Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 24 tháng 5 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Bộ Tứ - QUAD tuyên bố « không dung thứ » cho việc thay đổi nguyên trạng ở Châu Á – Thái Bình Dương

    Minh Anh /RFI

    24/5/2022

    Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Bộ Tứ - Quad, tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/05/2022. AP - Kiyoshi Ota 

    Ngày 24/05/2022, tại Nhật Bản, Bộ Tứ - QUAD quy tụ bốn nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, đã họp và ra tuyên bố phản đối mọi « thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực », đặc biệt là tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng tránh chỉ trích công khai Nga và Trung Quốc.  

    Trong buổi họp báo, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố: « Vào lúc cuộc xâm lăng Ukraina do Nga tiến hành làm lung lay các nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới », lãnh đạo các nước Mỹ, Ấn Độ, Úc và « chính  bản thân tôi cùng đồng tình về việc mọi ý tưởng đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực sẽ không bao giờ được dung thứ, đặc biệt là tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương ». 

    Nỗi lo lắng về những ý đồ « gậm nhấm » các đảo tại Thái Bình Dương của Trung Quốc còn được Bộ Tứ - QUAD nêu rõ trong tuyên bố chung, khi nhắc đến hiện tượng « quân sự hóa » nhiều khu vực đang có tranh chấp, việc « sử dụng tầu tuần duyên và hải cảnh một cách nguy hiểm, cũng như những nỗ lực nhằm gây xáo trộn các hoạt động khai thác nguồn tài nguyên biển của nhiều nước khác », đó là các hoạt động mà Trung Quốc bị tố cáo đang tiến hành trong khu vực. 

    AFP cho biết, kết thúc cuộc họp tại Tokyo, bốn nước thành viên QUAD đã đạt được một đồng thuận cho việc khởi động một sáng kiến mới nhằm tăng cường giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực. Các thành viên Quad muốn đầu tư ít nhất 50 tỷ đô la cho các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư cho khu vực.

    Tuy nhiên, tuyên bố chung của Bộ Tứ - QUAD lại không công khai lên án Trung Quốc và Nga, do Ấn Độ đã từ chối chỉ trích Nga về cuộc chiến xâm lược Ukraina. 

    Cuộc họp Bộ Tứ còn phản ánh nỗi lo lắng trước việc Trung Quốc gần đây gia tăng thắt chặt quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương, đặc biệt là việc Trung Quốc ký với Quần Đảo Salomon một thỏa thuận về an ninh. Giờ đây, câu hỏi đặt ra, liệu Hàn Quốc sẽ tham gia vào Diễn đàn An Ninh Bốn Bên này hay không ? Trên đài RFI, chuyên gia Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) nhận định :   

    « Điều có thể xẩy ra nhất, hơn là việc gia nhập Bộ Tứ - QUAD, là Hàn Quốc có thể hợp tác với QUAD trong một số chủ đề có lợi ích chung. Hiện tại Tokyo vẫn phản đối Seoul tham gia QUAD, nhưng tân tổng thống Yoon không những tìm cách xích lại gần hơn với Mỹ mà còn cả với Nhật Bản. Tổng thống Hàn Quốc Yoon còn chỉ trích Trung Quốc mạnh hơn người tiền nhiệm. Do vậy, có thể có một sự xích lại gần nhau, và trong mọi trường hợp, đó không phải là một sự liên kết mà đúng hơn là một sự xích lại gần nhau giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. » 

    Mỹ công bố thoả thuận kinh tế IPEF, không có Trung Quốc 

    24/5/2022 

    Reuters

    Tổng thống Joe Biden, phải, gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Dinh Akasaka, Tokyo, ngày 23/5/2022

    Tổng thống Joe Biden, phải, gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Dinh Akasaka, Tokyo, ngày 23/5/2022 

    Tổng thống Joe Biden ngày 23/5 phát động kế hoạch để Mỹ giao tiếp kinh tế ở châu Á. Mười ba nước tham gia sẽ tìm cách thực thi các thỏa thuận của mình và quyết định liệu có cho Trung Quốc gia nhập hay không.

    Ông Biden dành chuyến công du đầu tiên của mình tới châu Á để chính thức công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự Thịnh vượng (IPEF). Trước khi IPEF được công bố, các nhà chỉ trích đã phê bình rằng nó mang lại ít lợi ích cho các nước trong khu vực. 

    Tòa Bạch Ốc nói IPEF không miễn giảm thuế quan cho các nước tham gia, bao gồm Ấn Độ, Malaysia và Philippines, nhưng cung cấp một cách để giải quyết các vấn đề từ biến đổi khí hậu đến khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và thương mại kỹ thuật số.

    “Tương lai của nền kinh tế Thế kỷ 21 phần lớn sẽ được viết ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - trong khu vực của chúng ta”, ông Biden nói khi phát động sự kiện ở Tokyo. “Chúng ta đang soạn ra các quy tắc mới.”

    Ông Biden muốn thỏa thuận này sẽ nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và các tiêu chuẩn khác trên toàn châu Á. Các nước tham gia IPEF gồm Mỹ, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 

    Các nước cần phải thương lượng về những tiêu chuẩn mà họ muốn tuân theo, cách thức thực thi, liệu các cơ quan lập pháp trong nước của họ có cần phê chuẩn hay không và làm thế nào để xem xét các thành viên tiềm năng trong tương lai, bao gồm cả Trung Quốc, các quan chức cho hay.

    Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho báo giới biết IPEF đưa ra cho các nước châu Á “một giải pháp thay thế cách tiếp cận của Trung Quốc trong những vấn đề quan trọng đó.”

    Trung Quốc đã tỏ ra không quan tâm đến việc tham gia IPEF. Một quan chức Mỹ nói, nhiều tiêu chuẩn mà Washington muốn có sẽ khiến một thỏa thuận như vậy trở nên không thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh.

    Cùng bị loại khỏi các cuộc đàm phán ban đầu là Đài Loan.

    Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, Jake Sullivan, nói với các phóng viên rằng Đài Loan sẽ không tham gia vào cuộc phát động của IPEF nhưng Washington đang tìm cách làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế với hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.

    IPEF, được giới thiệu ngày 23/5, là một nỗ lực nhằm cứu vãn một phần lợi ích của việc tham gia vào một hiệp định thương mại rộng lớn hơn giống như hiệp định mà ông Trump đã từ bỏ, hiện được gọi là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà trước kia được biết đến dưới tên TPP.

    Vào tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gặp riêng ông Biden ngày 23/5, ông cho hay đã nói với Tổng thống Mỹ là Washington nên tái tham gia thỏa thuận ấy.

    Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết hiệp định TPP mà Hoa Kỳ từ bỏ “cuối cùng là một thứ gì đó khá mong manh.”

    Bắc Kinh dường như có cái nhìn mờ nhạt về IPEF.

    Trung Quốc hoan nghênh các sáng kiến có lợi cho việc tăng cường hợp tác khu vực nhưng “phản đối các nỗ lực gây chia rẽ và đối đầu”, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói trong một tuyên bố. “Châu Á-Thái Bình Dương nên trở thành một vùng đất cho sự phát triển hòa bình, không phải là một đấu trường địa chính trị”.

    Biden: chiến tranh Ukraine là vấn đề toàn cầu

    Bình Phương 

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1398931270.jpg

    Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm QUAD khai mạc sáng 24 tháng Năm 2022 tại Tokyo, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Từ trái sang tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự hội nghị QUAD. Ảnh Yuichi Yamazaki/Getty Images. 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba cho biết cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một vấn đề toàn cầu, cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

    “Đây không chỉ là vấn đề của châu Âu mà là vấn đề toàn cầu”, ông Biden nói về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine – một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

    Bảo vệ luật pháp quốc tế ở mọi nơi

    Tổng thống Biden đang ở Nhật Bản trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức. Bình luận nói trên của ông Biden được đưa ra tại buổi khai mạc hội nghị “Bộ Tứ” (QUAD) các nhà lãnh đạo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ) ở Tokyo vào sáng nay thứ Ba 24 tháng Năm, giờ địa phương, theo tin của hãng Reuters.

    Trong bài phát biểu khai mạc, ông Biden nhấn mạnh Washington sẽ sát cánh cùng các đồng minh để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. “Luật pháp quốc tế, nhân quyền phải luôn được bảo vệ bất kể chúng bị vi phạm ở đâu trên thế giới”, Tổng thống Biden nói.

    Trước đó hôm thứ Hai tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos ở Thụy Sĩ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu qua video rằng thế giới phải gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga để ngăn chặn các quốc gia khác sử dụng vũ lực cho mục đích của họ. 

    Từ Nhật Bản, trong một phát biểu khá bất ngờ, ông Biden nói Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này bằng vũ lực. Ông cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện “phải trả giá rất đắt cho hành động tàn bạo của ông ta tại Ukraine” là để Trung Quốc và các nước khác hiểu rằng, một hành động xâm lược như vậy là không thể chấp nhận được.

    EU sắp cấm nhập dầu Nga – Moscow tăng quan hệ kinh tế với Bắc Kinh

    Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ đồng ý thực thi lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu của Nga “trong vòng vài ngày tới”, thành viên lớn nhất của EU là Đức cho biết trong khi Moscow nói quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc sẽ phát triển trong bối cảnh Nga bị phương Tây cô lập sau cuộc xâm lược Ukraine.

    Trong số 27 quốc gia thành viên của EU có nhiều nước phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng của Nga, và không muốn cắt đứt ngay lập tức nguồn cung cấp này. Đó là lý do Kyiv thường chỉ trích khối EU đã hành động không đủ nhanh để cắt nguồn ngân sách tài trợ chiến tranh của Nga. Được biết mỗi ngày EU phải trả cho Nga gần $1 tỷ để nhập cảng dầu và khí đốt.

    Hungary – một thành viên EU gần gũi với Nga – đang đòi EU phải đầu tư vào năng lượng trước khi nước này đồng ý cấm vận dầu khí của Nga. Lập trường của Hungary gây trở ngại cho các quốc gia EU khác muốn đẩy nhanh chóng việc phê chuẩn lệnh cấm vận. EU đã đề nghị chi ra 2 tỷ euro ($2.14 tỷ) cho các quốc gia miền Trung và miền Đông hiện thiếu nguồn cung cấp dầu khí bên ngoài nước Nga.

    “Chúng tôi sẽ đạt được một bước đột phá trong vòng vài ngày tới”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, nói với đài truyền hình ZDF, nhưng không cho biết chi tiết EU sẽ giải quyết sự phản đối của Hungary như thế nào.

    Trong khi đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Kremlin sẽ tập trung phát triển quan hệ với Trung Quốc khi các liên kết kinh tế với Hoa Kỳ và châu Âu bị cắt đứt. “Nếu họ (phương Tây) muốn đưa ra một điều gì đó nhằm nối lại quan hệ, thì chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét liệu chúng tôi có cần quan hệ với họ hay không”, ông Lavrov nói trong một bài phát biểu, theo bản ghi trên trang web của Bộ Ngoại giao.

    “Giờ đây, khi phương Tây đã trở thành ‘nhà độc tài’, quan hệ kinh tế của chúng tôi với Trung Quốc sẽ phát triển nhanh hơn”, ông Lavrov nói thêm.

    Zelenskiy thúc giục trao đổi tù binh

    Cuộc xâm lược kéo dài ba tháng của Nga, cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ năm 1945, đã làm ​​hơn 6.5 triệu người Ukraine bỏ nhà cửa chạy ra nước ngoài, biến nhiều thành phố thành đống đổ nát, và khiến phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga.

    Ông Zelenskiy hôm thứ Hai kêu gọi các đồng minh của Ukraine gây áp lực buộc Moscow phải trao đổi tù nhân. 

    “Trao đổi con người – đây là một vấn đề nhân đạo ngày nay và là một quyết định rất chính trị phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhiều nước. Chúng tôi không cần lính Nga, chúng tôi chỉ cần chúng tôi. Chúng tôi đã sẵn sàng cho một cuộc trao đổi ngay cả trong ngày mai”,  ông Zelenskiy nói trong một video hỏi đáp với khán giả tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. 

    Được biết Liên Hiệp Quốc, Hội Chữ thập Đỏ quốc tế và Tổng thống Zelenskiy đã có một thỏa thuận ngầm với Moscow để các chiến binh Ukraine cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol buông vũ khí, ra đầu hàng để được trao trả tù binh cho Ukraine, nhưng sau đó phía Nga không chịu trao đổi mà cố ghép các chiến binh này vào tội khủng bố.

    Đan Mạch cung cấp hỏa tiễn Harpoon cho Ukraine

    Sau khi tàn phá và chiếm được thành phố cảng Mariupol vào tuần trước sau một cuộc bao vây kéo dài nhiều tháng, các lực lượng Nga hiện đã kiểm soát một vùng rộng lớn không bị gián đoạn ở phía đông và nam Ukraine.

    Hiện quân Nga đang cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine và đánh chiếm hoàn toàn các tỉnh Lugansk và Donetsk, tạo nên khu vực phía đông Donbass, nơi Moscow hậu thuẫn cho lực lượng ly khai trong cuộc nội chiến kể từ năm 2014. Thống đốc khu vực Donbass Serhiy Gaidai cho biết có tới 12,500 lính Nga đang cố gắng chiếm Lugansk, phá hủy thị trấn Severodonetsk, nhưng Ukraine đã buộc quân Nga rút khỏi Toshkivka về phía nam.

    Tổng thống Zelenskiy tiết lộ Ukraine bị thiệt hại quân sự tồi tệ nhất vào hôm qua thứ Hai, nói rằng 87 người đã thiệt mạng vào tuần trước khi quân Nga tấn công một doanh trại tại một căn cứ huấn luyện ở phía bắc. 

    Đan Mạch đã cam kết gửi tên lửa diệt hạm Harpoon và một bệ phóng tới Ukraine – thông tin được Mỹ công bố hôm thứ Hai, là dấu hiệu đầu tiên cho thấy kể từ khi Nga xâm lược rằng Ukraine sẽ nhận được vũ khí do Mỹ sản xuất, giúp mở rộng đáng kể phạm vi tấn công của quân Ukraine.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói ông “đặc biệt biết ơn người Đan Mạch hôm nay đã công bố sẽ cung cấp một bệ phóng và hỏa tiễn Harpoon để giúp Ukraine bảo vệ bờ biển”.

    Hỏa tiễn Harpoons, do Boeing chế tạo, có thể được sử dụng để đẩy hải quân Nga ra khỏi các cảng của Ukraine ở Hắc Hải, cho phép tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác. 

    Bản án đầu tiên về tội ác chiến tranh

    Trong phiên tòa đầu tiên, có thể mở đầu cho nhiều phiên tòa khác xét xử tội ác chiến tranh phát sinh từ cuộc xâm lược, một tòa án ở Kyiv đã kết án tù chung thân không ân xá một chỉ huy xe tăng trẻ tuổi của Nga vì đã giết một thường dân không vũ trang. Vadim Shishimarin, 21 tuổi, đã nhận tội bắn chết ông Oleksandr Shelipov, 62 tuổi, trong làng Chupakhivka ở miền Bắc Ukraine hôm 28 tháng Hai, chỉ bốn ngày sau khoi chiến tranh bùng nổ.

    Ukraine đang điều tra hơn 13,000 người bị cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga, theo trang web của tổng công tố viên Ukraine. Nga đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường hoặc liên quan đến tội ác chiến tranh.



    Quan hệ Israel – Thổ Nhĩ Kỳ ấm lên nhờ dự án đường ống dẫn khí 

    Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sẽ đến Israel vào thứ Ba để đánh dấu một bước tan băng quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc khu vực. Ông Cavusoglu có thể mang theo kế hoạch cho một đường ống dẫn khí giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Giá năng lượng tăng vọt và việc châu Âu nỗ lực loại bỏ năng lượng từ Nga đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm hơn đến trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ bên dưới lãnh hải của Israel.

    Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu luôn khẳng định cách tốt nhất để đưa khí đốt của Israel đến châu Âu là đi qua Thổ Nhĩ Kỳ (qua đó thu phí trung chuyển). Nhưng rồi triển vọng của một đường ống khác dễ thực hiện hơn, đi qua Síp và Hy Lạp, khiến kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ chệch hướng. Chi phí là một trở ngại, nhưng ngoại giao cũng vậy. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thường xuyên phản đối cách Israel đối xử với người Palestine, trong khi Israel phẫn nộ với việc Thổ Nhĩ Kỳ che chở cho Hamas. Mặc dù chuyến thăm của ông Cavusoglu cho thấy quan hệ đang được cải thiện, hai bên vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

    Tiểu bang Georgia bầu cử sơ bộ

    Vào thứ Ba, cử tri Georgia sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ cấp bang. Những người Cộng hòa sẽ quyết định số phận của Brian Kemp, thống đốc đương nhiệm, và Brad Raffensperger, tổng thư ký. Cả hai ông đều từng từ chối giúp Donald Trump đảo ngược thất bại sít sao ở Georgia trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Họ đang đặt cược là thái độ thách thức trong quá khứ đối với nhà lãnh đạo đảng sẽ không cản trở cơ hội tái đắc cử của chính mình – bất chấp những can thiệp mà Trump tạo ra để ngăn hai ông tại vị.

    Còn đối với đảng Dân chủ, mọi sự đỡ căng thẳng hơn. Đảng đã một lần nữa tập hợp xung quanh Stacey Abrams cho vị trí thống đốc. Còn nhớ hồi năm 2018, bà Abrams đã trở nên nổi tiếng toàn quốc khi từ chối nhận thua trước ông Kemp, với lý do đàn áp cử tri làm mất đi tính công bằng của kết quả. Khi Georgia trở thành bang chiến trường mới nhất của Mỹ, các cuộc đấu sẽ ngày càng nóng lên.

    Kinh tế châu Âu ổn định đáng ngạc nhiên

    Khả năng dự báo của các nhà kinh tế học luôn được biết đến là thiếu chính xác. Hơn bao giờ hết, với việc kinh tế châu Âu phục hồi hậu đại dịch giữa đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát bất ngờ và một cuộc chiến tranh làm đe dọa nguồn cung năng lượng, mọi dự báo vào thời điểm này chẳng khác gì ném phi tiêu trong bóng tối.

    Đó là lý do tại sao các chỉ số hoạt động kinh tế đáng tin cậy đang được theo dõi chặt chẽ hơn bình thường. Bản công bố chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) vào thứ Ba này là một trong những con số như vậy. Hồi đầu tháng 5, dữ liệu PMI của khu vực đồng euro đã cho thấy một nền kinh tế và thị trường lao động mạnh mẽ đáng ngạc nhiên. Pháp, Ý và Tây Ban Nha làm tốt trong khi Đức chậm lại. Song kể từ đó, chỉ số Ifo của Đức, một thang đo tương tự PMI, đã tăng nhẹ. Ngay cả chỉ số niềm tin tiêu dùng của khu vực đồng euro, vốn xuống mức thấp ngang với cuộc khủng hoảng tài chính 2008, cũng đã vượt qua đáy. Nói cách khác, nền kinh tế của khu vực đồng euro đang ở trong tình trạng tốt bất ngờ giữa bối cảnh hiện nay.

    London khánh thành tuyến đường sắt mang tên Nữ hoàng Anh

    Tuyến Elizabeth, một tuyến đường sắt đông tây chạy qua London và đông nam nước Anh, sẽ mở cửa đón hành khách từ thứ Ba, sau thời gian dài bị đình trệ. Dự án khởi công tại Crossrail, vốn cũng là tên trước đây của nó, vào năm 2009. Kế hoạch bị trễ ba năm rưỡi và đội giá hàng tỷ bảng Anh; một nhà ga tại Phố Bond ở London’s West End thậm chí còn chưa hoàn thành. Và vì trào lưu làm việc tại nhà, lượng hành khách có thể sẽ không được như kỳ vọng. Hiện số hành trình các ngày trong tuần của các tuyến ngầm ở London chỉ đạt 2/3 so với trước covid-19.

    Nhưng người dân London sẽ không quan tâm lắm. Trước mắt họ là một tuyến đường sắt vừa hiện đại – với những đoàn tàu êm ái và dài 200m – vừa mang tính lịch sử. Các công ty đã làm nên hệ thống tàu điện ngầm London vào thế kỷ 19 chưa từng nghĩ là sẽ tạo ra một hệ thống giao thông đô thị khép kín. Họ đã cố gắng kết nối trung tâm London với mạng lưới đường sắt quốc gia. Giờ đây Tuyến Elizabeth đã đạt được điều đó.


    Không có nhận xét nào