Võ Thái Hà tổng hợp
Tên lửa Nga bao trùm Odesa trong lửa khói
10/5/2022
Một tòa nhà bị tên lửa phá hủy ờ Odesa, Ukraine.
Lính cứu hỏa chiến đấu với ngọn lửa ở Odesa cho đến rạng sáng ngày 10/5 sau khi Nga bắn tên lửa vào thành phố cảng của Ukraine vào ngày Tổng thống Vladimir Putin ở Moscow đánh dấu chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Thế chiến II, theo Reuters.
Trong bài phát biểu đầy thách thức về Ngày Chiến thắng hôm 9/5, ông Putin tung hô những người Nga chiến đấu vì quê hương của họ, nhưng không hé lộ kế hoạch leo thang tấn công Ukraine. Ở Ukraine, cuộc chiến vẫn tiếp diễn, với các cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu ở phía đông và phía nam và Điện Kremlin tăng cường lực lượng để triệt hạ những binh lính Ukraine cuối cùng đang cố thủ trong một nhà máy thép ở Mariupol đổ nát.
Một phụ tá của thị trưởng Mariupol cho biết hôm 10/5 rằng ít nhất 100 thường dân vẫn bị mắc kẹt trong nhà máy bị quân Nga pháo kích liên tục.
Còi báo động không kích được nghe thấy trên một số khu vực của Ukraine vào sáng ngày 10/5, bao gồm ở Luhansk, Kharkiv và Dnipro.
Ông Serhiy Gaidai, thống đốc Luhansk, cho biết khu vực này đã bị tấn công 22 lần trong 24 giờ qua.
Ông nói: “Trong ngày 9/5, phía Nga đã bắn liên tục vào tất cả các tuyến giao thông ra khỏi khu vực”.
Tại Odesa, một người đã thiệt mạng và 5 người bị thương khi 7 tên lửa bắn trúng một trung tâm mua sắm và một kho hàng, lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trên Facebook.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đến thăm Odesa hôm 9/5, và cuộc gặp của ông với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã bị gián đoạn do vụ tấn công tên lửa.
Theo thông tin trên Twitter chính thức của ông Shmyhal, cuộc nói chuyện của họ tiếp tục diễn ra trong một hầm tránh bom.
Chiến sự gia tăng ở miền đông và nam Ukraina, dân sơ tán bắt đầu trở về Kiev
Địa điểm xảy ra vụ tấn công tên lửa, tại Odessa, Ukraina, ngày 10/05/2022. via REUTERS - STATE EMERGENCY SERVICE OF UKRAI
Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga hôm nay, 10/05/2022 bước sang ngày thứ 77. Chiến sự gia tăng dữ dội tại miền đông và nam Ukraina, vào lúc Hoa Kỳ cũng tăng tốc giao thêm vũ khí cho Kiev.
Bộ tổng tham mưu Ukraina, hôm nay, cho biết, quân Nga « tiếp tục chuẩn bị các chiến dịch tấn công tại Lyman và Severodonetsk », thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraina. Cùng lúc, khu nhà máy luyện kim Azovstal tại Mariupol vẫn tiếp tục bị nã pháo.
Hôm qua, vào lúc Nga rầm rộ mừng Ngày Chiến Thắng Đức Quốc Xã, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở Odessa.
AFP trích dẫn thông tin từ quân đội Ukraina cho biết, Nga đã bắn bảy tên lửa vào vùng Odessa, làm một người chết và năm người khác bị thương. Vụ tấn công xảy ra đúng vào lúc chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel có chuyến thăm bất ngờ tại thành phố lớn phía nam, buộc ông phải tìm nơi ẩn náu. Còn theo lời thống đốc, Serguii Gaidai, « chiến sự đã gia tăng dữ dội xung quanh Roubijné và Bilogorivka » vùng Lugansk, phía đông đất nước.
Người dân sơ tán quay trở về Kiev
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, gần 8 triệu người đã phải đi sơ tán ngay trong nước, kể từ khi Nga xâm lăng Ukraina. Người dân chủ yếu chạy ra khỏi các khu vực phía nam và phía đông, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do chiến sự. Nhưng trong vài ngày qua, một số cư dân Kiev đã bắt đầu quay trở về nhà. Tình hình ở đó dường như đã bớt căng thẳng, mặc dù thành phố vẫn đối mặt với nguy cơ bị Nga ném bom.
Từ Kiev, đặc phái viên Sami Boukhelifa và Murielle Paradon gửi về bài phóng sự :
"Còi báo động vẫn vang lên ở Kiev. Nhưng tình hình không còn giống như những ngày đầu tiên của cuộc chiến và nhất là ngày 24/02. Hôm đó Sergei và vợ, Natalia bị đánh thức bởi tiếng bom.
Sergei nói : “Chúng tôi hiểu ngay rằng chiến tranh đã bắt đầu. Vì vậy, chúng tôi đã lập tức quyết định rời Kiev, bởi đây là thủ đô và thành phố nhất định sẽ thành mục tiêu tấn công của Nga. Chúng tôi thu gom một số đồ đạc cho bọn trẻ và đi về phía tây, nhưng không biết cụ thể là sẽ đi đâu. Chúng tôi có nên đến nhà bạn bè không ? Đến thành phố nào ? Thành thật mà nói, chúng tôi không hề nghĩ gì về những điều đó. Mục đích của chúng tôi đơn giản là chạy đi.”
Tuy nhiên, Natalia không muốn ra nước ngoài cùng các con mà không có Sergei. Đàn ông từ 18 đến 60 tuổi không được phép xuất cảnh. Sau hai tháng ở miền tây Ukraina ở những khu vực tương đối không bị ảnh hưởng bởi xung đột, gia đình Sergei quyết định trở về Kiev. Đối với Natalia, gia đình trở về hơi sớm.
Natalia nói : “Mọi người đều nói rằng tình hình ở Kiev vẫn còn nguy hiểm. Chúng tôi lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân và tôi thực sự sợ điều đó sẽ xảy ra. Tôi không tin rằng chúng tôi hoàn toàn an toàn ở đây. Nhiều người bạn của chúng tôi cũng đang có ý định quay lại Kiev, nhưng không phải ngay lập tức."
Sergei thì muốn trấn an : “Không ai thực sự an toàn ở Kiev hay ở bất cứ thành phố nào khác. Tên lửa của Nga có thể rơi xuống ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Ukraina, vì vậy thà rằng bạn cứ ở nhà.”
Chuyên viên FDA: Người Mỹ nên xem virus Vũ Hán như cảm cúm mùa
Trụ sở FDA củ Mỹ tại Washington DC
Một số quan chức cao cấp của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA (Food and Drug Administration) cho biết, bây giờ người Mỹ nên đối xử với virus Vũ Hán (virus Vũ Hán) giống như bệnh cảm cúm.
Trong bài viết cho Tạp chí của Hội Y khoa Mỹ (JAMA), các chuyên gia của FDA gồm Califf, Phó Chủ Tịch Janet Woodcock và Giám đốc cao cấp về vaccine Peter Marks đã cho biết, tương lai virus Vũ Hán vẫn sẽ thường xuyên xuất hiện, đồng thời đề xuất cần phải có vaccine hàng năm chống lại các biến thể đe dọa.
Các quan chức FDA cho biết: “Vaccine trên diện rộng và khả năng miễn dịch do bị nhiễm virus, cộng thêm các phương pháp điều trị hiệu quả, có thể làm giảm tác động của các đợt bùng phát đại dịch virus Vũ Hán trong tương lai. Nhưng dù thế, bây giờ là lúc cần chấp nhận sự tồn tại bình thường mới của SARS-CoV-2 gây ra đại dịch virus Vũ Hán”.
Họ tiếp tục: “Có thể dự kiến trong tương lai virus này vẫn có khả năng lây lan toàn cầu cùng với các virus đường hô hấp phổ biến khác như cúm. Có thể yêu cầu xem xét cập nhật các thành phần vaccine với sự tham vấn của FDA”.
Điều đó đi ngược lại những gì các quan chức y tế công cộng này đã nói vào năm 2020 và 2021. Ví dụ vào cuối tháng 10/2020, Giám Đốc Viện Truyền Nhiễm của Toà Bạch Ốc Anthony Fauci nói rằng Tổng thống Trump đã sai khi so sánh nó với bệnh cúm, ông nói với NBC rằng “sẽ không chính xác nếu nói nó giống với bệnh cúm”.
Nhưng khoảng một năm sau, khi được hỏi về biến thể Omicron thì ông Fauci lại nói với CBS News rằng người Mỹ “có lẽ” phải đối phó với virus Vũ Hán theo cách tương tự như bệnh cúm. Ông nói: “Điều này hoàn toàn có thể hình dung được, có khả năng là chúng ta sẽ không ở trong tình trạng cường độ [đại dịch virus Vũ Hán] như vậy một cách vô thời hạn”.
Theo dữ liệu do Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch (CDC) của Mỹ công bố, dù số ca mắc ở Mỹ tăng nhẹ, nhưng so với số ca mắc vào giữa tháng Giêng thì trung bình trong 7 ngày là khoảng 800.000 ca mỗi ngày. Tính đến ngày 6/5, mức trung bình trong 7 ngày thì mỗi ngày khoảng 68.000 người.
Trong bài báo viết cho JAMA, 3 giới chức FDA Mỹ đã thông báo rằng đến mùa hè năm 2022 nên công bố “quyết định về việc ai sẽ đủ điều kiện tiêm liều tăng cường bổ sung vaccine… Trong các lần tiêm phòng cúm thông thường vào mùa thu năm nay, việc sử dụng liều vaccine virus Vũ Hán bổ sung cho những người thích hợp có thể bảo vệ những người yếu cơ thể khỏi nhập viện và tử vong, và do đó sẽ là chủ đề mà FDA cần xem xét”.
Chuyên gia: “Miễn dịch cộng đồng” không đúng cho virus Vũ Hán
Kết quả mới nhất của xét nghiệm máu tìm kháng thể virus Vũ Hán do CDC Hoa Kỳ công bố cho thấy, tính đến tháng Hai năm nay, gần 60% người lớn và 75% trẻ em Mỹ đã bị nhiễm virus Vũ Hán là người có khả năng miễn dịch tự nhiên, con số này không tính người được tiêm chủng vaccine virus Vũ Hán.
Chuyên viên Amesh Adalja về bệnh truyền nhiễm là học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins nói với VOA rằng điều đó không có nghĩa là Mỹ đã đạt được miễn dịch cộng đồng.
“Vì khi nói miễn dịch cộng đồng, chúng ta thường nghĩ đến những căn bệnh truyền thống như sởi, vì khi càng có nhiều người có miễn dịch thì sự lây lan bệnh dịch càng giảm. Nhưng virus Vũ Hán không phải thế vì khả năng miễn dịch mà chúng ta có được sẽ giúp chúng ta thoát khỏi bệnh nặng, nằm bệnh viện và tử vong chứ không giúp chúng ta khỏi bị tái nhiễm, vì một biến thể virus khác của loại virus này có thể lại khiến chúng ta tái nhiễm”.
Nước Mỹ đã bước vào giai đoạn mới phòng chống dịch virus Vũ Hán, mục tiêu chính sách và phương pháp theo dõi dịch virus Vũ Hán của Mỹ đã thay đổi. Ông nói rằng vì virus Vũ Hán sẽ không bao giờ biến mất nên mục tiêu của chính sách bây giờ là sử dụng mọi biện pháp để giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong càng nhiều càng tốt, vấn đề theo dõi số ca nhiễm hàng ngày không còn là cách tốt nhất để đo lường.
Chuyên viên Adalja nói rằng ai cũng sẽ đến một lúc nào đó bị nhiễm virus Vũ Hán, loại virus này sẽ mãi mãi tồn tại giống như bệnh cúm, nó thuộc cùng một họ virus gây ra 30% người cảm lạnh thông thường. Ông nói: “Đây sẽ là loại virus corona thứ 5 bùng phát theo mùa, mục tiêu của chúng ta là khiến triệu chứng giảm nhẹ. Đây chính là mục đích của vaccine, thuốc kháng virus, và kháng thể đơn dòng”.
Một loạt các vấn đề thử thách tân tổng thống Hàn Quốc
Tổng thống mới của Hàn Quốc có một danh sách dài những việc phải làm. Sau khi nhậm chức vào thứ Ba, Yoon Suk-yeol phải bắt tay ngay vào giải quyết vấn đề chi phí nhà ở và thiếu việc làm cho những người trẻ tuổi. Ông cũng đặt mục tiêu cải cách một số lĩnh vực, bao gồm phúc lợi, tư pháp hình sự, cũng như phân chia quyền lực giữa văn phòng tổng thống và thủ tướng. Còn ở mặt trận ngoại giao là một loạt các thách thức khác. Hàn Quốc đang bị kẹp giữa Mỹ, nước mà họ dựa vào để đảm bảo an ninh, và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ. Trong khi đó Triều Tiên lại ngày càng hung hăng; hôm thứ Bảy, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa lần thứ 15 trong năm nay.
Giải quyết tất cả những điều này là một thử thách khó nhằn, ngay cả với các nhà lãnh đạo lão luyện và được ủng hộ nhất. Ông Yoon không có cả hai điều đó, trong khi sẽ không thể tự do hành động vì quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Cựu tổng thống Honduras ra hầu tòa ở Mỹ
Cú trượt dài của Juan Orlando Hernández sẽ lên đến cao trào khi ông trình diện trước tòa New York vào thứ Ba. Hồi tháng 4, chưa đầy ba tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ hai làm tổng thống Honduras, ông đã bị bắt và bị dẫn độ về Hoa Kỳ. Thẩm phán sẽ nghe bằng chứng về các cáo buộc ông Hernández tham gia buôn bán ma túy và rửa tiền trong thời gian tại vị. Ông phủ nhận mọi cáo buộc. Đây là lần thứ hai ông bị dính vào một phiên tòa xét xử buôn bán ma túy, trước đó là phiên tòa 2019 vốn kết án em trai ông tù chung thân.
Chưa cần biết đến phán quyết, người dân Honduras đã ăn mừng khi thấy ông Hernández ra tòa. Các chính trị gia Trung Mỹ thường thoải mái tham nhũng mà không bị trừng phạt, đa phần bằng cách cài các mối quan hệ vào hệ thống tư pháp. Vì muốn đảo ngược tiến trình suy thoái dân chủ ở Trung Mỹ nhằm ngăn cản người di cư đi về phương bắc, Mỹ sẽ muốn tấm gương của ông Hernández khiến các chính trị gia nhúng chàm phải suy nghĩ lại.
Solvay bị cổ đông gây áp lực vì xả thải xuống biển
Các giám đốc của tập đoàn đa quốc gia Solvay của Bỉ có thể sẽ bị chất vấn nhiều tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông vào thứ Ba. Một số người chắc chắn sẽ lo ngại trước một kế hoạch được công ty công bố vào tháng 3 là sẽ tách Solvay thành hai công ty độc lập: một công ty chuyên về hóa chất và công ty còn lại về vật liệu và giải pháp đặc biệt. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hơn là bộ 100 câu hỏi, được quỹ đầu cơ chủ động Bluebell Partners liệt kê, xoay quanh nhà máy soda-ash (natri carbonate) của tập đoàn tại Rosignano, Ý.
Nhà máy này thải khoảng 25 tấn kim loại nặng xuống Địa Trung Hải mỗi năm. Solvay cam kết chúng được giữ trong đá vôi dạng bột, và do đó không thể bị hấp thụ bởi con người hay sinh vật biển. Bluebell cho rằng việc đổ chất thải xuống biển đi ngược lại cam kết môi trường bền vững của tập đoàn. Trên thực tế, hồi năm 2021 tất cả các cổ đông đều bỏ phiếu chấp thuận chính sách môi trường của Solvay. Nhưng Bluebell đã vận động họ đổi ý, và tuyên bố đã có được ủng hộ của hai quỹ hưu trí lớn của Mỹ. Phần Hỏi và Đáp của đại hội sẽ cho thấy có bao nhiêu bên khác đã tham gia cùng họ.
TT Biden nói ông lo rằng TT Putin không có lối thoát khỏi cuộc chiến Ukraine
10/5/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/5 nói rằng ông lo lắng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không có lối thoát cho cuộc chiến Ukraine và ông Biden cho biết ông đang cố gắng tìm hiểu xem phải làm gì với điều đó, theo Reuters.
Ông Biden, phát biểu tại một buổi gây quỹ chính trị ở ngoại ô thủ đô Washington, nói rằng ông Putin đã nhầm tưởng rằng cuộc xâm lược Ukraine sẽ làm tan vỡ NATO và tan rã Liên minh châu Âu.
Thay vào đó, Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu đã cùng đứng về phía Ukraine.
Cuộc tấn công của Nga vào Kyiv đã bị đánh trả vào tháng 3 bởi sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine. Nga, quốc gia gọi cuộc xâm lược là “một hoạt động quân sự đặc biệt”, tháng trước đã xua thêm quân vào tấn công miền đông nước này nhưng các mục tiêu tiến chiếm đạt được rất chậm.
Ông Biden cho biết ông Putin là một người rất tính toán và vấn đề mà ông lo lắng lúc này là nhà lãnh đạo Nga “không có lối thoát ngay bây giờ và tôi đang cố gắng tìm hiểu xem chúng ta sẽ làm gì với điều đó”.
Mỹ vận dụng luật « cho vay-cho thuê vì quốc phòng » để gia tăng cung cấp vũ khí cho Ukraina
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành « Đạo luật cho vay-cho thuê để bảo vệ nền dân chủ Ukraina 2022 », tại Nhà Trắng, Washington, ngày 09/05/2022. REUTERS - KEVIN LAMARQUE
Ngày 09/05/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật « Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act of 2022 » để tăng tốc cung cấp vũ khí cho Ukraina. Văn bản này dựa vào đạo luật « cho vay-cho thuê vì quốc phòng » được ký năm 1941, trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, cho phép Mỹ « bán, nhượng, trao đổi, cho thuê hoặc cung cấp » vũ khí cho các nước đồng minh bị phát xít Đức đe dọa.
Mỹ cũng chọn đúng thời điểm ngày 09/05 khi Nga tưng bừng kỷ niệm « Ngày Chiến thắng ». Trả lời các nhà báo tại Phòng Bầu Dục, tổng thống Joe Biden giải thích : « Người Ukraina đang chiến đấu hàng ngày bảo vệ cuộc sống của họ. Cuộc chiến này rất tốn kém, nhưng nếu chùn bước trước cuộc tấn công có lẽ còn tốn kém hơn ».
Nhà Trắng cho biết là văn bản « đã được hầu hết Nghị Viện ủng hộ », trừ 10 dân biểu bỏ phiếu chống. Theo AFP, tổng thống Mỹ đã phải nhân nhượng để Nghị Viện bỏ phiếu tách biệt hai khoản ngân sách : hỗ trợ Ukraina và chống dịch Covid-19, thay vì bỏ phiếu một lần. Ngân sách khác liên quan đến Covid-19 sẽ được đưa ra bỏ phiếu sau.
Đạo luật « cho vay-cho thuê vì quốc phòng » hỗ trợ Ukraina còn giúp Hoa Kỳ bổ sung kho vũ khí. Ngoài ra, nguyên thủ Mỹ cũng yêu cầu Nghị Viện viện trợ thêm 33 tỉ đô la cho Ukraina. Kể từ khi Nga tấn công Ukraina ngày 24/02, chính quyền Mỹ đã hỗ trợ quân sự cho Kiev với tổng số tiền lên đến 3,8 tỉ đô la.
Trừng phạt của phương Tây đã có hiệu quả trên chiến trường
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây bắt đầu cho kết quả trên chiến trường. Ngày 09/05, một quan chức cấp cao Mỹ, được AFP trích dẫn, cho biết chiến dịch của Nga ở miền nam Ukraina « gần như giậm chân tại chỗ trong những ngày gần đây ». Nga « thiếu vũ khí dẫn đường chính xác và không thay thế được » do bị lệnh trừng phạt và hạn chế nhập khẩu linh kiện điện tử. Theo quan chức ẩn danh trên, điều này giải thích cho việc nhiều thành phố lớn như Mariupol hay Kharkiv bị dội bom không dẫn đường nên không phân biệt được mục tiêu quân sự hay một khu chung cư.
Ngoài ra, quân luật dường như cũng là một vấn đề. Nhiều binh sĩ Nga « từ chối tuân lệnh và tấn công ». « Thiếu điều phối giữa không kích và tấn công trên bộ » cũng giải thích cho việc quân Nga « không có bất kỳ tiến triển nào đáng kể » ở vùng Donbass.
Tổng thống Macron nói quy trình gia nhập EU của Ukraine 'có thể mất hàng thập kỷ'
Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Pháp Macron gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Berlin hôm 09/05
Sẽ mất hàng thập kỷ để Ukraine được chấp thuận trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Trong một bài phát biểu tại Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg (Pháp), ông Macron thay vào đó đề xuất Ukraine có thể tham gia một "cộng đồng Châu Âu song song" trong khi chờ quyết định phê chuẩn.
Điều này cho phép các quốc gia không có tư cách thành viên EU cùng tham gia vào kiến trúc an ninh Châu Âu theo những cách khác nhau, Tổng thống Pháp nói.
Phát biểu của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt ở vùng Donbas miền đông Ukraine, nơi Nga đang muốn giành thêm quyền kiểm soát.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đã khắc họa bước tiến của Nga là "thêm được km ở mức một con số". Một lãnh đạo Ukraine ở vùng Luhnask nói rằng các cuộc chiến đấu cam go vẫn đang diễn ra.
Ukraine đã bắt đầu tiến trình đệ đơn gia nhập EU vào tháng 2 năm nay, chỉ 4 ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine.
"Tất cả chúng ta đều biết hoàn toàn rõ rằng quy trình cho phép [Ukraine] gia nhập sẽ thật sự mất vài năm, thậm chí vài thập kỷ," ông Macron nói.
Ông Macron nói thêm: "Đây là sự thật, trừ khi chúng ta quyết định hạ tiêu chuẩn gia nhập. Và suy nghĩ lại về sự thống nhất Châu Âu của chúng ta."
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại miền đông Ukraine
Ông Macron cũng nói thêm rằng thay vào đó nên cân nhắc "một cộng đồng Châu Âu song song", hơn là chấm dứt các tiêu chuẩn thành viên nghiêm ngặt của EU để cố gắng đẩy nhanh quá trình gia nhập cho Ukraine.
Ông cũng nói thêm sẽ là "một cách gắn kết các quốc gia về mặt địa lý tại Châu Âu và cùng chia sẻ các giá trị của chúng ta".
Bình luận của ông Macron được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EC sẽ đưa ra ý kiến đầu tiên về việc Ukraine đệ đơn gia nhập EU vào tháng 6 tới đây.
Giới chức Kyiv xác nhận ngày 09/05 rằng Ukraine đã nộp cho Brussels phần thứ hai trong bộ hồ sơ gia nhập EU.
Thường thì phải mất vài năm để các quốc gia tham gia thương lượng về tư cách thành viên EU, và các ứng viên phải chứng tỏ rằng họ đáp ứng nhiều tiêu chuẩn - từ tôn trọng dân chủ và pháp quyền để có một nền kinh tế đủ mạnh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất EU sử dụng một quy trình đặc biệt giúp Ukraine có được tư cách thành viên EU ngay lập tức, nhưng điều này đã không xảy ra.
Ngày 09/05, Tổng thống Pháp đã đến Berlin, cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông tái đắc cử, và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về phản ứng của EU đối với việc Nga xâm lược Ukraine.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trước cuộc hội đàm, ông Scholz nói rằng cuộc chiến tranh của Nga đã khiến sự hợp tác giữa Paris và Berlin thậm chí trở nên quan trọng hơn.
"Đây là điều gì đó khiến chúng ta bị sốc nhưng cũng kết gắn chúng ta với nhau bởi vì chúng ta phải cùng hành động," ông nói. "Không thể xảy ra chuyện các đường biên giới ở Châu Âu có thể bị dịch chuyển bằng bạo lực."
EU đang cố gắng đạt được sự đồng thuận đối với gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, bao gồm một lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga theo từng giai đoạn, cùng với thời gian trì hoãn lâu hơn đối với các quốc gia không giáp biển tại Trung Âu.
Tuy nhiên, Hungary đã từ chối ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu này, gọi đây là "một quả bom nguyên tử" cho nền kinh tế. Bà von der Leyen đã đến Budapest vào hôm 09/05 trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc.
Sau buổi hội đàm, bà cho biết rằng "chúng tôi đã đạt được tiến triển nhưng cần làm thêm nữa".
Không có nhận xét nào