Toà Tiền Giang tuyên ông Trần Hoàng Huấn tám năm tù với cáo buộc “chống phá Nhà nước”
Ông Trần Hoàn Huấn tại Toà án Nhân dân tỉnh Tiền Giang hôm 5/5/2022 /Công An Nhân Dân
Ông Trần Hoàng Huấn, 34 tuổi, ở Thành phố Mỹ Tho, vào ngày 5/5 bị Tòa án tỉnh Tiền Giang tuyên án tám năm tù và ba năm quản chế dưới cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước’.
Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Tiền Giang loan tin trong cùng ngày, dẫn cáo trạng nêu rằng từ ngày 11/9/2020 đến 7/4/2021, ông Huấn viết và đăng 186 bài, dòng trạng thái trên tài khoản Facebook cá nhân có tên Huan Tran. Trong đó, Cơ quan chức năng cho có 60 bài viết, dòng trạng thái mang nội dung ‘xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân’ và 21 bài, dòng trạng thái bị cho ‘bịa đặt, gây hoang mang dư luận’. Những bài viết, dòng trạng thái khác bị cho có nội dung’ đả kích, bôi nhọ chế độ, phủ nhận thành quả cách mạng và xúc phạm lãnh đạo Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam.’
Vào ngày 26/3/2020, ông Trần Hoàng Huấn từng bị Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Tiền Giang phạt 12,5 triệu đồng về việc bị cho ‘cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân’.
Theo báo Công An Nhân Dân, vào năm 2016 và 2017, ông Huấn đã bị Công an tỉnh Tiền Giang “mời lên làm việc, giáo dục, cam kết không tái phạm nhưng sau đó Huấn vẫn cố tình vi phạm.”
Theo Công an tỉnh Tiền Giang, vào ngày 4/8/2021, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can tạm giam trong thời gian bốn tháng đối với ông Trần Hoàng Huấn.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị chuyển từ trại tạm giam tới bệnh viện tâm thần
RFA
Bà Nguyễn Thúy Hạnh trong một lần biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội
/Facebook Nguyen Thuy Hanh
Cơ quan an ninh điều tra kết luận nhà hoạt động nhân quyền người Hà Nội gặp vấn đề tâm thần nghiêm trọng và cần phải đi điều trị, đây là trường hợp mới nhất về việc một người bất đồng chính kiến với nhà nước Việt Nam bị đưa đi viện tâm thần chữa trị không thời hạn.
Hôm 6 tháng 5, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, cho biết phía cơ quan công an thông báo đã đưa bà Hạnh đi chữa bệnh trầm cảm bắt buộc từ cuối tháng 4, sau khi tổ chức khám và giám định tâm thần cho nhà hoạt động nhân quyền này.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Nhà sáng lập và điều hành Quỹ 50k chuyên giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm, bị công an Hà Nội bắt tạm giam hồi năm ngoái với cáo buộc “phán tán tài liệu chống nhà nước”.
Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do ngay sau khi kết thúc buổi làm việc với cơ quan công an, ông Huỳnh Ngọc Chênh cho biết thông tin cụ thể:
“Họ thông báo về quyết định tạm đình chỉ tạm giam đối với Nguyễn Thúy Hạnh và bắt buộc đi chữa bệnh tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương.”
Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, bà Nguyễn Thuý Hạnh vốn đã mắc bệnh trầm cảm nặng và phải trải qua quá trình điều trị bệnh này từ trước khi bị bắt.
Tuy nhiên theo ông Huỳnh Ngọc Chênh thì trong buổi làm việc sáng hôm nay, đại diện phía công an đã nói rằng bệnh tình của bà Hạnh lúc trước khi bị bắt không đủ nghiêm trọng để được miễn trách nhiệm hình sự.
Và phải đến khi bị bắt tạm giam thì bệnh trầm cảm của nhà hoạt động này mới trở nặng, do vậy mới được đưa đi chữa bệnh.
Phía cơ quan an ninh điều tra cũng cho biết sau khi chữa trị xong thì bà Hạnh vẫn sẽ phải đối diện với việc bị truy tố. Nhưng thời gian chữa trị thì không được tiết lộ, ông Chênh nói:
“Tôi có hỏi việc đó những bên cơ quan điều tra họ cũng không biết luôn, họ nói đó là chuyện của khoa học, viện pháp y mới trả lời được chứ họ chỉ biết là khi nào hết bệnh thì họ lại đưa về để truy tố ra toà. Họ đã có kết luận điều tra rồi, bây giờ chỉ chờ hết bệnh là xử thôi.”
Ông Huỳnh Ngọc Chênh vốn là một blogger được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới và Google trao giải thưởng Công dân mạng năm 2013 cũng bày tỏ lo lắng trên Facebook cá nhân, về việc bà Hạnh sẽ bị đưa đi chữa trị vô thời hạn như blogger Lê Anh Hùng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA.
Ông Lê Anh Hùng bị bắt hồi tháng 7 năm 2018 vì bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, và đến tháng 4/2019 thì bị đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để điều trị mà đến giờ vẫn chưa được xét xử.
Đáng chú ý là trong quá trình “điều trị bắt buộc”, ông Hùng đã nhiều lần lén cho người nhà biết ông bị nhân viên y tế đánh đập và ngược đãi.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh từng là một người phụ nữ thành đạt trước khi dấn thân vào con đường hoạt động nhân quyền.
Hồi năm 2016, người phụ nữ sinh năm 1963 này đứng ra tranh cử trong kỳ Bầu cử Quốc hội với cương lĩnh tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ quyền phụ nữ, trong đó có lời hứa khi trúng cử sẻ đề nghị Quốc hội thống nhất và giao cho Chính phủ trình và ký Hồ sơ Kiện Trung Quốc ra toà án Quốc tế về việc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 1/1974.
Ngoại trưởng Mỹ gặp trực tuyến với các lãnh đạo dân sự Đông Nam Á
05/5/2022
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vừa có cuộc gặp trực tuyến với các tổ chức dân sự từ Đông Nam Á, nêu cam kết của Washington trong việc đặt nhân quyền, dân chủ làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại đối với khu vực này.
“Tôi vừa gặp các nhà lãnh đạo xã hội dân sự từ khắp khu vực Đông Nam Á, lắng nghe những câu chuyện dũng cảm của họ về việc vận động cho nhân quyền và dân chủ. Tôi thu thập ý kiến của họ trước khi Hoa Kỳ chuẩn bị gặp gỡ những người đứng đầu chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN sắp tới”, ngoại trưởng Blinken viết trên Twitter hôm 4/5.
Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN sắp tới, dự định diễn ra trong 2 ngày 12-13/5, sẽ là cơ hội để Tổng thống Mỹ Joe Biden đẩy mạnh mối quan hệ đối tác song phương chặt chẽ hơn với các quốc gia ASEAN.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong thông cáo ngày 4/5: “Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc đặt nhân quyền, công lý và dân chủ làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chúng tôi, kể cả khi chúng tôi tìm cách tăng cường mối quan hệ với ASEAN”.
Từ trước đến nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và lên án việc sách nhiễu, bắt bớ, tuyên án tù dài hạn nhằm vào các nhà hoạt động, các blogger và những người đứng đầu các tổ chức này.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đến Hoa Kỳ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN này tại thủ đô Washington theo lời mời của Tổng thống Biden.
Hôm 5/5, tổ chức BPSOS tại bang Virginia và hơn 50 tổ chức dân sự khác vừa gửi thư đến Tổng Biden yêu cầu Nhà Trắng nêu quan ngại với Thủ Tướng Phạm Minh Chính về việc Hà Nội “chủ trương bách hại các tôn giáo không chấp nhận bị chính phủ kiểm soát”.
Bức thư đồng kính gửi Ngoại trưởng Blinken có đoạn viết: “Điều đáng quan tâm đặc biệt là Nhà Nước [Việt Nam] đã chỉ đạo và hỗ trợ chương trình tuyên truyền dùng những ngôn từ kích động sự thù địch và bạo lực nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và giáo dân, dẫn đến những hậu quả tai hại và đáng lo ngại”.
Việt Nam ảnh hưởng thế nào khi FED tăng lãi suất?
Phạm Lê Đoan
Lãi suất USD tăng đang tạo ra áp lực đối với nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam trong năm nay.
FED vừa quyết định nâng lãi suất thêm 0,5% nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát vốn đang ở mức tồi tệ nhất trong vòng 40 năm. Đây cũng là bậc tăng lãi suất cao nhất của ngân hàng trung ương sau 22 năm qua.
Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System – FED) hay Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ. Bắt đầu hoạt động năm 1913 theo “Đạo luật Dự trữ Liên bang” của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngày 23 tháng 12 năm 1913.
Đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, FED có các vai trò: Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tác động các điều kiện tiền tệ và tín dụng với mục đích tối đa việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn; Giám sát và quy định các tổ chức ngân hàng đảm bảo hệ thống tài chính và ngân hàng quốc gia an toàn, vững vàng và bảo đảm quyền tín dụng của người tiêu dùng; Duy trì sự ổn định của nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính; Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản có giá trị, các tổ chức chính thức nước ngoài, và chính phủ Hoa Kỳ, đóng vai trò chủ chốt trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia.
Hồi tháng 3 năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng có lần nâng lãi suất đầu tiên kể từ cuối năm 2018 với 0,25 điểm %.
Tác động của quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ mang tính lan tỏa trong nhiều lĩnh vực và cả bên ngoài biên giới của Mỹ.
Đầu tiên là chi phí trả nợ cao hơn. Khi lãi suất tăng, người đi vay phải trả nhiều tiền hơn để thanh toán khoản tín dụng và các ngân hàng trở nên khắt khe hơn trong việc cung cấp khoản vay. Điều này đặt ra thách thức cho các công ty và làm chậm quá trình mở rộng kinh doanh sản xuất – đây có thể là tác động tích cực ở những nước đang mong muốn hạ nhiệt hoạt động kinh tế về mức vừa phải.
Tuy nhiên, ngược lại, tình trạng này làm tăng áp lực đối với các thị trường mới nổi có mức nợ công cao.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nhiều quốc gia sẽ cần được giảm nợ hoặc tái cơ cấu nợ sau khi nợ công tăng cao trong đại dịch Covid-19.
Thứ hai là áp lực đối với thị trường tài chính. Viễn cảnh ngân hàng trung ương tích cực tăng lãi suất và hoạt động kinh tế chậm lại đã gây áp lực lớn đối với các thị trường tài chính.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm trong những tuần gần đây, do lo ngại tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại có nghĩa là người tiêu dùng sẽ giữ tiền mặt thay vì chi tiêu nhiều hơn, làm giảm thu nhập doanh nghiệp trong khi chi phí đi vay lại tăng lên.
Trong một nhận xét dè dặt, một chuyên viên kiểm toán cho rằng việc FED tăng lãi suất có thể không gây tác động quá tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Có ba luận điểm lý giải cho nhận định này:
Thứ nhất, không bàn về việc phe nhóm đang lũng đoạn, thì sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận từ các doanh nghiệp và sự gia nhập mạnh mẽ từ cộng đồng nhà đầu tư cá nhân.
Việc FED tăng lãi suất sẽ tác động tới dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam sẽ không đủ mạnh để tác động tiêu cực tới thị trường. Thay vào đó, nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp thị trường tăng trưởng tốt.
Thứ hai, thời kỳ hậu dịch giã, nhờ các chính sách kinh tế đang điều chỉnh có hiệu quả, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam được cho là trong tầm kiểm soát, qua đó không tạo ra áp lực để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra quyết định tăng lãi suất.
Tuy nhiên việc lãi suất USD tăng đang tạo ra áp lực đối với nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam trong năm nay.
Theo đó, năm 2022, Chính phủ Việt Nam sẽ trả nợ 335.815 tỷ đồng với thời giá trước khi FED có quyết định điều chỉnh lãi suất, tương đương là 14,6 tỷ USD, ít hơn năm ngoái, trong đó 89% là nợ gốc, còn lại là các dự án cho vay lại. Và điều đó có nghĩa USD lên giá sẽ tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND, điều này kéo theo chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.
https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-anh-huong-the-nao-khi-fed-tang-lai-suat/
Mỹ sẽ điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập từ Việt Nam
RFA
Sản phẩm tủ gỗ của VN sẽ bị điều tra chống bán phá giá trong tháng 5 (Hình minh hoạ)
/AFP
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào cuối tháng 5.
Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam vừa có công văn thông báo như trên gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, được truyền thông nhà nước loan trong ngày 6/5.
Công văn được ký ngày 27/4 nêu rõ Bộ Thương mại Mỹ đã nhận đơn đề nghị điều tra nghi vấn chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia.
Theo đó, sản phẩm bị đề nghị điều tra là tủ gỗ có mã HS 9403.40.9060, 9403.60.8081, 8403.90.7080. Phía nguyên đơn là American Kitchen Cabinet Alliance - đại diện cho một số doanh nghiệp sản xuất tủ gỗ của Mỹ.
Theo Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với cùng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc, do đó, việc xuất khẩu các sản phẩm này từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm mạnh từ 2,5 tỷ USD xuống còn 1,6 tỷ USD.
Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng tới hơn 130% (từ 1,37 lên 2,7 tỷ USD). Đồng thời, cùng thời điểm này lượng nhập khẩu các sản phẩm trên từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng gần gấp bốn lần.
Theo như trên, đại diện Hiệp hội gỗ kết luận: Phía doanh nghiệp Mỹ cáo buộc các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập tủ, bộ phận tủ gỗ từ Trung Quốc sau đó lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam và xuất lại sang Mỹ.
Từ nghi vấn trên, phía doanh nghiệp Mỹ đề nghị DOC mở rộng lệnh áp thuế hiện tại đối với tủ gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc được lắp ráp tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ. Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ quyết định khởi xướng điều tra vào cuối tháng 5.
Theo thống kê, trong bốn tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 3,3 tỷ USD, chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam xuất sang thị trường này.
Việt Nam đã dừng khai báo y tế COVID-19 nội địa
RFA
Hình minh hoạ: tấm biển cổ động phòng chống COVID-19 trên đường phố TPHCM hôm 4/12/2021 /AFP
Bộ Y tế Việt Nam đã có văn bản gửi đến ủy ban nhân dân các tỉnh/thành trên cả nước về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế nội địa kể từ 0 giờ ngày 30/4 vừa qua. Truyền thông Nhà nước ngày 5/5 dẫn nguồn từ Bộ Y tế về quyết định vừa nêu.
Theo đó, Bộ Y tế Việt Nam nhận định rằng số ca mắc mới COVID-19 cũng như các ca bệnh nặng và số tử vong đều giảm, dịch đã được kiểm soát và tỷ lệ phủ vắc-xin trên toàn quốc lên đến 96%, vắc-xin dự phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả với các biến thể vi-rút SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành; do đó Bộ này đã có văn bản tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa khi di chuyển trong nước, nơi công cộng, nhà hàng…
Kể từ 0 giờ ngày 27/4, Việt Nam cũng đã tạm dừng khai báo ý tế đối với người nhập cảnh.
Thống kê cập nhật vào chiều ngày 5/5 của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy trong nước tính đến nay có 43.049 trường hợp chết vì COVID-19. Ngày 3/5 là ngày không ghi nhận có ca tử vong nào. Tổng số nhiễm SARS-CoV-2 trong nước là gần 10.700.000 ca.
Không có nhận xét nào