga chật vật ở Ukraine cũng có thể chứng minh cho Bắc Kinh tầm quan trọng của việc hành động nhanh chóng. “Về mặt chính trị, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Mỹ đã hoặc sẽ mở rộng cam kết an ninh vô điều kiện với Đài Loan, thì giá trị của việc Trung Quốc thực hiện một số hành động quân sự để chứng tỏ quyết tâm và sự sẵn sàng chống lại Mỹ sẽ lớn hơn nhiều so với trước đây,” Fravel nói.
Một số chính trị gia Đài Loan cho rằng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của Mỹ với Trung Quốc đang làm rủi ro tăng thêm. Hôm thứ Hai, Chu Lập Luân, chủ tịch Quốc Dân Đảng đối lập, chia sẻ với một nhóm thính giả trong giới tư vấn chính sách tại Washington rằng ông hy vọng sự chú ý của Mỹ sẽ không gây ra “rắc rối” ở châu Á. “Tôi đánh giá cao bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Mỹ,” Chu nói. “Nhưng tôi hy vọng căng thẳng có thể [giảm bớt] trong những năm tới.”
Nguồn: Kathrin Hille và Demetri Sevastopulo, “Taiwan: preparing for a potential Chinese invasion”, Financial Times, 07/06/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Không có nhận xét nào