Mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel gặp khó sau lệnh bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
RFA
02/5/2022
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC
AIC Group
Việc xuất khẩu các vũ khí và thiết bị phục vụ an ninh của Israel sang Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn sau khi công an Việt Nam hồi tuần trước thông báo việc khởi tố và bắt giữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một người được cho là trung gian đứng giữa các vụ mua bán giữ hai nước. Trang tin Haaretz của Israel hôm 1/5 có bài phân tích về vụ bắt giữ này.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam hôm 29/4 vừa ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC (Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC) trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Bà Nhàn bị cáo buộc cùng với các giới chức thuộc Sở Y tế Đồng Nai và các công ty liên quan gian lận thầu cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Đồng Nai, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo các Facebooker chuyên đưa tin về an ninh ở Việt Nam thì dường như bà Nhàn hiện đang ở Nhật Bản nên chưa bị bắt giữ. Còn trang tin Haaretz thì cho biết bà Nhàn đã sang Châu Âu từ hơn một năm nay.
Theo Haaretz, bà Nhàn là một nhân vật quan trọng và là người môi giới trong hàng loạt các thoả thuận mua bán vũ khí và thiết bị phục vụ cho công an Việt Nam từ hơn 10 năm qua.
Trong khoảng 15 năm qua, Việt Nam đã trở thành một thị trường xuất khẩu vũ khí quan trọng cho Israel. Hai bên đã ký một thoả thuận vào năm 2011 nhằm tăng cường hợp tác an ninh, và một quan chức cấp cao của Israel đã sang thăm Việt Nam cách đây ba năm.
Theo Haaretz, các thoả thuận xuất khẩu vũ khí của Israel sang Việt Nam đã đạt hơn một tỷ đô la. Một trong các hợp đồng lớn nhất giữa hai nước hiện vẫn đang trong quá trình thảo luận là của công ty IAI của Israel bán cho tình báo quân đội Việt Nam thiết bị vệ tinh tình báo Ofek (hay còn goi là Horizon). Thoả thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam này trị giá khoảng 550 triệu đô la.
Theo nhà báo Yossi Melman, người viết bài phóng sự của Haaretz, Israel là nước đã cung cấp các vũ khí cho Việt Nam bao gồm máy bay không người lái, hệ thống phòng không, nâng cấp xe tăng và tên lửa. Một công ty của Israel còn lập một nhà máy ở Việt Nam để lắp ráp súng trường Tavor trị giá 100 triệu đô la.
Tác giả Yossi Melman trích một nguồn tin ở Việt Nam cho rằng nguyên nhân thực sự đứng đằng sau vụ bắt giữ bà Nhàn là do các thoả thuận mua bán vũ khí. Lý do gốc của vụ bắt giữ là cuộc cạnh tranh trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị báo Pháp đưa tin hồi năm 2021 có liên quan đến việc buôn bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel có dính đến tham nhũng.
Vụ bắt giữ xảy ra chỉ vài ngày trước khi Hội nghị Trung ương 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 4/5 đến 10/5 tới nơi 200 Uỷ viên trung ương sẽ thảo luận các vấn đề quan trọng của đất nước và Đảng Cộng sản, bao gồm cả vấn đề về tổ chức và chỉnh đốn Đảng.
Chiến tranh Ukraina : Nhật Bản và Việt Nam kêu gọi không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt
01/5/2022
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) và thủ tướng Nhật Fumio Kishida, tại Hà Nội ngày 01/05/2022 AP - Hoang Minh
Thủ tướng Nhật Bản có chuyến công du Việt Nam hai ngày, hôm qua 30/04/2022 và hôm nay 01/05. Chiến tranh Ukraina là chủ đề trọng tâm. Lãnh đạo chính phủ hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc « ngừng bắn ngay lập tức » tại Ukraina, và kêu gọi « không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ».
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc hôm qua. Hai bên đã có cuộc họp báo chung hôm nay để thông báo kết quả làm việc. Báo Nhật Japan Times dẫn lời thủ tướng Fumio Kishida, theo đó hai bên « khẳng định các quốc gia phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền » của các nước khác. Thủ tướng Nhật cho biết Tokyo và Hà Nội cũng nhất trí về các bên cần sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn, và « phản đối mạnh mẽ các đe dọa và việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng như các tấn công nhắm vào dân thường ».
Báo chí Nhật cũng cho biết thêm, trao đổi với phóng viên sau buổi họp báo, thủ tướng Nhật hoan nghênh « một bước đi tích cực » của chính phủ Việt Nam, với tuyên bố nói trên của thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Nhật có vòng công du Đông Nam Á một tuần. Một nhiệm vụ chủ yếu của ông Fumio Kishida trong chuyến công du này là thuyết phục các láng giềng Đông Nam Á có một lập trường chung rõ ràng hơn với Matxcơva. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina cuối tháng 2/2022 đến nay, chính quyền Việt Nam cố giữ vị trí trung lập, do quan hệ truyền thống lâu đời với Nga. Hà Nội đã hai lần bỏ phiếu trắng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina.
Ngoài Nga, Nhật Bản cũng tìm kiếm một lập trường chung với các nước Đông Nam Á về Trung Quốc. Thông tín viên Frédéric Charles tường trình từ Tokyo :
« Tại khu vực Đông Nam Á, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida không tìm cách tạo ra một mặt trận chung chống lại Nga và Trung Quốc. Thủ tướng Nhật chỉ muốn xây dựng một chính sách an ninh chung, sao cho toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương « tự do và mở cửa » cho tất cả.
Tại mỗi quốc gia Đông Nam Á nơi ông đến, lãnh đạo chính phủ Nhật nhắc lại rằng việc Nga xâm lược Ukraina là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền quốc gia của Ukraina, trong lúc Trung Quốc đang gây sức ép tại nhiều khu vực sát biên giới của các quốc gia Đông Nam Á, khi tuyên bố một số vùng biển mở hoặc eo biển Đài Loan thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Nhật Bản muốn xác định với Đông Nam Á một chiến lược chung, có tính đến thực tế của một khu vực vốn phụ thuộc vào Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế và không coi Nga là mối đe dọa quân sự trực tiếp ».
Thủ tướng Nhật : « khả năng hợp tác Việt - Nhật là không có giới hạn »
Báo chí Việt Nam nhấn mạnh đến thông điệp của thủ tướng Phạm Minh Chính « coi Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng, tin cậy, quan trọng hàng đầu ». Về phần mình, thủ tướng Nhật nói đến « khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là không có giới hạn ». Nhân chuyến công du của thủ tướng Nhật, hai bên « thông qua Bản cập nhật tiến độ hợp tác gồm 8 lĩnh vực: Hợp tác y tế, đầu tư và thương mại, ODA và cơ sở hạ tầng, giao lưu nhân dân, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác tư pháp, quốc phòng an ninh, hợp tác văn hóa, giáo dục ». Lĩnh vực được chính phủ Nhật – Việt đặc biệt chú ý là « tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực; hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số ».
Sau chặng dừng chân Indonesia và Việt Nam, thủ tướng Nhật tới Thái Lan hôm nay.
Tại Thái Lan, thủ tướng Nhật Bản cam kết tăng cường hợp tác về những hồ sơ nhạy cảm
02/5/2022
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (P) cùng người đồng cấp Thái Lan Prayuth Chan-ocha duyệt đội quân danh dự, Bangkok, Thái Lan, ngày 2/5/2022. REUTERS - SOE ZEYA TUN
Hôm qua, 01/05/2022, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm Thái Lan sau khi rời Việt Nam trong khuôn khổ vòng công du Đông Nam Á. Trong cuộc gặp với đồng nhiệm Thái Lan, ông Kishisa đã ký kết nhiều hợp đồng đầu tư và cam kết hợp tác chặt chẽ trong nhiều hồ sơ nhạy cảm của khu vực
Từ Bangkok, thông tín viên đài RFI, Carol Isoux, tổng kết buổi gặp giữa lãnh đạo hai nước :
« Nhật Bản là đối tác kinh tế thứ hai và là cộng đồng doanh nhân nước ngoài quan trọng nhất của Thái Lan. 90% của hơn hai triệu xe hơi được sản xuất mỗi năm ở Thái Lan đều là xe của các thương hiệu Nhật Bản. Cho nên chuyến thăm của thủ tướng Nhật Bản còn có mục đích tăng cường quan hệ đối tác và có được những khoản đầu tư đáng kể trong sản xuất xe hơi chạy bằng điện.
Liên kết trực tiếp với ngành công nghiệp xe ô tô, Hành Lang Kinh Tế Phía Đông, một mạng lưới cơ sở hạ tầng rộng lớn kết nối những khu công nghiệp với vùng vịnh Thái Lan, phía đông Bangkok, cũng là một dự án chủ đạo của chính phủ Thái. Họ hy vọng sẽ được sự hậu thuẫn kinh tế từ phía Nhật Bản để phát triển dự án này.
Cuối cùng, chuyến thăm này còn có một vế ngoại giao quan trọng, trước tiên là về Miến Điện, đang lún sâu vào khủng hoảng nhân đạo và chính trị. Tiếp đến là hồ sơ Ukraina. Thủ tướng Nhật Bản nhắc lại rằng cuộc chiến xâm lược này vi phạm luật quốc tế hiện hành, nhưng ông lại không tỏ ra quá gay gắt đối với Nga.
Tokyo vẫn muốn đề nghị một con đường khách để giải quyết các cuộc xung đột lớn toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn cũng là đối tác thương mại chính của các nước trong khu vực. »
Không có nhận xét nào