Võ Thái Hà tổng hợp
Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc : Bảo vệ trật tự quốc tế
27/5/2022
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington DC, Hoa Kỳ ngày 26/05/2022. © Jacquelyn Martin/Pool via REUTERS
Bài phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Đại học George Washington hôm qua, 26/05/2022, đã rất được chờ đợi, bởi vì lần đầu tiên ông công khai nêu rõ chiến lược của tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc, quốc gia mà theo ông Blinken hiện là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế”.
Nội dung bài phát biểu của ông Blinken là theo đúng lập trường của tổng thống Biden đối với Trung Quốc. Theo hãng tin AFP, ban đầu Joe Biden dự trù là đích thân ông sẽ đọc bài này.
Trước bài phát biểu của ngoại trưởng Blinken tại Đại học George Washington hôm qua, ông Biden đã mở chuyến công du châu Á đầu tiên của ông với tư cách tổng thống và đã họp thượng đỉnh với các lãnh đạo Đông Nam Á tại Washington vào đầu tháng 5. Mục đích chính là nhằm chứng tỏ Hoa Kỳ vẫn xem châu Á là khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại.
Kể từ khi lên cầm quyền, tổng thống Biden vẫn xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất của Hoa Kỳ về lâu dài ở cấp độ toàn cầu. Trong bài phát biểu hôm qua, ngoại trưởng Blinken trước hết cũng muốn khẳng định, mặc dù có cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, Trung Quốc vẫn là thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Theo ông Blinken, Trung Quốc là nước duy nhất “vừa có mưu đồ sắp đặt lại trật tự quốc tế, vừa ngày càng có đủ thực lực về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó”.
Tuy nhiên, ông Blinken nói rõ : “Chúng tôi không muốn có một cuộc xung đột hay một cuộc chiến tranh lạnh mới. Trái lại, chúng tôi quyết tâm tránh xung đột và chiến tranh lạnh”. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh : “Chúng tôi không muốn ngăn cản Trung Quốc đóng vai trò cường quốc quan trọng, hoặc ngăn cản Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác phát triển kinh tế và bảo vệ các lợi ích của nhân dân nước họ”.
Nhưng đối với ngoại trưởng Blinken, chỉ có duy trì trật tự thế giới hiện nay, bao gồm việc tôn trọng các luật lệ và hiệp ước quốc tế, thì toàn bộ các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, mới có thể chung sống và hợp tác với nhau.
Đã nhiều lần chính quyền Biden nêu lên sự cần thiết của việc gây áp lực với Trung Quốc để buộc nước này tuân thủ các quy định hiện hành, nhất là trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và trong lĩnh vực thương mại.
Nhưng trong bài phát biểu hôm qua ở Đại học George Washington, ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh không thể trông chờ Bắc Kinh tự nguyện thay đổi đường lối, cho nên Hoa Kỳ nhắm đến việc “định hình một môi trường chiến lược” chung quanh Trung Quốc, để hạn chế những hành động ngày càng hung hăng của cường quốc châu Á này.
Thật ra thì nhìn xa hơn, theo như ghi nhận của tờ New York Times hôm qua, điều gây lo ngại cho chính quyền Biden cũng như chính quyền Donald Trump trước đây, đó là là nguy cơ Trung Quốc một ngày nào đó sẽ qua mặt Hoa Kỳ để trở thành siêu cường quốc hàng đầu thế giới.
Cụ thể, sự hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế của Mỹ và các đồng minh mang lại cho Bắc Kinh một đòn bẩy chiến lược to lớn, giúp nước này dần dần phá bỏ thế thống trị của Mỹ đối với nền kinh tế và công nghệ toàn cầu, cũng như làm suy giảm sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong nỗ lực nhằm tập hợp các đồng minh trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, tại Tokyo ngày 23/05, tổng thống Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, một sáng kiến trước mắt quy tụ 13 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng Washington cho rằng vẫn có thể hợp tác với Bắc Kinh trong một số lĩnh vực, như chống biến đổi khí hậu.
Bắc Kinh dĩ nhiên đã bác bỏ nội dung bài phát biểu hôm qua của ngoại trưởng Blinken. Hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho rằng mục tiêu bài phát biểu này chỉ là nhằm “ngăn chận sự phát triển của Trung Quốc và duy trì thế bá quyền và sức mạnh của Mỹ”.
Trừng phạt Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo: Hội Đồng Bảo An bị chia rẽ
27/5/2022
Ảnh tư liệu : Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York, Hoa Kỳ ngày 25/03/2022. AP - Bebeto Matthews
Hồ sơ tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên làm lộ rõ những bất đồng ngấm ngầm trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ngày 26/05/2022, chỉ 13 nước thành viên ủng hộ đề xuất trừng phạt một nhóm tin tặc của chế độ Bình Nhưỡng và cấm xuất khẩu dầu lửa, thuốc lá cho Bắc Triều Tiên. Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống đề xuất của Mỹ.
Theo AFP, Washington đã lường trước lá phiếu phủ quyết của Matxcơva và Bắc Kinh. Còn đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) cho rằng biện pháp của Mỹ không phù hợp với biện pháp đối thoại và hòa giải của Hội Đồng Bảo An. Trước khi bỏ phiếu, ông Trương Quân cho biết Bắc Kinh không chấp nhận « mọi ý đồ biến châu Á thành một chiến trường hoặc gây nên những xung đột và căng thẳng trong khu vực ».
Thông tín viên Carrie Nooten tường trình từ New York :
Nhìn bề ngoài, đây là lần đầu tiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bị chia rẽ công khai kể từ khi cơ quan này bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vào năm 2006. Hoa Kỳ, nước hiện giữ chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An và rất sốt sắng nhắm đến Bắc Triều Tiên, đã đưa ra bỏ phiếu dự thảo nghị quyết về loạt trường phạt mới vào lúc Bình Nhưỡng lại phóng thêm 3 tên lửa đạn đạo vào hôm trước.
Trung Quốc và Nga không ủng hộ đề xuất của Mỹ. Quyết định này cuối cùng cũng công khai những chia rẽ ngấm ngầm ở Hội Đồng Bảo An về hồ sơ Bắc Triều Tiên vì hồ sơ này đã bị bế tắc từ rất lâu. Năm 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã thuyết phục được Nga và Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chế độ được hai nước này bảo vệ, nhưng sau hai chuyến công du Singapore và Việt Nam của ông Trump và không đạt được kết quả gì, Bắc Kinh đã chỉ trích Washington ép Trung Quốc và từ đó không muốn nghe nhắc đến các biện pháp trừng phạt. Theo Bắc Kinh, đó chỉ là biện pháp leo thang, không hiệu quả. Vì thế, Hội Đồng Bảo An bị bế tắc từ ba năm nay.
Nếu như lá phiếu phủ quyết này tạo cảm giác là lãnh đạo Bắc Triều Tiên tự do phát triển chương trình hạt nhân mà không bị trừng phạt, chính quyền Mỹ từ chối để Hội Đồng Bảo An im lặng thêm lâu hơn.
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ thảo luận về hạt nhân Bắc Triều Tiên tại Seoul
Hàn Quốc tỏ ra thất vọng về việc đề xuất trừng phạt của Mỹ bị bác tại Hội Đồng Bảo An và yêu cầu các thành viên Hội Đồng Bảo An có « vai trò trách nhiệm » trước việc Bắc Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Theo Yonhap ngày 27/05, đặc phái viên về hạt nhân của ba nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ gặp nhau tại Seoul vào tuần tới để thảo luận về những mối đe dọa nguyên tử và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Còn bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản và Mỹ, trong cuộc họp trực tuyến ngày 26/05, đã tái khẳng định hợp tác chặt chẽ để tăng khả năng răn đe và đáp trả trong bối cảnh Bắc Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo trong thời gian gần đây.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới: Suy thoái toàn cầu có vẻ chắc chắn sẽ xảy ra
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass xuất hiện trong một cuộc họp báo tại văn phòng Ngân hàng Thế giới ở New Delhi, Ấn Độ, hôm 26/10/2019. (Ảnh: Sajjad Hussain/AFP/Getty Images)
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nói rằng một cuộc suy thoái toàn cầu có vẻ chắc chắn sẽ xảy ra khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn, thúc đẩy giá thực phẩm và năng lượng cao hơn khiến áp lực lạm phát rộng hơn ở mức cao.
Ông Malpass đã đưa ra những nhận xét đó trong một cuộc thảo luận trực tuyến hôm 25/05 được tổ chức bởi Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nơi vật lộn với một số cuộc khủng hoảng toàn cầu chồng chéo bao gồm cả những gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát đang diễn ra.
“Khi chúng ta nhìn vào GDP toàn cầu … hiện giờ khó mà biết làm sao chúng ta tránh được một cuộc suy thoái. Ý tưởng tăng gấp đôi giá năng lượng là đủ để tự kích hoạt một cuộc suy thoái,” ông Malpass cho biết.
Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới nói rằng các nền kinh tế lớn — trong đó có cả Đức và Hoa Kỳ — đã và đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Ông Malpass nói thêm rằng Nga và Ukraine đều đã sẵn sàng đối mặt với sự suy giảm mạnh về sản lượng kinh tế của họ do chiến tranh.
“Đó là một viễn cảnh rất chông gai, đầy thách thức đối với các nền kinh tế tiên tiến nhưng thậm chí còn tồi tệ hơn đối với các nước đang phát triển,” ông nói, nhắc lại kết quả của một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong báo cáo đó các nhà kinh tế hàng đầu cho biết thế giới đang phải đối mặt với sự kết hợp phức tạp của những thách thức, bao gồm cả lạm phát cao và tình trạng mất an ninh lương thực lớn hơn mà có thể dẫn đến bất ổn xã hội ở một số quốc gia đang phát triển.
Những nhận xét của ông được đưa ra cùng ngày khi cơ quan thống kê của Đức công bố dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất Âu Châu đã cố gắng tránh cuộc suy thoái trong quý đầu tiên, mặc dù phải đối mặt với các áp lực liên quan đến đại dịch và chiến tranh.
Ông Georg Thiel, chủ tịch Văn phòng Thống kê Liên bang, cho biết trong một tuyên bố: “Chiến tranh ở Ukraine và đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn đã làm gia tăng những biến dạng hiện có, bao gồm những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giá cả tăng cao.”
Ông Thiel nói thêm: “Bất chấp những điều kiện khung khó khăn trong nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Đức bắt đầu năm 2022 với sự tăng trưởng nhẹ.”
Nền kinh tế Đức giảm 0.3% trong quý 4 năm 2021, mặc dù nó đã cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng 0.2% trong quý 1 năm 2022, vừa đủ tránh được suy thoái kinh tế.
Suy thoái thường được định nghĩa là hai quý liên tiếp giảm so với quý trước.
Cuộc thảo luận về suy thoái đã trở nên phổ biến hơn trong giới phân tích, với ngày càng nhiều chuyên gia và giám đốc điều hành báo hiệu khả năng suy thoái.
Ông Charlie Scharf, người đứng đầu Wells Fargo, cho biết khả năng nền kinh tế suy thoái trong tương lai gần là “không phải bàn cãi,” trong khi cựu Giám đốc điều hành Goldman Sachs, Lloyd Blankfein đã mô tả nguy cơ suy thoái “rất, rất cao”.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs gần đây đã đặt khả năng Hoa Kỳ suy thoái trong vòng hai năm tới là 35%.
Trong nhận xét của mình, ông Malpass đã không dự đoán thời điểm mà ông nghĩ là cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu.
Tháng trước, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 gần một điểm phần trăm, từ 4.1% xuống 3.2%, với lý do các tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Những lo lắng về một cuộc suy thoái kinh tế đã dẫn đến việc bán tháo mạnh trên thị trường.
Chỉ số blue-chip Dow và chỉ số S&P 500 tiêu chuẩn lần lượt giảm 11.6% và 16.5% tính đến thời điểm hiện tại, trong khi chỉ số Nasdaq nặng về công nghệ đã giảm gần 27% do các cổ phiếu có mức tăng trưởng bội số cao bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Nhật Thăng biên dịch
Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ vẫn họp tại Texas
Vào thứ Sáu, Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) sẽ họp tại Houston, Texas. Đại hội thường niên kéo dài ba ngày của tổ chức vận động súng đạn này diễn ra chỉ ba ngày sau vụ tấn công dã man bằng súng trường quân sự vào trường tiểu học ở Ulvade, Texas — chỉ cách Houston 280 dặm — làm 19 trẻ em và hai người lớn thiệt mạng.
Một số đoạn băng bị rò rỉ cho thấy sau vụ xả súng tại trường học Columbine ở Colorado năm 1999, các quan chức NRA đã cân nhắc việc hủy bỏ hội nghị năm đó. Họ thậm chí còn xem xét một giọng điệu thông cảm hơn đối với các vụ xả súng hàng loạt. Song lần này nó vẫn diễn ra như kế hoạch, với các gian hàng trưng bày các phiên bản vũ khí mới nhất từng được sử dụng để sát hại trẻ em Mỹ. Donald Trump sẽ phát biểu, cùng với hàng chục chính trị gia cánh hữu khác. Những năm gần đây NRA trải qua rất nhiều vụ bê bối, bao gồm cáo buộc gian lận tài chính và gần như phá sản. Nhưng họ vẫn nắm trong tay các nhân vật cánh hữu ở Mỹ.
Chiến tranh Ukraine sẽ đi về đâu?
Sau khi thất bại ở những nơi như Kyiv hay Kharkiv, Nga đang chiếm được thế thượng phong ở vùng Donbas. Tiến trình chiến sự ở đây sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của chiến tranh.
Các đồng minh phương Tây nói Ukraine sẽ quyết định các điều khoản kết thúc chiến tranh. Nhưng nhìn chung họ có hai quan điểm. Đức, Pháp và Ý, bằng nhiều cách khác nhau, đã kêu gọi ngừng bắn hoặc đàm phán. Còn Ba Lan, các nước Baltic và Anh muốn giúp Ukraine giành chiến thắng. Riêng Mỹ không bộc lộ quan điểm của mình.
Vấn đề hàng đầu là lãnh thổ. Liệu Nga có được phép giữ lại các phần đất đã chiếm từ ngày 24 tháng 2, cũng như những vùng họ có được từ 2014? Nó cũng liên quan đến thời gian. Ai được lợi khi chiến tranh kéo dài? Và liệu nước Nga có thể trở nên hòa bình, hay phải luôn luôn bị kiềm chế? Tương lai của Ukraine phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng trợ giúp của phương Tây.
Phần Lan và Thụy Điển tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ
Vào thứ Sáu này, ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto sẽ đến thăm Washington để hội đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken. Chủ đề chính: làm thế nào để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, đã yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển đàn áp các nhà hoạt động người Kurd, những người mà ông coi là khủng bố, hiện sống ở hai nước này. Nhưng ông cũng có thể có những yêu cầu khác, chẳng hạn như được phép mua máy bay chiến đấu F-16 hoặc F-35 của Mỹ. (Còn nhớ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình F-35 sau khi mua tên lửa phòng không Nga hồi năm 2019.) Vào ngày 25 tháng 5, các nhà ngoại giao Phần Lan và Thụy Điển đã nói chuyện với quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara. Cho đến nay vẫn chưa có đột phá nào.
Biển Đông: Trung Quốc lại chuẩn bị tập trận
27/5/2022
Ảnh minh họa : Tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên biển Hoa Đông ngày 06/10/2016. AP
Trung Quốc hôm qua, 26/05/2022 thông báo sẽ tổ chức một cuộc tập trận , Cơ Quan An Toàn Hàng Hải Trung Quốc cho biết là một cuộc tập trận mới sẽ được tổ chức ở khu vực Biển Đông, ngoài khơi đảo Hải Nam vào ngày 28/05. Trong bối cảnh Bắc Kinh liên tiếp tập trận ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã liên tục nhắc lại những lời tố cáo các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.
Theo thông cáo của Cơ Quan An Toàn Hàng Hải Trung Quốc, nơi diễn ra cuộc tập trận cách bờ biển phía nam tỉnh Hải Nam của Trung Quốc không đầy 25 km (15,5 hải lý). Lệnh cấm tàu thuyền qua lại một khu vực rộng khoảng 100 km vuông trong khoảng thời gian 5 tiếng đồng hồ.
Cuộc tập trận lần này được tổ chức không đầy một tuần sau khi Trung Quốc hoàn tất 5 ngày tập trận khác cũng trên Biển Đông, từ ngày 19/05 cho đến ngày 23/05. Theo ghi nhận của AFP, Trung Quốc ngày càng gia tăng các cuộc tập trận ở vùng biển gần bờ của họ, với một cuộc tập trận ở một vùng biển khác gần Hải Nam dự kiến vào tuần tới, cũng như nhiều cuộc tập trận dọc theo bờ biển phía đông.
Các cuộc tập trận được tiến hành vào lúc Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây liên tục đưa ra những lời cảnh báo về tham vọng quân sự của Trung Quốc trên một vùng biển chạy dài từ Biển Đông qua các quần đảo ở vùng Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ lại tố cáo yêu sách phi pháp của Trung Quốc
Trong một bài phát biểu quan trọng tại Đại Học George Washington (ở thủ đô Hoa Kỳ) vào hôm qua về chính sách đối với Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã không quên đả kích việc Bắc Kinh “thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền biển phi pháp ở Biển Đông, phá hoại hòa bình và an ninh, tự do hàng hải và thương mại”.
Ngoại trưởng Mỹ đồng thời khẳng định rằng Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục phản đối các hành động hung hăng và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Sau khi nhắc lại rằng: “Gần 6 năm trước đây, một tòa án quốc tế đã tuyên bố rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở trong luật pháp quốc tế”, ông Blinken cam kết: “Chúng tôi sẽ ủng hộ các quốc gia ven biển trong khu vực duy trì các quyền hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác và đồng minh nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng không, điều đã giúp khu vực trỏ nên thịnh vượng trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tàu và phi cơ đến hoạt động tại bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Không có nhận xét nào