Công an Hà Nội gây khó dễ việc tiếp tế cho nhà hoạt động Trương Văn Dũng đang bị tạm giam
RFA
26/5/2022
Ông Trương Văn Dũng (áo đen) trong một lần tham gia biểu tình hồi năm 2012
FB Trương Dũng
Gia đình nhà hoạt động Trương Văn Dũng, người vừa mới bị bắt hôm 21/5 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước,” nói rằng Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội gây khó dễ cho gia đình trong việc tiếp tế cho ông.
Hôm 24/5, bà Nghiêm Thị Hợp đến nơi đang tạm giam ông Dũng để gửi cho chồng mình một số đồ dùng và thức ăn. Tuy nhiên, trại giam không nhận đồ và thức ăn bà đã chuẩn bị sẵn từ nhà mà buộc phải mua thức ăn từ căng-tin của trại giam với giá đắt gấp nhiều lần so với giá thị trường.
Ngoài ra cán bộ trại cũng không cho bà gửi tiền lưu ký cho chồng mà chỉ được mua quần áo lót và thức ăn từ căng-tin của trại để chuyển vào. Phía trại cũng từ chối cho gia đình gửi sách vào trong với lý do họ không thể kiểm soát được nội dung.
Bà Hợp nói với phóng viên của Đài Á Châu Tự Do sau khi trở về từ trại tạm giam:
“Họ nói tôi không được mang đồ ăn từ nhà đến mà phải mua thức ăn từ căng-tin. Họ bày ra đấy và mình lấy một tờ giấy rồi viết những thứ mình muốn mua, rồi họ cho đồ vào một cái bao và chuyển vào nơi tiếp nhận. Giá cả thì cũng đắt, có cái đắt ít, có cái đắt nhiều.”
Trong lần gửi đồ đầu tiên, bà Hợp mua từ căng-tin của trại giam nhiều thứ, bao gồm thịt đã chế biến sẵn, muối vừng, ruốc, tôm khô, bánh mì, sữa, quýt.
Bà Hợp cho biết, một ít đậu rán căng-tin bán giá 90.000 đồng trong khi giá ngoài thị trường chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng, còn 1kg quýt có giá lên tới 90.000 đồng.
Bà cho biết nhân viên căng-tin sẽ nhận chuyển đồ vào cho người bị tạm giam nếu người nhà không trực tiếp đến gửi. Trong trường hợp như vậy, sau khi người nhà chuyển tiền mua thức ăn và đồ dùng cộng thêm khoản phí 150.000 đồng thì phía căng-tin sẽ đóng gói đồ như yêu cầu và chuyển vào trong.
Khi được hỏi về hạn chế trong việc gửi thức ăn cho chồng mình thì bà Hợp cho biết:
“Có hai hoá đơn, một hoá đơn hạn chế mua dưới 60.000 đồng, còn hoá đơn kia thì mua thoải mái nhưng liệu có đến tay chồng mình không thì không biết.”
Điều 24 của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội Việt Nam ban hành vào tháng 11 năm 2015, quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng tiền gửi lưu ký để mua đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt của họ bằng hình thức ký sổ.” Tuy nhiên, luật này không quy định khi nào thì gia đình của người bị tạm giam/tạm giữ được quyền gửi tiền lưu ký cho người thân.
Chúng tôi tìm hiểu về việc gửi đồ cho thân nhân trong trại tạm giam của công an thành phố Hà Nội từ một số gia đình tù nhân lương tâm khác và được biết họ có thể gửi tiền lưu ký hoặc mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt khác từ căng-tin của trại giam ngay từ lần đầu lên thăm sau khi người nhà bị bắt.
Bà Đỗ Lê Na, vợ của nhà báo công dân Lê Trọng Hùng- người bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án 5 năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” cuối năm ngoái, cho biết 3 ngày sau khi chồng mình bị bắt, bà được phép gửi quần áo cùng một số đồ dùng mua tại căng-tin của trại và 2 triệu tiền lưu ký trong lần gửi đồ đầu tiên. Bà cũng nói trại tạm giam này cho phép gia đình được gửi đồ nhiều lần trong tháng và không thấy bị hạn chế tổng số tiền để mua đồ.
Tuy nhiên, bà Na cho biết cán bộ trại không cho gia đình cho gửi thức ăn chế biến từ nhà mà phải mua tại căng-tin với giá đắt dù trong giai đoạn điều tra hay đã ra tòa xong.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, cũng cho biết trong lần gửi đồ đầu tiên cho chồng tại Trại tạm giam số 1, bà chỉ được gửi quần áo. Ngày hôm sau, bà cùng nhiều người dân Dương Nội đến trại để đấu tranh thì mới được ban giám thị trại này cho gửi tiền lưu ký để ông Phương có thể sử dụng số tiền này mua đồ từ căng-tin của trại.
Bà Thu cũng nói theo kinh nghiệm của bà thì không có hạn chế về số tiền được gửi lưu ký, nhưng người bị tạm giam chỉ được tiêu 300.000 đồng trong một tuần. Tuy nhiên, nếu mua đồ từ căng-tin của trại thì số lượng và chủng loại không bị hạn chế.
Việt Nam đàm phán gia nhập IPEF
RFA
26/5/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tham gia cùng lãnh đạo các nước khác trong lễ khởi động IPEF trực tuyến ở Tokyo, Nhật hôm 23/5/2022
AFP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 26/5 cho báo chi biết Việt Nam đang trong quá trình thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình dương vì thịnh vượng (IPEF). Tuy nhiên, bà Hằng cho biết việc gia nhập hay không sẽ tuỳ thuộc vào kết quả sau cùng.
Phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 26/5 ở Hà Nội, bà Hằng cho biết: “Trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi, làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột: Thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi các-bon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng”.
IPEF được Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức khởi động quá trình thảo luận nhân chuyến thăm Nhật Bản hôm 23/5 vừa qua. Đây là sáng kiến do Mỹ phát động nhằm làm đối trọng với những ảnh hưởng về kinh tế và thương mại ngày một gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm 2017.
Đã có 12 nước ngoài Mỹ bày tỏ mong muốn tham gia lúc ban đầu vào IPEF bao gồm: Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Thái Lan, Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Australia.
IPEF được cho là không có quá nhiều ràng buộc so với TPP và các nước tham gia có thể lựa chọn tham gia một hay nhiều trụ cột được nêu trong Khuôn khổ. Ngoài ra, việc ký kết IPEF cũng không yêu cầu phải có sự chuẩn thuận của Quốc hội Mỹ như đối với vác hiệp định thương mại khác vốn có tính ràng buộc cao hơn.
Tuy nhiên, đây cũng được cho là một nhược điểm của Khuôn khổ vì nó sẽ không có nhiều những hấp dẫn về tiếp cận thị trường Mỹ như trong các hiệp định thương mại.
Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Hoa Kỳ, trong vòng 12 đến 18 tháng tới, Chính phủ Mỹ hy vọng có thể kết thúc việc đàm phán đúng vào dịp Thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11 năm 2023 tại Mỹ. Hoa Kỳ đang hy vọng “có một thu hoạch sớm” đối với Khuôn khổ này, nhất là đối với với các trụ cột về thương mại và chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp Việt phải ngưng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vì phát hiện COVID-19
26/5/2022
Hình minh hoạ: cá tra bán ở chợ tại Hà Nội
AFP
Cứ mỗi container cá tra đông lạnh xuất sang Trung Quốc bị nói nhiễm COVID-19, doanh nghiệp phải chịu ngưng nhập khẩu một tuần. Tuần ngưng sẽ tương ứng với số container bị cho có sản phẩm nhiễm COVID-19.
Mạng báo Kinh tế Sài Gòn ngày 25/5 loan tin, dẫn tiết lộ như vừa nêu của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước Việt Nam. Doanh nghiệp này bị nói có ba container với sản phẩm nhiễm COVID-19 nên bị ngưng xuất vào Hoa Lục ba tuần lễ.
Phía Trung Quốc còn quy định nếu có container bị phát hiện nhiễm COVID-19 và doanh nghiệp bị thông báo ngưng nhập khẩu theo thời gian tương ứng với số container có sản phẩm nhiễm; những lô hàng của cùng doanh nghiệp dù đã xuất đi cũng sẽ bị trả lại.
Doanh nghiệp cho biết một container cá tra đông lạnh xuất sang Trung Quốc có có giá từ 1,1 đến 1,2 tỷ đồng; nếu hàng được đưa lên cảng rồi mà bị trả về thì doanh nghiệp phải lỗ khoảng từ 700-800 triệu đồng.
Biện pháp của cơ quan chức năng Trung Quốc được nói nhằm thực hiện chính sách ‘Zero COVID’ của chính phủ Bắc Kinh.
Việt Nam cho nhập cảnh hàng trăm thương nhân Trung Quốc vào mua vải thiều
26/5/2022
Hình minh hoạ: Nông dân đưa vải thiều đi bán ở Lục Ngạn, Bắc Giang hôm 9/6/2020
AFP
Tỉnh Bắc Giang, nơi trồng vải thiều nhiều nhất Việt Nam, đã cho phép 103 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa phương để thu mua vải thiểu, đồng thời đề xuất cho nhập cảnh thêm 96 thương nhân Trung Quốc. Báo Nhà nước Việt Nam loan tin này hôm 26/5.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 26/5 ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: “Trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, các cơ quan chức năng và địa phương của Việt Nam và Trung Quốc đang phối hợp để tạo điều kiện cho các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc đến tỉnh Bắc Giang thu mua vải thiều, khi mùa thu hoạch đã bắt đầu.”
Vụ thu hoạch vải thiều đã bắt đầu từ ngày 25/5 đến 25/7 năm nay. Dự kiến Bắc Giang sẽ thu hoạch khoảng 180.000 tấn vải thiều năm nay. Trong đó, 40% vải thiều thu hoạch sẽ được xuất sang các nước bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước Đông Nam Á, EU. Trung Quốc được coi là thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Việt Nam.
Mặc dù vậy, hiện Trung Quốc đang có dịch bệnh COVID-19 và Bắc Kinh đang thực hiện chính sách Không COVID. Điều này đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam qua biên giới nhiều tháng qua.
Việc đi lại của người dân Trung Quốc từ vùng dịch ra bên ngoài cũng trở nên khó khăn.
Theo truyền thông Nhà nước, từ đầu tháng 5, giới chức tỉnh Bắc Giang đã làm việc trực tuyến với Đại sứ quán Trung Quốc về việc đề nghị hỗ trợ xuất khẩu vải thiều sang thị trường 1,5 tỷ dân này. Trung Quốc sẽ hỗ trợ mở luồng xanh ưu tiên cho xuất khẩu vải thiều, tạo điều kiện mỗi ngày có 300-500 xe qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn.
Việc xuất khẩu vải thiều chủ yếu sang Trung Quốc qua mạng lưới các thương nhân Trung Quốc thu mua tại chỗ các năm gần đây cũng cho thấy một số khó khăn khi các thương nhân này có lúc mua giá rẻ quá mức, hoặc bỏ mua, khiến người nông dân phải bán đổ bán tháo vải thiều trong thị trường nội địa hoặc đề nghị được giải cứu.
Phá vỡ đường dây tín dụng đen Việt-Trung với gần một triệu tài khoản vay
Tường Vy
25 tháng 5, 2022
Nhóm người trong đường dây tín dụng đen tại cơ quan công an – Ảnh: Tiền Phong
Đối tượng cầm đầu đường dây này là Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) và một người Trung Quốc tên Zhang Min (SN 1986, quốc tịch Trung Quốc).
Đường dây tín dụng đen này hoạt động từ năm 2019, núp bóng công ty kinh doanh cầm đồ.
Nhóm đối tượng sử dụng các app (ứng dụng) công nghệ cao để hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần chỉ cần truy cập vào ba app vay tiền do nhóm của Vũ lập ra và đăng nhập bằng những thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại…
Trước khi cho vay, các đối tượng thẩm duyệt hồ sơ khách hàng. Ai cung cấp thông tin cá nhân chính xác hoặc làm ở những cơ quan Nhà nước thì vay càng dễ. Còn đối với những khách hàng độ tín nhiệm thấp thì số tiền sẽ ít hơn.
Trung bình mỗi khách hàng có thể vay được từ 2-30 triệu, các tài khoản “VIP” thì có thể vay được số tiền gấp nhiều lần.
Máy tính bị cơ quan công an thu giữ – Ảnh: Tiền Phong
Khi khách hàng chậm hoặc không trả tiền vay nợ, Vũ và đối tượng người Trung Quốc sẽ phân hồ sơ giao cho nhân viên để thu tiền. Ai trả trễ sẽ bị thu “lãi chồng lãi” lên tới hơn 2,000%/năm.
Những tên đòi nợ thuê sẽ nhắc con nợ qua điện thoại, thậm chí lấy danh bạ của người vay để gọi, cắt ghép hình ảnh gửi cho người thân, bạn bè hoặc tung lên mạng xã hội để gây sức ép.
Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền đường dây cho vay lên tới hàng ngàn tỷ đồng, mỗi tháng khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 1 triệu tài khoản vay qua app của nhóm này.
Ngày 24 Tháng Năm, đường dây tín dụng đen Việt-Trung này đã bị triệt phá. Tại bảy địa điểm ở ba tỉnh thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên tổ công tác đã đưa 300 đối tượng và các tang vật về trụ sở cơ quan điều tra để làm rõ. Trong đó có một số người Trung Quốc. (Theo Tiền Phong)
Không có nhận xét nào