30 tháng 4, tôi thích viết gì đó. Tuy nhiên, vì là cảm xúc nên nó thường vô định. Vô tình hôm qua, người bạn nhắc đến tên “Hồ Hảo Hớn”, một tên đường tôi chưa từng nghe trong tự điển Sài Gòn của mình. Thế là, chuyện mò đường đã kéo tôi vào câu chuyện to tát này. Câu chuyện văn hóa Việt - Tên Đường Sài Gòn.
Hán-Việt có câu, "Vô tri bất mộ", là "không am hiểu thì không mến mộ". Không hiểu công lao nuôi dạy thì sẽ không tôn kính cha mẹ mình; Không hiểu văn hóa thì không yêu dân tộc mình. Và "Vô mộ bất hành" là sẽ không biết hiếu thảo với mẹ cha; từ chối giống nòi, chê bai nguồn gốc...
Tôi đánh cái vòng tiểu tiết để nói việc to hơn. Nếu hiểu tầm văn hóa và tư duy lịch sử của hệ thống tên đường Sài Gòn, chuyện đổi tên đường kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia", tệ hơn nữa là xóa tên, sẽ không xảy ra sau 30/4/1975.
Muốn hiểu một chế độ, hãy nhìn vào nền giáo dục. Thời Việt Nam Cộng Hòa, song với việc ấn hành hàng vạn sách văn sử, địa chí, danh nhân, thì việc đặt tên đường một cách lớp lang và mạch lạc, là một bài thực hành văn học cho quốc dân. Như một bảng “phong thần”, công trạng từng vị anh hùng được đánh giá tỉ mỉ trước khi đặt tên phù hợp vào địa thế hàng ngàn con đường, ngõ hẻm của một thủ đô.
Việc làm vĩ đại ấy, thế mà chỉ bởi một người làm, ông Ngô Văn Phát. Chỉ với chức vụ Trưởng ban Họa đồ, ông đã uyên bác về sử học đến mức độ mà xuyên suốt 50 năm, từ sau 1975, không một ai làm được như ông. Năm 1956, với ba tháng phác thảo, ông đã giúp ty Kỹ thuật Tòa Đô Chánh Sài Gòn có được một bức tranh sử lược của 4000 năm, đặt trên bản đồ toàn thủ đô Sài Gòn.
Thuần Phong Ngô Văn Phát hình phụ bản Như Việt Lưu
Từ Nam Kỳ Lục Tỉnh, để vào trung tâm Sài Gòn với cấu trúc tên đường các triều cận nhất như Lê, Nguyễn, trước tiên là các đường mang tên các tiền nhân lập quốc như Kinh Dương Vương, Hồng Bàng, Hùng Vương, An Dương Vương...
Sau đó, những con đường các triều đại mở đầu thời tự chủ như Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần sẽ tiếp dẫn vào Sài Gòn như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo...
Những con đường mang ý tưởng cao đẹp của dân tộc được đặt giữa cái rốn Sài Gòn như Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất… Đường một chiều Công Lý, một chiều của đúng sai, nằm vắt ngang cổng Pháp Đình Sài Gòn. Rộng đẹp xứng tầm là đại lộ Thống Nhất, con đường gắn liền với hai chữ Dinh “Độc Lập”, cơ quan quyền lực nhất quốc gia…
Nguyễn Du với kiệt tác Kiều, là khuôn mẫu về văn phạm câu từ trong thi ca Việt hơn 100 năm qua. Đại lộ mang tên ông, còn gì tuyệt xứng hơn với đường cây râm bóng mát, ngang qua công viên Tao Đàn đẹp đẽ nhã nhặn, cái tên mà khi xưa vua Lê Thánh Tôn đã lập ra Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú cho hội thơ của mình. Tiếp cạnh bên là “làng biệt thự”, nơi các dinh thự khép kín, hoa lệ và đa dạng của ba trào lưu kiến trúc, nằm quanh những con đường mang tên văn sĩ, thi nhân, mà khi nhắc đến, ta nghĩ ngay là Quận 3. Đầu tiên là ba nhà nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm; rồi thì Lê Quý Đôn, Tú Xương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Đình Chiểu, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Thông, Trương Minh Ký, Yên Đổ…
Lê Lợi mất ngày 22 tháng 8 năm 1418. Trước khi mất, ông dặn con cháu phải giỗ Lê Lai trước một ngày, nghĩa là ngày 21 tháng 8 mỗi năm. Thế nên dân gian có câu vè “Hai mươi mốt Lê Lai, hai mươi hai Lê Lợi”. Đường Lê Lai song với đại lộ Lê Lợi cũng trong hàm ý này, nhưng ngắn hơn vì ông lấy thân chết thay cho Lê Lợi, người dựng triều Hậu Lê gần 400 năm.
Những đại lộ ngắn ngủi, Nguyễn Huệ phải nói trước tiên. Nằm vắt ngang giữa phố thị Sài Gòn, ngạo nghễ như chiến công phá tan 20 vạn quân Thanh. Ngắn là thần tốc, là ngắn mệnh đời, cũng như triều đại của ông.
Ngoài ra, vừa ngắn lại vừa song song với đầy ngụ ý đối lập, đường mang tên hai cụ Phan là tiêu biểu nhất. Phan Bội Châu chủ trương bạo động, khởi xướng Đông Du, lập Duy Tân đánh Pháp. Phan Chu Trinh chủ trương ôn hòa, hợp tác với Pháp, chủ xướng“ dân khôn thì nước mạnh” mà đuổi Pháp. Cả hai đồng hành nhưng kịch liệt không là đồng chí, nên mãi mãi, kẻ ở cửa Đông, người cửa Tây chợ Bến Thành.
Quan nhà Trần là Nguyễn Biểu, bị nhà Minh trói dưới chân cầu Lam, dùng thủy triều dâng mà dìm chết ông. Thế nên, tên của ông được đặt dưới chân cầu chữ Y kéo dài đến Trần Hưng Đạo.
Ba đoạn nhánh sông Sài Gòn này được đặt tên cho ba trận thủy chiến lừng danh nhà Trần đại phá quân Nguyên là bến Chương Dương, bến Hàm Tử, cuối cùng là bến Bạch Đằng với tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, tay chỉ thẳng ra bờ sông như tống cổ ngoại xâm.
Công trường Mê Linh cũng được đặt tên nơi này. Bắt đầu cho đường Hai Bà Trưng tiến thẳng lên phía Bắc, cùng khởi đầu với đường mang tên chồng của Bà, thật ngắn như đời của ông, đường Thi Sách.
Những con đường tên Pháp, trước tiên phải nói là Alexandre de Rhodes, người đã phát triển bộ chữ Quốc ngữ cho Việt Nam ta ngày nay. Từ dinh Độc Lập nhìn ra, cạnh đại lộ Thống Nhất, đường Alexandre de Rhodes tuyệt đẹp và sang trọng được đặt giữa cái nôi Sài Gòn.
Thế mà sau 1975, những kẻ “vô tri” nên “bất mộ” sự cống hiến của ông, đã ít nhất một lần xóa hẳn tên ông khỏi bản đồ Sài Gòn. Nhờ sự can thiệp của nhà ngôn ngữ học Hoàng Xuân Hãn (Pháp), tên ông được trả lại đến giờ này.
Ba nhà khoa học cống hiến trong ngành y Việt Nam, đã được đặt tên song song nhau là Pasteur, Calmette và Yersin. Trong đó, Pasteur là nghiêm cứu gia đầu tiên sáng chế thuốc kháng sinh trên thế giới. Bác sĩ Calmette là người sáng lập viện Pasteur Sài Gòn. Và Yersin, vị bác sĩ vi khuẩn học, hiệu trưởng đầu tiên trường Y Khoa Hà Nội.
Tân Định được biết như khu hoàng phủ nhà Trần. Vì tên các danh tướng như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khắc Chân, đều nằm quanh các tuyến đường ở đây. Cũng trong Quận 1, ta có cụm đường mang tên các tử sĩ “Khởi Nghĩa Yên Bái” bị Pháp hành quyết năm 1930 như, Nguyễn Thái Học (chồng), Cô Giang (vợ), Cô Bắc, Ký Con, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu…
Với cách đặt tên đường theo nhóm, như kim chỉ nam, giúp cho việc định hướng khu vực đường thật dễ dàng.
Quận 5 là phố người Hoa. Ngoài các tên đường như Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử... Các danh thần Việt gốc Hoa cũng được vinh danh vòng quanh khu Chợ Lớn, như Mạc Cửu, Trịnh Hoài Đức, Võ Trường Toản, Mạc Thiên Tích...
Kể cả Tổng Đốc Phương, cái tên bị liệt vào tội đồ dân tộc Việt vì đã gây ra cái chết cho Nguyễn Trung Trực, cũng được đặt tên trên phố này (nay là Châu Văn Liêm). Có câu, “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch”, Phương đứng thứ nhì Sài Gòn, sau Huyện Sỹ. Dùng quan trường làm giàu, ông là tổ sư “lobbyist”, không có Tổng Đốc Phương, không có Chợ Lớn đồ sộ từ người Pháp.
Và khi nói đến tên đường bị xóa, không thể bỏ qua Phan Thanh Giản. Việc đánh mất ba tỉnh Nam Kỳ đã xóa sạch những công trạng và suy tư về dân tộc của ông lúc sinh thời.
Cái tội “vô tri” là chỗ này. Nếu xóa thì xóa cho sạch, thay thì thay cho xứng, mới là “ôn cố tri tân”. Điển hình như quyền thần Tôn Thất Thuyết, giết vua hiếp thần, sao không xóa?
Cống hiến cho Nam Kỳ, có mấy người như Thoại Ngọc Hầu; đánh Cao Miên, dẹp Xiêm La, có ai bằng Trương Minh Giảng; bình Gia Định, có ai hơn Lê Văn Duyệt; vua trời Nam, có ai hơn Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định; danh tướng dựng cõi Nam hà có ai hơn Võ Tánh, Võ Di Nguy, Nguyễn Văn Thành; uyên bác và đức hạnh có ai bằng Hiền Vương, Petrus Ký… sao lại bị xóa đi và đổi dời!
Sự “vô tri” về văn học khiến người ta chẳng hoài mến thương dân tộc mình; với đất đai tổ tiên thì chẳng thèm gìn giữ; với đồng bào thì cứ trơ mặt ra mà lừa phỉnh nhau.
Sự “bất mộ” khiến người ta miệt thị những ý tưởng cao đẹp của dân tộc mà không hề hay biết, khi quăng vào xó rác những địa danh mang tên Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất…
Thay vào đó bằng tên các nhân vật chính trị (xin miễn liệt ra). Khi hội đủ sự tột cùng về “vô tri” lịch sử, địa lý hay danh nhân, “Sài Gòn” bị thay tên chỉ là chuyện sớm muộn. Hàng ngàn con đường mang tên tiền nhân 4000 năm, đổ vào dưới chân thành phố mang tên “HCM”, sự bất kính với tiền nhân và sự cuồng tôn, cỡ này là cùng.
Đây không phải là niềm hãnh diện của một dân tộc nên có. Cái mà thêm ngàn năm nữa, không một quốc gia nào dám thực thi.
QTB 30.4.2022
Phụ lục:
Trung Hiếu 04/5/2022
Bảng đối chiếu tên đường phố Sài Gòn thời Pháp thuộc, VNCH và TPHCM hiện tại
Không có nhận xét nào