Bản án của cựu Thứ trưởng Y tế gây tranh cãi
27/5/2022
Nguyễn Lại
Ảnh tư liệu - Cựu thứ trưởng bộ Y tế Việt Nam Trương Quốc Cường tại phiên toà ở Hà Nội
‘Công Lý chỉ là một diễn viên hài’ là cụm từ được không ít người quan tâm tới tình hình chính trị đất nước trong những ngày qua thường xuyên nhắc đến khi nói về phiên toà xét xử cựu thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường, người vừa bị tuyên án 4 năm tù về tội ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ hôm 19/5 trong vụ buôn bán thuốc giả tại Công ty VN Pharma, Cục Quản lý dược của Bộ Y tế và một số đơn vị liên quan.
Theo cáo trạng, ông Cường, trong vai trò Cục trưởng Cục Quản lý Dược, đã xét duyệt cấp số đăng ký thuốc dù hồ sơ không đủ điều kiện, dẫn đến hậu quả là 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, trị giá hơn 148 tỉ đồng.
Nhiều người lên mạng xã hội chia sẻ bất bình rằng dân đen ăn cắp một con gà, con vịt thì có khi lĩnh án từ 7 đến 9 năm tù, trong khi quan chức cấp phép cho thuốc giả, làm hại không biết bao nhiêu người thì chỉ bị 4 năm tù. Có người còn nghi rằng với mức án này, cựu thứ trưởng chỉ phải ngồi tù 1/3 bản án là có thể được ‘hưởng lượng khoan hồng’ hay nếu ‘chạy’ tốt thì có khi còn không phải ngồi tù.
Chị Nguyễn Hoàng Anh, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, nói phiên toà như một trò đùa cho thấy chiến dịch ‘đốt lò’ được thực hiện lâu nay là hình thức và rằng ‘chỉ có củi mới biết lò đốt ai chừa ai’.
“Như thế thì phải tử hình thì những thằng khác mới sợ được. Vì như thế là nó giết người gián tiếp rồi còn gì nữa. Vì nó cấp phép như thế là nó làm hại bao con người. Bạn cứ thử nghĩ mà xem những bệnh nhân ung thư đáng lẽ kéo dài được 1 năm hơn 1 năm giờ uống phải những loại thuốc giả đấy thì có khi chỉ 3 tháng là chết rồi còn gì,” chị Hoàng Anh chia sẻ.
Theo chị Hoàng Anh, mức án này chắc chắn là nhờ yếu tố ‘chạy chọt’ tốt, thoả thuận của các phe cánh, và những gì mà bị cáo nắm trong tay.
“Thằng đấy mà chết thì chắc chắn nó sẽ khai ra một đống thằng khác. Đúng là cuối cùng chỉ có dân đen là chết thôi,” chị than thở.
Chia sẻ quan điểm về bản án này, chị Nguyễn Thu Hiền, phóng viên của một cơ quan báo chí lớn ở Hà Nội, nói: “Cái gì không mua được bằng T thì sẽ mua được bằng rất nhiều T. Có gì đâu, chuyện đấy cũng là chuyện bình thường, mình thấy thế. Vì thế bây giờ không thể trông đợi được gì đâu. Vì tất cả chỉ là đấu đá phe nhóm thôi.”
Tuy bất bình nhưng nhiều người cho biết vẫn hy vọng vụ án thuốc giả ở Bộ Y tế sẽ tiếp tục được mở rộng để lôi ra ánh sáng những kẻ chịu trách nhiệm, như tâm sự của anh Hoàng Minh, một chuyên viên hoạt động trong lĩnh vực y tế:
“Đây là thoả thuận phe nhóm thôi mà. Nhưng hắn chỉ là một đầu mối thôi. Tới đây phải moi ra phang hết. Cựu bộ trưởng Kim Tiến cũng phải bị moi ra và phang sạch, không thể để thế được.”
Mâu thuẫn khi thu mua hải sản, tàu cá bị tông chìm, 6 ngư dân rơi xuống biển
An Khánh
Tàu cá của ngư dân Quảng Trị bị tàu cá Quảng Nam tông trên biển. (Ảnh chụp clip)
Mâu thuẫn khi thu mua hải sản trên biển, một tàu cá của ngư dân Quảng Trị bị một tàu cá Quảng Nam rượt đuổi, tông thẳng vào thân tàu khiến 6 ngư dân rơi xuống biển.
Ngày 27/5, ông Võ Viết Cường – Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, nhà chức trách đang tiến hành điều tra việc một tàu cá của ngư dân tỉnh này bị một tàu cá mang số hiệu tỉnh Quảng Nam tông chìm, khiến 6 ngư dân rơi xuống biển.
Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra vào chiều 26/5, trên vùng biển cách đảo Cồn Cỏ khoảng 0,5 hải lý về hướng Tây Bắc.
Vào thời điểm trên, tàu cá do ông Hoàng Ngọc An (50 tuổi, ngụ xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) điều khiển đã bị tàu cá mang số hiệu Quảng Nam tông thẳng vào giữa thân tàu với tốc độ cao.
Lúc này, trên tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Trị có 6 ngư dân đang đánh bắt, thu mua hải sản.
Vụ va chạm đã làm 6 ngư dân rơi xuống biển, sau đó được các tàu cá xung quanh ứng cứu nên thoát nạn.
Đến 21h cùng ngày, 6 ngư dân này đã được đưa vào Đồn Biên phòng Cồn Cỏ để kiểm tra, chăm sóc sức khỏe.
Theo những ngư dân chứng kiến vụ việc, ông An làm nghề thu mua hải sản trên biển. Giữa thành viên hai tàu xảy ra mâu thuẫn nên tàu Quảng Nam đã rượt đuổi tàu của ông An suốt quãng đường dài trên biển.
Ông An chạy tàu đến khu vực có đông tàu của ngư dân Quảng Trị đang đánh bắt quanh đảo Cồn Cỏ. Khi đến nơi, ông An cho dừng tàu thì bị tàu cá Quảng Nam lao vào tông chìm.
An Khánh
Thêm Giám đốc CDC Đắk Lắk và cộng sự bị bắt do liên quan vụ Việt Á
27/5/2022
Hình minh hoạ: Xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Hà Nội hôm 20/8/2021
AFP
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, ông Trịnh Quang Trí, vào ngày 27/5 bị khởi tố và bắt giam do dính líu trong vụ Công ty Việt Á nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 và chi hoa hồng khủng cho các đơn vị mua hàng.
Ngoài ông Trịnh Quang Trí còn có bốn dưới quyền ông tại CDC Đắk Lắk cũng bị khởi tố và bắt giam theo cùng cáo buộc. Đó là ông Trần Thanh Mỹ- Trưởng Phòng Tài chính- Kế toán; ông Đặng Minh Tuyết- Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm; bà Trần thị Nguyên Hằng- nhân viên khoa Xét nghiệm; bà Trần Thị Mai Anh – nhân viên Khoa Dược.
Công an Đắk Lắk cho biết thông tin vừa nêu trong cùng ngày và nói rõ bốn người bị bắt để điều tra, xử lý về hành vi ‘vi phạm qui định đấu thầu thuốc gây hậu quả nghiêm trọng tại CDC Đắk Lắk.
Quyết định khởi tố và bắt tạm giam bốn người vừa nêu cũng được Viện Kiểm Sát Nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Như vậy tính đến nay có 11 giám đốc CDC của các tỉnh/thành Việt Nam bị khởi tố và bị bắt do dính líu đến vụ bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.
Nguyễn Huỳnh – ‘nhân vật bí ẩn’ trong vụ án Việt Á bị bắt
Tường Vy
27/5/2022
Đến nay đã có 3 cán bộ cấp cục, vụ thuộc Bộ Y tế bị bắt giữ vì liên quan Công ty Việt Á – Ảnh: Thanh Niên
Ngày 25 Tháng Năm, cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Huỳnh, Phó trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo dư luận trong nước, đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra mở rộng vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và một số đơn vị liên quan.
Theo C03, quá trình điều tra xác định, trong quá trình Bộ Y tế tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp Số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á, bị can Nguyễn Huỳnh đã giới thiệu Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á với ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế. Đồng thời, ông Huỳnh đã có các hành vi “can thiệp và tác động” để ông Tuấn trình, ký đề xuất Bộ Y tế ban hành Quyết định cấp Số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á trái quy định của pháp luật.
Theo báo Thanh Niên, trước khi giữ chức Phó trưởng phòng Quản lý giá, ông Nguyễn Huỳnh có thời gian ngắn giữ chức Phó văn phòng của Cục Quản lý dược. Xét về mối quan hệ giữa cơ quan hành chính trong Bộ Y tế, chức vụ của ông Huỳnh thấp hơn ông Tuấn, chưa kể hành vi “can thiệp và tác động” tới ông Tuấn là trái với chức năng, nhiệm vụ của ông Huỳnh.
Đáng chú ý, các hành vi nêu trên của bị can Nguyễn Huỳnh xảy ra từ năm 2020. Tại thời điểm này, ông Nguyễn Huỳnh còn chưa từng giữ các chức vụ như đã nêu trên mà chỉ là một chuyên viên bình thường tại Bộ Y tế.
Một nguồn tin xác nhận với Thanh Niên, tại thời điểm đó, ông Nguyễn Huỳnh là thư ký của một Thứ trưởng Bộ Y tế.
Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á được C03 phát hiện Tháng Mười Hai năm ngoái, dù đang trong giai đoạn điều tra nhưng đây được coi là bê bối lớn nhất trong ngành y tế từ trước tới nay. Tính đến thời điểm này, C03 và công an nhiều tỉnh, thành đã khởi tố, bắt giam hơn 40 bị can, trong đó có 16 lãnh đạo, cán bộ nhiều CDC và Sở Y tế. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố một vụ án liên quan và bắt tạm giam hai sĩ quan, để điều tra về tội danh tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đã nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45% và chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng. Việt Á sau đó thu lợi trên 500 tỷ đồng.
Tại Bộ Y tế, ngoài ông Nguyễn Huỳnh, C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị – Công trình y tế và ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, cùng để điều tra về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Điều người dân quan tâm là liệu ông Nguyễn Huỳnh đã là “trùm cuối” của vụ án Việt Á chưa, hay vẫn là “tướng” bị thí trong ván cờ triệu đô? (Theo Thanh Niên)
Việt Nam nói sẵn sàng tham gia tái thiết Ukraine
27/5/2022
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Ukraine Gaman Oleksandr ngày 26/5/2022. Photo VPCTN.
Hôm 26/5, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Ukraine trình quốc thư, nói rằng Việt Nam “sẵn sàng tham gia tái thiết” đất nước đang bị chiến tranh này, đồng thời tái khẳng định lập trường của Hà Nội về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Trang thông tin của Văn phòng Chủ tịch nước dẫn lời Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói khi tiếp ông Gaman Oleksandr tại Phủ Chủ tịch: “Chia sẻ với những thiệt hại và mất mát to lớn mà người dân Ukraine đang trải qua, Chủ tịch nước mong muốn Ukraine sớm ổn định”.
“Trên tinh thần nhân đạo, sẻ chia gắn bó giữa hai dân tộc, cũng như quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện hai nước, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đã quyết định hỗ trợ nhân đạo 500.000 đôla cho người dân Ukraine thông qua Hội Chữ thập đỏ và Liên Hợp Quốc; đồng thời sẵn sàng hợp tác tham gia tái thiết Ukraine sau này”.
Ông Phúc nhắc lại lập trường lâu nay của Việt Nam rằng tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
“Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm cứu trợ cho người dân, cũng như thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, đáp ứng lợi ích và quan tâm chính đáng của tất cả các bên” truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói.
Trước đó, vấn đề tham gia tái thiết Ukraine đã được giới lãnh đạo Việt Nam nêu tại Liên Hiệp Quốc.
Hôm 16/5, khi gặp Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed ở New York, Hoa Kỳ, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói rằng Việt Nam “sẵn sàng đóng góp tích cực cho tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán, cũng như trong tái thiết và phục hồi tại Ukraine”.
“Chiến dịch quân sự đặt biệt” của Nga tại Ukraine đã diễn ra gần 100 ngày qua nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc. Một nghiên cứu gần đây tại Kyiv cho biết cuộc chiến này khiến Ukraine thiệt hại gần 600 tỷ đôla, với 92 tỷ đôla thiệt hại về cơ sở hạ tầng, và ước đoán nước này cần 7 tỷ đôla tiền hỗ trợ hàng tháng để khôi phục.
Trong khi nhiều nước lên án cuộc xâm lược của Nga, Việt Nam, một thân hữu cộng sản của Nga từ thời Xô Viết, nói rằng Việt Nam không ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine; và Việt Nam cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine.
Không có nhận xét nào